Thực chất của vấn đề này lợi hay hại đối với Việt Nam khi Hà Nội luôn theo đuổi chính sách kềm chế đối với Bắc Kinh?
Sáng ngày 22 tháng 11 cả hai nước Việt Nam và Philippines chừng như cùng lúc lên tiếng chính thức phản đổi Trung Quốc trước ý định in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu của họ. Ông Lương Thanh Nghị người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng việc làm này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.
TS Nguyễn Duy Chiến, trưởng ban biên giới chính phủ cho biết nhận định của ông trước sự kiện này:
"Quan điểm của tôi cũng giống với quan điểm phản đối của Bộ Ngoại giao. Rõ ràng như thế chứ không có gì phải nói thêm cả."
Sự lo xa của Philippines
Trong khi đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines ông Raul Hernandez khẳng định Manila không thể bỏ qua hành động này của Trung Quốc cũng như cho phép nước này tiếp tục lưu hành loại hộ chiếu in hình bản đồ xâm phạm chủ quyền của Philippines.
Nguyễn Trọng Vĩnh
Chưa ngừng ở đó, sáng ngày 23 tháng 11 Đài Loan phát hiện tấm bản đồ này chồng lên hai địa danh nổi tiếng của họ là Nhật Nguyệt Đàm (Sun Moon Lake) và Thanh Thủy Đoạn Nhai (Cingshui Cliff). Tổng thống Mã Anh Cửu lập tức lên tiếng chống đối mạnh mẽ sự việc này. Cũng như Việt Nam và Philippines Đài Loan cho thấy không chịu đựng nỗi sự liều lĩnh đến độ trâng tráo của một nước mà chính họ có huyết thống.
Phản ứng của Philippines được xem là mạnh mẽ nhất khi ông Hernandez tuyên bố "Hộ chiếu sẽ được sử dụng bởi các công dân Trung Quốc và nếu Phi cho phép lưu hành chúng thì chẳng khác nào đã mặc nhiên công nhận chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở toàn bộ Biển Đông".
Sự lo âu của Philippines có vẻ vượt quá xa hiện thực vì thông lệ ngoại giao quốc tế chưa bao giờ công nhận một tấm bản đồ in trên hộ chiếu lại xác nhận được chủ quyền của nước đó. Tấm bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc chưa được ai công nhận thì lại càng vô giá trị hơn. Trong mưu toan này người ta chỉ có thể chấp nhận hình ảnh tấm bản đồ ấy như một vật trang trí không hơn không kém.
Sẽ không thể có tiền lệ
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết giá trị của tấm bản đồ in trên hộ chiếu là hoàn toàn không có tính pháp lý vì chưa có nước nào làm và chấp nhận như Trung Quốc đang làm:
"Cái ý đồ của họ là làm mọi cách tuyên truyền ra thế giới để chứng minh các quần đảo ấy, các vùng biển ấy là của họ. Nó chỉ cốt chứng minh như thế thôi. Từ trước tới nay hộ chiếu của các nước đều không có ai in bản đồ của mình vào đó cả. Không biết thế nào mà Trung Quốc họ lại in cái bản đồ lưỡi bò vào đó? Nó chỉ có mục đích muốn truyền bá cái đó là của nó. Nhưng nó làm thế là đơn phương, vô lý.
Mặc dầu nó làm như thế thì làm nhưng không ích gì vì các nước người ta không ai thừa nhận cả."
Hành động tự phát của Trung Quốc chỉ có thể giải thích từ những sự kiện mà nước này từng làm và từng thất bại. Những diễn tiến liên tục trong thời gian gần đây cho thấy mỗi ngày ý đồ bành trướng của Bắc Kinh thêm lộ liễu hơn. Trung Quốc thèm khát Biển Đông đến độ bất chấp những giá trị phổ quát nhất trên trường ngoại giao quốc tế. Ít nhất hai lần Bắc Kinh mang tiền bạc làm sức ép trên bàn hội nghị ASEAN đối với nước chủ nhà Campuchia. Buộc Phnom Penh hai lần gây mất uy tín của ASEAN khi không đồng thuận được về vấn đề Biển Đông.
Hành động này không những bị báo chí Tây phương bình luận mà còn tác dụng ngược khi gián tiếp làm nảy sinh cuộc gặp gỡ giữa Philippines, Việt Nam, Malaysia, và Brunei vào ngày 12 thág 12 sắp tới trong khuôn khổ bàn thảo và tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Đây là một nỗi chua chát đối với Trung Quốc khi rõ ràng sự vận động của Bắc Kinh đối với Campuchia là vô ích.
Bốn nước ASEAN đang tự tìm cho mình hướng đi bất chấp sự chòng chành của các thành viên còn lại. Hội nghị bốn nước sắp tới tại Manila nói lên sự thật rằng Trung Quốc đã sai lầm khi đem binh thư của thời Chiến quốc ra áp dụng vào thế kỷ của vệ tinh và hàng không mẫu hạm.
Việc cho in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu của người dân Trung Quốc là một canh bạc thấu cáy nguy hiểm. Sau những nỗ lực hù dọa, mua chuộc hay áp lực để chiếm bằng được biển Đông không thành công đã khiến Trung Quốc liều lĩnh làm một việc ngoài khả năng tiên liệu.
Phản ứng bất lợi thứ nhất đối với Trung Quốc là tạo nên tiếng nói chung của những nước bị đường lưỡi bò chồng lấn. Trước đây khi Trung Quốc có những hành động riêng rẽ ức hiếp các nước trong khu vực thì phản ứng của từng nước không giống nhau. Khi ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt bớ, tấn công hầu như không một nước nào lên tiếng cho dù chỉ là loan tin. Khi vụ bãi cạn Scaborough nổ ra giữa Philippines và Trung Quốc thì Việt Nam tỏ ra vô can không một lời bình luận, xem như việc tranh chấp là chuyện nhà của người khác.
Việt Nam hưởng lợi như thế nào?
Nguyễn Trọng Vĩnh
Trước đây vấn đề Biển Đông được các tờ báo nổi tiếng Tây phương xem như chuyện địa phương thì ngay sau khi tin tức cho in tấm bản đồ lên hộ chiếu đã làm nhiều tờ báo nổi tiếng giật mình và đánh hơi thấy đây chính là đề tài nóng và hấp dẫn chỉ sau vấn đề Do Thái và Palestine.
Khi báo chí Tây phương nhập cuộc thì trái banh khó lòng còn nằm trong chân Trung Quốc.
Đối phó với tấm hộ chíếu bất thường của những du khách Trung Quốc khi họ vào Việt Nam là điều quá dễ dàng đối với chính quyền Hà Nội. Ngay trước bàn hải quan nơi du khách trình hộ chiếu, một tấm bảng lớn được viết với bốn thứ tiếng Việt, Anh, Pháp và Trung có nội dung: "Chào mừng các bạn đến với Việt Nam! Bạn có biết Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hay không?"
Hai cách chứng minh chủ quyền nhưng khác nhau về trình độ. Tấm hộ chiếu chỉ tuyên truyền trong dân chúng của họ, còn cái bảng tuyên ngôn kia đang nói cho cả thế giới biết sự thật bất kể họ thuộc quốc tịch nào.
Còn một điều nữa quan trọng hơn rất nhiều, ngay cả khi Việt Nam không cần làm gì cả!
Đó là khi Trung Quốc đưa con bài hộ chiếu ra thì chính là lúc họ tự mình đánh thức giấc ngủ của nhân dân nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Từ ngày mai trở đi khi du khách Trung Quốc đến Việt Nam trình hộ chiếu nhập cảnh, không biết người cán bộ hải quan ngồi xét hộ chiếu nghĩ gì khi đất nước của mình nằm trong tay người du khách xa lạ kia, và anh ta có cảm thấy mặc cảm tội lỗi đối với dân tộc, với tổ tiên của mình hay không khi tự tay anh đóng con dấu cho phép họ nhập cảnh?
Rồi khách sạn, nơi bán vé máy bay… những dịch vụ phải trình hộ chiếu… biết bao người Việt Nam nữa sẽ kể cho nhau nghe sự nhục nhã của họ khi sống trên một đất nước mà chủ quyền bị kẻ khác công khai tuyên bố. Thái độ thờ ơ lâu nay của người dân được đánh thức không lẽ là một thất bại đối với Việt Nam hay sao?
Phản ứng dây chuyền này sẽ làm chính phủ Việt Nam thức tỉnh trước một sự thật khó che đậy: lòng dân là sức mạnh của dân tộc. Nó lớn lao và thiêng liêng hơn bất cứ tình hữu nghị nào. Những kềm chế từ bấy lâu nay như chiếc bong bóng đầy hơi sẽ bị lòng dân đâm thủng khi tấm hộ chiếu mang hình lưỡi bò xuất hiện tại Việt Nam. Điều đó là chắc chắn.
Việt Nam có nên lấy làm làm mừng hay không khi cờ đang đến tay mình?
Theo dòng thời sự:
- Tranh chấp biển Đông căng thẳng tại Thượng đỉnh ASEAN
- ASEAN thảo luận về bất ổn Miến Điện và tranh chấp Biển Đông
- 10 nước ASEAN đồng lòng muốn TQ đàm phán về Biển Đông
- ASEAN thông qua bản Tuyên Bố Nhân Quyền
- Indonesia đề xuất lập "đường dây nóng" để ngăn chặn xung đột trên Biển Đông
- Biển Đông, nhân quyền - đề tài nóng tại Thượng đỉnh ASEAN 21
- Thượng đỉnh ASEAN nỗ lực hàn gắn rạn nứt Biển Đông
- Trung Quốc muốn trở thành cường quốc hàng hải
- Sự vô nghĩa của từ "hợp tác"