Sau đây mời quí vị theo dõi trình bày của một luật sư gốc Việt tại Canada, ông Vũ Đức Khanh, người từng có những đề xuất gửi cho chính phủ Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ thông qua đại sứ quán của các nước liên hệ về vấn đề liên quan. Bài phỏng vấn do Gia Minh thực hiện.
Thành lập ủy ban quốc tế
Trước hết luật sư Vũ Đức Khanh cho biết:
Tôi đề nghị phía TQ đứng ra đề nghị các phía có tranh chấp tại Biển Đông từ bỏ vấn đề chủ quyền và tuyên bố đặt toàn bộ vùng có tranh chấp dưới quyền tài phán của LHQ.
LS Vũ Đức Khanh
LS Vũ Đức Khanh: Hôm ngày 7 tháng 10 vừa qua tôi có gửi thư cho chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào về vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Tôi đề nghị phía Trung Quốc đứng ra đề nghị các phía có tranh chấp tại Biển Đông từ bỏ vấn đề chủ quyền và tuyên bố đặt toàn bộ vùng có tranh chấp dưới quyền tài phán của Liên Hiệp Quốc. Từ đó họ thảo luận và đi đến thành lập một ủy ban quốc tế quản trị sự hợp tác và phát triển khu vực tranh chấp đó. Trong thư, tôi có đề nghị đặt tên tạm thời cho ủy ban đó là 'The International Committee for Management of the South China Sea Cooperation and Development'. (Ủy ban Quốc tế Quản trị Khu vực Biển Nam Trung Hoa về Hợp tác và Phát triển).
Về vấn đề này tôi có trao đổi với phía Việt Nam trong buổi gặp hôm ngày 5 tháng 10 tại tòa Đại sứ Việt Nam ở Canada với ông tham tán Đào Ngọc Dinh.
Gia Minh: Ông nói đến tên the South China Sea mà nhiều người không bằng lòng, vậy có trở ngại gì không?
LS Vũ Đức Khanh: Tôi là con người rất thực tế, thực tiễn. Việc sử dụng tên Biển Nam Trung Hoa do tôi dựa vào tất cả những tài liệu quốc tế cho đến lúc này. Biển Nam Trung Hoa không có nghĩa là biển của Trung Hoa.
Đây là điều cần phải khẳng định với tất cả mọi người. Còn việc các quốc gia gọi thế nào là tùy quyền và cách nhìn của họ. Việt Nam gọi là Biển Đông, Philipppines gần đây gọi là Tây Philippines, Trung Quốc gọi là Nam Hải và Indonesia gọi là Biển Bắc… Đối với tôi vấn đề bây giờ không phải là tên gọi… Nếu tôi nói chuyện với người Việt Nam thì tôi gọi là Biển Đông để khỏi mếch lòng nhưng phải nhận định rõ đây là vấn đề vô cùng phức tạp mà không phải chỉ dựa vào tên là có thể giải quyết được vấn đề.
Gia Minh: Cũng có đề nghị nên gọi đó là Biển Đông Nam Á?
LS Vũ Đức Khanh: Tôi có nghe bên Quỹ Nguyễn Thái Học Foundation đưa ra vấn đề, và điều này được tranh cãi khá sâu rộng trong quảng đại quần chúng; nhưng đến nay vẫn chưa chính thức nên tôi không đưa vào. Tôi chỉ gọi tạm thời theo tên gọi hiện tại. Vấn đề không phải là tên mà cách giải quyết như thế nào mà thôi.
Vấn đề của thế giới
Gia Minh: Việt Nam có đề nghị giải quyết vấn đề dựa trên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, đó là tích cực chứ?
Biển Nam Trung Hoa không có nghĩa là biển của Trung Hoa. Đây là điều cần phải khẳng định với tất cả mọi người. Còn việc các quốc gia gọi thế nào là tùy quyền và cách nhìn của họ.
LS Vũ Đức Khanh
LS Vũ Đức Khanh: Tôi hoàn toàn đồng ý về điều đó. Và chính vì thế nên tôi đề nghị với phía Trung Quốc. Hiện nay nhiều người cũng mong đợi Trung Quốc đưa vấn đề ra giải quyết với cơ chế quốc tế dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.
Theo tôi vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề của Trung Hoa. Biển Đông không phải là ‘cái ao’ của tất cả các nước trong khu vực. Biển Đông là con đường vận chuyển hàng hải có thể nói ‘bận rộn’ nhất trên thế giới hiện nay. Đây là con đường chiến lược nối với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tôi nghĩ đó không phải vấn đề của khu vực mà là vấn đề của thế giới. Mà là vấn đề của thế giới nên phải để cho thế giới giải quyết. Tôi đề nghị phía Trung Quốc đưa vấn đề này ra cho Liên Hiệp Quốc giải quyết. Tôi thấy khi đó không có vấn đề gì khi áp dụng luật quốc tế vào để giải quyết.
Vấn đề là phía Trung Quốc không muốn có sự can thiệp của các quốc gia nằm ngoài khu vực. Theo quan điểm của Trung Quốc là những nước trong khu vực này và Trung Quốc giải quyết vấn đề qua con đường song phương. Theo tôi cách tiếp cận vấn đề của Trung Quốc là sai, vì đây không phải là vấn đề song phương mà là đa phương và là vấn đề quốc tế.
Tôi nhấn mạnh lại quan điểm của bà ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, đưa ra tại Hà Nội hồi tháng 7 năm 2010, rằng Hoa Kỳ không đứng về phía bên nào trong tranh chấp này, mà Hoa Kỳ chỉ giúp đỡ các nước tranh chấp đi đến đàm phán và sử dụng một cơ chế quốc tế để giải quyết vấn đề này.
Tại cuộc họp Á châu - Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Trung Quốc một lần nữa lại nói phía Hoa Kỳ không có quyền lợi gì trong khu vực mà chen vào để giải quyết vấn đề. Hoa Kỳ đáp lại rằng chính sách nhất quán của Hoa Kỳ từ xưa đến nay đó là Hoa Kỳ là một lực lượng có mặt tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sự hiện diện tại nơi đó. Trong vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ không đứng hẳn về bên nào nhưng muốn làm chất kết nối giữa tất cả những quốc gia có cùng chung quan tâm đi đến một cơ chế quốc tế nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông.
Theo tôi đề nghị của Hoa Kỳ chưa rõ ràng lắm, nhưng đây là bước cho thấy Hoa Kỳ sẽ là người trung gian cho một cuộc họp cấp quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Tôi xin báo là đang chuẩn bị một lá thư gửi cho tổng thống Obama về vấn đề Biển Đông. Đề nghị với chính quyền của tổng thống Obama trong mối bang giao giữa hai nước nên đặt thẳng vấn đề Biển Đông. Đồng thời thông qua con đường ngoại giao, chính quyền Obama nói chuyện với các quốc gia có tranh chấp, cũng như nói chuyện với tất cả các quốc gia có quyền lợi trên Biển Đông; đó là có cả Nam Hàn, Ấn Độ, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu.
Gia Minh: Vừa rồi ông có gặp đại diện Việt Nam tại đại sứ quán Canada, xin ông chia sẻ những điều đưa ra tại cuộc gặp đó?
LS Vũ Đức Khanh: Vào 2 giờ chiều ngày 5/10/2011 tôi gặp ông Đào Ngọc Dinh được sự ủy quyền của đại sứ Lê Sỹ Vương Hà trao đổi những điều mà chúng tôi cùng quan tâm. Gồm có ba vấn đề. Thứ nhất là vấn đề hòa hợp - hòa giải dân tộc giữa những người Việt với nhau. Chúng tôi trao đổi về Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời chính sách đại đoàn kết của chính phủ Việt Nam với chủ trương hòa hợp - hòa giải dân tộc của những thế hệ thứ hai, thứ ba Việt Nam ở hải ngoại và trong nước.
Thứ hai chúng tôi trao đổi về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam. Về chương trình này tôi có đệ trình cho chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng văn bản ‘Hiến chương Tự do Nhân quyền Việt Nam’. Trong văn bản đó nêu lên những nguyên tắc tự do và quyền con người cơ bản mà Việt Nam đã long trọng cam kết với công pháp quốc tế cũng như trong Hiến pháp Việt Nam từ hiến pháp năm 1946 đến hiến pháp gần đây nhất là năm 1992. Tôi đã tổng lược tất cả những văn bản đó và cũng gửi Hiến chương Tự do Nhân quyền Việt Nam cho ủy ban sửa đổi hiến pháp làm cơ sở nghiên cứu để làm sao cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam cho phù hợp với những công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời có những cơ chế để bảo đảm những quyền tối thiểu của con người trong xã hội Việt Nam.
Nội dung thứ ba là trao đổi về vấn đề Biển Đông như đã trình bày.
Tôi ghi nhận Tòa Đại sứ Việt Nam tại Canada có nhiều thiện chí, và không những tòa đại sứ Việt Nam tại Canada mà những cơ quan đại diện Việt Nam ở hải ngoại rất mong muốn được tiếp xúc tất cả các kiều bào Việt Nam để trao đổi những vấn đề có cùng chung quan tâm.
Tôi có đề nghị phía tòa đại sứ tổ chức cho tôi và một phái đoàn gồm những anh chị em thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba ở hải ngoại - tức ở độ tuổi từ 20 - 35 lên đường đi Việt Nam. Mục đích để nghiên cứu, khảo sát cụ thể tình hình Việt Nam, cũng như có dịp trao đổi với những cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp Việt Nam, cũng như các tổ chức đoàn thể xã hội Việt Nam.
Gia Minh: Cám ơn Luật sư Vũ Đức Khanh về những chia sẻ vừa rồi.
Theo dòng thời sự:
- Tranh chấp biển Đông: chủ quyền chưa hẳn là vấn đề
- Quân đội Việt – Trung kiềm chế, không để xung đột trên biển
- Việt-Trung thỏa thuận 6 điểm giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển
- Trung Quốc đã đạt được mục đích sau chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng?
- Trung Quốc phô trương sức mạnh ở Biển Đông
- Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông
- Trung Quốc gây quan ngại trong khu vực biển Đông Trung Hoa
- Trung Quốc cảnh báo các Cty ngoại quốc thăm dò dầu khí tại Biển Đông
- Bản thông cáo chung của VN và TQ
- Chuyện hai ông lớn Hoa du và Ấn du cùng lúc