Mỹ thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam: tín hiệu vui!

0:00 / 0:00

Mức kim ngạch xuất khẩu 2,04 tỷ USD chỉ trong 2 tháng đầu 2021, chiếm 33.05% thị phần, đã đưa Hoa Kỳ thành thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông sản Việt Nam, vượt qua Trung Quốc.

Báo cáo đầu tháng này từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và được truyền thông trong nước loan tải cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thuỷ sản trên cả nước trong tháng một và tháng hai 2021 đạt gần 11 tỷ USD. Trong đó, nông sản xuất sang thị trường Mỹ chiếm 2,04 tỷ USD. Đây là mức tăng 57,3% so với cùng thời gian năm ngoái.

Vẫn theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc 2 tháng đầu năm ước đạt 1,88 tỷ, trong lúc giá trị thương mại hai chiều, đặc biệt thương mại nông sản giữa Việt Nam và Mỹ, tăng trưởng liên tục trên dưới 30% trong những năm qua.

Theo chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Đại Học Nam Cần Thơ, được vậy là do sản lượng nông nghiệp, bao gồm vật nuôi và cây trồng, không những tăng đều trên nhiều loại mà còn bảo đảm chất lượng sạch nhiều năm trở lại đây:

"Các loại trái cây từ vải, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, nhãn…trồng cũng sạch, tới đây tôi nghĩ mình còn xuất nhiều hơn nữa. Mình cũng có loại khoa tây nữa. Bên Mỹ tháng Hai là hết khoai tây tươi rồi, chỉ còn khoai tây đông lạnh thôi. Còn mình khoảng tháng Hai cho tới tháng Ba là mình thu hoạch khoai tây tươi, ăn rất ngon".

2014-12-02T120000Z_1570117854_GM1EAC219HQ01_RTRMADP_3_VIETNAM-ECONOMY-GDP.JPG
Hình minh hoạ. Một phụ nữ bán trái cây ở chợ Long Biên, Hà Nội hôm 2/12/2014. Reuters

Theo phân tích của Giáo sư Võ Tòng Xuân, một yếu tố quan trọng, có thể nói là cởi trói cho cả ngành nông lâm thủy sản, chính là Nghị quyết Chính phủ 120 cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng:

"Nghị Quyết 120 của Chính phủ không còn bắt buộc nông dân trồng lúa và lúa suốt năm và hết mọi nơi. Bây giờ chỗ nào thích hợp trồng lúa thì trồng, chỗ nào trồng lúa không được mà tốn nhiều nước thì chuyển qua trồng cây ăn trái"

“Từ Kiên Giang xuống Cà Mau, lên Bạc Liêu rồi qua Sóc Trăng, từ Trà Vinh qua Bến Tre…,những vùng ven biển này trước đây vì an ninh lương thực nên bắt phải trồng lúa, rất tốn kém vì thiếu nước ngọt. Bây giờ trong tình trạng biến đổi khí hậu ở các vùng biển này, chỉ trừ mùa mưa mới có nước ngọt. Nông dân trồng lúa trong mùa mưa, dứt mưa thì trở lại nuôi tôm. Trên đồng ruộng đó năng suất lúa cũng tốt, tôm sú với tôm càng xanh xuất khẩu được. Rồi con tép để làm tôm khô xuất khẩu, một kí lô tôm khô gần 1 triệu Đồng”

"Cá thì bây giờ xa bờ khoảng chừng trăm, hai trăm mét thì người ta làm bè nuôi cá mú, tôm hùm cũng nuôi nhiều dọc theo bờ biển. Cá ngừ ở Phú Yên, Phan Rang hiện nay mình xuất qua Nhật Bản và qua Mỹ luôn. Cua biển và con ghẹ cũng nhiều lắm vì giờ mình cho cua đẻ được rồi".

Một số mặt hàng khác, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói tiếp, như hồ tiêu, ớt, hạt điều, cà phê.. được sản xuất mạnh tại nhiều nơi và được Mỹ mua hết như ở Pleiku, Kontum, Đồng Nai, Long Thành, Kiên Giang, Phú Quốc.

Nhiều công ty xuất khẩu thủy sản trong nước, Giáo sư Võ Tòng Xuân đơn dẫn tiếp, đã đạt qui mô sản xuất chuyên nghiệp về mặt sản lượng cũng như chất lượng:

"Những công ty xuất khẩu tôm lớn như Minh Phú thì nhân viên đều xuống kiểm tra các vùng nuôi tôm để xem có sử dụng chất kháng sinh hay không. Có thể nói bây giờ từ nông dân cho tới doanh nghiệp đều quan tâm, để ý đến vấn đề thực phẩm sạch"

Đối với các mặt hàng khô chế biến từ nông sản thì mức cầu bên ngoài như Hoa Kỳ càng ngày càng cao thấy rõ, buộc các cơ sở sản xuất trong nước phải nâng mức cung hầu có đủ hàng xuất khẩu:

"Hủ tiếu, bánh tráng, bánh hỏi, bánh phở, bún khô…Thứ nhất là các siêu thị Á Châu ở tại Mỹ, thí dụ bên Seattle có một siêu thị Á Châu rất lớn và bây giờ cũng có nhiều siêu thị Việt Nam lớn hơn rồi. Họ chỉ muốn mua đồ ăn của Việt Nam".

"Thí dụ một công ty xuất khẩu như Thuận Phong, mỗi tháng 300 tấn bánh tráng, hủ tiếu, bánh hỏi, bánh phở, bún khô sản xuất ra chỉ để bán cho Mỹ chứ không bán trong nước vì trong nước thì mình có sẵn đồ tươi để ăn. Bên Canada, nguyên tỉnh Toronto thì người Việt bên đó tẩy chay đồ khô của Trung Quốc, đó là lý do".

Ba mươi mấy năm nay Việt Nam đã học được những bài học khá là cay đắng về nông sản xuất khẩu, nay với bạn hàng khó tính là Mỹ đang dẫn đầu thì xuất xứ, chất lượng, uy tín phải là 3 tiêu chuẩn luôn được đề cao. Giáo sư Võ Tòng Xuân nói tiếp:

"Hàng xuất khẩu, kể cả gạo, xuất qua Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Úc rồi Châu Âu mà nếu mình làm không đàng hoàng thường là bị người ta trả về. Thành ra Bộ Nông Nghiệp giờ rất gắt trong vấn đề xuất khẩu"

“Về lâu về dài thì cả doanh nghiệp cả nông dân phải liên kết với nhau. Ngày xưa một phần ỷ lại là hàng quốc doanh nên muốn làm gì thì làm. Giờ thì không được rồi, giờ phần lớn là tư nhân hết và đều phải giữ uy tín”.

2017-02-04T000000Z_636743650_RC1728107BB0_RTRMADP_3_ASIA-RICE.JPG
Hình minh hoạ. Nông dân trồng lúa trên một cánh đồng tại tỉnh Hà Tĩnh hôm 4/2/2017. Reuters

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về chính sách nông nghiệp, cho rằng sau khi đã ký một loạt FTA, đặc biệt EVFTA, thị trường nông sản Việt Nam được mở rộng. Một số doanh nghiệp năng động đã nắm bắt được nhu cầu thị trường bên ngoài, quay lại hướng dẫn nông dân trong nước sản xuất theo qui một trình nghiêm ngặt, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm từ nông trại đến bàn ăn:

“Đấy là hướng đi chung của tất cả các nước, tức là phải thiết lập một chuỗi giá trị trong đó có vai trò của doanh nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp mới giải quyết được 3 vấn đề mà nông dân không giải quyết được. Thứ nhất là thương hiệu, thứ hai là công nghệ, thứ ba là vốn”

“Doanh nghiệp nào giải quyết được 3 vấn đề đó, đạt tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của nước phát triển đó thì mới có được nông sản không những bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn đáp ứng tiêu chuẩn khác khe của thị trường đó”.

Điểm thứ hai, được chuyên gia độc lập về chính sách nông nghiệp Vụ Trọng Khải chỉ ra, là sự thay đổi tư duy từ nông dân:

“Thứ hai là nông dân mình cũng rất nhạy cảm và khi mà được doanh nghiệp hướng dẫn thì người ta cũng tuân thủ yêu cầu sản xuất nghiêm ngặt để có được tiêu chuẩn xuất khẩu.”

Đấy chẳng qua là sự liên kết tốt đẹp giữa doanh nghiệp với nông dân, Tiến sĩ Vũ Trọng Khải nhấn mạnh, đưa đến sự thay đổi mà đôi bên cùng có lợi.

Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nhỏ lẻ và manh mún, ruộng đất của Việt Nam vào loại thấp nhất trên thế giới, nên việc một cá nhân nhỏ lẻ mà sản xuất theo tiêu chuẩn khác khe thì rất là khó khăn.

Vậy thì đâu là thử thách, là trở ngại phải khắc phục khi nông sản Việt Nam muốn có chỗ đứng bền vững lâu dài trên thị trường tiêu thụ Mỹ, là câu hỏi Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Khải đặt ra để giải thích ngay rằng đây là lý do nội tại:

"Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nhỏ lẻ và manh mún, ruộng đất của Việt Nam vào loại thấp nhất trên thế giới, nên việc một cá nhân nhỏ lẻ mà sản xuất theo tiêu chuẩn khác khe thì rất là khó khăn. Người ta từng nghĩ đến hợp tác xã để làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Điều đó cũng đúng nhưng hợp tác xã vẫn là của nông dân nhỏ lẻ, vẫn rất khó khăn trong quản lý và sản xuất".

"Đến bây giờ đi vào hiện đại và trình độ cao hơn nhiều, thì nông dân mà chúng ta gọi là 'kinh tế hộ' đó, thực chất cũng là manh mún và cũng rất khó buộc họ theo đúng qui trình".

Theo chuyên gia Vũ Trọng Khải, chỉ khi nào Việt Nam có được một đội ngũ nông dân lớn, quản lý những trang trại gia đình với qui mô lớn, mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp bấy giờ mới bền vững và chặt chẽ:

Rào cản thứ nhì thời nông sản Việt xâm nhập thị trường Mỹ, xem ra lớn gấp đôi rào cản thứ nhất, là chính sách đất đai của Việt Nam, tiến sĩ Vũ Trọng Khải nói:

"Chúng ta chưa có một thị trường đất đai đúng nghĩa để có thể tích tụ đất, tạo ra những trang trại gia đình sản xuất hàng hóa nông sản qui mô lớn".

Điều này tạo ra tệ trạng ‘thương lái’, nhiều phần thao túng giá cả thua mua nông sản và chẳng mang lợi ích thiết thực cho chuỗi cung ứng giá trị bền lâu:

"Tôi lấy ví dụ một anh nông dân ở Nam bộ có 5 hay 7 công đất, bảo người ta chấp hành qui trình nghiêm nhặt để xuất khẩu qua Mỹ nhưng mà 5 hay 7 công đất thì sản lượng chả đáng gì, cho nên người ta sẵn sàng bán cho thương lái hơn là bán cho doanh nghiệp, dân Nam bộ gọi là bẻ kèo, cũng không chấp hành qui trình kỹ thuật mà doanh nghiệp hướng dẫn"

"Nếu giả sử cũng anh nông dân ấy có 5 ha đất ruộng, bình quân năng suất 5 ha tại Đồng Bằng Sông Cửu Long là 5 hay 6 tấn/vụ, có thể 10 hay 12 tấn/năm. Vậy thì ông ta có dám bẻ kèo không hay là phải chấp hành nghiêm túc qui trình kỹ thuật mà doanh nghiệp đề ra, nếu không thì doanh nghiệp không mua".

Không có thị trường đất đai đích thực là rào cản lớn nhất trong chính sách đất đai của Nhà Nước đối với nông nghiệp Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Vũ Trọng Khải kết luận.

Trong bài viết mới đây trên Facebook, nguyên tổng biên tập Tuổi Trẻ và Sài Gòn Tiếp Thị, nhà báo Vũ Kim Hạnh, hiện là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam Chất Lượng Cao, nói rằng Đồng Bằng Sông Cửu Long là vựa lúa, vựa trái cây, đồng thời là vựa thủy sản lớn nhất cả nước nhưng lại xuất khẩu nhiều nhất qua Trung Quốc và chủ yếu là xuất mà thôi.

Vẫn theo nhà báo này, đa phần tiêu chuẩn chất lượng những mặt hàng xuất qua Trung Quốc không đạt yêu cầu.

Vấn đề thứ hai, dưới con mắt Facebooker Vũ Kim Hạnh, là nông dân Việt Nam thiếu thông tin về thị trường nên cứ hùa nhau trồng theo phong trào, để rồi bị ứ hàng đến phải chặt bỏ và trồng thứ khác.

Chính vì vậy, nhà báo Vũ Kim Hạnh góp ý, muốn khai thác và duy trì một thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ thì trong những ngày tới các cơ quan xúc tiến thương mại của Nhà Nước và của doanh nghiệp phải cập nhật thông tin thị trường, phải tổ chức cho nông dân sản xuất theo nhu cầu đặt hàng, đồng thời qui hoạch vùng sản xuất phù hợp từng nơi thì mới gọi là thành công.