Phái đoàn của Tòa thánh Vatican vừa có chuyến làm việc tại Việt Nam vào trung tuần tháng Giêng trong khuôn khổ gặp gỡ đôi bên trong những năm qua.Cho đến nay mối quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Chính phủ Việt Nam tiến triển đến đâu?
Các cuộc thăm viếng gia tăng
Truyền thông trong nước đưa tin tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, vào sáng ngày 18 tháng Giêng, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Tòa thánh Vatican, Đức ông Antonie Camilleri cảm ơn Chính phủ Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến làm việc của vị Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam. Đồng thời, Đức ông Antonie Camilleri còn cho biết Tòa thánh luôn chủ trương thúc đẩy quan hệ với Việt Nam nhằm tiếp tục đồng hành trong sự phát triển của quốc gia, cũng như đóng góp trong các lãnh vực đời sống xã hội, đặc biệt về giáo dục, y tế và từ thiện.
Cũng theo truyền thông trong nước thuật lại, đáp lời Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Tòa thánh Vatican, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự hài lòng về việc Vatican và Việt Nam duy trì cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp nhằm duy trì đối thoại, trao đổi và xử lý những vướng mắc giữa đôi bên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng Việt Nam mong muốn thúc đẩy mối quan hệ qua việc trao đổi đoàn cấp cao với Vatican.
Linh mục Trần Đức Anh, đang làm việc tại Tòa thánh Vatican đưa ra nhận định với RFA về việc phái đoàn của hai phía làm việc với nhau:
“Việc phái đoàn Tòa thánh đi qua Việt Nam hoặc phái đoàn của Chính phủ Việt Nam đi qua làm việc với Tòa thánh là công việc của tổ công tác chung, hay là Nhóm làm việc chung. Tại vì giữa hai bên đã quyết định với nhau để bàn về vấn đề có thể tiến tới quan hệ ngoại giao hay không. Việc này không dính dáng gì đến Bộ Giáo luật hết. Hai bên đồng ý với nhau làm với nhau vài năm nay rồi.”
Còn mang tính hình thức
Từ trong nước, Linh mục Đinh Hữu Thoại, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cho biết ý kiến của ông:
Việc phái đoàn Tòa thánh đi qua Việt Nam hoặc phái đoàn của Chính phủ Việt Nam đi qua làm việc với Tòa thánh là công việc của tổ công tác chung, hay là Nhóm làm việc chung. Tại vì giữa hai bên đã quyết định với nhau để bàn về vấn đề có thể tiến tới quan hệ ngoại giao hay không...Hai bên đồng ý với nhau làm với nhau vài năm nay rồi<br/>-Linh mục Trần Đức Anh
“Theo tôi nhận thấy thì thật ra các cuộc thăm hỏi qua lại gần đây tương đối đều đặn, có nghĩa là không gặp cản trở nào. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chất lượng, kết quả của những buổi làm việc đó có mang lại ích lợi cho giáo hội địa phương hay không. Điều này mới là quan trọng.”
Một số các linh mục ở Việt Nam mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cũng chia sẻ có đồng quan điểm với Linh mục Đinh Hữu Thoại. Các vị linh mục này nhấn mạnh rằng những cuộc gặp gỡ giữa Vatican và Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua hầu như cũng còn mang tính hình thức và những vướng mắc giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với Chính quyền Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Một trong những trường hợp, mà các vị linh mục chúng tôi trao đổi, cho rằng là một cản trở lớn, như việc bổ nhiệm các giám mục tại Việt Nam, theo quy định của Giáo hội Công giáo La Mã là do Vatican chỉ định. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này vẫn phải thông qua Nhà nước Việt Nam, và chỉ được bổ nhiệm với điều kiện Chính phủ Việt Nam đồng ý.
Tồn tại nhiều khó khăn
Sinh hoạt của cộng đồng Công giáo tại Việt Nam có thể nói gặp nhiều khó khăn và thử thách, điển hình kể từ khi biến cố thảm họa môi trường biển Formosa xảy ra hồi đầu tháng Tư năm 2016 cho đến nay. Hàng trăm giáo dân ở 4 tỉnh Bắc miền Trung, không chỉ phải đối mặt với cuộc sống khốn khó do bị ảnh hưởng hậu quả của thảm họa Formosa, mà còn bị gặp nhiều trở ngại với chính quyền địa phương, như khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại bị tòa án trả đơn, đi kiện tập thể bị công an an ninh đàn áp, bị côn đồ hành hung, thậm chí các Hội Cờ Đỏ được chính quyền tiếp tay để sách nhiễu, đe dọa đời sống của giáo dân, cũng như cố tình gây ra sự chia rẻ lương giáo.
Không những vậy, các giáo dân lên tiếng liên quan thảm họa Formosa còn bị truy tố hình sự, như trường hợp của Hoàng Đức Bình bị 14 năm tù giam, Nguyễn Văn Hóa bị 7 năm tù giam, 4 phụ nữ ở giáo xứ Đông Yên bị tổng cộng 12 tháng tù giam. Các vị linh mục hỗ trợ và đồng hành với giáo dân là nạn nhân của thảm họa Formosa, như hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục còn bị chính quyền địa phương cáo buộc kích động giáo dân gây rối.
Trong một lần chia sẻ với RFA về các vấn đề liên quan vừa nêu, Đức Giám mục Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn lựa thái độ hành xử mà không gây tổn thất lớn cho cả hai phía, là giáo giân và chính quyền.
Vào hạ tuần tháng Hai năm 2018, Linh mục Đặng Hữu Nam lên tiếng khẳng định Chính quyền tỉnh Nghệ An đã gây sức ép lên Hội đồng Giám mục Việt Nam buộc phải thuyên chuyển ông sang phụ trách giáo xứ khác. Linh mục Đặng Hữu Nam nói với RFA rằng yêu cầu này còn được gửi đến Vatican.
Theo tôi nhận thấy thì thật ra các cuộc thăm hỏi qua lại gần đây tương đối đều đặn, có nghĩa là không gặp cản trở nào. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chất lượng, kết quả của những buổi làm việc đó có mang lại ích lợi cho giáo hội địa phương hay không. Điều này mới là quan trọng<br/>-Linh mục Đinh Hữu Thoại
Tương tự trường hợp của Linh mục Đặng Hữu Nam, Linh mục Nguyễn Văn Đức, đảm nhiệm Bề trên Giám quản tại Đan viện Thiên An cũng bị Chính quyền Thừa Thiên-Huế gửi đơn đến Vatican yêu cầu thuyên chuyển ông đi nơi khác.
Linh mục Nguyễn Văn Đức được chỉ định giữ chức vụ Bề trên Giám quản ở Đan viện Thiên An trong 3 năm. Trong thời gian này, Đan viện Thiên An gặp nhiều biến cố, mà các đan sĩ của Đan viện khẳng định do Chính quyền Thừa Thiên-Huế gây ra, như cho côn đồ hạ thánh giá, hành hung đan sĩ…
Chúng tôi liên lạc được với Linh mục Nguyễn Văn Đức và ông cho biết vừa hết nhiệm kỳ 3 năm phụ trách Bề trên Giám quản tại Đan viện Thiên An, ông đến Vatican để báo cáo công việc. Linh mục Nguyễn Văn Đức nói với RFA:
“Trong chuyến đi đó thì Đức trình bày công việc đã làm trong 3 năm vừa qua. Cha Bề trên Tổng quyền, Ngài bảo ‘bình thường là nhiệm kỳ 3 năm làm Bề trên Giám quản hết hạn; bây giờ Cha làm thêm 2 năm nữa đi’. Sau đó, Đức bảo trước khi về Việt Nam thì Đức xin phép đi một vòng để thăm các ân nhân, các nhà dòng ở Pháp đã ủng hộ trong thời gian vừa qua. Đức đi một vòng, khi Đức quay lại Roma để về Việt Nam, thì Cha Bề trên Tổng quyền bảo rằng “Thôi, chương trình về Việt Nam của Cha dừng lại. Tại vì Chính quyền Huế viết thư gửi đến Vatican đòi trục xuất Cha, ngay cả các Bề trên ở Việt Nam cũng bảo không nên để Đức làm tiếp vì có thể gây an ninh mất trật tự’. Đức nói là nếu Bề trên ở Roma và Bề trên bên Việt Nam không muốn thì Đức ở lại để Đức nghiên cứu tiếp.”
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của một số vị linh mục và nhiều giáo dân tại Việt Nam cho là không mấy hy vọng vào mối quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam được cải thiện thiện tích cực một cách nhanh chóng trong thời gian tới. Họ khẳng định trái lại tình hình sinh hoạt của Giáo hội Công giáo nói riêng, các tôn giáo khác tại Việt Nam nói chung sẽ gặp rất nhiều khó khăn do Chính quyền Hà Nội ban hành Luật Tôn giáo mới, mà Hội đồng Liên tôn Việt Nam gọi đó là một bước lùi trong tự do tôn giáo tại Việt Nam.