Đối thủ của anh là Egidigus Kavaliauskas của Lithuania, từng có thời được xem là tay đấm tương lai của Âu Châu. Dường như không ai ngờ ở vòng thứ 3 của cuộc tranh tài tại Olympic London 2012, chàng võ sĩ 21 tuổi của nước chủ nhà chân nhảy nhanh như chân sáo, tay tung hoành ngang dọc khắp nơi. Kết quả: anh ghi được 8 điểm trong khi đối phương chỉ giành được 1 điểm an ủi.
Chiến thắng của Freddie Evans giúp nước chủ nhà thêm tin tưởng vào tương lai của một trong những môn thể thao truyền thống của Anh Quốc: tổng cộng có 6 tay đấm Anh vào đến tứ kết, và đây là lần đầu tiên đoàn võ sĩ Anh làm chủ sàn đấm ở cuộc tranh tài diễn ra ngay ở sân nhà. Trong hàng ngũ khán giả có cả dàn huấn luyện viên Hoa Kỳ chăm chú ngồi xem các trận đấm, không ai bảo ai tất cả đều thắc mắc không hiểu tại sao Anh Quốc thành công trong khi Hoa Kỳ lại thất bại quá nặng nề? Có gần một chục võ sĩ lên đường đi London, tới nay đã tới hơn 3 phần 4 bị loại, trong đó hơn một nửa bị đối thủ đánh gục ngay từ vòng so găng đầu tiên.
Từng có lúc boxing được xem là một trong những “mỏ vàng” của nước Mỹ. Trong khoảng thời gian từ 1968 cho đến 2000, các võ sĩ quyền Anh của Hoa Kỳ chiếm tổng cộng 50 chiếc huy chương đủ loại, trong đó có 19 huy chương vàng. Sàn đấm Olympic cũng là nơi khởi đầu cho bước đường danh vọng của nhiều võ sĩ Mỹ, những tên tuổi như Mohammad Ali, Joe Frazier, George Foreman, Sugar Ray Leonard, Holyfield, Oscar de la Hoya, Mayweather… mà những người say mê môn thể thao này “bắt buộc” phải biết đến.
Thời vàng son đó đã qua! Tại sao?
"Tôi nghĩ nước Mỹ bây giờ không có huấn luyện viên," ông nhà báo Marco của đài truyền hình thể thao Telemundo trả lời. Hãnh diện là người "theo sát môn boxing hơn các nhà báo khác", ông Marcos tin rằng "làng đấm Mỹ sẽ tiếp tục xuống dốc cho tới khi nào tìm được một huấn luyện viên sẵn sàng sống chết với các võ sĩ trẻ tuổi, hướng dẫn họ trước và sau khi tranh tài thế vận hội".
Câu nói đó dẫn mọi người về với quá khứ. Cách đây chỉ chừng 2 thập niên, làng đấm tài tử của quốc gia được hướng dẫn bởi những ông huấn luyện viên hết lòng với giới trẻ, chẳng hạn như ông Pat Nappi bỏ hẳn thời gian gần 20 năm để huấn luyện cho những tay đấm được chọn trong danh sách “có triển vọng”, và đi với họ trong một quãng thời gian thật dài, nhìn thấy những cậu học trò võ sĩ của ông tiến từng bước một: khởi đầu từ những lò võ địa phương, sau đó được ông nhận huấn luyện để dự tranh giải quốc gia, lấy được vé dự Olympic và cuối cùng trở thành những võ sĩ nhà nghề. Trong số những học trò thành danh của ông có võ sĩ Michael Spinks, chiếm huy chương vàng thế vận hội và chiếm cả đai vô địch hạng nặng WBA.
Jamel Herring
Nhưng trong khoảng thời gian gần 10 năm vừa qua, hầu như không còn người để ý đến môn boxing nữa. Trên võ đài nhà nghề chẳng có võ sĩ Hoa Kỳ nào nổi tiếng, ở sàn đấm Olympic cũng chẳng có võ sĩ Mỹ nào nổi bật. Ngay chính anh Jamel Herring, thủ quân của đội võ sĩ quyền Anh Mỹ dự Olympic London 2012 cũng phải than thở với báo chí: "từ năm 2001 đến giờ chúng ta không có chương trình đào tạo tốt, vì thế làng đấm của Mỹ cứ xuống dốc, tạo cơ hội cho những tay đấm của nước khác tiến lên". Bằng chứng được anh Herring đưa ra: "trước đây người ta còn chú ý đến những võ sĩ trẻ thắng giải Golden Gloves, xem đó là tương lai của boxing Mỹ nhưng bây giờ chẳng ai để ý đến giải này nữa, vì thế chúng ta khó có thể tiến xa như đã từng tiến".
Không chỉ chẳng thèm để ý đến những tay đấm trẻ, Liên Đoàn Quyền Anh Hoa Kỳ (USA Boxing) còn không tìm được những huấn luyện viên vừa ý hay tìm được người đồng ý ở lại làm việc dài hạn. Một bài báo của tờ The New York Times cho biết trung bình các ông huấn luyện viên boxing "chỉ làm việc với Liên Đoàn chừng một tháng là họ hoặc bị đuổi hoặc xin nghỉ việc". Những viên chức điều hành Liên Đoàn nói "phải sa thải các huấn luyện viên vì họ không có tầm nhìn chiến lược", các huấn luyện viên bị nghỉ việc trả lời: "chúng tôi không thể làm việc trong những điều kiện thiếu thốn, nhất là khi chính Liên Đoàn không thật sự quan tâm đến việc đào tạo các tay đấm trẻ, sẵn sàng đưa những tay đấm thiếu kinh nghiệm ra nước ngoài tranh tài".
Không biết Liên Đoàn USA Boxing đúng hay các huấn luyện viên đúng, chỉ thấy các tay đấm Hoa Kỳ lần lượt rơi đài ở London 2012. Khi tất cả các ngọn đèn ở vận động trường đều tắt vào tối thứ Sáu, chỉ còn có mỗi mình võ sĩ Rau’ Shee Warren còn sót lại trong danh sách các võ sĩ vào đến bán kết. Nếu anh này không thành công ở trận so găng vào cuối tuần này thì đây là lần đầu tiên đoàn võ sĩ quyền Anh đại diện cho Hoa Kỳ không chiếm được một huy chương nào ở cuộc tranh tài thế vận hội.
Giả sử Rau’ Shee Warren có chiếm được huy chương vàng đi chăng nữa thì cũng phải nhìn nhận boxing ở Hoa Kỳ đang đứng trên bờ vực thẳm. Đã tới lúc phải nhìn vào thực tế, đừng mơ tưởng sẽ thấy lại hình ảnh của Sugar Ray Seales ở Munich, thấy lại nụ cười của Sugar Ray Leonard và Howard Davis ở Montreal, cũng đừng mong sẽ thấy lại những võ sĩ tài ba như Roy Jones hay Pernell Whitaker ở Olympic Hán Thành, cũng đừng vội nghĩ đến cảnh sẽ có một võ sĩ Hoa Kỳ nhảy múa trên đài như Oscar de la Hoya khi vào chung kết ở Olympic Barcelona.
Tất cả đều là chuyện quá khứ! Đã tới lúc phải nói rằng boxing Hoa Kỳ được xây dựng bằng một quá khứ thật huy hoàng và bằng một tương lai không sáng sủa.