Luật Tôn giáo mới của Việt Nam tiếp tục bị chỉ trích

Từ ngày 29 tháng 5 đến 1 tháng 6 vừa qua, Diễn Đàn Quốc tế Tự do Tôn giáo Đài Loan mở hội nghị tại thị trấn Hsinchu, vùng phụ cận Đài Bắc, với sự tham dự của các chuyên gia tôn giáo và lãnh đạo chính trị đến từ Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ châu. Qua ba ngày thảo luận, các tham dự viên xem xét và đánh giá tình hình gia tăng đàn áp các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt tại Châu Á, và tìm cách thiết lập cơ cấu vững chắc chống lại bạo lực và bảo vệ tự do tôn giáo trên hoàn cầu.

Bà Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu rằng Đài Loan sẽ tranh đấu kiên cường cho tự do tôn giáo. Bà nói :

"Đài Loan đã bước trên đường chông gai cho tự do tôn giáo. Tự do mà chúng ta được hưởng hôm nay đã phải xây dựng trên máu, mồ hôi và nước mắt của những người đi trước. Nhờ vậy mà ở Đài Loan, chúng ta được hưởng tự do tôn giáo cao quý. Cho nên Diễn Đàn hôm nay vô cùng quan trọng. Chính phủ chúng tôi sẽ tiếp tục hành động với các tổ chức xã hội dân sự và sẵn sàng hợp tác với quốc tế để tạo tác một thế giới thực sự chia sẻ và an lạc, tránh xa mọi đàn áp tôn giáo".

Tình trạng tôn giáo tại Việt Nam đã được ông Võ Trần Nhật, Tổng thư ký VCHR, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có trụ sở tại Paris tham luận tại Diễn đàn.

Đề nhìn rõ thêm khía cạnh toàn cầu của tôn giáo, chúng tôi phỏng vấn chị Tina Mufford, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Chính sách USCIRF, tức Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới. Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn.

Ỷ Lan : Thưa chị Tina Mufford, chị vừa bay quanh thế giới tới Đài Loan tham dự Diễn đàn Tự do Tôn giáo ở thị trấn Hsinchu. Xin chị cho biết về Diễn Đàn nầy, điều gì quan trọng khiến chị đến tham gia ?

Tina Mufford : Đây là Diễn Đàn quy tụ các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới, những nhà hoạt động cho tự do tôn giáo, các Đại biểu Quốc hội, và những ai quan tâm tha thiết cho sự thăng tiến tự do tôn giáo. Đài Loan là một đối tác quan trọng trong nỗ lực này. Sau Hội nghị cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo tổ chức năm ngoái tại Hoa Thịnh Đốn, Đài Loan là một trong những quốc gia đầu tiên đáp ứng. Đài Loan đã tự mình thiết lập Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế và công cử Tiến sĩ Pusin Tali làm Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo. Cho nên, Hội nghị hôm nay là nơi lý tưởng để hậu thuẫn Đài Loan trong nỗ lực thăng tiến tự do tôn giáo, mà cũng là nơi giới thiệu những nỗ lực và thách thức trên thế giới.

Bà Tina Mufford, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Chính sách USCIRF
Bà Tina Mufford, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Chính sách USCIRF

Ỷ Lan : Chị đánh giá thế nào tình trạng tự do tôn giáo trong thế giới – cải thiện hay tồi tệ ? Dường như đang có nhiều nỗ lực bảo vệ tự do tôn giáo và chống sự bạo động. Công cuộc hợp tác quốc tế có đóng góp gì làm thăng tiến khoan dung tôn giáo không ?

Tina Mufford : Chị nói đúng, những nỗ lực toàn cầu được phát triển, điều này thực sự phấn khởi và khích lệ. Ngày nay có nhiều người, nhiều tổ chức hoạt động cho tự do tôn giáo hơn trước. Thật tuyệt vời trước sự lớn rộng của những quốc gia tham dự khắp thế giới chứ không là một ý niệm riêng của « Tây phương », hay điều gì chỉ được một số nhóm tôn giáo quan tâm, trái lại đang tác động tới mọi người. Dù nói như vậy, hiện vẫn còn những thách thức lớn, vẫn còn những bạo động đối với tự do tôn giáo vòng quanh thế giới. Đây là lý do có tính quyết định khi chúng ta có nhiều tiếng nói cho cùng mục tiêu, chia sẻ những hành hoạt hữu hiệu, chung tay hành động, kết hợp lực lượng xuyên qua mọi sự khác biệt chính trị, ý thức hệ và tôn giáo, mỗi người hợp chung cho một mục đích, chung cùng lý tưởng – đó là sự tiến công quốc tế cho tự do tôn giáo.

Ỷ Lan : Trong bối cảnh của nỗ lực toàn cầu mà chị phác hoạ, sự dấn thân của Đài Loan, một quốc gia dân chủ ở Châu Á, để thăng tiến tự do tôn giáo và chống lại bạo lực có phải là một bứớc tiến quan trọng không thưa chị ?

Tina Mufford : Đúng như vậy. Chúng tôi rất may mắn có được sự hiện diện của nhị vị Tổng thống và Phó Tổng thống Đài Loan. Thực tế là Phó Tổng thống đã tham dự cuộc họp báo kết thúc Hội nghị với lời nhận xét mạnh mẽ. Diễn văn khai mạc của Bà Tổng thống Thái Anh Văn ghi nhận quyết định quan trọng cho tự do tôn giáo, và quyết liệt góp công bằng chính nỗ lực của Đài Loan. Thực sự Đài Loan cho ta thấy một tập thể lãnh đạo hùng tráng, đang đóng vai trò gương mẫu cho các nước khác noi theo để phát triển nỗ lực thăng tiến tự do tôn giáo trên toàn cầu, và chẳng riêng gì cho Châu Á.

Ỷ Lan : Như chị biết cuộc phỏng vấn này dành cho Đài Á châu Tự do Việt ngữ, tôi mong được biết ý kiến chị đối với Việt Nam. Trong bản phúc trình năm nay, USCIRF đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, tức các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm. Chị thấy thế nào tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam ?

Tina Mufford : Chị biết không, Việt Nam là một trong những trường hợp mà chúng tôi mong mỏi có sự tiến bộ sau bao nhiêu nỗ lực và ủng hộ của chúng tôi suốt nhiều năm trường, với hy vọng thấy Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn – nhưng chuyện đã không xẩy ra ! Thực tế cho thấy ngày càng xấu đi thông qua nhiều trường hợp. Thật đáng thất vọng vì Luật mới về tôn giáo tín ngưỡng thông qua năm 2018 – tôi không muốn nói chúng tôi hy vọng quá nhiều vào bộ Luật ấy, nhưng ít nhất chúng tôi đã trông mong chính quyền chấp nhận đưa vào bộ luật một số đề nghị của nhiều nhà cố vấn quốc tế và các cộng đồng tôn giáo Việt Nam. Nhưng rồi Luật Tôn giáo tín ngưỡng mang quá nhiều thiếu sót theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, mà các tiên liệu thất bại đã thấy ngay từ đầu. Đây là điều đã xẩy ra. Tôi nghe nói chẳng có tổ chức tôn giáo nào được bộ luật mới này bảo vệ, mà còn trái chống nữa. Vì sau khi Luật mới Tôn giáo Tín ngưỡng ban hành, xuất hiện nhiều quy định kiểm soát, nhiều sách nhiễu, nhiều phương thức phạm tội hoá đức tin tôn giáo, hoạt động tôn giáo, thực hành tôn giáo – nhiều biện pháp cho nhà cầm quyền, sử dụng những phương thức khác nhau để sách nhiễu dân chúng, bắt bớ và hăm doạ họ, xâm phạm khôn khéo việc thực hành đức tin của tín đồ.

Ỷ Lan : Các điều chị vừa trình bày dấy lên vấn đề nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam, vì đông đảo các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền cũng như các bloggers bị bắt gần đây qua các cuộc đàn áp, thực tế phần lớn họ là những thành viên của các cộng đồng tôn giáo. Chị có nghĩ rằng có sự liên hệ giữa tự do tôn giáo và dân chủ, nhân quyền cùng sự tiến bộ pháp quyền không ?

Tina Mufford : Chắn chắn vậy. Từ lâu, USCIRF, Uỷ hội Hoa kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới, tin tưởng rằng khi thăng tiến tự do tôn giáo chúng ta làm cho đất nước ổn định, an lạc và thịnh vượng hơn, và đương nhiên, chính quyền sẽ liên hệ mạnh mẽ với thể chế dân chủ. Trong các quốc gia mà tự do tôn giáo bị hạn chế, thực hành đức tin tôn giáo của dân chúng bị giới hạn, thì chúng ta sẽ chứng kiến các quyền cơ bản khác bị nhà nước, mà cũng có thể do cả những diễn viên phi chính quyền, giẫm đạp. Thường là những chính quyền độc đoán, độc tài, rõ ràng như các chính quyền kiểu Bắc Hàn. Vâng, đúng như chị nhận xét, có một liên hệ chặt chẽ giữa sự cởi mở và tự do để giúp đỡ các cá nhân được tự do sống theo đức tin của họ và theo lương tâm dưới sự chỉ dẫn của con tim họ, đồng thời có khả năng thụ hưởng các quyền cơ bản khác, như khả năng tự do tập họp ôn hoà, tự do biểu đạt, tự do thiết lập cơ quan truyền thông tự do và cởi mở như họ mong muốn. Tất cả đó là quyền-xoắn-kết nhau. Tại USCIRF, chúng tôi tin rằng tự do tôn giáo là nền tảng cho mọi quyền tự do khác, lý do vì sao chúng tôi ám chỉ tự do tôn giáo như "quyền cơ bản". Nhưng chúng tôi cũng tin rằng tất cả các quyền cùng chung kết, chúng không thể tồn tại trong chân không. Chúng tương quan và cần thiết được bảo vệ ngang nhau.

Ỷ Lan : Xin cám ơn chi Tina Mufford.