Tràn lan quy định phi lý

0:00 / 0:00

Dự thảo thông tư mới của Bộ Y tế được công khai hồi cuối tháng 3 quy định về sức khỏe của nhân viên đường sắt phục vụ trực tiếp trên tàu. Trong đó có những điểm như răng vẩu, ngực lép không được lái tàu và một số quy định về chức năng sinh lý.

Ông Lê Lương Đống người được truyền thông trong nước dẫn lời trong tư cách Trưởng phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo về những điểm vừa nêu. Thế nhưng khi được RFA hỏi về điều đó thì ông bác bỏ như sau:

Cái ngày 1 tháng 4 họ đăng báo đùa đấy. Vì trước tôi làm Bộ Y tế 5, 6 năm nên họ đăng cái tên chứ tôi đã về hưu mấy năm rồi, năm nay tôi gần 70 tuổi rồi. Đó là cái ngày “cá” mà. Ngày “Cá tháng Tư” oái oăm đưa tên ông Đống vô báo VietnamNet.

Ngày xưa thì tôi có làm Phó Vụ Trưởng rồi Vụ trưởng Bộ Y tế nhưng từ hồi năm 2007, thời đó chưa có soạn thảo văn bản này đâu.

Chúng tôi nêu vấn đề về tiêu chí ‘răng vẩu, ngực lép’ như được đề cập đến với một vị bác sĩ tên Võ Ngọc Vũ tại Sài Gòn; và trong trả lời qua facebook, ông cho rằng những quy định đó được nói đến từ lâu rồi nhưng chắc chắn chẳng bao giờ thông qua vì nó “hài” quá. Tôi chẳng quan tâm.

Một bác sĩ làm việc ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình không muốn nêu tên trao đổi với RFA qua điện thoại rằng trong y khoa có một bệnh gọi là bệnh ngực lõm, đây là bệnh bẩm sinh chứ không phải ngực lép, nhưng ở Việt Nam thì cách gọi ở miền nam và bắc khác nhau nên đọc văn bản cũng rất khó hiểu.

Vị bác sĩ này nói thêm rằng khi kiểm tra sức khỏe thì phải đo vòng ngực lúc hít vào và thở ra để xác định độ giãn nở của lồng ngực. Bây giờ chỉ ra cái văn bản như vậy thì rất khó xác định vì vòng ngực lép hay không phải so sánh với các số đo khác trên cơ thể.

Chuyện văn bản của Bộ Y tế về ‘răng vẩu, ngực lép’ không được tham gia phục vụ trên tàu chưa lắng xuống thì lại có thông báo yêu cầu nếu chủ thuê bao điện thoại di động không cập nhật được hình chân dung và thông tin cá nhân trước 24/4 thì nhà mạng sẽ khóa thuê bao. Một bạn trẻ bức xúc bày tỏ:

Nếu vậy thì em sẽ bỏ sim vì khi đăng ký đã có chứng minh (CMND) đã có hình mình rồi, chứng nhận là mình rồi. Em sẽ không đồng ý việc phải đi nộp hình chân dung.

Một bác chạy xe ôm thì có ý kiến:

Họ làm vậy họ mất doanh thu thôi, mình đổi qua cái khác xài chứ phiền phức quá thời gian đâu mà làm.

Vị bác sĩ làm ở bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình cho rằng điều này không thể thực hiện được bởi ở Việt Nam có thể mua sim ở bất cứ cửa hàng bán sim điện thoại nào. Các sim này do tên chủ cửa hàng đứng tên. Bây giờ đem nộp ảnh chân dung làm sao khớp với tên đã được đăng ký?

Ông cho chúng tôi biết thêm rằng ở Việt Nam thì những công ty nào muốn mở mạng viễn thông thì phải thông qua nhà nước. Sau một thời gian kinh doanh phải chứng minh số thuê bao đủ lớn thì công ty đó mới tiếp tục tồn tại. Nên có những công ty khuyến mãi thật nhiều, người dân cứ mua sim thật nhiều và số khách hàng thực sự là con số ảo. Bây giờ nhà nước muốn có con số thật nên phải thay đổi cách quản lý bằng cách bắt buộc thuê bao nộp hình chân dung.

Một quy định nữa khi đưa ra cũng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ dư luận dù có phần hạn hẹp hơn bởi đối tượng được nói đến là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh.

Theo đó thì tất cả sinh viên phải tham gia khám sức khỏe để đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Một sinh viên năm cuối trường này nói với RFA:

Em nghĩ khám sức khỏe để giấy tờ đi kèm với hồ sơ xin việc sau này thôi chứ không phải không đủ sức khỏe thì không được ra trường.

Cũng có những bạn sinh viên không hẳn đồng tình, nhưng cho rằng nếu phản đối thì cũng chẳng được gì:

Em thấy khám sức khỏe với mức 50 ngàn như hiện nay thì cũng không có giá trị với phiếu khám sức khỏe đó, sau này có đi làm thì cũng phải khám lại. Nhưng cái này bắt buộc nên em cũng không làm được gì, em cũng phải chịu thôi. Em thấy một số bạn than phiền nhưng một số bạn cũng chấp nhận như em thôi. Mà than phiền cũng không làm gì được.

Sau khi sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phản ánh quy định phải khám sức khỏe mới được xét tốt nghiệp, ông Ngũ Duy Anh, vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT, trả lời với truyền thông trong nước rằng việc khám sức khỏe định kỳ (ưu tiên đầu cấp cuối cấp) là nhiệm vụ bắt buộc của các trường đại học, và quy định này là đúng.

Thực tế cuộc sống trong quá trình vận động phát triển cần có những yêu cầu mới cho phù hợp; tuy nhiên những qui định cần hợp lý thì mới có thể thuyết phục người dân thi hành.