Dùng thỏa ước TPP chống cưỡng bức lao động

Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (UBBV) đã phát động chiến dịch thu thập chữ ký phản đối việc cưỡng bách lao động trong các trung tâm cai nghiện tại Việt Nam.

0:00 / 0:00

Bản phúc trình của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền Quốc Tế (Human Right Wacht) về đề tài “Quần đảo Cai nghiện: Lao động cưỡng bức và các hình thức lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện ma túy ở miền nam Việt Nam” đã đưa ra một bộ mặt hoàn toàn khác với cái tên “trung tâm cai nghiện” mà nhiều người vẫn hình dung. Nhiều sự thật được phơi bày qua lời kể của các trại viên làm xúc động dư luận . Để góp phần thực hiện lời khuyến nghị do HRW đề ra ở cuối bản phúc trình, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (UBBV) đã phát động chiến dịch thu thập chữ ký phản đối việc cưỡng bách lao động trong các trung tâm cai nghiện tại Việt Nam. Thông tín viên Tường An tóm lược và tường trình sau đây:

Bản phúc trình do Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền Thế Giới công bố ngày 7 tháng 9 vừa qua đã làm chấn động lương tâm của những người theo dõi tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Bản phúc trình dài 121 trang, gồm có 4 phần nói lên thực trạng của 14 trung tâm cai nghiện do thành phố HCM quản lý qua lời kể của các nhân chứng.

Nhà nước đã dùng bạo lực bắt buộc hàng chục ngàn người đã lao động để tạo ra lợi nhuận cho nhà nước, việc đó là việc không thể chấp nhận được.

Đoàn Việt Trung

Các trung tâm này được gọi bằng những cái tên nghe rất nhân đạo nhưng cũng rất mơ hồ như “Trung Tâm Giáo dục Lao Động Xã Hội”, “Cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm” “Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội” Thực ra, nó không khác gì một nhà tù: Người nghiện bị bắt đưa vào các trung tâm, không một ai được tiếp xúc với luật sư và không hề được cho biết về các thủ tục kháng cáo.

Một tù nhân nói với HRW: tôi đã bị giam 24 tháng mà tôi không hề được đọc bất cứ 1 hồ sơ nào để biết tôi bị giam giữ đến bao lâu.

Cưỡng bách lao động

Cách bắt người của công an rất tùy tiện, bản báo cáo kể chị Trà Linh bị công an bắt buộc phải ký giấy là cô đã dùng ma túy nếu không sẽ bị đánh, vì quá sợ cô đã ký, sau đó thì cô bị quăng vào trại cai nghiện đến 2 năm trong khi một người khác tên Mường Nhé bị bắt quả tang có có nồng độ ma túy cao trong máu, nhưng lại được trả tự do.

Bất cứ ai, kể cả trẻ em từ chối làm việc là sẽ bị trừng phạt bằng nhiều hình thức: từ bị phạt nhịn ăn, nhịn uống, đánh bằng dùi cui, chích điện cho đến giam trong phòng kỷ luật.

Một tổ chức ở hải ngoại quan tâm đến tình hình người lao động tại Việt Nam là Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, ông Đoàn Việt Trung, Tổng thư ký của UB bày tỏ quan điểm:

HEALTH_AIDS_VIETNAM_200.jpg
Biểu ngữ phòng chống ma túy trên đường phố Hà Nội. AFP PHOTO.

“Bản báo cáo của HRW cho thấy ở Việt Nam cho thấy ở Việt Nam có một hoàn cảnh quá nhẫn tâm gây những “cú sốc” lớn đối với mọi người, đó là việc mà chính nhà nước đã dùng bạo lực bắt buộc hàng chục ngàn người đã lao động để tạo ra lợi nhuận cho nhà nước, việc đó là việc không thể chấp nhận được. Trong tương lai, chúng tôi vẫn tiếp tục thu thập các dữ kiện và bằng chứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra trước công luận thế giới. Ngoài ra, chúng tôi cũng xin mời gọi quý thính giả Việt Nam, nếu ai thân nhân hoặc con em đã hoặc đang bị giam xin hãy liên lạc với chúng tôi. Hộp thư email của chúng tôi baovelaodong@gmail.com”

Thuật ngữ:

Bản báo cáo cũng nói Chính phủ Việt Nam cố tình sử dụng thuật ngữ “đào tạo nghề” để biện hộ rằng không có vấn đề cưỡng bức lao động mà họ chỉ dùng lao động như một “phương thức trị liệu”. Trại quy định tù nhân (detainees) phải dành 70% thời gian trong 8 giờ làm việc để thực hiện “lao động điều trị”.

Trang nhà VOA ghi lại lời của Ông Nguyễn Văn Minh, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội, bác bỏ nhận định của HRW:

“Điều này là hoàn toàn phù hợp. Ở ngoài người ta cũng phải làm ăn cơ mà, đúng không? Thì vào đây có điều kiện lao động ít đi thôi. 8 tiếng chỉ lao động 2 hay 3 tiếng thôi. Mang tính trị liệu, chứ có gì đâu”.

Về ý kiến của ông Nguyễn Văn Minh, ông Đoàn Việt Trung nhận xét:

“Nếu điều mà ông ấy nói là đúng thì tại sao nhà nước chỉ có giúp họ cai nghiện bằng hai cách: cách thứ nhất bắt họ phải lao động, và cách thứ nhì bắt họ phải la lên ‘mạnh khỏe, mạnh khỏe” mỗi khi họ tập thể dục. Trên trái đất này có một cái trại cai nghiện nào mà chỉ có giúp cai nghiện bằng hai cách đó hay không ? Và thứ nhì, con số cho thấy điều sai trái của lời nói đó chính là con số thống kê do chính nhà nước đưa ra: Trong 100 người bị giam trong trại đó thì khi đi ra, gần như tất cả mọi người từ 85 đến 90% là vẫn dùng ma túy. Thế thì, cai nghiện ở chổ nào ?!”

Opens in new window

Video: Tra tấn, cưỡng bức lao động tại các trung tâm cai nghiện ở VN

Làm việc dưới mức lương tối thiểu

Bị bắt buộc phải làm việc mà không được lương hoặc hưởng lương rất ít. Đó không thể là căn bản cho một thoả ước mậu dịch tự do được.

DB Úc Chris Hayes

Mặc dù làm việc 8 giờ một ngày và 6 ngày trong tuần, nhiều người cho HRW biết họ không hề nhận được 1 khoảng tiền nào. Và nếu có thì mức lương rất tồi tệ, sau khi khấu trừ các khoản chi phí của trại thì số lương đó còn ít hơn mức lương tối thiểu của một công nhân. Một số bảng lương của 1 trung tâm cai nghiện ở TP HCM cho thấy lương trung bình của trại viên là 82.000 đồng Việt Nam ($4) trong khi lương tối thiểu của năm 2010 khoảng 730.000 đồng Việt Nam tức $35.

Chuyện tù nhân bị đánh đập đến gãy tay, gãy chân là chuyện bình thường trong trại. Ở đây, chính sách dùng tù nhân để kiểm soát tù nhân được áp dụng như trong các trại cải tạo.

Lạm dụng trẻ em:

3,5% trong tổng số trại viên là trẻ em, những trẻ em này cũng bị nhốt chung với người lớn và cũng chịu “phương pháp trị liệu bằng lao động” như người lớn và không hề có một chương trình nào để giúp đỡ các em sau khi rời khỏi trại.

Điều trị:

Trại viên không nhận được bất cứ 1 thuốc men nào ngoài việc hô to các khẩu hiệu “cố gắng tránh xa ma túy”, “Khỏe, khỏe, khỏe” trong các buổi tập thể dục buổi sáng.

Ước tính có từ 15 đến 60 phần trăm trại viên trong các trung tâm cai nghiện ở Việt Nam bị nhiễm HIV. Theo luật Việt Nam, những người nhiễm HIV đang bị quản chế có quyền được thả nếu các trung tâm cai nghiện không có đủ điền kiện chăm sóc y tế thích hợp. Do vậy, sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo lại gây ra một hiệu ứng ngược là tạo động cơ cho chính quyền gia tăng đến mức tối đa lợi nhuận bằng cách giữ những người nghiện bị nhiễm hiV và cưỡng bức họ lao động trong thời gian dài hơn. Các nhà tài trợ này cũng đặt câu hỏi về hiệu quả của việc phòng chống và điều trị HIV trong các trung tâm không nhân đạo và không chính danh này.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nghĩ rằng các nhà tài trợ nên hỗ trợ cho nỗ lực phóng thích trại viên khỏi các trung tâm này để họ tiếp cận các dịch vụ chữa trị thích hợp tại các tổ chức dân sự.

Điều kiện ký thỏa ước TPP

Cuối cùng, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Quốc Tế đã đưa ra các khuyến nghị đối với chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức Quốc Tế:

-Đóng cửa các trung tâm cai nghiện

-Xét lại các hành vi cưỡng bức lao động người cai nghiện và trẻ em.

-Kêu gọi các nước đang đàm phán để thực hiện các chương trình thương mại đối với Việt Nam cần lên tiếng với chính phủ Việt Nam về yêu cầu chấm dứt lao động cưỡng bức.

Theo lời kêu gọi đó, ngày 16 tháng 9 vừa qua, UBBV NLD VIỆT NAM đã phát động phong trào ký kháng thư để phản đối cưỡng bách lao động tại Việt Nam. Mục đích của kháng thư này là tập hợp chữ ký để đưa đến chính phủ Hoa Kỳ và Úc, 2 trong 9 nước thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương viết tắt là TPP (Trans - Pacific Strategic Economic Partnership Agreement).

Hiện Việt Nam đang thương lượng thỏa ước mậu dịch TPP, dự tính cuối năm 2011 sẽ xong , Việt Nam rất mong muốn ký kết để tăng xuất cảng. Kháng thư này sẽ được gửi đến Hoa Kỳ và Úc để yêu cầu hai quốc gia này áp lực với Việt Nam phải đóng cửa các trung tâm cai nghiện nếu muốn gia nhập TPP. ông Đoàn Việt Trung giải thích:

VIETNAM_DRUG_ADDICTS-250.jpg
Thanh niên trong một trại cai ma túy ở Bình Triệu TPHCM. AFP PHOTO.

“Nhà nước VN đang cần đến sự thỏa thuận của 8 quốc gia khác đang cùng với họ thương lượng một hiệp ước mật dịch viết tắt là TPP. Vì vậy UBBVNLD chúng tôi đang mở ra một chiến dịch online để mời gọi người Việt cũng như nhiều người khác hãy ký tên vào đó. Khi họ ký tên là họ yêu cầu chính quyền Mỹ, chính quyền Úc, chính quyền Tân Tây Lan đòi nhà nước VN hãy đóng lại các trại này và hãy trả tự do cho những người bị giam trong trại và hãy bồi thường cho họ. Có thế thì mới được ký cái thỏa ước TPP.

Chúng tôi kính mời quý vị thính giả khắp nơi trong nước cũng như ngoài nước hãy đến trang www.baovelaodong.com để ký vào kháng thư để gửi đi chính quyền các nước để yêu cầu các quốc gia này đòi nhà nước VN phải đóng cửa các trại này, phải trả tự do cho những người bị giam, phải bồi thường cho họ, phải đối xử một cách đàng hoàng với người lao động Việt Nam thì mới được ký kết cái thỏa ước TPP.”

HRW cũng đề nghị Liên Hiệp Quốc, các Tổ chức Thương Mại Quốc Tế, các Ủy Ban về Nhân Quyền:

• Kêu gọi trả tự do cho những trại viên bị quản chế, đóng cửa các trung tâm này

• Điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong các trung tâm nói trên

• Rà soát lại tất cả các quỹ tài trợ cho các trung tâm cai nghiện.

• Bày tỏ quan ngại với chính phủ Việt nam về những cáo buộc về các hành vi tùy tiện bắt giữ, cưỡng bức lao động, tra tấn, bạo hành đối với người cai nghiện và trẻ em.

Dân biểu Úc Chris Hayes, người đã từng lên tiếng trước Quốc Hội Úc về 3 người trẻ tuổi Chương Hùng Hạnh khi họ bị bắt vì lên tiếng bảo vệ người lao động cho biết ý kiến của ông:

“Tôi là một trong những dân cử Quốc Hội Úc thật sự ủng hộ các thoả ước mậu dịch tự do, nhưng cần phải có sự công bằng. Nói về tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam thì tôi không ngạc nhiên rằng có những trại giam cưỡng bách lao động, người ta bị đưa vô đó vì bị cho là dùng ma túy, bị bắt buộc phải làm việc mà không được lương hoặc hưởng lương rất ít. Đó không thể là căn bản cho một thoả ước mậu dịch tự do được.”

Và ông dự định:

Nếu họ muốn buôn bán, muốn hòa nhập vào Cộng đồng văn minh thế giới hiện này họ phải chứng tỏ những công việc của họ rõ ràng và trung thực.

Nguyễn Đình Hùng

“Sắp tới, tôi sẽ phát biểu trong Quốc Hội Úc để mọi người hiểu quan điểm của tôi, rằng khi có đến 40 ngàn người bị giam không được quyền bào chữa ở toà, bị buộc phải làm việc mà không có lương hoặc lương rất thấp, bị trừng phạt khi làm việc không đạt chỉ tiêu, đó không thể nào là căn bản để bất cứ nước nào ký kết thoả ước mậu dịch tự do. Úc ký thoả ước mậu dịch tự do với những quốc gia mà Úc coi là bạn, coi là tương tự nhau về cách đối xử với dân chúng. Tôi chúc Việt Nam và nhân dân mọi điều tốt đẹp nhất, nhưng phải trên cùng căn bản mà Úc đối xử với nhân dân, tức là kính dân và trọng dân.

Tôi đang viết thư đến đại diện nhà nước Việt Nam ở Úc để xin visa vì tôi muốn được đến thăm Việt Nam, tôi mong được gặp những người như Linh Mục Lý, và nếu phải vào trong tù để gặp họ, tôi sẵn sàng vào để gặp họ. Và tôi cũng muốn được chính mắt mình thấy những vấn đề như các trại cưỡng bách lao động. Trong chuyến đi đó, tôi dự định sẽ mời các chính khách Úc khác để đi cùng tôi, cũng như đại diện phong trào lao động ở Úc.”

Ngoài ra, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO)

•Vận động chính phủ Việt nam chấm dứt cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy tập trung.

•Điều tra về các hành vi bắt giữ tùy tiện, tra tấn, bạo hành, trừng phạt hoặc đối xử vô nhân và hạ nhục, và các hình thức lạm dụng khác đối với người sử dụng ma túy (bao gồm cả trẻ em).

Ông Nguyễn Đình Hùng, thành viên của Ủy ban quốc tế vụ của Tổng công đoàn Úc cho biết ý kiến:

“Vấn đề cưỡng bách lao động là một điều không thể nào chấp nhận được. Về phía công đoàn, theo cá nhân chúng tôi, đây không phải là một trung tâm cai nghiện thức sự theo đúng nghĩa như chúng ta đã thấy tại những trung tâm cai nghiện tại các nước Tây Phương. Đây là một trung tâm giam cầm, cưỡng bách lao động trá hình, cưỡng bách lao động trả em dưới 18 tuổi mặc dù họ là những người cai nghiện, đối xử họ ngược đãi, đánh đập là một điều không thể chấp nhận được và những điều này phải được lên án trong những Tổ chức Công đoàn Thế giới.

Nếu họ muốn buôn bán, muốn hòa nhập vào Cộng đồng văn minh thế giới hiện này họ phải chứng tỏ những công việc của họ rõ ràng và trung thực.”

Giải quyết tệ nạn xã hội là bổn phận của chính quyền và hỗ trợ nhà nước thực hiện tốt công tác nhân đạo này là nhiệm vụ của thế giới. Tuy nhiên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khẳng định rằng ngân sách tài trợ không nên hỗ trợ cho việc lạm dụng các mỹ từ nhân đạo để cưỡng bách lao động, hành hạ tù nhân trong đó có trẻ em, cũng như các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước không nên hưởng lợi từ sức lao động của trại viên.

Opens in new window

Video: Nghiện và cai nghiện tại VN