Hội đồng trường đại học ở Việt Nam: Tổ chức hình thức!

0:00 / 0:00

Vai trò của Hội đồng trường

Điều 16 của Luật Giáo dục Đại học quy định, Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của trường; Hội đồng trường chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục; huy động nguồn lực cho trường; thực hiện giám sát các hoạt động của trường, gắn trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện các mục tiêu giáo dục và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của trường theo quy định của pháp luật.

Giáo sư Mạc Văn Trang nói về các Hội đồng trường hiện nay:

“Hội đồng trường đại học rất là quan trọng vì nó là nơi có thể định hướng cho nghiên cứu và giảng dạy, về nội dung, về phương pháp…. Hội đồng trường quản lý trường đại học nên nó hết sức quan trọng. Trong đó phải bầu được những người ưu tú nhất. Thế nhưng hiện nay ở Việt Nam thì thấy một hiện tượng rất lạ là ở một số trường đại học thì những quan chức đã nghỉ hưu lại về xây dựng và lãnh đạo.”

Thời gian qua, một số trường hợp các thành viên trong Hội đồng trường là quan chức bị truy tố, miễn nhiệm khiến dư luận đặt câu hỏi về việc bầu bán các thành viên trong Hội đồng trường.

Mới hôm 28 tháng 7 năm 2020, ông Diệp Dũng, thành viên Hội đồng Trường Đại học Mở TP.HCM bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, các vai trò Ban chấp hành, Ban thường vụ và Bí thư Đảng ủy tại Đảng bộ Saigon Co.op.

Theo luật giáo dục Việt Nam hiện nay, Hội đồng trường là một cơ quan quyền lực nhất của các trường đại học. Nhưng thực tế trong thời gian vừa qua, Hội đồng trường mời một số quan chức tai to mặt lớn trên địa bàn mà trường đứng chân để tô thắm cho Hội đồng trường. - Ông Đinh Kim Phúc

Trước đó vài hôm, ông Trần Trọng Tuấn - Phó chánh Văn phòng Thành uỷ, vừa bị khởi tố vì các sai phạm đất đai, đã nộp đơn xin thôi tham gia Hội đồng trường Đại học Luật.

Ngày 10 tháng 5 năm 2019, Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP.HCM ra nghị quyết miễn nhiệm ông Tề Trí Dũng khỏi Hội đồng trường. Ông Tề Trí Dũng là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận, bị bắt giam do sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ông Đinh Kim Phúc, từng là giảng viên và nghiên cứu viên của Đại học Mở từ 1993 đến năm 2019 cho rằng, vấn đề này đã làm cho dư luận của giới đại học đặt ra một câu hỏi về chất lượng của Hội đồng trường. Ông nói:

“Theo luật giáo dục Việt Nam hiện nay, Hội đồng trường là một cơ quan quyền lực nhất của các trường đại học. Nhưng thực tế trong thời gian vừa qua, Hội đồng trường mời một số quan chức tai to mặt lớn trên địa bàn mà trường đứng chân để tô thắm cho Hội đồng trường.

Theo dõi sát các Hội đồng trường các trường đại học ở TP.HCM thì tôi thấy rằng hiện nay có một vấn đề. Đó là sự móc nối giữa lãnh đạo nhà trường và một số nhân vật có tên tuổi để hai bên lợi dụng lẫn nhau, chứ chưa phải là mời các nhà khoa học có kinh nghiệm về khoa học giáo dục, có kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm về đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo của một trường đại học.”

Theo Luật Giáo dục Đại học, số lượng thành viên trong Hội đồng trường phải là số lẻ, tối thiểu là 15 người. Thành phần Hội đồng trường gồm Hiệu trưởng, các phó Hiệu trưởng, Bí thư đảng ủy trường, Chủ tịch công đoàn trường, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường; Đại diện giảng viên, nghiên cứu viên của một số khoa, viện; Đại diện của cơ quan trực tiếp quản lý trường; Một số thành viên bên ngoài, không phải là giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu của trường…

PGS-TS Hoàng Dũng giảng dạy tại Đại học Sư phạm TP.HCM nêu lý do vì sao trong Hội đồng trường thường có thành viên là quan chức:

“Thành viên Hội đồng trường khá là đa dạng, trong đó có những người không thuần túy là học thuật. Trường hợp ông Tề Trí Dũng chẳng hạn. Ông này là một quan chức nhưng có tham gia vào Hội đồng trường. Khi đưa một quan chức tham gia Hội đồng trường như vậy vì người ta hy vọng sẽ kết nối được hoạt động của trường với công tác của địa phương, phối hợp sao cho trường hoạt động tốt hơn.”

Ảnh hưởng đến giáo dục ra sao?

Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường đại học được quy định trong Luật Giáo dục Đại học cho thấy vai trò quan trọng của hội đồng này. Nếu các thành viên trong hội đồng là những người tâm huyết thì có thể đưa nền giáo dục đại học sánh tầm các nước trong khu vực.

Theo Giáo sư Mạc Văn Trang, Hội đồng trường ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục nhưng rất khó thay đổi bởi vướng thể chế. Ông nói:

“Những tư tưởng tiến bộ, những phương pháp giáo dục tiến bộ thì người ta lại không muốn đưa vào mà phải tuân theo chương trình giáo dục của đảng. Phải dạy Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử đảng…mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó những tư tưởng triết học của Phan Châu Trinh thì lại không được dạy.

Rất khó bởi vì Hội đồng trường người ta quyết định cái phương hướng phát triển của nhà trường, cái nội dung, phương pháp đào tạo của nhà trường, tuyển chọn, đánh giá giảng viên…rất quan trọng. Nhưng trong tình hình hiện nay thì không thể hiểu được. Đảng chỉ đạo việc bầu bán Hội đồng trường.”

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định rằng, nếu không có sự thay đổi trong việc bầu thành viên vào Hội đồng trường thì giáo dục đại học Việt Nam mãi mãi không vươn ra thế giới được:

Cơ chế Hội đồng trường đại học có thể nói là một cái tiến bộ, một cái nỗ lực để đưa cái sinh hoạt, cái quản lý giáo dục đại học hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, thực tế các Hội đồng trường ở Việt Nam không làm được những điều như người ta mong muốn. - PGS-TS Hoàng Dũng

“Đây là một tổ chức hình thức không có giá trị khoa học trong việc định hướng cho sự phát triển đại học Việt Nam. Đại học Việt Nam hiện nay so với các trường trong khu vực Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương thì còn lạc hậu rất nhiều. Thậm chí 20, 30 năm nữa mà không cải cách, không cải tổ, không có một cuộc cách mạng thật sự trong đại học thì chất lượng đại học Việt Nam đừng hòng có trong những vị trí đầu trong khu vực, nói chi đến trên thế giới. Đó là câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo.”

Hội đồng trường đại học từ lâu bị coi là một tổ chức không có thực quyền. Tại Hội nghị triển khai Nghị định 99/NĐ-CP hướng dẫn triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật 34), diễn ra vào đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Luật 34 và Nghị định 99 nhấn mạnh về thực quyền của Hội đồng trường. Theo ông Nhạ, Hội đồng trường phải là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của trường, tránh tình trạng hiệu trưởng hoặc một số đơn vị trong nhà trường lạm quyền.

PGS-TS Hoàng Dũng cũng có cùng nhận định khi cho rằng, Hội đồng trường chỉ là một tổ chức ‘hữu danh vô thực’. Ông nói thêm:

"Cơ chế Hội đồng trường đại học có thể nói là một cái tiến bộ, một cái nỗ lực để đưa cái sinh hoạt, cái quản lý giáo dục đại học hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, thực tế các Hội đồng trường ở Việt Nam không làm được những điều như người ta mong muốn. May là ông hiệu trưởng vẫn là người có thể quyết định chính mọi sự thay đổi, phát triển của trường. Tôi quan sát điều đó không phải chỉ ở một trường đâu mà phần lớn các trường đều là như vậy."

Cuối tháng 10 năm ngoái, nhân buổi tọa đàm thảo luận về việc xuất hiện khái niệm "cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học" và việc trao quyền cho Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất trường đại học, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu ý kiến, người nắm quyền là cơ quan chủ quản không muốn mất quyền, Hội đồng trường không có thực quyền nên chủ trương tự chủ chỉ có trên danh nghĩa, không đi vào cuộc sống.