Tại sao khó xử lý tài sản bất minh?

0:00 / 0:00

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi lần thứ 4. Cũng như những lần sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng trước đây, Quốc hội lần này đã quyết định không chọn phương án mới nào cho việc xử lý tài sản bất minh, vấn đề được cho là rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng.

Trước khi quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày về việc “xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc”, theo đó việc xử lý tài sản thu nhập này là vấn đề mới và lần đầu tiên Quốc hội đặt vấn đề xử lý đối với loại này nên rất khó đưa ra quy định xử lý tại kỳ họp lần này.

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế. Những ý kiến khác đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, theo đó tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan chức năng chứng minh được là do phạm tội và vi phạm pháp luật mà có.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng đây cũng là vấn đề khó để Quốc hội đưa ra quyết định bởi vì có hai quan điểm khác nhau:

“Bản thân cá nhân tôi cũng thông cảm cái việc xử lý các nguồn ý kiến khác nhau này của quốc hội. Theo thông lệ của VN nếu thường không giải quyết được thì đều cho là giải quyết vào đợt sau. Tôi cho rằng quy định xử lý tài sản này nếu cần phải chống tham nhũng thì cần có những quyết định thật chặt chẻ bởi vì mọi tài sản đều phải được giải thích từ nguồn gốc nếu không giải thích được thì nó có thể bắt nguồn từ việc hình thành tài sản không đúng với sức lao động của mình. Tôi thì tôi buồn khi mà quốc hội không đưa ra được quyết định cuối cùng trong luật phòng chống tham nhũng về các tài sản bất minh.”

<i> Tôi cho rằng đáng lý ra thời điểm này là điểm cần phải thảo luận tới cùng về việc đưa ra giải pháp xử lý.</i>

<i>- GS. Đặng Hùng Võ</i>

Đồng ý với điều này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam giải thích với chúng tôi rằng khi đưa ra điều luật mà không chứng minh và không thực hiện được thì thật sự rất khó. Phải chứng minh các tài sản đó là bất minh bằng cách xác định rõ mới xử lý được.

“Nếu mình đưa những tài sản là bất minh thì có thể sẽ xảy ra tình trạng mượn cớ để lạm quyền nên rất là khó. Theo tôi thấy riêng cái này thì cần phải có thời gian, bởi vì khi dự thảo vấn đề này thì nó phải mang tính thực tiễn, phải rõ ràng, khi mình định tội một người nào đó thì phải làm cho người đó tâm phục khẩu phục. Chứ giờ mình đưa ra một điều mà không thể thì không được.”

Theo kết quả, có 209/456 ý kiến đại biểu tương đương 43,09% tổng số đại biểu tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. 156/456 ý kiến đại biểu, khoảng 32,16% đại biểu đồng ý với phương án thu thuế. 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.

Như vậy, kết quả ý kiến không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.

Anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội và là một blogger tại Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng, để trả lời vì sao quốc hội không đưa ra quy định xử lý tài sản bất minh tại kỳ họp này thì nên lật ngược lại quá trình bầu cử cách đây vài năm.

“Tất cả những người là ứng cử viên tự do là những người có đủ năng lực pháp lý để có thể tự ra ứng cử thì đều bị chính quyền VN đấu tố, làm khó và rất nhiều hành động để ngăn chặn các đại biểu tự do cho nên quyết định của quốc hội cũng không có gì là ngạc nhiên cả, bởi vì học đã dàn xếp hết rồi toàn là người của họ hết. Đương nhiên với một thể chế của VN hiện nay thì họ ăn cây nào rào cây đấy, bảo vệ lợi ích và quyền lợi mà họ đang có. Cho nên kết quả của quốc hội nó đúng như những gì chúng tôi đã từng chứng kiến trong các kỳ bầu cử quốc hội.”

Sau cuộc họp Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp ông Nguyễn Mạnh Cường cho báo chí biết, bỏ nội dung này không có nghĩa là không xử lý mà vẫn xử lý tài sản bất minh nếu phát hiện và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về việc xử lý vấn đề này. Ông giải thích rằng, từ thời bao cấp trước đây cũng có xử lý là kiểm tra hành chính và nếu không giải thích được tài sản hình thành như thế nào thì nhà nước sẽ tịch thu. Nhưng:

Các đại biểu Quốc hội. (Ảnh minh họa)
Các đại biểu Quốc hội. (Ảnh minh họa) (Screen Capture from Video)

“Từ khi đổi mới cho đến nay đã hơn 30 năm, do hoàn cảnh khi đổi mới VN kêu gọi các nguồn đầu tư của các thành phần kinh tế và cũng không cần xem xét nguồn gốc tài chính đó như thế nào. Đến lúc này, VN cũng đã phát triển được quảng đường khá dài thì cũng là lúc chúng ta nghĩ đến chuyện tham nhũng vừa rồi được đánh giá là cái quốc nạn, nếu không xử lý thì nó lại kiềm hãm phát triển, tôi cho rằng đáng lý ra thời điểm này là điểm cần phải thảo luận tới cùng về việc đưa ra giải pháp xử lý.”

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, để phát hiện tham nhũng, xác định các tài sản bất minh, cần phải có sự tham gia tích cực của cơ quan truyền thông và người dân.

“Bởi vì người dân tai mắt lắm nên không thể giấu được và với sự giám sát của người dân là chính xác. Thường thường các vụ tham nhũng xuất phát từ báo chí và dư luận nhiều hơn, bởi vì người nói không có lửa sao có khói, người dân là không thể qua mặt được họ, cho nên cơ chế dân biết, dân làm, dân kiểm tra là hay nhất.”

Blogger Nguyễn Lân Thắng cho rằng dù có phát hiện tài sản bất minh đi nữa, nếu có ý kiến chỉ đạo từ trung ương thì mọi chuyện cũng bị chìm.

“Một cơ chế độc đảng mà đảng lại không có cơ chế pháp luật điểu chỉnh các hoạt động của đảng. Cho nên khi mọi người quan sát thấy các vụ trọng án thì người ta không xử theo pháp luật mà người ta xử lý theo nghị quyết xử lý theo chỉ đạo từ trung ương. Nếu như có phát hiện một tài sản bất minh thì ngay cả những người trong hệ thống nếu như thật sự người ta muốn làm cho nó đúng theo pháp luật thì cũng rất là khó. Cho dù đưa ra các bằng chứng thông tin như thế nào mà có ý kiến từ trung ương đảng thì nó cũng bị chìm.”

Kết luận Thanh tra Chính phủ vào năm 2017 đã phát hiện ông Phạm Sỹ Quý nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái đã kê khai tài sản thiếu trung thực hàng ngàn m2 đất, nhiều nhà cửa, biệt phủ và tiền bạc với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng, ông Quý khai rằng có nhiều tiền như vậy là nhờ ông buôn bán chổi đót. Tuy nhiên, hình thức xử lý đối với ông Quý là chỉ gián chức từ giám đốc sở Tài nguyên Môi trường xuống cấp phó.

Ngoài ra, có nhiều vụ việc bị người dân phát hiện tố cáo tham nhũng nhưng hình xử lý đối với các trường hợp này thì chỉ giơ cao đánh khẽ giống như vụ ông Quý.

Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong số các nước có tình trạng tham nhũng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham Nhũng năm 2017 được công bố đầu năm nay, Việt Nam được 33/100 điểm, là quốc gia đứng thứ 133/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu.