Gần một tháng từ khi Trung Quốc loan báo xả nước đập thủy điện tỉnh Vân Nam và sau đó là Lào cũng có hành động tương tự, nhưng lượng nước thực tế về đến đồng bằng sông Cửu Long được ghi nhận ra sao.
Tối 12/4/2016, Phó Giáo sư Tiến Sĩ Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ bác bỏ những thông tin lạc quan cho rằng, nước do Trung Quốc và Lào xả từ các đập thủy điện đưa vào sông Mekong đã cứu vãn tình hình hạn hán xâm nhập mặn và nông dân đã có nước tưới để xạ vụ lúa hè thu. PGSTS Lê Anh Tuấn cập nhật tình hình:
“Tôi nghĩ đây là chuyện chính trị nhiều hơn là đưa nước về …những ngày trước nước ở chỗ Tân Châu Châu Đốc tôi theo dõi có tăng lên…nhưng tăng lên đó là do ảnh hưởng thủy triều là chính…triều cường đang đi lên nhưng sau đó thì hiện nay nước đã xuống lại rồi…nước có về nhưng không phải là lớn.”
Theo giải thích của các chuyên gia, một số nơi bất ngờ có nước ngọt là do triều cường lên và khi nước triều rút về biển thì một lượng nước ngọt nào đó sẽ từ thượng nguồn về nơi hạ nguồn. Trước đó một số báo chí đưa tin nước xả đập thượng nguồn sông Mekong về tới miền Tây, giúp có nước tưới cho trồng trọt. Trên thực tế chỉ có các vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc hai tỉnh Đồng Tháp, An Giang là cảm nhận mực nước dồi dào hơn trước đó một tháng.
Nước rất ít không đáng kể, mực nước hiện tại vẫn thấp hơn mực nước biển khá nhiều. Cũng đang chờ đợi đặng mình chuẩn bị đất xuống giống nhưng vẫn chưa dám xạ lúa nữa. <br/> - Một nông dân ở Kiên Giang
Mạng tin Báo Mới trích lời ông Trần Anh Thư, giám đốc sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, thành viên Mạng Sông ngòi Việt Nam, nói rằng không thể thấy mực nước dâng lên rồi bảo là nước thượng nguồn đổ về do Trung Quốc xả đập, nói vậy là không có cơ sở.
Cùng thời điểm ngày 12/4, một nông dân ở tỉnh Kiên Giang một trong 8 tỉnh bị xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết:
“Nước rất ít không đáng kể, mực nước hiện tại vẫn thấp hơn mực nước biển khá nhiều. Cũng đang chờ đợi đặng mình chuẩn bị đất xuống giống nhưng vẫn chưa dám xạ lúa nữa. Triều cường biển hiện đang khá cao, nghe thông tin nói do đợt triều cường này thì nước thượng nguồn sẽ tới. Thì cũng chờ xem, chứ hiện tại không đáng kể gì. Những năm trước bây giờ là đầu mùa mưa nhưng hiện tại thì chưa thấy dấu hiệu gì… đồng khô cỏ cháy, bò không có cỏ mà ăn…”
Xả đập không ăn thua...
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Dương Văn Ni giảng viên Khoa môi trường Đại học Cần Thơ nói rằng, ông không tin nước xả đập thủy điện của Trung Quốc có thể tiếp nguồn nước ngọt cần thiết cho đồng bằng sông Cửu Long. Ông nói:
“Tôi cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố xả nước từ các đập thủy điện để hỗ trợ các nước hạ nguồn sông Mekong là hành động tích cực nên ghi nhận. Nhưng mà rõ ràng chuyện tuyên bố đó lý ra nó phải được đi kèm với những thông tin quan trọng hơn, là lượng nước trong hồ có bao nhiêu, mỗi ngày xả bao nhiêu …lý ra Trung Quốc cần phải cung cấp những thông tin đó nhưng hiện nay Trung Quốc lại không chia sẻ những thông tin đó.”
Trung Quốc xả nước thủy điện ở Vân Nam xuống hạ nguồn và cả Lào cũng thực hiện việc này, nhưng các nhà khoa học cho rằng, trong tình hình khô hạn hiện nay, khi mực nước Biển Hồ bên Campuchia đã giảm 50%, thì không thực tế khi nói xả nước một vài đập thủy điện ở thượng nguồn, có thể rửa mặn cho đồng bằng sông Cửu Long.
Qua nghiên cứu chế độ thủy văn của sông Mekong trong rất nhiều năm, TS Dương Văn Ni ghi nhận, vào đầu mùa mưa nước mưa và nước băng tan ở phía Trung Quốc trước hết sẽ làm bão hòa các tầng đất khô, rồi nó lấp đầy các vũng trũng phía thượng nguồn và sẽ chỉ có một lượng rất ít chảy xuống dưới hạ nguồn. TS Dương Văn Ni tiếp lời:
“Đặc biệt là cơ chế vào đầu mùa mưa gần như lượng nước trên sông Mekong chảy vào Biển Hồ Campuchia, cho đến khi Biển Hồ đầy nước rồi thì mới có lượng nước đáng kể chảy về đồng bằng sông Cửu Long. Với cơ chế đó, giả dụ như đập Cảnh Hồng Trung Quốc lúc này mà xả một lưu lượng nước đủ lớn như vào đầu mùa mưa…cái này thì khó mà đạt được con số đó lắm.
Đặc biệt là cơ chế vào đầu mùa mưa gần như lượng nước trên sông Mekong chảy vào Biển Hồ Campuchia, cho đến khi Biển Hồ đầy nước rồi thì mới có lượng nước đáng kể chảy về đồng bằng sông Cửu Long. <br/> - TS Dương Văn Ni
Giả dụ như họ xả một lượng nước lớn như vậy thì đầu tiên lượng nước đó nó cũng ngập những vùng trũng, vùng khô hạn ở phía thượng nguồn trước, đặc biệt nó sẽ chảy vào Biển Hồ trước khi nó có thể chảy một lượng đáng kể xuống đồng bằng sông Cửu Long. Từ cơ chế thủy văn như vậy, cá nhân tôi, tôi tin hoàn toàn là lượng nước chảy về đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể.”
Hạn hán xâm nhập mặn năm 2016 đã xảy ra trên 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long khiến cho sản xuất nông nghiệp ở khu vực này tăng trưởng âm trong thời gian vừa qua. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để Ngân hàng Thế giới giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016 từ 6,6% xuống 6,2%.
Vấn đề thiếu nước và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã được giới khoa học dự báo từ cả chục năm trước. Nếu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng là tác hại lâu dài, thì hệ thống thủy điện bậc thang ở thượng nguồn bên Trung Quốc ảnh hưởng 20% lưu lượng nước trên sông Mekong. Các quốc gia lưu vực sông Mekong phía trên Việt Nam cũng xây dựng thủy điện, đồng thời sử dụng nguồn nước nhiều hơn do phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp dọc hai bờ sông Mekong.
Riêng Việt Nam được cho là đã có những chính sách phát triển cây lúa bảo đảm dư thừa lúa gạo, nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng về vấn đề thiếu nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà khoa học như PGS-TS Lê Anh Tuấn, TS Dương Văn Ni đã có chung quan điểm về hậu quả phá vỡ môi trường tự nhiên, để gia tăng diện tích sản xuất lúa vụ ba ngay trong mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long. Hàng trăm ngàn km đê bao để làm lúa vụ ba trong mùa lũ, đã thu hẹp đáng kể những vùng trữ nước tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long.
Sửa sai là trách nhiệm của Nhà nước, hiện nay vấn đề cắt giảm diện tích trồng lúa đã được đặt ra. Tuy vậy hệ thống đê bao chằng chịt ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đó, cùng với chủ trương làm lúa ba vụ mỗi năm.