Từ Hà Nội, nhà hoạt động nhân quyền Đinh Thảo vừa cáo buộc chính quyền Việt Nam đưa ra những thông tin sai sự thật khi trả lời bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về việc tịch thu hộ chiếu của mình.
Ngày 22/1/2020, bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc gởi thư chất vấn chính quyền Việt Nam về hai trường hợp, bao gồm việc tịch thu hộ chiếu của nhà hoạt động Đinh Thảo khi cô vừa về nước sau khoảng bốn năm làm việc ở nước ngoài và vụ bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng.
Sau đó, phía Việt Nam đã gởi thư trả lời cho các Báo cáo viên đặc biệt. Cả hai lá thư đều được đăng công khai trên trang web của Liên Hiệp Quốc.
Giải trình sai sự thật
Tuy nhiên, bà Đinh Thảo nói với RFA rằng những phản hồi từ phía Việt Nam là “sai với thực tế và dễ gây hiểu lầm”. Bà cho rằng Chính phủ Việt Nam nên xem xét lại bản giải trình đó, bởi vì việc cung cấp thông tin sai sự thật cho các Tổ chức Quốc tế là một điều không hay và làm mất uy tín. Theo bà, nếu Chính phủ có tinh thần cầu thị thì nên cung cấp thông tin đúng sự thật.
Về trường hợp của mình, bà Thảo nêu rõ bốn điểm không đúng trong lá thư trả lời của Việt Nam, cụ thể như sau:
"Thứ nhất là tôi từng tham gia gây rối trật tự công cộng và có biên bản xử phạt hành chính. Điều này là hoàn toàn sai với thực tế. Là một người hoạt động, từ năm 2015 đến giờ, tôi cũng đã nhiều lần phải làm việc với an ninh. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi nhận được bất kỳ một biên bản nào, cũng như chưa bao giờ từng bị buộc tội liên quan đến gây rối trật tự công cộng cả."
Điểm thứ hai, họ nói rằng họ nghi ngờ tôi có tham gia các khóa học của Việt Tân, cũng như có các hoạt động liên quan đến Việt Tân. Điều này tôi cũng thấy rằng nó không đúng sự thật. Tại vì ấn tượng trong toàn bộ quá trình làm việc gần nhưng không hề nhắc gì đến Việt Tân. Trong thư các Báo cáo viên đặc biệt gửi cho Chính phủ Việt Nam cũng có tóm tắt rằng tôi có một quá trình làm việc tại VOICE. Tuy nhiên, tôi không hiểu tại làm sao mà Chính phủ Việt Nam hoàn toàn lờ đi chi tiết này, mà chỉ nhấn mạnh đến Việt Tân thôi để gây hiểu lầm, thì đây là một điều không thể chấp nhận được.
Điểm thứ ba là về việc Việt Tân là một tổ chức khủng bố. Tôi không muốn đi sâu nói thêm về chi tiết này, bởi vì tôi không đủ thông tin để biết. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra ở Việt Nam cho thấy cách Chính phủ Việt Nam đàn áp đối với những người hoạt động, những người bất đồng chính kiến, thuộc hội nhóm nào đi chăng nữa thì bất cứ khi nào Chính phủ muốn bịt miệng họ đều lồng vào rằng là liên quan đến Việt Tân, và điều này là hoàn toàn sai sự thật.
Điểm thứ tư mà họ nêu ra là hoàn toàn sai sự thật và rất là dễ dàng để chứng minh lại điều đó. Họ nói rằng họ không giữ hộ chiếu của tôi. Tôi không bị tịch thu hộ chiếu, cá nhân cũng như gia đình của tôi không bị đàn áp. Sự thật là họ đã tịch thu vào ngày hôm đó. Mặc dù lí do họ đưa ra có thể là liên quan đến An ninh quốc gia, thì cái việc họ đang giữ hộ chiếu của tôi là một điều không thể chối cãi được.
Còn đối với cá nhân tôi thì ngay sau khi về nước, đã có hàng ngàn bài viết tấn công tôi. Họ cũng đã cố tình thêu dệt nên những chuyện liên quan đến Đồng Tâm hoặc là những chuyện khác để mà bêu xấu tôi trên các trang của Dư Luận Viên.”
Về trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng, trong thư phản hồi, Chính phủ Việt Nam nói rằng rằng hiện nay đang là giai đoạn điều tra vụ án nên gia đình chỉ được gởi đồ tiếp tế. Yêu cầu được thăm gặp gia đình trong lúc này không thể được đáp ứng để đảm bảo tính bảo mật của vụ án.
Bên cạnh đó, ông Phạm Chí Dũng cũng mong muốn được tự bào chữa thay vì nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi.
Đài Á châu Tự do liên hệ với luật sư Đặng Đình Mạnh, người đã làm thủ tục để bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng vào tháng 12/2019, ông Mạnh cho biết mình không được thông báo gì về mong muốn này của ông Dũng:
"Ngay thời điểm tôi nộp văn bản thì họ có trả lời là vụ án này thuộc nhóm an ninh quốc gia, mà nhóm an ninh quốc gia thì họ được từ chối luật sư trong giai đoạn này để giữ bí mật điều tra. Sau văn bản đó cho đến nay thì thì tôi không hề nhận bất kỳ thông tin gì liên quan đến anh Dũng nữa."
Luôn bao biện cho hành vi trấn áp đối lập
Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nói rằng thư trả lời của Chính phủ Việt Nam cho bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng họ không nghiêm túc trong việc thực thi nghĩa vụ giải trình của họ đối với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
"Từ trước đến nay lập trường của Chính phủ Việt Nam đó là họ luôn luôn phủ nhận việc đàn áp những người hoạt động Nhân Quyền. Đây là việc không mới. Họ vẫn luôn luôn chối bỏ trách nhiệm của mình đối với những cáo buộc từ những cá nhân, nạn nhân, các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các Tổ chức nhân quyền mỗi khi có một vụ việc vi phạm nhân quyền xảy ra.
Ngoài ra, nó cho thấy Chính phủ Việt Nam rõ ràng sợ bị quy kết trách nhiệm cho nên họ phải bằng mọi cách để chối bỏ trách nhiệm đó. Khi mà Chính quyền không chịu nhìn nhận sự sai trái mà họ đã làm thì họ sẽ tiếp tục gây ra những vụ vi phạm nhân quyền như đối với nhà hoạt động Đinh Thảo vừa rồi."
Về trường hợp của hoạt động Phạm Chí Dũng, ông Sơn đánh giá câu trả lời của Chính quyền Việt Nam cho thấy họ ngang nhiên và trắng trợn trong việc bao biện cho hành vi bắt người độc đoán và vi phạm nhân quyền của họ:
"Chúng ta thấy rằng họ thừa nhận họ bắt ông Phạm Chí Dũng dựa trên tên những nội dung mà ông Phạm Chí Dũng đăng tải lên mạng xã hội. Và khi mà bên phía Chính quyền thừa nhận như vậy, nghĩa là họ đã vô hình chung thừa nhận họ đang vi phạm quyền tự do biểu đạt của công dân, điều được hiến pháp và luật pháp Việt Nam bảo hộ."
Ngoài ra, ông Sơn còn chỉ ra rằng việc quy kết tuỳ tiện những nhà hoạt động nhân quyền, bất đồng chính kiến là thành viên của tổ chức Việt Tân, là có liên quan hoặc bị sử dụng bởi đảng Việt Tân cho thấy đây chỉ là lí do để họ trấn áp các nhà hoạt động mà thôi:
"Bản thân những người đó sau khi ra tù hoặc trải qua những lần trấn áp thì đã khẳng định họ không hề có liên hệ gì đến tổ chức Việt Tân cả, thì chúng ta thấy rằng đây là một hành vi để che
đậy cho mục đích thực chất của Chính quyền Việt Nam, đó là họ muốn đàn áp những người hoạt động và những người bất đồng chính kiến.”
Cuối cùng, bà Đinh Thảo khẳng định vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi nào quyền tự do đi lại và các quyền tự do cơ bản khác, không chỉ của riêng mình mà còn cho người khác, cho đến khi nào đạt được mục đích.