Chuyện giữ mạng sống cho trẻ em trong hai thập niên qua, tiến sĩ Chopra nói, là một trong những tiến bộ đáng kể mà cũng là một công việc chưa hoàn tất.
Công việc chưa hoàn tất
Đó là lời tiến sĩ Mickey Chopra, chuyên gia y tế hàng đầu UNICEF trong buổi họp báo trực tuyến ở Bangkok, Thái Lan, liên quan đến phúc trình thường niên mang tên Duy Trì Sự Sống Cho Thiếu Nhi: Một Cam Kết Được Nhắc Lại.
Điều đáng nói là hiện giờ số trẻ dưới năm tuổi thoát khỏi bệnh tật và tử vong đã tăng gấp mấy lần so với lúc trước. Số liệu của UNICEF và của tổ chức Ước Lượng Trẻ Tử Vong Liên Hiệp Quốc cho thấy năm 1990 khoảng 12 triệu trẻ dưới năm tuổi trên thế giới đã chết vì bệnh tật so với chỉ còn gần bảy triệu năm 2011.
Điều này cũng cho thấy, tiến sĩ Chopra giải thích tiếp, mỗi ngày thế giới vẫn có 19.000 trẻ dưới năm tuổi chết vì những căn bệnh có thể tránh được bằng cách chủng ngừa, chế độ dinh dưỡng tốt, thuốc men và sự chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ngay khi trẻ ra đời.
Đề cập đến khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, phúc trình thường niên của UNICEF ước tính năm 2010 hai căn bệnh có thể tránh được là sưng phổi và tiêu chảy đã cướp đi mạng sống của chừng 145.000 trẻ dưới năm tuổi. Hầu hết số trẻ không may này thuộc thành phần những gia đình nghèo trong khu vực. Đó là lý do sưng phổi và tiêu chảy được gọi là bệnh của người nghèo với cuộc sống kham khổ, thiếu vệ sinh, thiếu ăn, không được chăm sóc y tế khi đau ốm.
mỗi ngày thế giới vẫn có 19.000 trẻ dưới năm tuổi chết vì những căn bệnh có thể tránh được bằng cách chủng ngừa, chế độ dinh dưỡng tốt, thuốc men và sự chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ngay khi trẻ ra đời
TS Mickey Chopra
Tuy nhiên theo chuyên gia tư vấn khu vực Basil Rodriques của UNICEF, chính phủ các nước đang mở mang vùng Đông Nam Thái Bình Dương đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc giảm thiểu số trẻ chết bệnh dưới năm tuổi. Nếu tiếp tục cống hiến sự hiểu biết, tiếp tục tập trung hợp tác để cải thiện cuộc sống cho dân nghèo thì kết quả sẽ khả quan gấp bội, ông khẳng định.
Trả lời đài Á Châu Tự Do, ông Geeta Rao Gupta, phó giám đốc điều hành UNICEF, cho rằng Việt Nam đã thực hiện thành quả đáng kể với số trẻ dưới năm tuổi chết bệnh giảm 4% mỗi năm tính từ 1990 cho dến 2011. Nếu tiếp tục đầu tư vào lãnh vực y tế, tạo điều kiện cho những gia đình nghèo được chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu, ông Gupta nói tiếp, Việt Nam có thể hạ tử vong trẻ năm tuổi xuống mức thấp nhất trong vòng một thập niên tới.
Việt Nam với những thành quả đáng kể
Theo bà Lotta Sylwander, trưởng văn phòng UNICEF Việt Nam ở Hà Nội, trước kia ở Việt Nam mỗi năm cứ một nghìn trẻ dưới năm tuổi thì 66 trẻ chết mà phần lớn vì hai căn bệnh thông thường là sưng phổi và tiêu chảy:
Nhưng đến giờ, bà nói tiếp, chỉ 16 trên một ngàn trẻ chết trước khi được năm tuổi . Đây là kết quả vô cùng ấn tượng trong mười hai năm qua ở Việt Nam, cũng là nỗ lực rất lớn của Bộ Y Tế nước này trong việc cung cấp những dịch vụ y tế cơ bản và cần thiết cho người dân trong mọi tầng lớp xã hội.
Thật phi lý khi nhiều trẻ dưới năm tuổi phải chết từ những bệnh có thể ngừa được và chữa trị được, vì thế vấn đề vệ sinh nơi ăn chốn ở, nguồn nước sạch sử dụng hàng ngày, kiến thức phòng bệnh chữa bệnh trong cộng đồng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, những chương trình tiêm chủng cần thiết , phương tiện chữa trị hữu hiệu… là những yếu tố góp phần đẩy lùi mức tử vong nơi trẻ dưới năm tuổi ở Việt Nam.
Trước kia ở Việt Nam mỗi năm cứ một nghìn trẻ dưới năm tuổi thì 66 trẻ chết...Nhưng đến giờ, chỉ 16 trên một ngàn trẻ chết trước khi được năm tuổi. Đây là kết quả vô cùng ấn tượng trong mười hai năm qua ở Việt Nam
bà Lotta Sylwander
Cần hiểu tình trạng trẻ dưới năm tuổi chết bệnh thường xảy ra ở những vùng nghèo, những cộng đồng dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, nơi những chương trình y tế và giáo dục, những dịch vụ chăm sóc sức khỏe khó mà với tới đươc. Chính vì thế mà hầu như trẻ dân tộc ít người khi chẳng may bị sung phổi, tiêu chảy, lên sởi hay nhiễm trùng thì nhiều phần là chết so với trẻ ở vùng đồng bằng hoặc ở thành phố. Đây là điều chúng ta cần lưu ý.
Bao năm qua, bà Lotta Sylvader cho biết tiếp, UNICEF đã làm việc tại những nơi có nhiều người nghèo và người thiểu số từ Bắc vô Nam như Lào Cai, Điện Biên, Kontum, Gia Lai, An Giang, Đồng Tháp và Ninh
Thuận.
Do đó, điều bà có thể đoán chắc là chính phủ phải quyết định phải đề ra những chương trình và dịch vụ thích hợp đối với những cộng đồng dân cư đang có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe, bởi có thể một chương trình thực hiện ở địa phương này lại không thể áp dụng cho một địa phương khác mà cần phải có sự tính toán và thay đổi cho phù hợp.
Một mặt ca ngợi sự cố gắng và sự cộng tác của chính phủ Việt Nam, không ngừng mở rộng những dự án dự án phát triển y tế cũng như mọi dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em để tránh tình trạng tử vong thiếu nhi dưới năm tuổi, mặt khác bà Lotta Sylvander bày tỏ điều bà gọi là thử thách đáng nói mà UNICEF nhìn thấy trong công việc của tổ chức ở Việt Nam:
Đó là sự cộng tác và phối hợp giữa các bộ ngành của Việt Nam. Chúng tôi nghĩ Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn cần làm việc chặt chẽ hơn với Bộ Y Tế thì mới giải quyết dễ dàng những vấn đề như cơ sở y tế hạ tầng, tình trạng suy dinh dưỡng, nguồn nước sạch chẳng hạn.
Nhưng chừng như đang có một khoảng trống trong chuyện gọi là cộng tác và điều hợp công việc giữa hai cơ quan này mà theo tôi đó là trở ngại lớn nhất.
Từ nhiều năm qua, UNICEF Việt Nam đã thành công trong việc vận động pháp lý để sản phụ khi sinh con được nghĩ dưỡng sáu tháng và được hưởng lương, bên cạnh việc vận động khuyến khích bà mẹ cho sơ sinh bú thay vì dùng sữa ở ngoài để nuôi con.
Theo dòng thời sự:
- Hai căn bệnh gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em
- Bệnh lạ, 61 trẻ em tử vong ở Campuchia
- Chuyên gia y tế tiếp tục truy tìm nguyên nhân bệnh lạ ở Campuchia
- Bangkok báo động dịch tay chân miệng
- Bộ y tế cảnh báo về các dịch bệnh đang bộc phát
- Pháp giúp Việt Nam xử lý rác thải y tế
- Hy vọng cho trẻ em sống ở bãi rác
- Cảnh báo rác thải tràn ngập nông thôn
- Chiến dịch "Ngày không túi nylon"
- Dịch tay, chân, miệng làm chết 70 người tại VN
- Bệnh tay chân miệng lan rộng cả nước
- Trường học đóng cửa vì dịch bệnh tay chân miệng
- Dịch bệnh tay chân miệng tấn công nặng nề Đồng Nai