Người dân hiện nay hết sức lúng túng và lo lắng về rất nhiều các khoản thu cho các quỹ của phường, xã trái quy định.
Thực tế
Theo truyền thông nhà nước cho biết, hiện nay hàng năm người dân ở các địa phương đã phải đóng góp rất nhiều khoản quỹ khác nhau cho cấp Phường, Xã thông qua các tổ dân phố nơi mình cư trú.
Bên cạnh cách quỹ mang tính bắt buộc phải đóng góp theo quy định, là rất nhiều các quỹ xã hội, quỹ từ thiện đóng góp trên tinh thần tự nguyện, như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa; quỹ bảo trợ trẻ em; quỹ xóa đói giảm nghèo; quỹ khuyến học; quỹ chăm sóc người cao tuổi v.v...
Ông Định, một cựu chiến binh ở Duy Tiên, Nam Định cho biết, các loại quỹ xã hội mà gia đình ông phải đóng góp hàng năm, gồm hàng chục khoản thu khác nhau như một trận đồ bát quái, bản thân ông không biết đường nào mà lần. Trong một tâm trạng bức xúc ông bày tỏ:
Thường thường thì tôi thấy tổ trưởng dân phố đi thu, cũng chỉ thấy có chữ ký sơ sài mà chẳng thấy hóa đơn gì hết cả. <br/> - Ông Đinh Quang Tuyến
“Bản thân tôi là một thương binh hạng ¼, nhưng việc thu các thứ (quỹ) thì họ cứ bổ theo đầu, mà không từ bố con thằng nào cả. Nếu không nộp họ sẽ báo cho Đội, Đội sẽ báo cho chính quyền và chính quyền sẽ viết giấy triệu tập đến mình.”
Ông Đinh Quang Tuyến, một nhà hoạt động xã hội ở Sài gòn cho biết, hàng năm tổ trưởng khu phố cứ liệt kê các loại quỹ, khoảng 200.000 đồng rồi đến từng nhà thu tiền. Ông bày tỏ:
“Thường thường thì tôi thấy tổ trưởng dân phố đi thu, cũng chỉ thấy có chữ ký sơ sài mà chẳng thấy hóa đơn gì hết cả. Mọi người thấy người của chính quyền đi thu thì cũng đóng cho xong, họ chả muốn bị làm phiền. Vì một số người nghĩ, ngày sau họ còn cần chính quyền chứng nhận chuyện giấy tờ, họ sợ bị làm khó dễ nên họ đóng. Cho dù họ không bằng lòng, nhưng họ vẫn phải đóng một cách miễn cưỡng.”
Từ Hà nội, Nhà văn Phạm Viết Đào cho biết, có lẽ vì ông sống ở gần trung ương nên việc thu phí cũng đỡ hơn và với các khoản thu không lớn, nên ông cũng đóng cho xong. Ông nói:
“Tôi thấy ở chỗ chúng tôi chuyện đó cũng không đến nỗi, tôi nghĩ không có gi nặng nề trong chuyện này. Cơ bản là ở những vùng nông thôn, vùng xa, vùng sâu ấy, ở đó dân họ nghèo. Chuyện họ bị chèn ép trong việc đóng góp các quỹ là một thực tế, cũng bởi chính quyền cấp xã bây giờ họ cũng quan liêu và có lắm chiêu trò. Điều đó thực tế báo chí cũng đã nói rất nhiều.”
Quy định

Theo cổng thông tin của Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg về việc tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Kèm theo Chỉ thị là danh mục các khoản được miễn. Theo đó, các loại Quỹ phòng, chống lụt, bão; Quỹ quốc phòng, an ninh là những quỹ được thành lập theo Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đây là các quỹ bắt buộc phải đóng, nhưng chỉ áp dụng đối với người ở độ tuổi lao động.
Qua thư điện tử, khi trả lời câu hỏi của chúng tôi: Nếu người dân có khiếu nại đối với các khoản huy động đóng góp cho quỹ xã hội ở cấp Phường, Xã. thì họ phải làm như thế nào?
LS. Hà Huy Sơn giải thích:
Theo quy định, chỉ có thuế, lệ phí là bắt buộc. Mọi khoản huy động khác đều là tự nguyện, người dân có quyền không đóng, nhà nước không được phép cưỡng chế. <br/> - LS. Hà Huy Sơn
“Theo quy định, chỉ có thuế, lệ phí là bắt buộc. Mọi khoản huy động khác đều là tự nguyện, người dân có quyền không đóng, nhà nước không được phép cưỡng chế. Trong trường hợp người dân từ chối đóng góp các khoản quỹ đó, bi trù dập hoặc bị gây khó dễ thì họ sẽ phải khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền. Cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể”.
Giải thích các quy định chung, về việc thu nộp các loại quỹ bắt buộc ở cấp Phường, Xã hiện nay, một chuyên viên nghành Tài chính không muốn nêu danh tính cho biết, không một cơ quan nào được tự đặt ra các khoản huy động đóng góp ngoài quy định của trung ương và các tỉnh thành trực thuộc trung ương. Theo ông, UBND các quận, huyện, phường, xã, không có thẩm quyền ra văn bản bắt buộc đóng góp, cũng như không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới. Ông tiếp lời:
”Người nộp tiền sẽ được cấp biên lai theo mẫu quy định. Số tiền thu được sau khi trích 5% trên tổng số thu để trả thù lao cho người trực tiếp thu, còn lại 95% sẽ quy thành 100%, phân bổ quỹ phòng, chống lụt bão quận 40% và nộp về tài khoản quỹ phòng, chống lụt bão TP 60%. Đối với các khoản huy động đóng góp cho quỹ xã hội, quỹ từ thiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các hoạt động có tính chất xã hội, từ thiện phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện.”
Ông Đinh Quang Tuyến cho rằng, việc thu chi các loại quỹ xã hội mà người dân phải đóng góp cho Phường, Xã hoàn toàn không được thông báo cho người dân được biết. Theo ông, tình trạng thiếu minh bạch như vậy đã khiến nhiều người dân hoài nghi. Ông khẳng định:
“Không có báo cáo công khai minh bạch, mà kể cả có thì cũng không có cơ hội để kiểm chứng. Vì họ đã cố tình làm không minh bạch thì con số làm sao nó minh bạch được? Cách đây mười mấy năm, mọi người đều đóng góp vì họ tưởng đồng tiền đó được sử dụng đúng mục đích. Song gần đây, mọi người đã hiểu đồng tiền ấy nó đi vào túi các quan chức địa phương chứ chẳng đi đâu. Cho nên những người hiểu như tôi thì sẽ không đóng và cái trào lưu không đóng bây giờ là rất là cao.”
Giải pháp
Trả lời câu hỏi, cần phải có giải pháp nào nhằm để chấn chính việc sử dụng các quỹ xã hội đạt được hiệu quả và minh bạch?
Nhà văn Phạm Viết Đào nhận định:
“Về giải pháp, thì tôi nghĩ trước hết các cấp chính quyền phải làm rõ cái việc này, nếu không làm được thì họ sẽ mất uy tín trong mắt người dân. Người dân người ta chỉ lên tiếng thế thôi, vì họ không muốn nói nhiều làm gì. Giải quyết vấn đề này trước hết phải thuộc về chính quyền, hai là báo chí và các cơ quan đoàn thể phải cùng phối hợp với báo chí để điều tra, giám sát.”
Theo tôi, những việc đó phải để cho người dân họ tự làm và để tự họ giám sát trong quá trình thu và chi.<br/> - Ông Đinh Quang Tuyến <br/>
Ông Đinh Quang Tuyến khẳng định:
“Muốn như thế thì phải để cho dân tham gia, có nghĩa là những việc như thế thì phải thuộc về dân chứ đâu phải thuộc về quản lý nhà nước? Theo tôi, những việc đó phải để cho người dân họ tự làm và để tự họ giám sát trong quá trình thu và chi.”
Các chuyên gia về pháp luật và tài chính mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có chung một nhận định khi cho rằng, chính quyền địa phương phải tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ chính sách và quy định của pháp luật về các khoản đóng góp quỹ xã hội, khoản thu nào là bắt buộc và khoản thu nào là tự nguyện. Đồng thời cần phải minh bạch, để người dân có thể theo dõi tình hình thu chi của chính quyền địa phương. Điều đó sẽ tránh được việc các tổ dân phố tùy tiện, tự áp đặt mức thu trái quy định cho các hộ dân.