Ngày 18 tháng 4 vừa qua đã diễn ra buổi lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo USCIRF tại thủ đô Washington. Ngoài các đại diện của USCIRF, các dân biểu và thượng nghị sỹ Liên Bang, buổi lễ còn có sự tham dự của Mục sư Nguyễn Công Chính, người mới sang Mỹ tị nạn tôn giáo.
Tại buổi lễ, mục sư Nguyễn Công Chính, người bị cầm tù hơn chục năm vì đấu tranh cho tự do tôn giáo ở VN, đã lên án tình trạng gia tăng đàn áp tôn giáo, tình trạng ngược đãi tù nhân lương tâm trong nhà lao và kêu gọi Hoa Kỳ tăng thêm sức ép với chính quyền VN để tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, cũng như phải dừng ngay các hình thức tra trấn, nhục hình đối với tù nhân chính trị.
Trong cuộc phỏng vấn với RFA, mục sư Nguyễn Công Chính chia sẻ về khoảng thời gian bị ngược đãi trong tù:
“Tôi có thời gian 6 năm 5 tháng ở trong nhà tù và bản thân tôi bị đánh, bị ngược đãi, bị biệt giam, bị xúc phạm rất nhiều. Cho nên tôi nghĩ đến cảnh anh em tù ở VN hiện nay với mức án chung thân, 20 năm, 15 năm thì tôi nghĩ họ cũng trải qua những đau khổ như tôi và gia đình chúng tôi.
Và chính sách của Hà Nội bây giờ họ không chỉ trả thù những người bất đồng chính kiến, lên tiếng tố cáo tội ác Cộng sản hay những nhà lãnh đạo tôn giáo chân chính, mà họ còn đàn áp hành hạ thân nhân của người tù.
Có nhiều người phải chết trong tù, nhiều người không được đi thăm nuôi, có những người đói và bị bệnh rồi chết. Cái cảnh đó đã xảy ra và tôi đã chứng kiến những cái chết ở trong tù.”
<i>Hội Cờ Đỏ có thể coi là một băng nhóm hợp pháp được Chính phủ VN sử dụng để quấy rối cộng đồng Công giáo. <br/>- Lm Thomas Reese</i>
VN đã phê chuẩn Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Tuy nhiên nhiều tù nhân, đặc biệt là các tù nhân chính trị, tôn giáo cho biết họ vẫn phải chịu hình thức đối xử tàn nhẫn, bất công trong nhà tù như một hình thức trả thù.
Cũng theo Mục sư Chính, kể từ khi được xóa tên khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt CPC, Việt Nam lại càng được thể “lộng hành” đàn áp tôn giáo, nhân quyền để củng cố quyền lực. Ông tố cáo chính quyền Hà Nội luôn dùng chính sách hai mặt trong chiến dịch dập tắt tiếng nói bất đồng của họ:
Một mặt họ biểu diễn rằng VN có tự do tôn giáo nhưng một mặt họ đàn áp. Một mặt họ nói VN có nhân quyền nhưng mặt khác họ lại vi phạm nhân quyền.
Quan trọng nữa là tình hình thế giới ngày hôm nay. Cộng sản họ biết rằng họ có thể dùng quyền lực để đàn áp, trấn áp bất chấp vấn đề dư luận, luân lý và họ có thể làm bất cứ điều gì để đạt được mục đích.
Tại buổi lễ, USCIRF đã lên tiếng quan ngại về tình trạng tù nhân lương tâm trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hòa thượng Thích Quảng Độ là một trong 7 trường hợp điển hình nhất trên thế giới mà Ủy hội này nêu ra.
Hòa thượng Thích Quảng Độ là Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ ngày 17 tháng 8 năm 2008 và là người tích cực đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở VN. Ông được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto năm 2006.
Bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch USCIRF nói với RFA về trường hợp Hòa thượng Thích Quảng Độ:
Tôi thực sự cảm động về trường hợp Hòa thượng Thích Quảng Độ. Năm nay ông đã 92 tuổi rồi nhưng vẫn tích cực lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở VN. Ông phải chịu 33 năm trong nhà tù hoặc tù tại gia, đơn giản chỉ vì ông thực hành niềm tin tôn giáo của mình. Lòng dũng cảm của ông là điều thế giới cần biết đến. Ông đã được đề cử cho giải Nobel tổng cộng 16 lần, và nếu ông được trao giải đó sẽ là một nghĩa cử tuyệt vời dành cho ông.
Năm ngoái VN thông qua luật tôn giáo mới mà nhiều người kỳ vọng sẽ tốt hơn, nhưng kỳ thực tình trạng đàn áp tôn giáo vẫn tiếp tục diễn ra ở VN.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Cứu Người vượt biển BPSOS hiện tại VN có 170 tù nhân lương tâm, trong đó phần lớn liên quan đến tôn giáo.
Đầu năm nay, VN thông qua luật tôn giáo mới bất chấp sự phản đối của đại diện các tôn giáo lớn ở Việt Nam. Họ cho rằng một số điều khoản mang tính kiểm soát quyền tự do tôn giáo và chỉ chú trọng quản lý Nhà nước vẫn được duy trì. Chẳng hạn như một tổ chức tôn giáo phải xin phép và được Nhà nước cho phép thì mới được hoạt động hợp pháp.
- Tôi có thời gian 6 năm 5 tháng ở trong nhà tù và bản thân tôi bị đánh, bị ngược đãi, bị biệt giam, bị xúc phạm rất nhiều.<br/>MS. Nguyễn Công Chính
Buổi lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động của USCIRF cũng được nói là cơ hội để Ủy ban Cứu Người vượt biển BPSOS vận động đưa vấn đề tù nhân lương tâm và hiện tượng Hội Cờ Đỏ thành trọng tâm trong chương trình làm việc của USCIRF cho năm 2018.
Trao đổi với RFA trước buổi lễ, TS. Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS cho biết:
Chúng tôi đã làm việc trước với USCIRF để được nhắc đến rất nhiều đó là Hội Cờ Đỏ hiện nay là một hiện tượng đang đe dọa rất nhiều các cộng đồng tôn giáo ở VN và chúng tôi tin rằng thế nào trong bản phúc trình năm nay của USCIRF sẽ nhắc đến vấn đề Hội Cờ Đỏ.
Thời gian gần đây ở VN xuất hiện những hội nhóm tự xưng là Hội Cờ Đỏ, mặc trang phục cờ đỏ sao vàng và thường đe dọa tấn công những cộng đồng Công giáo ở VN, đặc biệt là những cộng đồng lên tiếng phản đối cách chính quyền giải quyết thảm họa do Nhà máy Gang thép Formosa gây ra.
Chính quyền luôn nói đây là hội do quần chúng tự phát nhưng nhiều giáo dân tố cáo có sự hậu thuẫn của chính quyền sau lưng và thậm chí thành viên của hội được trả tiền để hoạt động.
Linh mục Thomas Reese, cựu Chủ tịch USCIRF đã nhắc đến hiện tượng Hội Cờ Đỏ tại buổi lễ:
Chúng tôi hết sức quan tâm đến sự trỗi dậy của một nhóm gọi là Hội Cờ Đỏ ở VN. Đây có thể coi là một băng nhóm hợp pháp được Chính phủ VN sử dụng để quấy rối cộng đồng Công giáo. Như vậy chính quyền có thể chối cãi đó không phải là họ, không phải công an, nên không thể đổ tội cho họ. Nhưng kỳ thực họ là những người hậu thuẫn, khuyến khích băng nhóm này cũng như không cản trở họ.
BPSOS vào cuối tháng 3 vừa qua cũng đã trao cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tập tài liệu về Hội Cờ Đỏ với hy vọng Hoa Kỳ sẽ sớm can thiệp bảo vệ cộng đồng Công giáo ở VN.