Cuộc tuyệt thực của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức theo chính bản thân ông thông báo với gia đình vào ngày 14 tháng 5 và bắt đầu 10 hôm sau đó đến hôm nay bước sang ngày thứ 9.
Thân nhân và nhiều người quan tâm hết sức lo lắng cho sức khỏe của ông trong nhà tù.
Gia đình đi thăm
Gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết có kế hoạch trong ngày 1 tháng 6 đến Trại 6 Thanh Chương, Nghệ An để thăm gặp theo tiêu chuẩn của tháng 6.
Gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của ông này vì biết ông đang tuyệt thực trong trại giam theo như lời của chính ông Thức nói với các thành viên trong gia đình trong cuộc thăm gặp gần nhất mới vào ngày 14 tháng 5 vừa qua.
Anh Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Thức, vào lúc sau 12 giờ trưa ngày 1 tháng sáu cho biết có trở ngại trong việc di chuyển để đến Trại 6, Thanh Chương Nghệ An để thăm ông như sau:
“Chuyến bay thay vì 6 giờ sáng, hãng hàng không chuyển đến 8 giờ, rồi đến 12 giờ. Bây giờ cũng đang chờ ra máy bay chưa thể ra đến Vinh được.
Chiều nay không biết có thể gặp được anh Thức hay không. Gia đình đang ở Sân bay để đi Vinh, ra Vinh rồi mới tới trại giam.<br/> - Anh Trần Huỳnh Duy Tân
Nếu tình hình như thế này thì chiều nay không biết có thể gặp được anh Thức hay không. Gia đình đang ở Sân bay để đi Vinh, ra Vinh rồi mới tới trại giam.”
Khó có thể gặp!
Vào chiều ngày 31 tháng 5, chúng tôi liên lạc với ông Lộc, vị bác sĩ tại Trại 6 Thanh Chương, Nghệ An để hỏi về thông tin tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực. Ông này tránh né nói rằng đã ra Hà Nội học ba ngày rồi; tuy nhiên khi được hỏi trước đó thì với tư cách bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho tù nhân trong trại Thanh Chương, Nghệ An thì ông thấy tình trạng của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức thế nào, bác sĩ Lộc trả lời:
“Tôi không biết, tôi thấy anh ấy cũng bình thường, anh ấy nói chuyện bình thường, anh ấy tuyệt thực cơm của nhà nước nhưng anh ấy vẫn ăn cơm gia đình gửi vào.
Còn hôm nay tôi chưa biết được. Tôi đang ở Hà Nội, chưa về, anh Thức ở nhà tôi không biết thế nào.”
Cựu tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, người từng bị giam ở Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An và trong những ngày qua theo dõi sát tình hình tuyệt thực của ông Trần Huỳnh Duy Thức trong nhà tù, cho biết những thông tin mà ông có được:
“Tôi có gọi điện cho ông Lộc nhưng ông ta không bắt máy. Sáng nay tôi gọi điện lần thứ hai ông cũng không bắt máy; như thế tôi nghĩ có khả năng ông này bị cảnh cáo nên ông không dám nói chuyện với tôi nữa.
Xin nói anh Thức cực kỳ khó khăn! Bởi vì họ bưng bít các nguồn tin mạnh lắm, họ sợ những thông tin về anh Thức lọt ra ngoài nên chắc chắn họ không cho gặp đâu. Đặc biệt lần này họ rút kinh nghiệm của vụ anh Hải Điếu Cày nên xác xuất gặp anh Thức rất ít. Có thể có một vài câu chữ của anh Thức gửi ra nói gia đình yên tâm hoặc cái gì tương tự. Chứ còn gặp trực tiếp để người ta thấy tình trạng của anh Thức thế nào là họ không cho gặp.
Việc tuyệt thực thì nói chung bao giờ giữa ban giám thị và anh Thức cũng có sự thách đố nhau. Và ban giám thị hy vọng rằng anh Thức sẽ không chịu nổi và sẽ ngừng tuyệt thực. Lúc ấy họ sẽ cho gặp, mà lúc ấy sẽ không còn hình ảnh anh Thức gầy gò, ốm lả gây dư luận bên ngoài. Đó là điều tôi khẳng định. Rút kinh nghiệm vụ anh Hải, khi anh này dừng tuyệt thực được 2 ngày rồi họ mới cho gặp gia đình. Lần này cũng thế.”
Kêu gọi của cộng đồng

Ngay sau khi có tin ông Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu tuyệt thực trong trại giam, nhiều người quan tâm lên tiếng đồng hành cùng ông. Tuy nhiên sau đó có ý kiến cho rằng biện pháp tuyệt thực mà ông Trần Huỳnh Duy Thức thông báo với gia đình ‘đấu tranh này là trận cuối cùng’ sẽ không có tác dụng đối với chính quyền hiện nay.
Tin tức cho biết tính đến cuối tháng 5 có gần 18 ngàn người trong và ngoài nước ký vào một thỉnh nguyện thư yêu cầu trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Nhiều người nhờ gia đình chuyển thư đến ông Trần Huỳnh Duy Thức khuyên ngưng tuyệt thực, bảo toàn sức khỏe để có thể tiếp tục công cuộc đấu tranh cho đất nước.
Bức thư đề ngày 31 tháng 5 của ba ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, và Huỳnh Kim Báu- cùng là cựu tù chính trị trước năm 1975, nêu rõ ‘Anh sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước đau thương của chúng ta nhiều hơn sự ra đi cao cả của anh vào lúc này’.
Ông Huỳnh Kim Báu cho biết việc gửi thư cho tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực trong nhà giam:
“Thứ nhất Trần Huỳnh Duy Thức là một trí thức trẻ (so với tôi bảy mươi mấy tuổi thì Trần Huỳnh Duy Thức 50 tuổi là trẻ), là một con người có tài năng, một người yêu nước. Những con người đó không thể chết được, đất nước đang cần họ. Nhưng anh ta là một người rất quả cảm tuyệt thực đòi dân chủ, tự do cho dân tộc; chứ không thì anh chết; mà anh này có khả năng làm điều đó! Cho nên chúng tôi- không phải mình tôi đâu, mà rất nhiều anh em trí thức, một số sinh viên đại học cũng lên tiếng để yêu cầu anh ta ngưng tuyệt thực. Anh ta phải sống để đồng hành với dân tộc này đấu tranh tới cùng để giành lại quyền cơ bản của con người. Đó là quyền độc lập, quyền tự do.
Chúng tôi làm điều đó cũng không hy vọng gì để có thể đánh thức được giới cầm quyền đâu. Chẳng qua chúng tôi làm vì lương tâm không cho phép chúng tôi im lặng .
Chúng tôi sẽ dẫn 'Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt, và Sài Gòn' sẽ kéo ra tuyệt thực trước nhà lao đang giam Trần Huỳnh Duy Thức.<br/> - Ông Huỳnh Kim Báu
Chúng tôi là người Việt Nam, người có học mà đứng trước việc đó nếu im lặng là hèn nhát. Chúng tôi không thể là người hèn nhát nên chúng tôi phải hành động với tư cách là người Việt Nam yêu nước, bảo vệ cái đúng, bảo vệ chân lý!”
Ngoài việc viết thư khuyên ông Trần Huỳnh Duy Thức ngưng tuyệt thực, ông Huỳnh Kim Báu còn cho biết hoạt động cụ thể sẽ thực hiện trong thời gian tới:
“Hiện nay đang có phong trào tuyệt thực. Như tôi vừa rồi tuyệt thực được 2 lần rồi. Tuyệt thực tại nhà và ngày mai chúng tôi tiếp tục tuyệt thực nữa.
Và đoàn ngày hôm qua đi thăm Trần Huỳnh Duy Thức, nay trả lời; nếu họ không cho và thăm Trần Huỳnh Duy Thức thì chúng tôi sẽ ra. Chúng tôi sẽ dẫn ‘Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt, và Sài Gòn’ sẽ kéo ra tuyệt thực trước nhà lao đang giam Trần Huỳnh Duy Thức.
Chúng tôi mong muốn, chúng tôi kêu gọi tất cả những người có lương tri trên thế giới, tất cả những người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài hãy đồng thanh cất tiếng, hãy phản ứng rất quyết liệt để bảo vệ Thức.”
Ông Andre Menras - Hồ Cương Quyết, một người Pháp nhập tịch Việt Nam, cũng có thư cho ông Trần Huỳnh Duy Thức với kêu gọi “Trong thời kỳ mới này, thời kỳ của cuộc đấu tranh chính trị sáng suốt, dũng cảm và liên đới cần có sự tham gia của mọi công dân, nhất là của những người như anh đã chứng tỏ rằng mình sẵn sàng hy sinh cho đất nước. Xin đừng để cho chúng tôi phải thiếu vắng anh.”