Gần đây, trước những chuyển động lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, xoay quanh sức mạnh bành trướng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam ngày càng được các chuyên gia quốc tế quan tâm nghiên cứu. TS. Nagao Satoru, nghiên cứu viên không thường trú tại Hudson Center, một think tank ở Washington DC, vừa mới xuất bản cuốn sách "Việt Nam - ngôi sang đang lên trong khu vực Ấn Độ - Châu Á - Thái Bình Dương" ("Vietnam Rising star of Indo-Pacific Region - selected writings on Vietnam") do ông biên tập. GS Nhu Truong (Đại học Denison) và GS Vũ Tường (Đại học Oregon) cũng vừa xuất bản cuốn bản cuốn sách " Yếu huyệt của Rồng: Những động năng và Thế tiến thoái lưỡng nan trong Kinh tế và Chính trị Việt Nam" (The Dragon's Underbelly: Dynamics and Dilemmas in Vietnam's Economy and Politics).
Hai nghiên cứu trên nhìn Việt Nam từ 2 góc nhìn khác nhau. Cuốn sách do TS. Nagao Satoru biên tập phân tích vị thế của Việt Nam trong cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Từ góc nhìn này, Việt Nam được xem là một "ngôi sao đang lên". Cuốn sách của GS Như Trương và GS Vũ Tương phân tích thực lực của Việt Nam từ các vấn đề kinh tế chính trị nội tại của nước này. Từ góc nhìn này, Việt Nam được xem là rơi vào bẫy thu nhập trung bình và cần có những nỗ lực cải cách toàn diện để có được vị thế xứng với tiềm năng của nó.
Ở bài phỏng vấn này, RFA giới thiệu góc nhìn của TS. Nagao Satoru về Việt Nam. Theo ông, các nước Mỹ, Nhật, Úc coi Việt Nam là một quốc gia quan trọng vì sức mạnh quân sự, dân số, kinh tế, vị thế địa chính trị và kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc rất đáng kể của nó.
RFA: Tại sao trong cuốn sách do ông biên tập, một số học giả quốc tế xếp Việt Nam vào "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" mà không phải là ASEAN, APEC hay cái gì khác? Tại sao khái niệm "khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" trở nên quan trọng? Họ nhìn Việt Nam như thế nào trong bối cảnh "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" đó?
TS. Nagao Satoru: Tôi xin cố gắng giải thích tại sao Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lại quan trọng. Sau đó, tôi sẽ giải thích vai trò của Việt Nam ở khu vực này.
Ý tưởng về "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và "QUAD" (tức Đối thoại Tứ giác An ninh, gồm 4 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) là do cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra. Ông đưa ra ý tưởng này lần đầu tiên trong bài phát biểu của mình tại Quốc hội Ấn Độ năm 2007.
Theo ông Abe, có ba khía cạnh quan trọng trong "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và "QUAD". Thứ nhất, không chỉ khu vực Thái Bình Dương mà khu vực Ấn Độ Dương cũng đang phát triển rất nhanh. Đó là lý do tại sao cần đưa ra và giải thích một khái niệm mới, để bao gồm cả hai khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Cả hai khu vực này đều đang bị đe dọa bởi sự thống trị của Trung Quốc và cần phải đối phó với mối đe dọa ấy. Đó là lí do vì sao Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm tất cả các quốc gia có vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc. Và QUAD là một nhóm các cường quốc có ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc.
Do đó, chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" có khía cạnh chống lại Trung Quốc. Ngoài ra, trong khái niệm này, Ấn Độ là quan trọng nhất. "Châu Á-Thái Bình Dương" (Asia-Pacific, tức APEC) không có Ấn Độ tham gia. Đó là lý do tại sao "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" tốt hơn một "Châu Á-Thái Bình Dương" không bao gồm Ấn Độ.
Vì Nhật Bản và Úc là đồng minh chính thức của Hoa Kỳ. Nếu chỉ để duy trì hợp tác Mỹ-Nhật-Úc, Thủ tướng Abe không cần khái niệm mới là "QUAD". QUAD là cần thiết vì Ấn Độ quan trọng. Do đó, tầm nhìn bao quát Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rất quan trọng vì khái niệm này có thể xác định rõ khu vực mà Trung Quốc đang thống trị và Ấn Độ là hy vọng mới, để bổ sung cho nhu cầu đề kháng mối đe dọa từ Trung Quốc.
Hiệu quả của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến từ mô hình bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc đã chiếm một nửa quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ngay sau khi Pháp rút khỏi khu vực vào những năm 1950s. Trung Quốc chiếm thêm một nửa đảo Hoàng Sa vào năm 1974 ngay sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Vào những năm 1980, khi quân đội Liên Xô giảm quân số khỏi Việt Nam vào cuối những năm 1980s, Trung Quốc đã chiếm 6 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Và vào những năm 1990s, Trung Quốc đã chiếm đá Vành Khăn sau khi Mỹ rút quân khỏi Philippines. Do đó, sự thay đổi cán cân quân sự và tạo khoảng trống quyền lực trong khu vực là nguyên nhân khiến Trung Quốc bành trướng lãnh thổ. Chìa khóa để đối phó với chiến lược bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc là tái lập và duy trì cân bằng quân sự.
Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ quá nhanh. Theo SIPRI (một think tank ở Thụy Điển), Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự 72% trong giai đoạn 2012-2021 (một thập kỷ). Trong khi đó, Mỹ đã giảm 6,1%. Do đó, không dễ khu vực để bắt kịp.
Các nước xung quanh Trung Quốc nên làm gì? Có ba phương pháp.
Đầu tiên là một phương pháp quân sự. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và QUAD có thể có hiệu quả. Nếu Mỹ-Nhật-Úc-Ấn hợp tác, Trung Quốc cần chia chi tiêu quân sự theo nhiều hướng. Đặc biệt, nếu tất cả các quốc gia này sở hữu khả năng tấn công như tên lửa hành trình, Trung Quốc không thể bỏ qua điều đó. Ví dụ, ngay cả khi Trung Quốc muốn xâm lược Đài Loan ở phía đông, Trung Quốc cần chia sẻ một số chi phí quân sự nhất định để ngăn ngừa Ấn Độ ở phía tây nếu Ấn Độ hợp tác với Mỹ-Nhật-Úc-Đài Loan, v.v. Để duy trì cân bằng quân sự, hợp tác đa quốc gia là chìa khóa.
Thứ hai là một phương pháp kinh tế. Bởi vì Trung Quốc giàu có, họ có đủ chi phí quân sự. Nếu vậy, các nước xung quanh Trung Quốc cần giảm nguồn thu của Trung Quốc. Cần tạo ra các thị trường và chuỗi cung ứng thay thế và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương hoặc Khung kinh tế-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là những ví dụ để tạo ra các thị trường thay thế. Những khuôn khổ kinh tế này đòi hỏi loại trừ Trung Quốc để chống lại Trung Quốc. Sự lãnh đạo mạnh mẽ của Hoa Kỳ, sự thiết lập đầy đủ quy mô của một thị trường như Ấn Độ, sự hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương... có thể tạo ra một mô hình kinh tế ở mức độ có thể kìm chế Trung Quốc như vậy.
Thứ ba là giá trị của việc tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp quốc tế hiện hành. Để tạo hiệu quả, một nhóm các nước nhỏ không thể phát huy hiệu dụng được mà cần có sự hợp tác lớn đa quốc gia. Nếu nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đồng ý và tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp quốc tế hiện hành, thì đó sẽ là sức mạnh răn đe đối với Trung Quốc.
Nhìn từ những cơ sở nói trên, chúng ta hãy xác định đâu là vai trò của Việt Nam. Việt Nam có vai trò quân sự, kinh tế và giá trị quan trọng. Việt Nam có kinh nghiệm để chống lại Trung Quốc. Xét kết quả của những trận chiến chống Trung Quốc xâm lược của Việt Nam, mọi người trên thế giới đều thừa nhận rằng Việt Nam là một quốc gia hùng mạnh. Việt Nam có lực lượng tàu ngầm với tên lửa tấn công đất liền Klub. Việt Nam cũng đang lên kế hoạch sở hữu tên lửa Brah Mos. Do đó, khi các nước QUAD lên kế hoạch chia tách nguồn lực quân sự của Trung Quốc, họ trông đợi vào vai trò quân sự của Việt Nam.
Các nước QUAD cũng tin tưởng vào vai trò kinh tế của Việt Nam. Việt Nam không phải là một nước nhỏ. Dân số tương tự như Nhật Bản. Có nhiều thợ tay nghề cao. Thay vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có nhiều khúc mắc, Việt Nam đã mở rộng thương mại với Mỹ. Tại Nhật Bản, Việt Nam là điểm đến chính của các nhà máy di dời khỏi Trung Quốc. Các trường đại học ở Nhật Bản trước đây phụ thuộc vào sinh viên Trung Quốc. Nhưng hiện nay, Nhật Bản đã bắt đầu nhận nhiều du học sinh Việt Nam để vô hiệu hóa ảnh hưởng của Trung Quốc.
Và không chỉ sinh viên mà cả những người lao động có tay nghề cao khác cũng đang cho thấy ảnh hưởng của Việt Nam. Vào tháng 6 năm 2021, số lượng công dân nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản là người Trung Quốc (744.551 người) còn cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản là người Việt Nam (476.346 người.) Nhưng so với năm 2020, người Trung Quốc tăng 3,9% còn người Việt Nam tăng những 10%. Việt Nam tham gia cả TPP và IPEF.
Lý do Việt Nam được quan tâm trong chiến lược Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương là do ý chí của Việt Nam, và vì các nước khác tin tưởng vào Việt Nam.
Vai trò của Việt Nam trong việc tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp quốc tế là rất rõ ràng, bởi lẽ Việt Nam cần một trật tự dựa trên luật pháp để sống còn trước sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực này.
Chính vì những lý do trên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Yoshihide Suga đã đến thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản. Và Thủ tướng Fumio Kishida cũng đã thăm Việt Nam sau khi tuyên thệ nhậm chức, dù đó không phải là nước ngoài đầu tiên.
![Japanese Submarine.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/YNVEZP7HXLWP3HRT6PXLIIH7IM.jpg?auth=1a747e1171bccb60e0eeff6293b5598a2b3bbc4ff6af6c042cd71e856baf16ab&width=400&height=248)
RFA: Tại sao một số học giả gọi Việt Nam là "ngôi sao đang lên"? Việt Nam có được vị trí đó nhờ sức mạnh kinh tế và uy tín chính trị quốc tế hay chỉ nhờ lợi thế về vị trí địa chính trị? Việt Nam khai thác lợi thế, nếu có, của mình như thế nào?
TS. Nagao Satoru: Không chỉ vị trí địa chính trị, mà còn là nền kinh tế đang lên, lao động tay nghề cao và quản trị ổn định. Việt Nam có tiềm năng trở thành nơi các công ty đa quốc gia đặt nhà máy thay thế cho địa bàn Trung Quốc.
Việt Nam thảo luận về an ninh cùng lúc với tất cả các bên: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, v.v. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã không chọn bên. Từ khi Nga bắt đầu gây hấn ở Ukraine, một số chuyên gia Nhật Bản đã chỉ trích lập trường không chỉ trích Nga của Việt Nam. Tuy nhiên, đồng thời nhiều chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng, Nhật Bản có thể dựa vào Việt Nam trong chiến lược đối phó với Trung Quốc. Theo tôi thì đây là suy nghĩ đa số.
RFA. Nhiều hình thức hợp tác an ninh và kinh tế đã được hình thành ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tăng cường khả năng tự cường của mỗi nước để đối phó với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Cách hợp tác của Việt Nam là gì? "Ngôi sao đang lên" này có điểm yếu gì không?
TS. Nagao Satoru:Trong trường hợp này, Việt Nam và Ấn Độ là cùng một bên. Cả hai đều là "đồng minh" của Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, Nga vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia này, đặc biệt là về vũ khí. Vũ khí quân sự là những cỗ máy tinh vi, rất phức tạp, được sử dụng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Do đó, vũ khí rất dễ bị hỏng và cần có các bộ phận, thiết bị bảo trì, sửa chữa. Ngoài ra, vũ khí cũng cần đạn dược đi kèm. Như vậy, việc Việt Nam và Ấn Độ sở hữu nhiều vũ khí do Nga sản xuất đồng nghĩa với việc họ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng linh kiện sửa chữa và đạn dược từ Nga. Do đó, không dễ để hai nước này cùng chỉ trích Nga.
Đối với trường hợp của Trung Quốc, cả Việt Nam và Ấn Độ đều có chung đường biên giới trên bộ với nước này. Nếu Trung Quốc cho rằng Việt Nam và Ấn Độ là đồng minh của Hoa Kỳ, thì việc tấn công hai quốc gia này là tương đối dễ dàng vì có biên giới trên bộ. Do đó, đối với Việt Nam và Ấn Độ, việc họ thể hiện lập trường rõ ràng để chọn bên là không khôn khéo. Họ sẽ không làm thế.
Ngoài ra, Việt Nam đã từng có chiến tranh với Mỹ. Cả hai ông chủ thuộc địa cũ của Việt Nam và Ấn Độ đều là các nước phương Tây, Pháp và Anh. Nhìn từ thực tế lịch sử, họ sẽ khó tin tưởng các nước phương Tây. Do đó, cũng dễ hiểu nếu Việt Nam và Ấn Độ không liên minh rõ ràng với phía Mỹ như vậy.
Tuy nhiên, khi Mỹ và Nhật Bản kiểm tra mức độ hợp tác của Việt Nam và Ấn Độ, họ nhận ra hai nước này đã phát triển quan hệ với Mỹ và Nhật Bản với tốc độ rất nhanh. Trong khi đó trên thực tế, hợp tác quân sự Việt Nam-Trung Quốc và Ấn Độ-Trung Quốc chưa phát triển tốt như vậy. Trong tình hình như vậy, Trung Quốc cần chia sẻ nhiều nguồn lực quân sự hơn để chống lại Việt Nam và Ấn Độ. Đó là lí do vì sao ngay cả khi Mỹ và Nhật Bản chưa nhận được thông điệp rõ ràng từ Việt Nam và Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu trông cậy vào Việt Nam và Ấn Độ.
Việt Nam có điểm yếu về mặt an ninh là Vị trí địa lý của mình. Họ có chung biên giới đất liền với Trung Quốc, có thể là mục tiêu dễ dàng để Trung Quốc tấn công. Tôi đã đề cập ở trên. Đó là điểm yếu họ phải tính toán.
RFA. Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngoài Việt Nam, còn có quốc gia nào được các học giả quốc tế coi là "ngôi sao đang lên" nữa không? Xin cho một cái nhìn so sánh họ với Việt Nam. Chẳng hạn, Indonesia gần đây mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên. Indonesia có GDP gần 1200 tỷ USD, gấp gần 4 lần Việt Nam. Quân đội Indonesia cũng đứng thứ nhất ASEAN và thứ 13 thế giới (Việt Nam đứng thứ 19). So sánh với "những con hổ châu Á" thì sao?
Nagao Satoru: Khi các Thủ tướng Nhật Bản như Abe, Suga và Kishida đến thăm Việt Nam, họ cũng đến thăm Indonesia. Đây là một thông điệp rõ ràng. Indonesia có tiềm năng trở thành một cường quốc hàng hải trong ASEAN và các quốc gia chung giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Nhật Bản cũng chú trọng hợp tác với Singapore.
Có người so sánh Việt Nam ngày nay với "những con hổ châu Á" (Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan). Tuy nhiên "những con hổ châu Á" là ý tưởng sinh ra trong thời kỳ hòa bình của thương mại toàn cầu. Thời bây giờ đã khác. Chúng ta đang sống trong thời kì phải ngăn ngừa các xung đột nóng. Bây giờ vấn đề an ninh quốc gia quan trọng hơn, cần những khái niệm hợp thời hơn.
RFA xin cảm ơn TS. Nagao Satoru đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.