Không sống nổi với những chi phí từ qui định pháp luật

0:00 / 0:00

Kết quả khảo sát mới đây của Viện Nghiên Cứu Và Quản Lý Kinh Tế Trung Ương cho thấy một qui định pháp luật có thể “đẻ” ra một loạt chi phí khiến doanh nghiệp khó có khả năng sống còn.

Luật chồng chéo

Phát biểu tại hội thảo về nâng cao chất lượng qui định pháp luật, viện phó Viện Nghiên Cứu Và Quản Lý Trung Ương, CIEM, ông Phan Đức Hiếu, cho rằng ở Việt Nam một qui định pháp luật tạo ra 5 loại chi phí gồm chi phí thủ tục hành chính, chi phí đầu tư, phí lệ phí, chi phí cơ hội, chi phí phi chính thức.

Những chi phí này không chỉ đơn thuần thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, mà còn có thể giết chết doanh nghiệp.

Theo ông, nếu chỉ tính chi phí nguyên liệu đầu vào không thôi thì sản phẩm của Việt Nam có chất lượng và giá cả tương đương với sản phẩm của Thái Lan. Thế nhưng, điều khiến sản phẩm của Việt Nam có giá cao hơn sản phẩm của Thái Lan là do chi phí từ hệ thống luật pháp của Việt Nam.

<i>So sánh và nghiên cứu giữa Việt Nam và Thái Lan thì ông rút ra kết luận như vậy: hiện nay năng suất, chất lượng hiệu quả Việt Nam thấp hơn khu vực là do những chi phí nó đội lên, nó tăng lên. Mà khi chi phí lên thì giá thành tăng, giá thành tăng làm cho khả năng cạnh tranh yếu đi.Đấy là căn cứ trên kết quả điều tra.<br/> </i>-TS Ngô Trí Long

Phó Giáo Sư -Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính và thị trường, giải thích bổ sung:

Bản thân ông so sánh và nghiên cứu giữa Việt Nam và Thái Lan thì ông rút ra kết luận như vậy: tại sao hiện nay năng suất, chất lượng hiệu quả Việt Nam thấp hơn khu vực là do những chi phí đó nó đội lên, nó tăng lên. Mà khi chi phí lên thì giá thành tăng, giá thành tăng làm cho khả năng cạnh tranh yếu đi. Đấy là những cái mà ông Hiếu nói căn cứ trên cơ sở và kết quả điều tra.

Một chi tiết quan trọng mà chuyên gia tài chính và thị trường Ngô Trí Long nói ông muốn làm rõ là pháp luật không qui định 5 loại chi phí vừa kể mà trongquá trình tạo ra những điều kiện hoạt động thì những chi phí cơ hội, chi phí phi chính thức và những chi phí khác phát sinh ra khiến giá thành tăng cao lên.

Phản ảnh của viên chức Viện Nghiên Cứu Và Quản Lý Kinh Tế Trung Ương cũng có thể được coi là phản ảnh của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, là nhận định của tiến sĩ Trần Quang Thắng, viện trưởng Viện Kinh Tế Và Quản Lý thành phố Hồ Chí Minh:

Luật nước ngoài đơn giản lắm, ít có Nghị Định, Thông Tư lắm, luật là luật thôi. Luật đó trước khi ban hành thì nó phải thông qua một tiểu ban soạn thảo luật, Thủ tướng, Chủ tịch nước và các Bô trưởng cùng tham gia hết. Cho nên khi ban hành bất kỳ luật nào đều có sự đồng bô liên thông giữa tất cả các bộ ngành, và khi ban hành thì không thể nói của bộ này là không phú hợp với bô kia, giữa quan chức và dân (doanh nghiệp)đều suy nghĩ giống nhau hết.

Đây là những luật được phổ cập ngoài xã hội dưới hình thức sách hướng dẫn luật có những phần hỏi đáp được cụ thể hóa, tiến sĩ Trần Quang Thắng nói tiếp. Người dân và doanh nghiệp sẽ căn cứ vào những tài liệu hướng dẫn đó và có thể giải quyết khoảng 80% những vấn đề của riêng mình. Số 20% còn lại thuộc về những trường hợp, những tình tiết khó khăn, khúc chiết sẽ do luật sư trợ giúp:

Còn của mình đúng là mỗi luật đưa ra có nhiều cách lý giải, thí dụ luật của Bộ Xây Dựng nó lại chỏi với luật của Bộ Tài Nguyên- Môi Trường, chỏi với bên Qui Hoạch-Kiến Trúc.

Những cái đó gây trở ngại rất lớn vì không đồng bộ với nhau, mỗi ông một cách làm doanh nghiệp lúng túng không biết cái nào làm trước cái nào làm sau, không biết cái nào là đúng qui định. Từ đó mới đẻ ra vấn đề phí phi chính thức mà đúng ra không được khuyến khích.

Những vấn đề chồng chéo như vậy là đầu mối tiêu cực cần phải loại bỏ trong kinh doanh sản xuất, tiến sĩ Trần Quang Thắng kết luận.

Thà chết chứ không đầu tư

Theo phân tích của viện phó Viện Nghiên Cứu Và Quản Lý Kinh Tế Trung Ương Phan Đức Hiếu, trong 5 loại chi phí phát sinh từ một qui định pháp luật, mà doang nghiệp phải đương đầu, chi phí đầu tư là gánh nặng lớn nhất.

Viện dẫn trường hợp dịch vụ ô tô chở khách như Grab hay Uber mà nếu phải theo qui định gắn thêm mào lên nóc xe thì chi phí phát sinh sẽ rất lớn.

Cũng vậy, với qui định về số lượng bình gas tối thiểu, nhiều doanh nghiệp đã tính toán rằng nếu vay vốn ngân hàng để đáp ứng qui định về số lượng bình gas tối thiểu thì doanh nghiệp sẽ phá sản do thị phần không tăng thêm. Dẫn lời giới kinh doanh trong lãnh vực này, ông Hiếu cho hay đầu tư cũng chết mà không đầu tư cũng chết, thì thôi thà chết chứ không đầu tư.

<i>Tắc nghẽn thủ tục hành chánh còn là khâu thuế và khâu hải quan, nhưng cũng có thể nói trở ngại nằm ở vấn đề logistics cơ sở hạ tầng. Khi cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện thì chi phí vận chuyển rất cao, rồi phải tính thời gian nữa vì thời gian nữa, chậm trể quá làm người ta mất nhiều cơ hội. Cái nữa là cách sắp xếp khoa học, cách cải tiến bằng sử dụng những thành quả công nghiệp 4.0 ở Việt Nam chưa được phổ biến rộng rãi. Tất cả những yếu tố đó làm doang nghiệp Việt Nam hụt hơi về vấn đề cạnh tranh. Đó là cái nhìn toàn diện.<br/> </i>-TS Trần Quang Thắng

Đó là chi phí đầu tư, về chi phí cơ hội cũng là nhân tố giết chết doanh nghiệp. Thí dụ đơn giản được viện phó CIEM vạch ra là khi 2 doanh nhiệp cùng nhập khẩu một mặt hàng tại 2 cửa khẩu khác nhau , một bên chỉ mất 1 tiếng trong lúc bên kia phải mất 3 ngày thì hiệu quả, lợi thế mua bán, phân phối và mất thời gian tính là điều không thể chối cãi.

Đấy là một qui định “không rõ ràng, minh bạch, thời gian giải quyết kéo dài tạo ra chi phí cơ hội từ đó phát sinh thêm chi phí không chính thức” là nguyên văn đúc kết của ông Phan Đức Hiếu.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng bình luận thêm về những chi phí phát sinh

Tắc nghẽn thủ tục hành chánh còn là khâu thuế và khâu hải quan, nhưng cũng có thể nói trở ngại nằm ở vấn đề logistics cơ sở hạ tầng chưa được tốt nữa. Khi cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện thì chi phí vận chuyển rất cao, rồi phải tính thời gian nữa vì thời gian cũng là chi phí, chậm trể quá làm người ta mất nhiều cơ hội. Còn cái nữa là cách sắp xếp khoa học, cách cải tiến bằng sử dụng những thành quả công nghiệp 4.0 ở Việt Nam chưa được phổ biến rộng rãi. Tất cả những yếu tố đó làm doang nghiệp Việt Nam hụt hơi về vấn đề cạnh tranh. Đó là cái nhìn toàn diện.

Để giải quyết gốc rể vấn đề chất lượng qui định pháp luật, ông Phan Đức Hiếu đề nghị chính phủ thành lập một cơ quan độc lập có nhiệm vụ giám sát qui trình soạn thảo.

Ông thừa nhận trong bối cảnh hiện giờ mà lập ra một cơ quan mới là chuyện vô cùng khó nhưng cần thiết phải tiến hành trong tinh thần những gì không cần thiết và cồng kềnh thì phải loại bỏ.

Viện trưởng Viện Kinh Tế Quản Lý Kinh Tế thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Trần Quang Thắng:

Những gì trở ngại nó đã trở ngại rồi, có than phiền cũng đâu giải quyết được, phải có lối thoát thì hay hơn.Làm thế nào quốc hội phải có giải pháp tích cực, mạnh m, đưa đến vấn đề đồng bộ hóa, cụ thể hóa về nâng cao tính hiệu quả của luật.

Chẳng hạn thành phố Hồ Chí Minyh có chương trình là nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chánh là cũng nhằm mục tiêu như vậy. Nhưng của thành phố thì nó cũng có sự chừng mực quyết định nào thôi. Thành phố vẫn bị chi phối bởi những Nghị Định, những Thông Tư của bộ ngành. Những thông tư đó vẫn tiếp tục gây khó khăn cho sự phát triển của thanh phố. Những gì tôi đi họp hàng ngày tôi thấy chuyện đó vẫn tồn tại.

Đối với chuyên gia tài chính và thị trường, tiến sĩ Ngô Trí Long, khi đã biết luật không làm ra chi phí nhưng qui định pháp luật đẻ ra những 5 loại chi phí khiến doanh nghiệp ngắc ngoài thì điều đơn giản là:

Thế nên bây giờ giảm bớt thủ tục hành chính là giảm phiền hà, tạo điều kiện tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.

Vẫn theo lời chuyên gia, thủ tục bớt rườm rà đi thì chi phí phát sinh giảm bớt đi nhiều. Dẫu biết là khó, ông xác quyết, tất cả các bô các ngành đều phải cố biến yêu cầu này thành khả thi vì một Việt Nam phát triển.