Sử dụng ứng dụng kỹ thuật bảo mật để huy động lực lượng biểu tình

0:00 / 0:00

Ứng dụng thực tế

Báo mạng Vnepress vào ngày 12/6 có đăng bài viết về “Cách huy động lực lượng phản đối dự luật dẫn độ của người dân Hồng Kông”. Trong bài nêu rõ người dân kêu gọi biểu tình qua nhiều phương tiện khác nhau, từ trực tiếp phát tờ rơi trên đường phố đến việc thành lập những kênh trò chuyện trực tuyến bí mật để bàn thảo phương cách phản đối và xuống đường biểu tình.

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng và cũng là người từng tham gia vào một số cuộc biểu tình tại Việt Nam nói với chúng tôi rằng, đối với các nhà hoạt động xã hội thì các biện pháp kỹ thuật như người dân Hồng Kông sử dụng thì không có gì là mới nhưng điều quan trọng nhất là việc tác động truyền tải đến mọi người gặp nhiều khó khăn.

Anh nói thêm "Tại Việt Nam những người nằm trong con số các hội nhóm có sự chuẩn bị bàn bạc phối hợp thì nó không được nhiều. Như cuộc biểu tình tại Việt Nam hôm 10/6/2018 phản đối luật đặc khu thì số lượng người có bàn bạc nằm trong các hội nhóm này kia thì nó không quá 100 người nên khi ứng dụng các biện pháp để thông tin liên lạc trong 1 nhóm nó không có sự liên kết chặt chẻ và thứ hai là số lượng nó không nhiều nên tại Việt Nam việc dùng cái đó rất là khó khăn."

Một nhà hoạt động xã hội khác là anh Lã Việt Dũng, thành viên của nhóm No-U từ Hà Nội cũng xác nhận với chúng tôi về việc sử dụng các công cụ kỹ thuật bảo mật để trao đổi trò chuyện nhưng việc bảo mật sẽ nằm ở nhiều cấp độ khác nhau.

“Những người tổ chức ra các cuộc biểu tình như vậy họ cần liên lạc với nhau thì mới bí mật chứ với người dân thường thì họ không cần một cách bí mật nào cả bởi vì họ cần được công bố rộng rãi. Còn tại Việt Nam thì những nhóm khác nhau thì họ liên lạc bằng nhiều công cụ khác nhau với nhiều ứng dụng bảo mật mà chính quyền họ không thể can thiệp được.”

Mức độ hiệu quả

Một số ứng dụng bảo mật thường được sử dụng tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến là Whatsaap. Telegram hay Signal... Tuy nhiên chúng vẫn chưa được phổ biến rộng mà chỉ một số nhà hoạt động sử dụng. Hầu như mọi người chỉ liên lạc bằng điện thoại trực tiếp hay Facebook Messenger thì đó là điều không an toàn.

Ông Vũ Quốc Ngữ, tổng giám đốc tổ chức Người bảo vệ nhân quyền giải thích về tác dụng của các ứng dụng kỹ thuật trò truyện bảo mật:

“Khi mà sử dụng các ứng dụng bảo mật thì nó có tác dụng hai đầu là chỉ có người gửi và người nhận mới có thể biết được nội dung thôi và ngay cả những công ty cung cấp dịch vụ đó họ cũng không thể đọc các tin nhắn của mình gần như bảo mật tuyệt đối.”

Ngoài ra, ông Ngữ còn hướng dẫn cách tăng độ bảo mật cho bản thân.

Một số ứng dụng trò chuyện trên điện thoại.
Một số ứng dụng trò chuyện trên điện thoại. (AFP)

“Có ứng dụng Signal hay Telegram thì nó có chương trình là tự động xóa trong bao nhiêu lâu tùy theo mình cài đặt chế độ 10 phút hay 20 phút thậm chí cả tiếng chẳng hạn sau đó thì nó sẽ mất đi, điều đó mình có thể hạn chế được rủi ro. Việc sử dụng email muốn an toàn thì thường sẽ không sử dụng chức năng trả lời (reply), ví dụ như thư của đồng đội chẳng hạn nếu mình muốn trả lời lại thì đừng bấm trả lời trên thư đó mà hãy xóa nó đi và trả lời trên một thư mới thì sẽ không chứa lại nội dung của thư trước đó.”

Còn đối với anh Lã Việt Dũng thì các công cụ kỹ thuật bảo mật như hiện nay thì chỉ đạt được ở nhóm nhỏ mà thôi nếu thành nhóm lớn thì nó không còn gì là bí mật nữa.

“Nói chung chỉ đạt được ở nhóm nhỏ thôi chứ thành nhóm lớn thì nó sẽ không còn là bí mật nữa, theo kinh nghiệm của mình những nhóm nhỏ chính quyền chả biết được gì cả không can thiệp được. Không phải trò chuyện nhóm nào cũng là tốt mình phải lựa chọn những công cụ phù hợp và những cái tụi mình đã chọn thì chính quyền hoàn toàn không biết được chuyện đó.”

Đồng thời anh còn khăng định, không có gì là bảo mật tuyệt đối, đôi khi vấn đề xảy ra không phải do lỗi kỹ thuật mà về con người , một số người họ không thể kiểm soát được việc bảo mật nên đa phần lỗi hỏng từ đó mà ra.

Cơ quan chức năng can thiệp

Dư luận xã hội đặt vấn đề rằng đối với các ứng dụng bảo mật như vậy thì tại sao cơ quan chức năng đến nay vẫn không có biện pháp nào can thiệp như đã làm với mạng xã hội Facebook thời gian qua.

Ông Vũ Quốc Ngữ khẳng định ngay chính những công ty cung cấp dịch vụ đó họ cũng không thể đọc các tin nhắn hay các cuộc trò chuyện của khách hàng thì cơ quan chức năng không thể nào can thiệp được và điều này gần như bảo mật tuyệt đối.

Anh Lã Việt Dũng đồng ý việc cơ quan chức năng không thể can thiệp nhưng để khai thác được thông tin thì họ sẽ làm bằng mọi cách.

“Thật ra họ biết nhóm mình trao đổi với nhau rồi họ sẽ tìm cách họ bắt bớ rồi họ mở điện thoại rồi bẻ khóa điện thoại họ tìm thông tin họ tìm bằng chứng. Trong những lúc biểu tình như vậy mình phải xác định là có thể bị bắt bất cứ lúc nào nên không thể chủ quan được và điều thứ hai là điện thoại phải tăng cường bảo mật để mở ra là điều không dễ dàng, nhiều bạn để dấu vân tay hay nhận diện khuôn mặt là họ ra được ngay.”

Không thể so sánh thực tế Hong Kong với Việt Nam; tuy vậy những nhân tố tích cực muốn thay đổi xã hội ở trong nước đã có. Những nhân tố này hướng đến những công cụ bảo mật để tránh sự theo dõi của chính phủ. Trong khi đó cơ quan chức năng Nhà Nước cũng bỏ kinh phí để giúp lực lượng của họ ngăn chặn mọi thành phần tiến bộ lan tỏa ảnh hưởng cũng như thông tin liên lạc.