Giá lúa gạo xuống đáy ngay trước Tết

Trước sự lo ngại của nông dân, giá lúa đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống thấp hơn ngưỡng có lãi 30% giá thành ngay thời gian trước Tết, khiến chính phủ chấp nhận kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo tương đương 2 triệu tấn lúa.

0:00 / 0:00

Tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế?

Các báo có mạng điện tử như Tuổi Trẻ, Saigon Giải Phóng ngày 31/1 đưa tin Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khởi sự thực hiện tạm trữ từ 20/2 tức mùng mười tháng giêng âm lịch. Trên các báo chủ tịch VFA Trương Thanh Phong nói là có thể các doanh nghiệp thành viên VFA sẽ không nhận cấp bù lãi suất ngân hàng toàn phần như những năm trước.

Có lẽ người đứng đầu VFA muốn hóa giải những chỉ trích triền miên của đại biểu Quốc hội, của chuyên gia lẫn báo chí, khi nông dân phản ánh doanh nghiệp thuộc VFA được vay vốn không lãi suất để mua tạm trữ, nhưng họ chỉ mua gạo qua thương lái trung gian mà không mua lúa trực tiếp của nông dân, rốt cục doanh nghiệp hưởng chênh lệch lớn sau thời gian tạm trữ khi giá xuất khẩu lên cao, còn nông dân trồng lúa không hưởng lợi từ chính sách tạm trữ.

Nhận định về việc kế hoạch tạm trữ gạo vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục do VFA thực hiện, tối 31/1 từ Hà Nội ông Đoàn Xuân Hòa phó cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối phát biểu:

“ Tôi cho rằng bài toán của tạm trữ mà hiện nay đang làm chỉ là giải pháp tình thế thôi. Thật ra ở đây vấn đề tạm trữ theo tinh thần nào mới quan trọng. Trước đây thực hiện tạm trữ bằng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp

Chuyển gạo vào kho chứa. AFP
Chuyển gạo vào kho chứa. AFP (AFP)

được cho là không hài hòa, Bộ Nông nghiệp cũng rất muốn hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Muốn vậy thì điều sâu xa nhất vẫn là phải tổ chức lại sản xuất, còn như bây giờ sản xuất cứ manh mún theo qui mô hộ, thì dù muốn hỗ trợ nông dân rất nhiều nhưng với cách tổ chức sản xuất như thế, với số lượng hộ đông như thế, thì việc giải ngân hay hỗ trợ cho nông dân là vô cùng khó khăn.

Trước mắt tôi nghĩ là vẫn phải theo cơ chế cũ dù cho nó chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài là phải tổ chức lại sản xuất, người nông dân phải có đại diện hợp pháp của họ thì việc hỗ trợ trực tiếp mới thực hiện được. Còn bây giờ tạm giữ biện pháp tình thế để giải quyết cung cầu một cách chủ động hơn và vẫn phải theo phương pháp cũ.”

...Vẫn phải theo cơ chế cũ dù cho nó chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài là phải tổ chức lại sản xuất, người nông dân phải có đại diện hợp pháp của họ thì việc hỗ trợ trực tiếp mới thực hiện được...

ông Đoàn Xuân Hòa

Theo Kinh tế Saigon Online, thành viên VFA sẽ mua tạm trữ gạo theo giá thị trường nhưng tính toán sao cho không dưới 5.000 đ/kg lúa khô loại thường. Bộ Tài chính đã công bố giá thành bình quân sản xuất vụ đông xuân 2012-2013 ở đồng bằng sông Cửu Long là 3.616đ/kg.

Được biết vụ đông xuân đồng bằng sông Cửu Long xuống giống trên diện tích 1,55 triệu héc-ta, đến ngày 30/1 nông dân đã thu hoạch trên 200.000 ha. Dự kiến từ Tết Quý Tỵ đến hết tháng giêng âm lịch toàn vùng sẽ thu hoạch khoảng 700.000 héc-ta tương đương gần một nửa diện tích toàn vụ. SGGP Online bản tin trên mạng ngày 30/1 đưa tin, giá lúa ở vựa lúa miền tây xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua, lúa hạt tròn 50404 tươi mua tại bờ kênh chỉ được 4.300 đ/kg, lúa hạt dài chất lượng cao cũng chỉ 4.400đ/kg. Tờ báo trích lời TS Lê Văn Bảnh nói rằng lượng lúa gạo tập trung sẽ rất lớn và việc nhanh chóng triển khai thu mua tạm trữ là hết sức cần thiết.

Ai hưởng lợi từ chính sách tạm trữ?

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long trong mùa gặt. Source danviet.vn
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long trong mùa gặt. Source danviet.vn (Source danviet.vn)

Thế nhưng, nông dân không nhìn kế hoạch tạm trữ của chính phủ thông qua VFA như một cách cân đối cung cầu, ngược lại họ chỉ nhìn thấy sự tiêu cực. Một nông dân đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

“Sắp tới vụ thu hoạch lúa, thông thường mấy ‘ổng’ báo với chính phủ là giá cả bấp bênh, chính phủ sẽ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua. Nhưng thực tế mấy ‘ổng’ đâu có hề động tay mua của nông dân chỉ mua qua thương lái thôi, mấy ‘ổng’ ngồi yên một chỗ… Mỗi đợt mua tạm trữ thì giá lúa rất “bèo” nông dân nghe thấy tạm trữ là sợ lắm ngán ngẩm lắm.

Thường thường vô thu hoạch rộ mà chính phủ có kế hoạch tạm trữ thì giá lúa giảm dữ lắm. Thực tế đâu có lợi gì cho người nông dân, cứ khi tạm trữ xong nông dân hết lúa rồi thì giá cao, thường thường như vậy. Giá gạo tăng giá lúa tăng thì nông dân hết lúa, lúc đó Hiệp hội Lương thực nhà xuất khẩu ra nước ngoài có lợi nhuận, họ bỏ túi chứ nông dân mình có được gì đâu.”

Thực tế đâu có lợi gì cho người nông dân, cứ khi tạm trữ xong nông dân hết lúa rồi thì giá cao, thường thường như vậy. Giá gạo tăng giá lúa tăng thì nông dân hết lúa, lúc đó Hiệp hội Lương thực nhà xuất khẩu ra nước ngoài có lợi nhuận, họ bỏ túi chứ nông dân mình có được gì đâu

Một nông dân

Hai ngày trước khi có thông tin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị tạm trữ của của VFA nhưng giảm từ 1,5 triệu tấn gạo qui lúa còn 1 triệu tấn gạo. Hôm 28/1 Phó Giáo sư TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt được Saigon Times Online trích lời nói rằng : “Chưa có cơ chế tạm trữ lúa gạo nào tốt hơn VFA”. Ông Phạm Văn Dư đã nhận định như vậy khi được hỏi, VFA điều hành tạm trữ không mua trực tiếp từ nông dân, không kiểm soát được số lượng lúa gạo doanh nghiệp hội viên mua vào và không kềm được giá lúa gạo thị trường nội địa xuống thấp.

Ông Phạm Văn Dư cho rằng từ trước đến nay VFA hoàn thành rất tốt thu mua tạm trữ. Theo ông lượng gạo xuất khẩu 7,7 triệu tấn của năm 2012 chứng tỏ có sự cố gắng rất lớn của VFA và Tổng Công ty lương thực miền Nam.

Theo lời ông Dư, hiện nay vấn đề thu mua tạm trữ lúa gạo vẫn chưa có cơ chế nào tốt hơn và cần cải thiện dần dần cơ chế mà

Trong kho chứa gạo. Source tinkinhte
Trong kho chứa gạo. Source tinkinhte (Source tinkinhte)

VFA đang thực hiện để bảo đảm nông dân có lãi trên 30%. Trong đó có vấn đề của hệ thống thương nhân, cũng như cần sự hợp tác của các Sở NN-PTNT địa phương giúp cho việc thu mua phải đúng thời điểm.

Giải pháp lâu dài

Thời báo Kinh tế Saigon Online ngày 30/1 đưa tin Bộ NN-PTNT đang ráo riết chuẩn bị hàng loạt qui định pháp lý để đưa sản xuất lúa gạo theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tức kết hợp các nông hộ nhỏ thành một vùng nguyên liệu chuyên canh.

Tờ báo trích lời ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, một đại diện doạn thảo và chấp bút đề án liên quan. Theo đó, có khả năng nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ được “bổ sung điều khoản buộc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tham gia vào sản xuất tiêu thụ theo phương thức cánh đồng mẫu lớn; bắt buộc doanh nghiệp phải có hợp đồng tiêu thụ lúa gạo gắn với vùng nguyên liệu, theo lộ trình năm 2013 ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu, năm 2014 là 30%, năm 2015 là 50% và đến năm 2020 là 80%. Ngoài ra sẽ nghiên cứu ban hành Nghị định về quản lý thương lái thu mua nông sản theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, đưa thương lái vào diện đối tượng quản lý của chính phủ.”

Nếu sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo từ A tới Z từ khâu nhân giống gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch rồi kho tàng và có đầu ra luôn… nó liên hoàn thành một chuỗi. Trong chuỗi đó nếu làm tốt thì mới phân chia lợi nhuận được

TS Lê Văn Bảnh

Trả lời Nam Nguyên, ông Đoàn Xuân Hòa Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối phát biểu:

“ Xu hướng tất yếu trong nền sản xuất hàng hóa thì sản phẩm phải đồng nhất có chất lượng cao. Với cánh đồng mẫu lớn sẽ thực hiện được hai việc thứ nhất là liên kết ngang với những người nông dân với nhau, thứ hai là liên kết dọc tạo ra giữa sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân và như thế tạo ra được sản phẩm đồng nhất về nhiều mặt.

Trước hết chất lượng giống ban đầu tốt hơn, thứ hai là đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thứ ba là khâu trung gian trong quá trình sản xuất từ hạt giống tới hạt gạo sẽ bớt đi yếu tố trung gian. Tôi hy vọng là với hình thức này sẽ tạo ra sản xuất lớn, hiện đại, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân.”

Mô hình cánh đồng mẫu lớn được thực hiện thành công ở An Giang và do Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang đầu tư. Chuyên gia gọi là tổ chức một cụm dịch vụ lúa gạo xung quanh một cánh đồng sản xuất lớn.

Được biết chủ trương cánh đồng mẫu lớn đưa ra đã lâu nhưng trong vài năm vừa qua vẫn không phát triển lớn được, tổng diện tích thực hiện chưa tới 20.000 ha, nguyên do vì thiếu sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt hai Tổng công ty lương thực Nhà nước nơi nắm giữ 70% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm không chịu tham gia mà chỉ mua đi bán lại kiếm lời qua chênh lệch giá.

Có thể nói mô hình cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp xuất khẩu chế biến gắn kết với một vùng nguyên liệu đồng nhất, là giải pháp để nâng cao giá trị hạt gạo và tăng thu nhập cho nông dân. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long nhận định;

“Nếu sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo từ A tới Z từ khâu nhân giống gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch rồi kho tàng và có đầu ra luôn… nó liên hoàn thành một chuỗi. Trong chuỗi đó nếu làm tốt thì mới phân chia lợi nhuận được. Hiện nay lúa gạo làm theo từng công đoạn, ông nào trồng cứ trồng ông nào bán cứ lo bán, thành ra chưa liên hoàn được và rất khó.”

Xin nhắc lại, trên các diễn đàn nông nghiệp hồi năm ngoái, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long từng có ý kiến bổ sung Nghị định 109 kinh doanh xuất khẩu gạo ràng buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo với một vùng nguyên liệu nhất định. Thí dụ chỉ cần 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn mỗi đơn vị có một cánh đồng mẫu lớn 50.000 héc-ta thì vùng đồng bằng đã thực hiện được vùng nguyên liệu lúa rộng 500.000 héc-ta cùng với cơ sở xay xát lúa gạo nhà kho dịch vụ hỗ trợ. Về nguyên tắc khi phẩm chất hạt gạo cao, giá thành giảm thì cả doanh nghiệp và nông dân cùng được lợi.

Theo dòng thời sự: