Những cái nhìn khác nhau của người Việt hải ngoại về đối tác chiến lược Việt-Mỹ

Cuối tháng hai 2019, nhân chuyến đi đến Việt Nam đàm phán với Bắc Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump mời Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ trong năm nay.

Ngày 3/4/2019, một số quan chức Mỹ, Việt sẽ tổ chức hội thảo về hợp tác chiến lược Mỹ-Việt tại thủ đô nước Mỹ.

Cộng đồng người Việt hải ngoại nhìn khả năng quan hệ Việt-Mỹ sắp tới đây được nâng lên mức chiến lược như thế nào?

Góc nhìn của người Việt hải ngoại khá khác nhau về quan hệ Việt-Mỹ, thay đổi từ nhận xét tích cực cho đến xem việc đó là điều chỉ làm lợi cho Đảng Cộng sản cầm quyền mà thôi.

Từ bang Maine, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, khoa lịch sử tại Đại học Maine nói với đài RFA:

"Tôi thấy đối tác chiến lược với Mỹ rất quan trọng. Đặc biệt hiện nay Trung Quốc càng ngày càng lấn tới ở Biển Đông."

Như vậy Giáo sư Long đặt quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt trong bối cảnh phải kềm chế Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên ông cũng nêu lên một sự lo lắng rằng nếu Việt Nam chỉ đơn phương làm chuyện xích lại gần với Mỹ trong khu vực Đông Nam Á thì sẽ phải hứng chịu nhiều áp lực từ Bắc Kinh. Ông cho rằng Việt Nam nên tập hợp các nước Đông Nam Á để thực hiện mục đích của mình.

Tôi ủng hộ việc nâng quan hệ này lên mức chiến lược dù rằng chế độ hiện nay tại Việt Nam vẫn là chế độ cộng sản, vì chuyện này tốt cho Việt Nam.<br/>-Giáo sư Đoàn Viết Hoạt.

Ông Nguyễn Gia Kiểng, người thành lập một tổ chức chính trị của người Việt hải ngoại là Tập hợp dân chủ đa nguyên, cũng có nhận xét tích cực về sự xích lại gần nhau giữa hai nước Mỹ, Việt:

"Việc chế độ cộng sản Việt Nam tìm cách thắt chặt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ là một dấu hiệu tốt thôi, mặc dù Việt Nam vẫn còn lệ thuộc Trung Quốc nhiều lắm. Mình có thể nhận định là họ có cố gắng xích lại gần với Mỹ, giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc."

Cũng trong nhóm có nhận xét tích cực về sự phát triển quan hệ Mỹ Việt là luật sư Vũ Đức Khanh, Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, từ Canada.

"Mối quan hệ đó trải qua nhiều khó khăn, tuy nhiên hai bên đã có những quyết tâm chính trị rất cao, để nâng quan hệ lên tầm chiến lược, đây nó cũng phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi của hai nước."

Bình luận về sự trở ngại về thể chế trong mối quan hệ này, giữa một bên là nhà nước cộng sản, bên kia vốn là nơi dẫn đầu các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản, Luật sư Vũ Đức Khanh thấy không có trở ngại nào, thậm chí ông nhận xét rằng chế độ và xã hội Việt Nam hiện nay không còn mang tính chất cộng sản nữa mặt dù vẫn là một chế độ độc tài.

Ông Vũ Đức Khanh ủng hộ sự phát triển quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ lên mức chiến lược.

Cùng ủng hộ việc phát triển mối quan hệ này là ông Đoàn Viết Hoạt, cựu tù chính trị Việt Nam hiện sống tại Mỹ:

"Tôi ủng hộ việc nâng quan hệ này lên mức chiến lược dù rằng chế độ hiện nay tại Việt Nam vẫn là chế độ cộng sản, vì chuyện này tốt cho Việt Nam. Tôi nghĩ dù là cộng sản hay quốc gia thì với cái vị trí địa chiến lược của Việt Nam, lúc nào cũng cần Mỹ như là một siêu cường."

Ông Đoàn Viết Hoạt cho rằng vì là mang tên cộng sản nên các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khó lòng lên tiếng đối đầu trực diện với Trung Quốc, nên quan hệ chiến lược với Mỹ càng quan trọng hơn.

Từ một góc nhìn khác, ông Phạm Dương Đức Tùng, sống tại Pháp cho rằng quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Việt chỉ là một trò chơi lừa bịp, một bên là chính quyền ông Donald Trump ra rả tuyên bố muốn tiêu diệt chủ nghĩa xã hội trên thế giới, còn một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn đeo lá bùa hộ mạng 4 tốt mười sáu chữ vàng với Trung Quốc để sống còn.

Ông Tùng nhấn mạnh là Việt Nam mong muốn hội nhập mậu dịch với thế giới nhưng lại sợ nguy cơ Đảng Cộng sản đối diện với nguy cơ sống còn.

(Việt Nam) tạo cái thế tay ba với Hoa Kỳ và Trung Quốc, là để duy trì quyền lợi của đảng Cộng sản, sự tồn tại của họ trên đất nước Việt Nam.<br/>-Ông Lý Thái Hùng.

Cũng nhấn mạnh đến sự lo ngại về vai trò của Đảng Cộng sản bị mất đi, là ông Lý Thái Hùng, sống tại Mỹ, hiện là Tổng bí thư đảng Việt Tân:

"Tôi nghĩ là việc cộng sản Việt Nam ngày hôm nay tìm cách tiếp cận với Mỹ để giải quyết vấn đề Biển Đông, kể cả tạo cái thế tay ba với Hoa Kỳ và Trung Quốc, là để duy trì quyền lợi của đảng Cộng sản, sự tồn tại của họ trên đất nước Việt Nam."

Tuy vậy ông Lý Thái Hùng cũng có nhận xét giống ông Ngô Vĩnh Long là những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang tìm cách sử dụng Mỹ để giải quyết vấn đề Biển Đông, và điều này đang gặp thuận lợi vì Mỹ cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ để chống lại Trung Quốc, nhưng việc này còn phụ thuộc vào Trung Quốc nữa, ông Lý Thái Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn lao động Việt, sống tại Úc thì không nói rằng ông chống hay không chống quan hệ đối tác chiến lược Việt Mỹ, mà lại nói đến việc dùng quan hệ đó để thúc ép Việt Nam thực hiện những cam kết:

"Quan điểm của Liên đoàn Lao động Việt là trong đối tác chiến lược phải có yêu cầu của các đối tác quốc tế phải bắt buộc Việt Nam theo đúng các công ước quốc tế mà họ đã ký."

Ông Nguyễn Đình Hùng nhấn mạnh đến các công ước buộc các quốc gia đã ký phải để cho công nhân của mình quyền thành lập nghiệp đoàn tự do. Ông Nguyễn Đình Hùng cho rằng quyền tự do của người công nhân rất là quan trọng vì họ tạo ra của cải cho quốc gia về lâu dài.

Cũng nhấn mạnh đến việc phát triển lâu dài, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng có thể chính quyền hiện nay của ông Donald Trump lơ là với các vấn đề dân chủ hóa, nhưng ông ví chính quyền này như một dầu ngoặc đơn, rồi sẽ phải khép lại, Việt Nam vẫn phải có dân chủ hóa mới có thể có quan hệ bền lâu với nước Mỹ.