Quốc hội Việt Nam vào ngày 18 tháng 11 vừa qua đã thông qua Luật tín ngưỡng và tôn giáo. Đồng thời, các Dự luật như Lập hội, Biểu tình và Sửa đổi Bổ sung Luật Hình sự sẽ được bàn thảo ở kỳ họp thứ ba. Vấn đề này dưới góc nhìn của các cá nhân và đại diện của các tổ chức xã hội dân sự như thế nào?
Vào ngày 20 tháng 11, Hội đồng Liên tôn Việt Nam, gồm đại diện các đạo Cao Đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, và Tin Lành, cũng từng đưa ra kháng thư do 27 vị chức sắc ký tên bác bỏ dự luật Tín ngưỡng- Tôn giáo, và nêu ra một số chỉ trích về điều khoản của Dự luật Tín ngưỡng, tôn giáo mang nặng tính kiểm soát quyền tự do tôn giáo và chỉ chú trọng quản lý nhà nước.
Vào thời điểm đó, hoà thượng Thích Không Tánh, thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cũng ký vào kháng thư, tuy nhiên ngài tỏ ra không mấy hy vọng ý kiến sẽ được cơ quan chức năng lắng nghe:
“Với tấm lòng, hoài bão chúng ta cũng lên tiếng nhằm mục đích đánh động dư luận có thêm một số nhận thức, còn sự thực không hy vọng gì nhà nước này để tâm tới.”
Sự lo lắng của Hoà thượng Thích Không Tánh đã trở thành sự thật khi ngày 18 tháng 11 vừa qua, Luật tín ngưỡng và tôn giáo đã được Quốc hội thông qua do có số phiếu đồng thuận cao, 117 vị đại biểu quốc hội bỏ phiếu tán thành.
Khống chế tôn giáo
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, từ giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho chúng tôi biết đây là một luật “rất khôi hài” vì đa số những người đưa ra và thông qua Luật tín ngưỡng và tôn giáo là những người theo chủ thuyết vô thần:
Gần như 100% những đại biểu quốc hội là Đảng viên Đảng Cộng sản, là những người sống theo chủ thuyết vô thần. Một người vô thần làm 1 luật cho tôn giáo là một sự hài hước.<br/>-LM Đặng Hữu Nam
“Với bản thân tôi, tôi thấy là một sự khôi hài. Thứ nhất, Quốc hội đây là ai? Mặc dù với danh nghĩa là đại diện cho tiếng nói nguyện vọng của người dân, cũng như tham gia quyền lực của người dân vào trong chính phủ, nhưng gần như 100% những đại biểu quốc hội là Đảng viên Đảng Cộng sản, là những người sống theo chủ thuyết vô thần. Một người vô thần làm 1 luật cho tôn giáo là một sự hài hước.
Điều thứ hai, với nhà cầm quyền Việt Nam ngày hôm nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam độc tài để lãnh đạo đất nước này, họ coi tôn giáo là kẻ thù, và đặc biệt với chúng tôi là những người công giáo thì họ càng ghé bỏ nhiều hơn nữa.”
Báo mạng Dân Trí vào ngày 18 tháng 11 trích dẫn nội dung Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua rằng mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
Tuy nhiên, theo Linh mục Đặng Hữu Nam, Luật Tín ngưỡng tôn giáo không phải tạo điều kiện cho những người có niềm tin tôn giáo thực thi quyền của mình, vì quyền tôn giáo là “quyền” chứ không phải “ơn huệ xin cho”:
“Ở các nước trên thế giới, những người sống trong chế độ văn minh, người ta không bao giờ đả động đến luật tôn giáo. Vì chính tôn giáo của họ có luật.
Đặc biệt sự hài hước ở đây là những người vô thần làm ra một luật cho tôn giáo. Vì thế luật tôn giáo ở Việt Nam làm ra để bóp chặt, để hạn chế, và để khống chế tôn giáo chứ không phải để mở đường cho tự do tôn giáo.”
Quyền lợi cho nhà cầm quyền
Cũng trong ngày 18 tháng 11, báo Kinh tế online cho biết có 443/460 đại biểu đồng ý chưa thông qua Luật Về hội. Lý do các đại biểu đưa ra là nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua, có những quy định còn hạn chế so với pháp luật hiện hành, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước.
Và cũng trên 90% đại biểu đồng ý hoãn việc thông qua dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Điều này được Luật sư Trần Vũ Hải nhận định theo góc nhìn chuyên môn:
“Chúng tôi cho rằng luật mà còn bất lợi hơn nữa thì thà đừng có còn hơn. Những dự thảo mà hiện nay chúng tôi được biết là cuối cùng bất lợi hơn, thà không có có khi còn tốt hơn. Chúng tôi cho rằng trước mắt chúng ta nên xem các dự thảo khác nếu tiến bộ thì ủng hộ còn bất lợi thì phải lên tiếng.”
Cũng chính Luật sư Trần Vũ Hải, trên trang cá nhân của mình, có đưa ra ý kiến đề nghị nên vận động thành lập Hội Luật Hình Sự Việt nam, chúng tôi xin trích dẫn lời kêu gọi của ông nguyên văn sau đây:
“Tôi nghĩ đã đến lúc, thành lập Hội luật hình sự Việt nam để tập hợp những chuyên gia luật hình sự, tham gia bàn bạc và soạn thảo các văn bản về luật hình sự (kể cả lĩnh vực tố tụng hình sự), nghiên cứu các vụ việc hình sự được các cơ pháp luật giải quyết như thế nào, đưa ra các khuyến nghị thiết thực, đồng thời phát triển khoa học luật hình sự tại Việt nam, hoà nhập với luật lệ về hình sự quốc tế, góp phần giảm thiểu những vụ án hình sự được xử tréo ngoe, gây oan sai trong thời gian qua.”
Nhằm lên tiếng phản đối Luật Về Hội, một tổ chức có tên “Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân” đã thành lập hẳn một trang mạng có tên “Hoãn thông qua Luật Về Hội”. Trong đó ghi rõ nếu Luật về hội được thông qua thì những Hội đồng hương, Hội cựu sinh viên, Hội những người khuyết tật, Hội những người yêu môi trường…có thể trở thành bất hợp pháp, bị ngăn cản hoạt động nếu không được nhà nước cấp phép.
Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ Hà Nội cho chúng tôi biết nhận định của ông về ảnh hưởng của việc hoãn thi thành Luật Về Hội sẽ là một trở ngại đối với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam hiện tại:
“Nó là cái điều mà những nhà cầm quyền thấy rằng bây giờ ra cái luật đó thì chưa thật là có lợi cho việc quản lý, quản trị nhà nước. Cho nên có lợi là có lợi cho nhà cầm quyền, chứ không thật đáp ứng nhu cầu của các xã hội dân sự.”
Nhập nhằng
Nhà cầm quyền không cho phép tổ chức, thành lập hội nhóm mặc dù Hiến pháp quy định con người được quyền như thế.<br/>-LM Đặng Hữu Nam
Quyền tự do lên tiếng, quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do tôn giáo…là những vấn đề cơ bản đã được ghi rõ trong Hiến pháp, là pháp luật cao nhất của nhà nước Việt Nam.
Một ví dụ cụ thể là tại Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên, bên dưới Hiến pháp đó còn có Luật, Nghị định, Pháp lệnh, những văn bản vi phạm pháp luật…là những văn bản thấp hơn Hiến pháp. Linh mục Đặng Hữu Nam đưa ra chất vấn về mục đích sử dụng những văn bản có giá trị thấp hơn này trong hệ thống hành pháp:
“Đó là tìm mọi cách để hạn chế, cũng như khống chế tôn giáo cũng như các tổ chức xã hội. Ngày hôm nay, nhà cầm quyền không cho phép tổ chức, thành lập hội nhóm mặc dù Hiến pháp quy định con người được quyền như thế. Điều đó để nói rằng ở Việt Nam chúng tôi Hiến pháp, pháp luật có được coi trọng hay không?”
Như Giáo sư Chu Hảo đã có bày tỏ, ông cho rằng những chủ trương hoãn lại là chưa thật sự đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Điều này, được bạn Hoàng Thành, một thành viên của nhóm Green Trees chia sẽ rõ thêm:
“Nếu như có Luật Về hội thì nhóm Green Trees sẽ có cơ sở để dựa vào bất kể luật đó tốt hay xấu. Đó là 1 cái tin để mình chắc chắn về hội. còn nếu như họ vẫn chưa thông qua thì em nghĩ rằng con đường mục đích của các nhóm hội nói chung thì vẫn có một con đường dài để tiếp tục.”
Qua bày tỏ của những cá nhân ở các vai trò khác nhau, có thể nhận thấy rằng những luật được thông qua và những luật được hoãn lại đều nhằm vào mục đích vì quyền lợi của nhà cầm quyền. Còn các tổ chức xã hội dân sự, những người dân thì phải đặt câu hỏi giữa Hiến pháp và pháp luật, cái nào có giá trị thực sự?