Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự lắng nghe dân để có “văn bia muôn đời sau”?

0:00 / 0:00

Đảng luôn lắng nghe dân?

Trong bài viết “Đảng luôn lắng nghe dân để có ‘văn bia muôn đời sau’”, tác giả Nguyễn Tấn Tuân giải thích rằng việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được tiến hành nhằm để tập hợp, phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của người dân trong tham gia hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo, quyết sách quan trọng của Đảng đối với đất nước và sự nghiệp cách mạng; góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Tác giả Nguyễn Tấn Tuân còn nhấn mạnh mặc dù thời gian lấy ý kiến của người dân chỉ diễn ra trong 20 ngày (từ ngày 20/10 đến ngày 10/11), nhưng toàn xã hội cùng tham gia. Đồng thời khẳng định rằng trên cơ sở định hướng và sự thật tâm cầu thị của Trung ương, nhân dân trên mọi miền Tổ quốc đã chủ động nghiên cứu, tự giác nêu chính kiến, quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, đóng góp cho Đảng thông qua các kênh tiếp nhận khác nhau. Người dân làm việc đó một cách tự giác, chứ không gò ép, hay bị bắt buộc.

Bài viết được kết luận với sự quả quyết rằng việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII cho thấy Đảng CSVN lãnh đạo luôn cầu thị, tiếp thu cao nhất trách nhiệm, trí tuệ của nhân dân, quyết tâm xây dựng các văn kiện của Đảng trở thành "văn bia để lại muôn đời sau".

Người dân nói gì?

<i>Chúng tôi nghĩ rằng là mình phải nói tiếng nói đúng đắn, đàng hoàng và có lập luận, có suy nghĩ tử tế và có lợi cho công việc chung của dân, của nước. Dó đó, cũng phải lên tiếng. Tuy nhiên, chủ yếu là nói cho dân nghe. Nhưng mặt khác, chúng tôi nghĩ rằng họ buộc phải lắng nghe bởi vì đây là tiếng nói chính khí mà nó phản ảnh khuynh hướng tiến bộ, nhân văn, vì dân-vì nước thật lòng. Chúng tôi hy vọng trong Đảng có những người mà chúng tôi gọi là 'cơ hội cấp tiến' thì họ sẽ tìm cách lợi dụng để đưa những ý kiến đóng góp ấy vào những chính sách và giải pháp. Vì thế, có thể nói là hy vọng, chứ không hoàn toàn tuyệt vọng<br/>-Ông Nguyễn Khắc Mai</i>

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hồi đầu tháng 10, loan báo trang tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam-Đại hội XIII vừa ra đời với mục đích được nói nhằm giới thiệu nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng giúp người dân hiểu đúng hơn đường lối, quan điểm xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước. Trang tin này cũng là nơi trao đổi, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của các tổ chức chính trị-xã hội, các cán bộ lão thành, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, kiều bào, các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Vào thời điểm đó, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già lên tiếng với RFA rằng trang web này “chỉ là một thủ đoạn mị dân”. Cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già giải thích rằng người dân có góp ý thì Đảng CSVN cũng không nghe vì họ không bao giờ lắng nghe dân; bởi do bất cứ nhà nước cộng sản nào cũng là một nhà nước tiếm quyền dân và luôn nhìn người dân ở góc độ xấu cũng như coi đó là sự đối đầu.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, vào tối hôm 16/11, nói với RFA về ghi nhận liên quan của ông:

“Thật ra đây là một lối cũng là mị dân thôi. Trước đó, đã có một bài dài của truyền hình Việt Nam mà nó định hướng, mạ lị và phê phán những ý kiến đóng góp và đã quy chụp đấy là những tư tưởng phản động. Đó là quan điểm chính thống của Đảng rồi. Họ bưng tai, bịt mắt, không nghe đâu. Nhưng, họ buộc phải lên tiếng để nói rằng như là họ thật lòng lắng nghe tiếng nói của dân. Đấy là sự bịp bợm. Theo tôi đánh giá thì không đúng và nó trở thành lố bịch, dối trá, không ai tin được.”

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. (AFP)

Đồng quan điểm với nhà báo Nguyễn Ngọc Già và ông Nguyễn Khắc Mai, nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ rằng ông từng rất nhiệt huyết trong việc đóng góp ý kiến trước thời gian Đại hội Đảng X diễn ra.

Nhà báo Võ Văn Tạo kể lại một bài viết của ông đăng trên báo chính thống Nhà nước vào khi đó:

“Ví dụ, khi tôi thấy bắt đầu có chủ trương thành lập ‘Ban Phòng chống tham nhũng’, ở Trung ương thì gọi là ‘Ủy ban Phòng chống tham nhũng toàn quốc’, giao cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban và ở tỉnh thì các chủ tịch tỉnh là trưởng ban và giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước làm trưởng ban, tôi đã viết một bài đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần và tôi bày tỏ sự không tán thành chủ trương như thế. Tôi trình bày rằng các chức vụ được giao đương nhiên làm trưởng ban, mà bình thường họ đã có quyền lực rất lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội và có dấu hiệu tham nhũng rơi vào những người có chức có quyền bên phía chính quyền và còn nhiều hơn cả phía Đảng. Thông thường thì ‘tay phải’ các ông ấy ký những dự án mà có khả năng tiêu cực và các ông kiêm luôn trưởng Ban Phòng chống tham nhũng thì ‘tay trái’ các ông ký kết luận là vị nào đó tố cáo không đúng vì làm gì mà xảy ra tham nhũng…Do đó, rất nguy hiểm và rất tai hại.”

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết thêm rằng ông còn viết nhiều bài báo khác để đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng X, và được đánh giá là những ý kiến mang tính xây dựng. Thế nhưng, Đảng đã không lắng nghe.

Trả lời câu hỏi của RFA về ghi nhận cá nhân đối với những ý kiến đóng góp của dân chúng tại Việt Nam cho Đại hội Đảng XIII như thế nào, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định cũng chỉ là hình thức mà thôi.

<i>Thông thường thì 'tay phải' các ông ấy ký những dự án mà có khả năng tiêu cực và các ông kiêm luôn trưởng Ban Phòng chống tham nhũng thì 'tay trái' các ông ký kết luận là vị nào đó tố cáo không đúng vì làm gì mà xảy ra tham nhũng…Do đó, rất nguy hiểm và rất tai hại<br/>-Nhà báo Võ Văn Tạo</i>

“Ý kiến đóng góp cho những việc gì nho nhỏ thì họ có thể nghe. Nhưng những việc lớn thì họ cho rằng vi phạm nguyên tắc xã hội chủ nghĩa và ý thức hệ. Hồi năm kia thì phải, ông Võ Văn Thưởng từng tuyên bố là Đảng không sợ đối thoại và rất nhiều người trong xã hội dân sự và những trí thức có tên tuổi tỏ ra rất huy vọng trước tuyên bố đó. Nhưng mà cho đến nay đâu có đối thoại gì đâu. Cho nên, việc họ đánh trống khua chiêng thì các trí thức hầu như lãng quên và không quan tâm đến chuyện ấy nữa.”

Đài RFA ghi nhận một số cá nhân và tổ chức công khai phổ biến các ý kiến đóng góp cho Đại hội Đảng XIII, không qua trang web điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam-Đại hội XIII, mà qua các mạng xã hội tại Việt Nam. Chẳng hạn như Giáo sư Nguyễn Đình Cống đăng tải một số ý kiến của ông trên trang Facebook cá nhân, hay Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đăng tải thông tin “Góp ý cho Đại hội Đảng XIII: Về phiên tòa vụ Đồng Tâm và một số vấn đề cải cách chính trị”.

Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng việc đóng góp ý kiến của những người như ông với mong cầu rằng người dân sẽ lắng nghe.

“Chúng tôi nghĩ rằng là mình phải nói tiếng nói đúng đắn, đàng hoàng và có lập luận, có suy nghĩ tử tế và có lợi cho công việc chung của dân, của nước. Dó đó, cũng phải lên tiếng. Tuy nhiên, chủ yếu là nói cho dân nghe. Nhưng mặt khác, chúng tôi nghĩ rằng họ buộc phải lắng nghe bởi vì đây là tiếng nói chính khí mà nó phản ảnh khuynh hướng tiến bộ, nhân văn, vì dân-vì nước thật lòng. Chúng tôi hy vọng trong Đảng có những người mà chúng tôi gọi là ‘cơ hội cấp tiến’ thì họ sẽ tìm cách lợi dụng để đưa những ý kiến đóng góp ấy vào những chính sách và giải pháp. Vì thế, có thể nói là hy vọng, chứ không hoàn toàn tuyệt vọng.”

Ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, vào trung tuần tháng 2, đã đăng đàn kêu gọi Văn kiện Đại hội Đảng XIII phải là “văn bia”. Lời kêu gọi này vấp phải sự mỉa mai của công luận vì đa số người dân Việt Nam không hài lòng với sự lãnh đạo của Đảng qua những chính sách không hợp lòng dân. Lời kêu gọi của ông Nguyễn Phú Trọng được dư luận hiểu theo ý nghĩa rằng “trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”!