Tập trận hải quân Mỹ Việt: 'Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời' ?

0:00 / 0:00

Trang Diplomat, chuyên về chính trị quân sự vùng Châu Á- Thái Bình Dương cho biết quân đội Mỹ đã tiết lộ kế hoạch tập trận của họ trong năm 2020 tại vùng Châu Á- Thái Bình Dương. Trong kế hoạch này có thể Mỹ sẽ triển khai những lực lượng có qui mô cỡ sư đoàn, những vũ khí hiện đại, với những mục tiêu huấn luyện được các chuyên gia dự đoán là nhằm vô hiệu hóa hạm đội Trung Quốc và những căn cứ quân sự của Bắc Kinh trên các hòn đảo.

Kế hoạch cũng tiết lộ rằng quân Mỹ sẽ tổ chức các cuộc tập trận với những đối tác truyền thống như Philippines, Thái Lan, và với cả những quốc gia như Indonesia, Malaysia, và Brunei, trong đó hai quốc gia đầu tiên chiếm vị trí chiến lược tại eo biển Malacca, yết hầu vận tải đường biển ngang qua Biển Đông- một hải lộ quan trọng của thế giới.

Người ta không thấy Việt Nam được nêu ra trong tiết lộ này mặc dù trong thời gian qua có rất nhiều thông tin, phát biểu của các quan chức cho thấy quan hệ quốc phòng Việt- Mỹ phát triển rất nồng ấm.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho rằng:

"Tại sao Hoa Kỳ không đề cập đến Việt Nam trong những kế hoạch đó? Tôi cho rằng mặc dù quan hệ được thúc đẩy rất mạnh, nhưng bên ngoài Hoa Kỳ cũng hiểu cái khó của Việt Nam, nên cũng tránh đề cập những vấn đề này đối với Việt Nam."

Cái khó đó, theo ông Hoàng Việt là sự không hài lòng của Trung Quốc khi thấy rằng Việt Nam xích lại gần Hoa Kỳ trong vấn đề quốc phòng.

Tuy tránh như vậy, nhưng ông Hoàng Việt cũng nhận xét rằng trong các cuộc hội thảo gần đây về quan hệ Việt- Mỹ với sự có mặt của các viên chức quốc phòng cao cấp, người Mỹ vẫn hay đề cập tới Trung Quốc, trong khi Việt Nam vẫn ít nói tới.

Hoa Kỳ cũng hiểu cái khó của Việt Nam, nên cũng tránh đề cập những vấn đề này đối với Việt Nam.<br/>-Thạc sĩ Hoàng Việt.

Hai cuộc hội thảo gần đây nhất diễn ra tại Thủ đô Washington của nước Mỹ cùng vào tháng 3/2019 với hai chủ đề: Giải quyết hậu quả chiến tranh Việt Nam để thúc đẩy quan hệ Việt- Mỹ, và Sự hợp tác chiến lược Việt- Mỹ.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Sài Gòn giải thích:

"Nguyên tắc của họ là muốn cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, cho nên họ không muốn đi quá lẹ trong các quan hệ với Mỹ, đặc biệt là quan hệ quốc phòng. Cách đây mấy tháng Việt Nam có tham dự cuộc tập trận của Mỹ mang tên Rimpac (Rim of Pacific, Vành đai Thái Bình Dương) với tư cách quan sát viên. Như vậy cho đến nay Việt Nam chưa chính thức tham gia một cuộc tập trận nào do Mỹ dẫn đầu."

Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng sắp tới đây Việt Nam sẽ vẫn giữ nguyên vị thế đó, tức là làm quan sát viên những cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu, và những hợp tác mang tính kỹ thuật như cứu nạn trên biển, tập huấn quân y.

Cuộc tập trận Rimpac của Mỹ năm 2018 tổ chức từ tháng 6 đến tháng 8 xung quanh quần đảo Hawaii của Mỹ ở Thái Bình Dương. Cuộc tập trận này có 8 sĩ quan tham mưu của Việt Nam tham gia các hoạt động cứu nạn trên biển, hỗ trợ ứng phó với thiên tai. Trước đó trong Rimpac 2012 Việt Nam đã cử sĩ quan làm quan sát viên.

Ông Hoàng Việt có đánh giá tích cực hơn về sự tham gia các cuộc tập trận do Mỹ tổ chức của Việt Nam:

"Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ tham gia, ở mức độ nào thì chưa biết được. Cũng có thể là sẽ cao hơn mức độ quan sát viên. Việt Nam sẽ xem phản ứng của tất cả các bên, trong đó có Trung Quốc, nếu ổn thì Việt Nam sẽ đẩy mạnh, Việt Nam cần có kinh nghiệm trong hoạt động phối hợp vì Hải quân Việt Nam vẫn còn yếu."

Liên quan đến hoạt động hải quân của Mỹ trong khu vực có dính dáng đến Việt Nam, điểm mốc đáng chú ý là chuyến thăm cảng Đà Nẵng của tàu sân bay USS Carl Vinson vào tháng 3/2018. Hồi đầu tháng 4 năm nay, trong một hội thảo về quan hệ Việt Mỹ ở Washington DC,Trợ lý Bộ trưởng Quốc Phòng phụ trách vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, Randall G. Schriver, cho biết sắp tới đây một tàu sân bay của Mỹ nữa sẽ đến Việt Nam. Tin này làm dấy lên một số đồn đoán rằng người Mỹ sẽ cho tàu sân bay cặp cảng Cam Ranh, cảng chiến lựơc tốt nhất vùng Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Thành Trung đánh giá về diễn biến mới nhất này:

"Điều đó có ý nghĩa biểu tượng lớn trong mối quan hệ hợp tác hải quân giữa hai nước. Tuy nhiên nếu như Trung Quốc đặt vấn đề cho hàng không mẫu hạm của Trung Quốc thăm Việt Nam, thì điều đó sẽ đặt Việt Nam vào thế khó xử."

Trong những năm gần đây Việt Nam đã liên tục mời các tàu chiến của các quốc gia phương Tây cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc thăm các cảng Việt Nam, và các sự kiện này được truyền thông trong nước đưa tin mạnh mẽ. Trong khi đó tàu hải quân Trung Quốc cũng có ghé các cảng Việt Nam vào những năm 2008, 2012,… nhưng ít được đề cập đến.

Hình minh họa. Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ ở Đà Nẵng hôm 5/3/2018
Hình minh họa. Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ ở Đà Nẵng hôm 5/3/2018 (AFP)

Đánh giá tổng quan về những hoạt động hợp tác hải quân hai nước Việt- Mỹ trong thời gian qua dưới cái nhìn của Bắc Kinh, ông Nguyễn Thành Trung cho biết:

"Tất nhiên họ sẽ không thoải mái, nhưng họ cũng biết là Việt Nam luôn thận trọng, họ nghĩ là sự hợp tác Mỹ- Việt chưa là một mối đe dọa đến Trung Quốc. Hơn nữa Trung Quốc có những bận tâm khác lớn hơn, như là mấy chục ngàn quân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản, cuộc tập trận rất lớn với Philippines mang tên Balikatan vừa rồi."

Cuộc tập trận thường niên Mỹ Philippines mang tên Balikatan năm 2019 diễn ra trong tháng 4 có tới 7500 quân hai bên tham gia, với các máy bay chiến đấu và tàu đổ bộ hiện đại.

Chúng tôi cũng đặt câu hỏi về sự tham gia của Việt Nam trong các cuộc tập trận hải quân do Mỹ dẫn đầu tại biển Đông trong năm 2020, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Singapore, cho rằng vẫn còn khá xa để tiên đoán, nhưng theo ý ông nếu mục tiêu của những cuộc tập trận đó được đưa ra là tự do hàng hải thì không có lý do gì mà Việt Nam không tham dự!