Bà Farida Shaheed, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ trong lĩnh vực văn hoá, vừa kết thúc chuyến viếng thăm VN trong gần 2 tuần, bắt đầu từ ngày 18 tháng 11 vừa rồi. Tại VN, bà Shaheed đã đi qua nhiều tỉnh, tiếp xúc nhiều người, kể cả giáo dân Cồn Dầu để rồi phúc trình về các quyền văn hóa của người dân Việt Nam. Một số giáo dân Cồn Dầu, tại VN và cả ở Bangkok, đã gặp Đặc sứ này của LHQ.
Thăm Cồn Dầu
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 29 tháng 11 vừa rồi, bà Farida Shaheed, Đặc sứ LHQ về Quyền Văn Hóa, sau chuyến thị sát Cồn Dầu, đã nhắc đến vấn đề Cồn Dầu như một thí dụ điển hình về hậu quả của việc cưỡng chế đất đai, phá vỡ nếp sống văn hóa truyền thống của một xứ đạo và làng quê VN,và yêu cầu chính quyền VN giải quyết trường hợp này. Đại ý, bà Farida cho biết:
Tôi cũng quan ngại trước những trường hợp đời sống và văn hóa của cộng đồng địa phương hoặc cộng đồng thiểu số đã bị các chương trình phát triển phá vỡ hoàn toàn. Ví dụ, tôi được biết rằng người dân ở giáo phận Cồn Dầu tại Đà Nẵng tiếp tục bị cưỡng chế khỏi mảnh đất họ đã sống lâu đời, để dọn đường cho một dự án nhà ở tư nhân lớn. Tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ kịp thời can thiệp để giải quyết trường hợp cụ thể này. Nhìn chung hơn, tôi khuyến nghị Chính phủ bảo đảm việc công nhận sở hữu tập thể đối với đất đai cho những cộng đồng có ước muốn duy trì và phát triển nếp sống truyền thống của họ, thường là dựa vào nông, ngư nghiệp, chăn nuôi.
Tôi được biết rằng người dân ở giáo phận Cồn Dầu tại Đà Nẵng tiếp tục bị cưỡng chế khỏi mảnh đất họ đã sống lâu đời, để dọn đường cho một dự án nhà ở tư nhân lớn. Tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ kịp thời can thiệp để giải quyết trường hợp cụ thể này
bà Farida Shaheed
Trước khi bà Farida và phái đoàn lên đường đi VN, đại diện giáo dân Cồn Dầu tại hải ngọai, ông Trần Thanh Tùng cư ngụ ở Hoa Kỳ đã nộp bản báo cáo về hành động vi phạm quyền văn hóa của giới cầm quyền VN trong việc cưỡng chế đất đai tại Cồn Dầu, đồng thời làm việc với đại diện của bà Farida tại Bangkok, mời bà đến thị sát Cồn Dầu để chứng kiến tận mắt cảnh hoang tàn đổ nát cũng như trực tiếp gặp các nạn nhân.
Bà Farida đã đến Cồn Dầu và sau đó gặp gỡ hai đại diện giáo dân trong hai tiếng đồng hồ tại Đà Nẵng để tìm hiểu sâu xa hơn về ảnh hưởng đến đời sống cũng như nguyện vọng của họ mà họ muốn bà truyền đạt lại. Một trong hai giáo dân vừa nói là bà Nguyễn thị Loan. Giáo dân Nguyễn Thị Loan kể lại rằng vào một buổi trưa, khi đang đi trên đường thì tình cờ gặp bà Farida. Bà hỏi đường vào Nhà Thờ và nhân tiện hỏi giáo dân này là người ở đâu, làm gì. Giáo dân Nguyễn Thị Loan trình bày tình cảnh của gia đình chị cũng như các giáo dân còn ở lại Cồn Dầu, như sau:
Chúng tôi là những Con Chiên của Giáo xứ Cồn Dầu, không vì mục đích lợi nhuận cá nhân. Chúng tôi chỉ vì muốn bảo tồn văn hóa của Giáo xứ Cồn Cầu, muốn bảo tồn những gì quý báu của ông bà để lại từ bao đời nay. Thì bây giờ chúng tôi phải hy sinh hết cho những việc đó, cho cộng đồng này, chứ không vì bất cứ gì cho cá nhân, bản thân mình. Như vậy chúng tôi quyết định không đi, ra sức giữ lại quê hương chôn nhau cắt rốn của mình, giữ lại tên tuổi của giáo xứ Cồn Dầu. Chúng tôi không chịu đi thì người ta cưỡng chế nhà mình, cày ủi, san bằng hết, không còn gì cả. Chúng tôi phải đi thuê nhà ở.
Cuộc sống rất khó khăn. Bởi vì trong thời gian này, chính quyền Đà Nẵng đã lấy hết tất cả đất đai, bán cho người giàu chứ không phải người ta làm công ích, làm bệnh viện, trường học hay làm những gì gọi là phúc lợi cho người dân. Người ta chỉ làm chỉ để phúc lợi cho họ thôi. Còn người ta bắt chúng tôi phải đi nơi khác, phải rời xa Nhà Thờ này. Họ muốn xóa sổ tên tuổi của Cồn Dầu này. Người ta không muốn cái gì còn lại là Cồn Dầu cả. Giáo xứ Cồn Dầu có trên 135 năm rồi, chứ không phải mới có một ngày, hai ngày gì.
Chúng tôi là những Con Chiên của Giáo xứ Cồn Dầu, không vì mục đích lợi nhuận cá nhân. Chúng tôi chỉ vì muốn bảo tồn văn hóa của Giáo xứ Cồn Cầu, muốn bảo tồn những gì quý báu của ông bà để lại từ bao đời nay
Giáo dân Nguyễn Thị Loan
Ước mơ của giáo dân Cồn Dầu
Vẫn theo giáo dân Nguyễn Thị Loan thì Cồn Dầu bây giờ còn 117 hộ chưa đi. Họ quyết bám trụ ở lại cho bằng được, lấy lại cho bằng được tên tuổi của Giáo xứ Cồn Dầu. Giáo dân này nhớ lại trước đây, người dân Cồn Dầu, già trẻ, gái trai gì cũng vậy, sáng lễ chiều kinh. Việc sinh hoạt trong Xứ Đạo rất vui vẻ, đầm ấm. Thí dụ, trong tháng 11, họ cầu cho các đảng linh hồn, cầu cho ông bà tổ tiên, thì giáo dân lại lên nghĩa địa vốn chỉ lanh quanh trong phạm vi Xứ Đạo gần đó…
Nhưng bây giờ không còn được như vậy nữa ! Giáo dân này lưu ý thêm, khi xưa có người qua đời thì giáo dân đọc kinh cầu nguyện, không tốn đồng nào. Bởi vì làm lễ xong, người ta đưa linh cữu qua nghĩa địa chôn cất. Còn bây giờ, nghĩa địa dời đi rất xa khiến mỗi lần chôn cất phải tiêu tốn mấy chục triệu đồng…Do đó, giáo dân bây giờ chỉ mong ước được ở lại Cồn Dầu, được tái định cư tại chỗ, tại ngay quê hưởng của mình, được “giữ lại quê hương”, được duy trì bản sắc Xứ Đạo Cồn Dầu.
Trước khi Đặc sứ LHQ Farida Shaheed sang VN, thì tại Bangkok, một giáo dân Cồn Dầu là ông Nguyễn Hữu Liêm đã tham gia buổi họp tại văn phòng của tổ chức BPSOS. Giáo dân Nguyễn Hữu Liêm, một cựu tù nhân, cho biết:
Vấn đề trăn trở của chúng tôi trong vấn đề Cồn Dầu vốn đã xảy ra hơn 3 năm rưỡi mà chính quyền CSVN vẫn tiếp tục đàn áp. Chính vì sự trăn trở này mà chúng tôi đã trình bày với TS Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS. Từ đó, TS Nguyễn Đình Thắng đã tạo điều kiên cho tôi được gặp bà Farida Shaheed, Đặc sứ LHQ về Văn Hóa trước khi bà đi VN. Khi đến gặp bà thì tôi trao cho bà một số hình ảnh và kiến nghị với bà về những yếu tố chúng tôi cần.
Người dân Cồn Dầu chúng tôi bây giờ thấp cổ bé họng, không thể kêu cứu gì được! Chỉ biết cầu mong Đặc sứ LHQ Farida cùng các cấp lãnh đạo trên thế giới giúp giáo dân Cồn Dầu được ở lại tại quê hương để Giáo xứ Cồn Dầu không bị xóa sổ
bà Nguyễn Thị Loan
Điều quan trọng nhất là qua những thông tin, bà nói là đã nghe và đã biết tình hình Cồn Dầu. Nhưng bà muốn gặp gỡ một số nhân chứng. Và tôi yêu cầu bà tới Cồn Dầu thị sát thực tế để thấy được sự đau đớn của người dân Cồn Dầu hiện nay. Vì đó là cái nếp văn hóa mà người dân Cồn Dầu đã tạo dựng nên trên 135 năm. Mà chính 135 năm nay đã hình thành một nền tảng văn hóa riêng. Nhưng chính người CS đã và đang phá hủy. Vì lẽ đó, chúng tôi yêu cầu bà đến thị sát thực tế để thấy rõ được hình ảnh của người Cồn Dầu đau thương như thế nào.
Giáo dân Nguyễn Hữu Liêm nhân tiện cho biết trong buổi họp vừa nói có đại diện của những người sắc tộc như Hmong, Katu…, nói chung là các dân tộc Tây Nguyên. Họ cũng trình bày những nét văn hóa riêng của họ và cáo giác rằng chính quyền CS lợi dụng để phục vụ khách hành hương, khách du lịch nhằm thu lợi nhuận riêng, chứ chính những sắc tộc thiểu số của họ ở địa phương không được hưởng gì mấy.
Hiện giờ, giáo dân Cồn Dầu bày tỏ mong mỏi của mình, như bà Nguyễn Thị Loan cho biết:
Người dân Cồn Dầu chúng tôi bây giờ thấp cổ bé họng, không thể kêu cứu gì được ! Chỉ biết cầu mong Đặc sứ LHQ Farida cùng các cấp lãnh đạo trên thế giới giúp giáo dân Cồn Dầu được ở lại tại quê hương để Giáo xứ Cồn Dầu không bị xóa sổ, để giữ lại được bản sắc văn hóa của Giáo xứ Cồn Dầu.
Chúng tôi được biết tất cả số giáo dân Cồn Dầu hiện còn lại 41 người trên đất Thái Lan, trong số này, 30 người đã được hòan tất về thủ tục pháp lý, đã được phỏng vấn xong, có người đã chích thuốc ngừa 2 lần, có người mới một lần, và chờ đi định cư. Còn số 11 người còn lại coi như cũng được tốt đẹp về thủ tục pháp lý trong tiến trình định cư của họ.