Sắp tới, Việt Nam sẽ mở nhiều chuyến bay thương mại trọn gói đưa công dân về nước. Trong suốt một năm qua, Chính phủ Hà Nội đã một số lần tính cho mở lại các chuyến bay Quốc tế, thế nhưng dịch COVID-19 tái bùng phát trong cộng đồng khiến kế hoạch này nhiều lần bị hoãn lại.
Việt Nam hạn chế gắt gao chuyến bay nhập cảnh
Kể từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã hạn chế một cách gắt gao các chuyến bay nhập cảnh. Ở mỗi nước chỉ có hai, ba chuyến bay về Việt Nam mỗi tháng.
Những ai có nhu cầu về nước phải đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại. Tuy nhiên, nhiều người đã đăng ký phải chờ đợi rất lâu mới có vé về.
Chưa kể, mỗi khi trong nước bùng phát đợt lây nhiễm trong cộng đồng thì ngay lập tức, các chuyến bay nhập cảnh cũng bị ảnh hưởng, có nhiều chuyến bị huỷ dù đã lên lịch bay từ vài tháng trước.
Từ tháng 6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo công bố các Quốc gia an toàn để mở lại các đường bay Quốc tế. Tuy nhiên, đến tháng 9/2020, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết phải tạm ngưng các chuyến bay đưa người về Việt Nam do phương thức quản lý, cách ly khách từ các nước về Việt Nam chưa thống nhất.
Có rất nhiều công dân Việt Nam đang mắc kẹt ở nước ngoài. Đặc biệt là lao động đã hết hạn hợp đồng, hết hạn visa ở mà không được về nước. Ở lại nước ngoài thì không có việc làm, chi phí ăn ở lại đắt đỏ nên có rất nhiều người lao động Việt Nam lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn ở xứ người.
Hồi tháng Một năm nay, trả lời câu hỏi của phóng viên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định rằng chỉ xem xét về nước trong những trường hợp thực sự khẩn thiết. Từng chuyến bay đón người về phải được các bộ ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông- Vận tải thông báo, thống nhất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
“Biết chờ đến bao giờ”
Thay vì chờ đợi tấm vé nhân đạo để được về nước. Nhiều người đã tự tìm ra cách chủ động về Việt Nam thông qua các cửa khẩu đường bộ với Lào hay Campuchia.
Bích Trang, một người làm việc ở Philippines tự tìm cách về Việt Nam qua đường Campuchia, cho biết, cô đã phải chờ chuyến bay nhân đạo về nước gần cả năm trời. Nếu cứ tiếp tục chờ thì không biết đến bao giờ mới được về:
“Bởi vì không có chuyến bay. Mình đã muốn về trước Tết nhưng lại không có chuyến cứu trợ để mình về. Nghe nói là vào tháng Một có chuyến cứu trợ, mình cũng có đăng ký nhưng mà không có chuyến.
Bây giờ tính ra mình ở Philippines một tháng, tiền nhà đã là mười mấy triệu rồi, tiền ăn cũng thêm gần chục triệu nữa. Nếu mình ở lại thì sẽ bị tốn mấy chục triệu một tháng.
Trong khi đó, mình phải chờ đợi và không biết là liệu có chuyến cứu trợ hay không, cũng không biết có chuyến thương mại hay không. Thay vì mình ngồi ở nhà chờ đợi thì thì mình quyết định về bằng đường Campuchia luôn.
Việt Nam mình chỉ cấm từ Philippines về chứ không cấm từ Campuchia về. Mà Campuchia lại mở cửa cho Philippines. Cho nên mình tự suy đoán ra để mình đi về.”
Trên mạng xã hội, một nhóm được lập ra có hơn 4.000 thành viên là người Việt đang sống ở khắp nơi trên Thế Giới, có mục đích chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về nước bằng con đường này.
Trả lời RFA vào chiều ngày 30/3, một cán bộ cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) xác nhận rằng người Việt Nam được nhập cảnh qua cửa khẩu này, cũng như các cửa khẩu đường bộ khác:
"Là người Việt Nam nên người ta cho mình về thôi, về được cách ly 14 ngày. Cửa khẩu Quốc tế Dinh bà rất nhiều người đi lại đông lắm. Nhưng chỉ giải quyết cho những người Việt ở nước ngoài đi về thôi."
Gian nan hành trình về nước
Bích Trang chia sẻ rằng hành trình này hoàn toàn hợp pháp, nhưng không hề dễ dàng. Nó tốn kém thời gian, tiền của và công sức hơn rất nhiều so với việc bay thẳng về nước.
Trước tiên, những ai muốn về phải xin visa nhập cảnh vào Campuchia, xét nghiệm COVID-19 và cách ly 14 ngày ở đây. Sau đó bắt xe về các cửa khẩu đường bộ có biên giới với Việt Nam, rồi mới làm thủ tục nhập cảnh. Lưu ý rằng chỉ những ai có hộ chiếu Việt Nam mới được nhập cảnh. Tại Việt Nam, người về lại phải xét nghiệm COVID và cách ly 14 ngày thêm một lần nữa.
Như vậy, để về đến nhà, cần phải trải qua chuyến đi dài cả tháng trời, với nhiêu khê hàng chục loại giấy tờ khác nhau:
“Chuyến đi từ Philippines về Việt Nam phải test COVID ít nhất là năm lần. Xét nghiệm COVID tại Phi rồi bay qua cam test tại sân bay xong, về khách sạn cách ly đủ 14 ngày, rồi lại thêm một lần nữa.
Nếu âm tính thì mình mới được đi về Việt Nam. Về Việt Nam mình lại test COVID thêm lần nữa, rồi lại cách ly 14 ngày. Sau đó mình test thêm một lần nữa mới được đi ra khỏi trại và đi về nhà.
Tổng chi phí là 5.000 đô, tức là hơn 100 triệu. Chuyến bay cứu trợ thì đăng ký theo danh sách thì mình chỉ việc mua vé để đi về thôi thì chỉ tốn khoảng mười mấy triệu thôi.
Vấn đề là chuyến cứu trợ đó mình có được về hay không. Bây giờ về không có nghĩa là chỉ mua vé về không, mà còn có chuyện mua suất để về nữa.”
Theo Bích Trang, việc Chính phủ hạn chế nhập cảnh cũng hợp lý, vì tình hình dịch bệnh đang tăng cao ở các nước, mà năng lực y tế của Việt Nam cũng còn chưa mạnh. Nếu để người từ bên ngoài về ồ ạt, lây bệnh thì lại càng khó kiểm soát. Tuy nhiên, Trang cũng thấy lo ngại cho những người đồng hương đang bị kẹt lại ở nước ngoài mà không có khả năng tài chính để tự về nước được như mình:
"Mình nghĩ là cũng hợp lý thôi. Bởi vì bản thân mình ở nước ngoài mà tình hình dịch bệnh đang khó khăn như vậy. Bây giờ nếu mà cứ mở cửa cho người dân về ào ạt thì Nhà nước sẽ không kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Cũng có nhiều người họ cũng bị kẹt lại rất khổ. Không có tiền thì người ta phải cố gắng ở lại kiếm thêm việc làm mưu sinh ở bên đó giờ cơ hội về."
Từ giữa tháng Ba, số ca nhiễm COVID-19 ở Campuchia tăng mạnh, có ngày lên đến hơn 100 người mắc mới. Chính phủ nước này khuyến cáo người dân hạn chế đi lại và cấm tụ tập đông người. Cùng với đó là các biện pháp hạn chế người nước ngoài nhập cảnh vào Campuchia. Như vậy, cơ hội về Việt Nam bằng con đường đi vòng qua cửa ngõ biên giới với Campuchia có nguy cơ ngày càng bị thu hẹp lại.