Hoa Kỳ muốn gia tăng nỗ lực giúp nạn nhân bom mìn VN

0:00 / 0:00

Hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam đối với những nạn nhân bom mìn và chất da cam hơn 40 năm qua vẫn là một mối quan tâm đối với một số dân biểu, cựu chiến binh và học giả Hoa Kỳ. Những người này cho rằng Quốc hội Hoa Kỳ đóng vai trò chủ chốt trong các sáng kiến hàn gắn vết thương và giải quyết các di chứng do chiến tranh để lại. Các nỗ lực này giúp xây dựng mối quan hệ Việt-Mỹ.

Nhóm Công tác về Di sản Chiến Tranh (War Legacies Working Group) gồm 14 thành viên, cá nhân và tổ chức như Dự án Di sản Chiến tranh (War Legacies Project), Gốc rễ Hòa bình (Roots of Peace) và kể cả Bộ Ngoại giao Việt Nam. Dưới sự điều động của Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington DC, nhóm công tác vào hôm 14 tháng 1 tiến hành cuộc họp nhìn lại lại thành quả của nhóm trong thời gian qua cũng như những dự án cho tương lai.

“Chúng tôi không chỉ có thể giải quyết được một vấn đề mà chúng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm trong đó; mà đó cũng là một cách giúp những người bị tác động có thể cải thiện cuộc sống và thực sự trong nhiều trường hợp họ trở lại thành những thành viên hữu ích của xã hội, sau khi bị xa lánh và tẩy chay vì những thương tích của họ. Chúng tôi cũng nghĩ rằng trong quá trình này, điều quan trọng là chúng tôi có thể xây dựng mối quan hệ mới với những quốc gia này và nó đã mở ra những cơ hội khác cho chúng tôi, mà theo tôi nghĩ sẽ không có, nếu chúng ta không bắt đầu với những việc này”. -Ông Tim Rieser

Ông Tim Rieser, Trợ lý Chính sách Đối ngoại Cấp cao của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, từ tiểu bang Vermont, kể lại lý do văn phòng Leahy quan tâm đến nỗ lực này. Ông nói các dự án, sáng kiến của những cựu chiến binh Hoa Kỳ trong ba thập niên qua một phần nào giúp được những người khuyết tật tại Việt Nam:

“Chúng tôi không chỉ có thể giải quyết được một vấn đề mà chúng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm trong đó. Đó cũng là một cách giúp những người bị tác động có thể cải thiện cuộc sống và thực sự trong nhiều trường hợp họ trở lại thành những thành viên hữu ích của xã hội, sau khi bị xa lánh và tẩy chay vì những thương tích của họ. Chúng tôi cũng nghĩ rằng trong quá trình này, điều quan trọng là chúng tôi có thể xây dựng mối quan hệ mới với những quốc gia này và nó đã mở ra những cơ hội khác cho chúng tôi, mà theo tôi nghĩ sẽ không có, nếu chúng ta không bắt đầu với những việc này”.

Ông Craig Hart, Phó giám đốc USAID, người vừa mãn nhiệm sau bốn năm làm việc tại Việt Nam cho biết, việc giải quyết di sản của chiến tranh có hai phần. Một là công việc tìm và tháo gỡ bom mìn chưa nổ còn sót lại tại Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Hai là các chương trình làm việc, sáng kiến của của USAID nhắm vào người khuyết tật, gia đình và cộng đồng của hộ. Ông chia sẻ:

“Ví dụ như ở Việt Nam, nơi tôi vừa trở về mùa hè vừa qua sau bốn năm tuyệt vời được làm việc với những người khuyết tật, các dự án ở Việt Nam đã phát triển qua thời gian. Từ việc cung cấp các thiết bị chân tay giả và dịch vụ phục hồi chức năng đến việc xây dựng một hệ thống cung cấp dịch vụ thiết yếu. Thực sự hỗ trợ sự tự lực của người khuyết tật, thúc đẩy các chính sách và quy định về người khuyết tật. Chúng tôi cũng tăng cường vận động cho quyền của người khuyết tật và sự hòa nhập vào xã hội của họ”.

AFP-land-mines-demining-20200106-Triệu-Phong-district-Quảng-Trị.jpg

Một thành viên của đội rà phá bom mìn toàn nữ tại một bãi mìn ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ảnh chụp 6/1/2020, minh họa. (AFP)

Ông Hart cho biết, những dự án này tập trung vào các địa phương gần các căn cứ không quân cũng như các nơi bị ô nhiễm nhiều nhất bởi chất da cam đi ô xin. Chương trình khởi động từ một tỉnh, nay đã được triển khai đến 8 tỉnh và USAID dự kiến mở rộng ra 10 tỉnh, nơi mà tổ chức này có các dự án sức khỏe và khuyết tật.

Dân biểu Jackie Speier của địa hạt 14 tiểu bang California là đồng sáng lập viên và Chủ tịch của Nhóm Quốc hội Mỹ về bom mìn và bom mìn chưa nổ. Bà nói những nỗ lực này vẫn chưa đủ:

"Tôi nghĩ việc truyền bá về bom mìn và bom mìn chưa nổ rất là quan trọng bởi vì càng có nhiều dân biểu biết về nó thì càng có nhiều dân biểu sẽ nhận ra rằng thành tích của chúng ta còn quá tệ. Như vậy sẽ gia tăng khả năng chúng tôi có thể tháo gỡ các bom mìn nguy hiểm mà chúng ta đã để lại ở các quốc gia khác”.

Bà nói tiếp, bà cũng sẽ vận động để thông qua Dự luật Ghi nhận Di sản Chiến tranh và Tháo gỡ bom mìn chưa nổ.

Đến nay cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam thuộc số ít các quốc gia trên thế giới vẫn chưa ký kết tham gia Công ước cấm bom đạn chùm.