Ý đảng – chính phủ và lòng dân trong vụ căng thẳng do Trung Quốc gây nên ở Bãi Tư Chính

0:00 / 0:00

Thông tin chậm và thiếu

Tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đã tiến vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính, Vũng Mây từ ngày 3/7/2019 để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.

Thông tin này được báo mạng tiếng Anh có trụ sở ở Hồng Kông trích dẫn đoạn Tweet của ông Ryan Martinson - Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ.

Trên Twitter của ông Ryan Martinson vào hôm 11/7 cũng đã đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu cho thấy sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111.

Đến chiều 12/7, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin cho biết có ít nhất 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở Bãi Tư Chính thuộc lãnh hải Việt Nam trong khoảng một tuần.

Thực tế là bắt đầu từ đầu tháng 7 mà mãi đến hai tuần sau chính phủ Việt nam mới cung cấp thông tin và mới cho phép báo chí viết bài về vấn đề này. Điều đó khá là chậm trễ. - ThS. Hoàng Việt

Tuy nhiên, truyền thông trong nước suốt thời gian này không hề loan tin gì về những diễn tiến đang xảy ra ngoài khơi. Đến tối ngày 16/7, báo trong nước mới đồng loạt loan tin khi Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng cho biết “Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu của bà Hằng không hề đề cập đến Trung Quốc hay bãi Tư Chính.

Mãi đến buổi họp báo chiều ngày 19/7, bà Lê Thị Thu Hằng mới nói rõ trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.

Nhận xét về việc này, Nhà nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng:

“Cho đến nay, chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra những thông tin cơ bản. Tuy nhiên, những thông tin chi tiết hơn thì Việt Nam chưa đưa hoặc còn dè dặt, chẳng hạn Trung Quốc xâm phạm như thế nào, vi phạm đến cái gì của Việt Nam. Vấn đề chỉ có một số báo chí đưa tin thôi chứ chính phủ Việt Nam vẫn cón chưa phát ngôn rõ ràng về thông tin đó. Vấn đề tiếp theo là trên thực tế là bắt đầu từ đầu tháng 7 mà mãi đến hai tuần sau chính phủ Việt nam mới cung cấp thông tin và mới cho phép báo chí viết bài về vấn đề này. Điều đó khá là chậm trễ.”

Đồng tình với ý kiến này, từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng những thông tin về tình hình Biển Đông trong những ngày qua mà chính phủ Hà Nội đưa ra vừa muộn vừa không đầy đủ, như thế không đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân mà họ đang rất mong mỏi.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết tại Hà Nội lại cho rằng dù thông tin không đầy đủ và chậm trẽ, nhưng so với trước đây, rõ ràng chính phủ Hà Nội đã có tiến bộ:

“Hiện nay là chúng tôi khen lãnh đạo của Đảng và chính phủ nói rõ mưu đồ, tội ác và hành xử rất xấu, rất đê tiện của Trung Quốc đã bắt đầu nói, bắt đầu để cho các báo chí công khai lên án cái gian trá của phía Trung Quốc. Hiện nay những tờ báo được gọi là báo của đảng, của chính phủ bắt đầu có tiếng nói. Chúng tôi cho rằng như thế là họ thấy được vấn đề và có tiến bộ nhất định, không thể phủ định được. Họ đã đứng thẳng về phía nhân dân, đấy là cái hoan nghênh.”

Tuy vậy, ông Nguyễn Khắc Mai bày tỏ thất vọng đối với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân vì khi sự việc xảy ra, vào ngày 11/7, bà Kim Ngân đang có chuyến thăm Trung Quốc, gặp gỡ và tiếp xúc với chủ tịch Tập Cận Bình cũng như người tương nhiệm Lật Chiến Thư, nhưng bà Ngân đã không hề phê phán hành động của Bắc Kinh.

“Có thể dùng lời lẽ mềm mỏng nhưng phải nói rõ ràng vấn đề Biển Đông ở bãi Tư Chính, hành xử như thế là không đúng và chúng ta phải bàn, sửa lại vấn đề này… Ít ra cô phải nói như thế. Cô im hơi lặng tiếng, có thể nói cô có tội với dân với nước trong vấn đề này. Không thể bào chữa đấy là thái độ để mềm mỏng, tranh thủ hòa bình, không đao to búa lớn kích động Trung Quốc. Mình phải dõng dạc nói là họ sai, không nên làm như vậy mà phải thành thật bàn thảo đến nơi đến chốn với mình về vấn đề này, không được ỷ nước nước lớn mà làm vậy. Có thể nói là thua cả ông Mahathir ở bên Malaysia.”

Xâm phạm lãnh hải

Vẫn trong buổi họp báo ngày 19/7, Phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố khu vực mà tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Ảnh minh họa: Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng.
Ảnh minh họa: Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng. (AFP)

Nhận xét về hành động này của Trung Quốc, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng:

“Nói chung, một mặt Trung Quốc luôn duy trì lợi ích và tham vọng của họ trong việc độc chiếm biển Đông. Mặt thứ hai thì Việt nam cũng luôn luôn kiên quyết bảo vệ lợi ích của họ trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định Công ước luật biển mà Việt nam được hưởng. Chính vì vậy, hai bên đều có những lý lẽ để bảo vệ quyền lợi ích của riêng mình. Tuy nhiên, về mặt luật pháp thì rõ ràng Việt Nam có lợi thế hơn khi mà Việt Nam tuân thủ luật pháp Quốc tế và trong trường hợp này nó nằm trong quy định của Quốc tế. Trung Quốc biết điều đó nhưng lại muốn dùng sức mạnh của mình để thực hiện tham vọng, âm mưu của họ. Do vậy mà dẫn đến sự căng thẳng. Nếu không có biện pháp để gỡ, nếu Trung Quốc không “xuống thang” thì có lẽ sẽ dẫn đến sự căng thẳng như cái đợt 2014 khi Trung Quốc kéo cái dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam, cách đây 5 năm, vào năm 2014, Trung Quốc đã cho hạ đặt giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vụ việc đã dẫn đến căng thẳng trong quan hệ hai nước trong nhiều tháng cho đến khi Trung Quốc quyết định rút giàn khoan về.

Vào tháng 4 vừa qua, Tân Hoa Xã loan tin cho biết Trung Quốc chuẩn bị đưa giàn khoan dầu khí lớn thứ nhì của nước này có tên Dongfang (Đông Phương) 13-2 CEPB ra lưu vực Yinggehai, hay còn gọi là lòng chảo Quỳnh Hải, nằm ở phía tây bắc Biển Đông, giữa đảo Hải Nam và bờ biển phía Bắc của Việt Nam.

Và mới đây nhất là vụ việc đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 đến bãi Tư Chính.

Sự ủng hộ của Hoa Kỳ?

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 20/7 cũng đã ra thông cáo với lời lẽ mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động bị cho là đe dọa, bắt nạt các nước trong khu vực Biển Đông.

Washington D.C. cho rằng hoạt động của Bắc Kinh đang cản trở phát triển, gây bất ổn đến hòa bình, an ninh trong khu vực.

Thêm vào đó, trong cuộc họp báo qua điện thoại vào ngày 23 tháng 7, Tư lệnh Tuần Duyên Hoa Kỳ, Đô đốc Karl L. Schultz, nói rõ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Đồng thời đánh giá sức mạnh của lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam được tăng cường rất nhiều.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, phát biểu của phía Hoa Kỳ được đưa ra trong thời gian này nhằm ủng hộ Việt Nam, khi mà Trung Quốc ngày càng có dấu hiệu ăn hiếp các nước bé. Tuy nhiên, Thạc sĩ Hoàng Việt lại cho rằng Hoa Kỳ không ủng hộ Việt Nam mà đang ủng hộ luật Quốc tế bởi vì Việt Nam tuân thủ luật Quốc tế.

“Hoa Kỳ muốn rằng tất cả các quốc gia trên thế giới phải tuân thủ luật Quốc tế. Và đó là điều Hoa Kỳ muốn: xây dựng một trật tự Quốc tế như vậy. Chính vì thế mà Hoa Kỳ mới ủng hộ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chỉ là lên tiếng thôi vì nếu xảy ra căng thẳng thì cũng còn tùy. Nếu tình trạng đối đầu căng thẳng hơn thì Hoa Kỳ cần lên tiếng mạnh mẽ hơn. Nếu xảy ra xung đột thì không tốt cho tất cả các bên. Và nếu có xung đột thì cũng không bên nào can thiệp giúp cho Việt Nam cả.”

Đòi hỏi của người dân

Tôi nghĩ có thể họ rất muốn nhưng phải cân nhắc kỹ lưỡng vì một nước đi như thế mang lại những lợi ích và rắc rối gì vì việc kiện Trung Quốc như Philippine đã kiện thì từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị rất sẵn sàng nhưng họ không đem ra kiện vì một mối quan hệ tế nhị với Trung Quốc. - TS. Nguyễn Quang A

Trước tình hình căng thẳng Việt – Trung về những tranh chấp Biển Đông, Nhóm lập quyền dân phối hợp cùng Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và Diễn đàn xã hội dân sự đề ra bản Tuyên bố về Biển Đông lần thứ 3. Bản Tuyên bố nêu lên 4 điểm cụ thể, trong đó có yêu cầu chính phủ Việt Nam cần lên tiếng tố cáo trước Hội Đồng Bảo An, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại bãi Tư Chính, và khẩn trương chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra các Tòa án Quốc tế thích hợp.

Là một trong những người tham gia ký tên vào Tuyên bố về Biển Đông lần thứ 3 này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

“Tôi nghĩ có thể họ rất muốn nhưng phải cân nhắc kỹ lưỡng vì một nước đi như thế mang lại những lợi ích và rắc rối gì vì việc kiện Trung Quốc như Philippine đã kiện thì từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị rất sẵn sàng nhưng họ không đem ra kiện vì một mối quan hệ tế nhị với Trung Quốc.”

Còn theo Thạc Sĩ Hoàng Việt, người từng tham gia cố vấn cho chính phủ trong việc khởi kiện Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam lại nghĩ rằng việc khởi kiện phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang, duy trì căng thẳng cao hơn thì khả năng khởi kiện của Việt Nam là đương nhiên.

Ngoài yêu cầu khởi kiện Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; những người ký tên trong Tuyên bố Biển Đông lần thứ ba còn yêu cầu chính phủ Hà Nội tăng cường nội lực đất nước, ‘khoan thư sức dân để làm kế râu rễ bền gốc’; thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết cũng như những qui định trong Hiến pháp Việt Nam; trả tự do cho các tù nhân lương tâm, tiến tới dân chủ hóa đất nước…