Bài học quân sự của Ukraine cho Việt Nam: sáng tạo và đa dạng hóa

0:00 / 0:00

Tiếp theo phần trước, TS. Kelly A Grieco ở Stimson Center chia sẻ với RFA về bài học Ukraine kết hợp các loại vũ khí thuộc hệ vũ khí Nga với các vũ khí công nghệ mới mà Phương Tây hỗ trợ để đánh bại cuộc xâm lược của Nga. Vũ khí Nga đã được chứng minh là thất bại trước công nghệ quân sự mới. Nhưng theo TS. Kelly, việc chuyển đổi của các nước vốn phụ thuộc vào vũ khí Nga như Việt Nam không phải là chuyển hẳn sang vũ khí Mỹ vì điều đó bất khả thi, mà là đa dạng hóa một cách sáng tạo. Ấn Độ cũng nhìn bài học Ukraine để đa dạng hóa vũ khí theo con đường này.

RFA: Theo bà, các nước đang phát triển như Việt Nam và phải đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông thì nên làm gì và có thể làm gì để thích ứng với cục diện quân sự mới: Trung Quốc tăng cường phát triển vũ khí công nghệ cao?

Kelly A. Grieco: Các quốc gia nên tận dụng lợi thế phòng thủ trong chiến tranh trên không. Như phần trước đã nói, do ưu thế trên không là điều kiện tiên quyết cho các hoạt động quân sự tấn công, họ nên định hướng lực lượng phòng không, không quân và học thuyết quân sự của mình hướng đến nhiệm vụ thuyết phục Bắc Kinh rằng họ không thể giành được ưu thế trên không. Bắc Kinh sẽ không muốn động thủ một cuộc chiến mà họ không thể thắng. Bạn càng làm cho nó tin rằng nó không thể thống trị bầu trời, thì bạn càng có hòa bình vì bạn ngăn cản ý chí gây chiến của nó.

Để thích ứng với nghệ thuật quân sự công nghệ cao, và ngăn chặn ưu thế trên không trước Trung Quốc, các quốc gia trong vùng như Việt Nam nên sử dụng số lượng lớn các loại vũ khí nhỏ hơn, chi phí thấp hơn, theo cách phân tán, có thể liên hợp cùng nhau bằng các công nghệ mới, để bảo đảm có thể sống sót sau cuộc tấn công trên không ban đầu của kẻ thù, mà vẫn giữ được không phận bị nó tranh chấp.

Như cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy, chiến lược phong tỏa đường không đôi khi là sự lựa chọn thông minh hơn là cố giành ưu thế trên không hoàn toàn về mặt tấn công. Vào năm ngoái, Ukraine đã thành công trong việc ngăn chặn ưu thế trên không của lực lượng không quân Nga, lớn hơn và hiện đại hơn gấp 10 lần so với lực lượng của họ, bằng cách giữ cho hệ thống phòng không trên mặt đất hoạt động trong trạng thái cơ động nhưng vẫn liên kết được với nhau.

Những thay đổi trong công nghệ mới đã tăng cường đáng kể lợi thế của lực lượng phòng không di động trên mặt đất so với các lực lượng không quân tấn công. Sáng tạo chiến thuật "bắn và chuồn" cả trên trời và dưới mặt đất, lực lượng phòng không bắn tên lửa và nhanh chóng tắt radar và lái đi để ẩn nấp trong môi trường hỗn tạp trên mặt đất—thành phố, rừng rậm, v.v.

Tôi nghĩ điều này cũng tạo ra một điều thú vị cho Hoa Kỳ về mặt. Hoa Kỳ cần nhận ra hạn chế này của một số nước đã tích lũy rất nhiều nguồn lực quân sự của Nga. Hoa Kỳ có thể sẽ muốn nghĩ xem chúng tôi cần dự trữ loại nguồn lực nào trong trường hợp xảy ra xung đột để cố gắng hỗ trợ một số quốc gia có công nghệ vũ khí chủ yếu đến từ Nga.

Ví dụ bây giờ, chúng ta đã thấy ở Ukraine chẳng hạn. Người Ukraine thực sự sáng tạo. Họ có thể lắp đặt một tên lửa dẫn đường bằng radar của Mỹ lên một chiếc máy bay MiG cũ kỹ từ thời Liên Xô. Đó là một sáng tạo chưa bao giờ được thực hiện trước đây.

RFA. Đó là yêu cầu về sáng tạo. Còn vấn đề đa dạng hóa vũ khí thì sao? Sáng tạo như thế nào khi trong tay chủ yếu vẫn là vũ khí kiểu cũ của Nga?

Kelly A. Grieco: Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy một số rủi ro của việc phụ thuộc nặng nề vào vũ khí của Nga. Ví dụ, khoảng 60-80% phần cứng quân sự của Ấn Độ đến từ Nga. Nhìn từ kết quả của cuộc chiến Ukraine, Ấn Độ đang tìm cách đa dạng hóa các hoạt động mua sắm quốc phòng.

Điều quan trọng là Ấn Độ không tìm cách thay thế hoàn toàn vũ khí do Nga sản xuất bằng vũ khí của Mỹ. Nó đang theo đuổi sự đa dạng hóa thực sự, thay thế một số máy bay và pháo do Liên Xô và Nga sản xuất bằng sự kết hợp của các hệ thống Pháp, Mỹ và Israel. Công việc này đang được tiến hành. Một chiến lược đa dạng hóa như vậy hứa hẹn sẽ củng cố chính sách tự chủ chiến lược của họ. Đây là một bài học cho các quốc gia khác trong khu vực.

Hầu hết các quốc gia vẫn thích "phòng ngừa rủi ro" hơn là chọn ngả hẳn về một bên trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Việc đa dạng hóa vũ khí nhập khẩu giúp tăng cường tính linh hoạt chiến lược đáp ứng hướng đi linh hoạt đó.

Cuộc chiến ở Ukraine mang đến nhiều bài học cho các quốc gia khác, trong đó có Mỹ. Một bài học quan trọng là các quốc gia có khả năng thành công hơn bằng cách mô phỏng các bài học thành công trong thực tiễn với điều kiện họ điều chỉnh chúng cho phù hợp với các điều kiện cụ thể và thực tiễn quân sự của mình.

Nhiều nhà bình luận cho rằng việc huấn luyện quân sự của Hoa Kỳ trước tháng 2 năm 2022 đã góp phần vào thành công quân sự của Ukraine. Đó là một câu chuyện hấp dẫn, nhưng câu chuyện đó cũng nói hơi quá cho Hoa Kỳ và các nước NATO. Người Ukraine đã thành công vì họ học hỏi và thích nghi nhanh chóng trên chiến trường, đồng thời thể hiện sự khéo léo và sáng tạo đáng kể, chứ không phải vì họ đã sao chép học thuyết và chiến thuật quân sự của Hoa Kỳ.

Ví dụ, vào mùa thu, Ukraine đã tiến hành hai cuộc phản công lớn, giải phóng lãnh thổ ở Kharkiv và Kherson. Quân Ukraine điều động lực lượng của họ vào vị trí, bao vây quân Nga. Về cơ bản, họ đưa ra cho người Nga một lựa chọn: bị bao vây hoặc rút lui. Người Nga chọn rút lui. Điều đáng chú ý là Ukraine đã không cố gắng tiến hành chiến tranh cơ động kiểu Mỹ để đạt được những chiến thắng này. Thay vào đó, Ukraine tiếp nhận vũ khí phương Tây nhưng sử dụng chúng một cách sáng tạo theo cách riêng phù hợp với điều kiện của mình.

Việt Nam, giống như Ấn Độ, nên suy nghĩ nghiêm túc về việc đa dạng hóa nhập khẩu vũ khí. Nước này cũng nên xem xét lại các chiến thuật quân sự của Nga tương thích với vũ khí họ có. Đặc điểm của chiến tranh đã thay đổi đáng kể và chiến thuật của Nga đã không theo kịp những thay đổi này.

Thay vào đó, Việt Nam nên lấy Ukraine làm hình mẫu. Khi bắt đầu chiến tranh, phần lớn vũ khí và kỹ thuật quân sự của Ukraine có nguồn gốc từ nước Nga Xô viết. Nhưng người Ukraine đã học được rất nhiều từ cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine kể từ năm 2014. Họ đã dần dần điều chỉnh các chiến thuật đó và kết hợp nhiều máy bay không người lái giá rẻ hơn và khả năng kết nối mạng (bao gồm cả ứng dụng di động) vào quân đội của mình.

Nói cách khác, quân đội Ukraine đã và vẫn có nền tảng quân sự của Liên Xô (hoặc Nga), nhưng Kiev đã điều chỉnh nền tảng đó cho phù hợp với thực tế của chiến tranh thế kỷ 21. Các lực lượng của họ được phân bổ và linh hoạt, sử dụng rộng rãi máy bay không người lái để trinh sát và tấn công, đồng thời có khả năng chỉ huy nhanh nhẹn.

RFA. Gần đây, Việt Nam cố gắng đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí. Global Firepower-GFP xếp năng lực quân sự của Việt Nam hạng 19 thế giới và thứ nhìn Đông Nam Á (sau Indonesia). Tuy nhiên, vũ khí, công nghệ quân sự Việt Nam phụ thuộc gần như chủ yếu vào Nga. Dưới góc nhìn của một chuyên gia về công nghệ quân sự, bà đánh giá như thế nào về khả năng và tốc độ của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc chuyển đổi mô hình quân sự?

Kelly A. Grieco: Sẽ cần thời gian để một quốc gia như Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí và chuyển đổi mô hình quân sự của mình để đáp ứng những thách thức mới của chiến tranh mới của thế kỷ 21.

Tin tốt là Việt Nam có thể làm được. Các công nghệ quân sự của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư—trí tuệ nhân tạo, người máy, dữ liệu lớn, sản xuất bồi đắp (“sản xuất bồi đắp” hay “Additive Manufacturing”, là cách nói khác của công nghệ in 3D, một cách thức chế tạo sản phẩm bằng thiết kế trước sản phẩm trên phầm mềm, rồi “bồi đắp” từng lớp vật liệu lên nhau, chính xác theo thiết kế đó.), v.v.— là các công nghệ lưỡng dụng.

Không giống như các cuộc cách mạng công nghệ quân sự trước đây, chẳng hạn như các cuộc cách mạng về vũ khí tàng hình và dẫn đường chính xác. Lần này, cái đang thúc đẩy sự thay đổi là các công nghệ mới vốn do bên dân sự phát triển, vốn đã ứng dụng trong thương mại, chứ không phải bắt nguồn từ nghiên cứu bí mật của chính phủ và quân đội. Những công nghệ này tương đối rẻ và đã phổ biến rộng rãi. Do đó, các rào cản gia nhập vào thế giới mới thấp hơn nhiều so với các thời đại trước đây.

Ngày nay, các công nghệ quân sự tiên tiến, từ máy bay không người lái và năng lực không gian mạng cho đến vệ tinh, đã có sẵn ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các cường quốc vừa và nhỏ. Việt Nam nằm trong số đó.

Nhưng các nước này nên chi tiêu hợp lý ngân sách quân sự của mình. Thay vì xây dựng quân đội của mình xung quanh một số lượng nhỏ các năng lực tinh vi và đắt tiền (ví dụ: máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hoặc thứ sáu), họ nên tập trung vào việc mua một số lượng lớn các hệ thống vũ khí nhỏ hơn, rẻ hơn, đặc biệt là tên lửa, máy bay không người lái và hệ thống phòng không. Tương lai của chiến tranh trên không là robot bay, không phải máy bay có người lái.

Xin cảm ơn Tiến sĩ Kelly A. Grieco đã dành thời gian trả lời với RFA.