Việt Nam nên cân nhắc để chương trình điện hạt nhân được sớm tái khởi động trong bối cảnh nguồn năng lượng nội địa suy giảm từng năm.
Đây là một trong những đề xuất của giới chuyên gia trong nước đối với Bộ Công Thương, khi mà Bộ cũng đang tham khảo ý kiến liên quan đến Tổng Sơ Đồ Phát Triển Năng Lượng Quốc Gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Tại Diễn Đàn Năng Lượng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa Học & Công Nghệ đã phát biểu rằng hiện các nguồn năng lượng truyền thống đã cạn kiệt, cần nghĩ tới loại hình năng lượng thay thế là điện hạt nhân mà dự án liên quan bị Quốc hội Việt Nam biểu quyết đình chỉ từ tháng 11/2016.
Truyền thông Nhà nước hôm 6/9 dẫn yêu cầu của ông Trần Xuân Hòa, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên thuộc Tập Đoàn Than & Khoáng Sản Việt Nam, rằng việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân phải được ghi vào bảng Tổng Kế Hoạch Năng Lượng Quốc Gia. Lý do đưa ra vì mạng năng lượng xuất khẩu càng ngày càng rộng, việc tìm kiếm nguồn cung càng ngày càng khó thì điện hạt nhân phải được coi là nguồn năng lượng chắc chắn và bền vững nhất.
Vẫn theo lời ông, so với những nguồn năng lượng mà Việt Nam đang sử dụng trước nay thì điện hạt nhân là loại hình năng lượng an toàn hơn, giá cũng thấp hơn.
Những đề xuất vừa nêu cho thấy chừng như đã đến lúc Việt Nam phải phát triển năng lượng hạt nhân vốn chưa được đưa lên hàng ưu tiên vì nhiều nguyên nhân nội và ngoại tại, là nhận định của tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nguyên viện phó Viện Khoa Học Năng Lượng Việt Nam, hiện là một nghiên cứu gia độc lập.
Thực ra Việt Nam đã có kế hoạch đưa điện hạt nhân vào lưới điện quốc gia, tiến sĩ Ngô Đức Lâm nói, thế nhưng giai đoạn 2020-2030 không thực hiện được bởi lý do kinh phí, tài chính, nghiên cứu, an toàn, giải phóng mặt bằng, dư luận xã hội vân vân:
"Cho nên lúc đó có đề nghị tạm đình lại để sau 2030 thì bắt đầu nghiên cứu tiếp, đấy là chủ trương của Nhà Nước. Đến bây giờ nhìn cái tổng sơ đồ phát triển hệ thống điện Việt Nam từ 2020-2030 của Bộ Công Thương thì thấy trong đó có dự kiến tiếp tục đưa điện hạt nhân vào làm từ 2035 và cái mức nhỏ thôi, khoảng độ 10.000 Megawatts thôi".
“Năng lượng hạt nhân là hướng tương lai lâu dài cho đến 2050, cho nên tôi nghĩ thực ra cái đó không phải cái ưu tiên của Việt Nam”.
Từ lâu Việt Nam sử dụng 3 loại nhiên liệu chính để sản xuất điện, đó là than, dầu khí, thủy điện. Hàng loạt nhà máy điện than và hàng loạt đập thủy điện được xây trên cả nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện.
Thế nhưng sản lượng than dùng cho các nhà máy nhiệt điện trong nước ngày càng ít đi nên Việt Nam phải nhập từ bên ngoài. Chỉ riêng 7 tháng đầu 2020, Việt Nam đã nhập 36.5 triệu tấn than, trị giá 2,6 tỷ USD.
Nguồn nhiên liệu thứ nhì là dầu khí thì mức cung năm nay chỉ đạt 25% so với mức cầu, trong lúc sản lượng dầu khí tại các nước nhập khẩu cho Việt Nam cũng đang có dấu hiệu suy giảm từ giờ đến năm 2023 do bị khai thác quá độ.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương năm 2019, từ 2021-2025 mỗi năm Việt Nam sẽ cần từ 1 đến 4 tỷ mét khối dầu khí mới đáp ứng đủ cho việc sản xuất điện.
Hình thức thứ ba, thủy điện, chiếm ¼ tổng lượng điện quốc gia, được coi là không nguy hại như than hay dầu chuyên phát thải khí CO2, nhưng lại gây lũ quét mỗi lần xả đập.
Chính vì thế, đề xuất sớm tái khởi động chương trình điện hạt nhân trở thành vấn đề cấp bách trong những năm tháng tới.
Đối với tiến sĩ Ngô Đức Lâm, xây dụng điện hạt nhân là một qui trình phức tạp, trong lúc Việt Nam đã phát triển được năng lượng tái tạo là điện gió và điện mặt trời:
"Thực ra mà nói thì không có cái nào mà không gây ô nhiễm, tác động đến môi trường chỉ ở mức độ khác nhau thôi. Đứng về xếp hạng thì năng lượng mặt trời và năng lượng gió tốt nhất vì nó không sinh ra khí CO2 gây biến đổi khí hậu. Tuy vậy sau khi dùng độ 20 năm thì chất thải hóa học từ các tấm kim loại tạo thành cái panel cũng có sinh ra, thế nhưng cái ô nhiễm này có cách giải quyết được" .
“Còn nhiệt điện than, bụi, xỉ than tác hại đến sức khỏe con người. Cái thứ ba là thủy điện, đứng về môi trường nó chả sinh ra CO2 nhưng tương lai không còn khả năng phát triển nữa”.
“Cuối cùng là năng lượng hạt nhân, được xép thứ tư trong hệ thống điện Việt Nam, ưu điểm của nó là phát điện ổn định, số giờ phát điện trong năm khoảng độ trên 7.000 giờ, còn năng lượng gió và mặt trời chỉ vận hành được khoảng độ 3.000 hoặc hơn 2.000 giờ /năm thôi”.
Năng lượng hạt nhân, được xép thứ tư trong hệ thống điện Việt Nam, ưu điểm của nó là phát điện ổn định, số giờ phát điện trong năm khoảng độ trên 7.000 giờ, còn năng lượng gió và mặt trời chỉ vận hành được khoảng độ 3.000 hoặc hơn 2.000 giờ /năm thôi - TS. Ngô Đức Lâm
Tuy không phát thải khí CO2 gây biến đổi khí hậu, nhưng nguy cơ của điện hạt nhân mà tiến sĩ Ngô Đức Lâm muốn lưu ý là:
"Sự cố an toàn, vận hành rất ít khi xảy ra nhưng nếu xảy ra thì tác hại đến cả nòi giống, nguy hiểm cả một vùng rộng lớn, cho nên phải có biện pháp kiểm tra theo dõi rất tốn kém".
“Cái thứ hai là trình độ quản lý, trình độ công nghiệp, ý thức kỷ luật rất cao của chuyên viên kỹ sư vận hành nhà máy. Mà bây giờ trình độ của Việt Nam hiện nay là chưa đủ, phải có một thời gian đào tạo 5, 10 năm. Có đủ điều kiện thì mới đứng ra vận hành nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam được”.
Từ Pháp, giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, Đại học Grenoble, chuyên gia năng lượng từng đóng góp nhiều bài chuyên môn cho giới chức thẩm quyền trong nước, cho biết ông từng rất vui mừng khi biết Quốc Hội Việt Nam chuẩn thuận dừng các dự án nhà máy điện hạt nhân hồi 2016 và ông vẫn giữ lập trường như thế đến lúc này:
"Nói rằng điện hạt nhân không ô nhiễm môi trường sự thật cũng có lý, nhưng vấn đề quan trọng là nguy hiểm về sức khỏe và nguy hiểm về rác thải phóng xạ hàng chục thế kỹ không giải quyết được.Giá thành điện hạt nhân không rẻ như người ta hiểu lầm mà cao hơn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió".
Nói rằng điện hạt nhân không ô nhiễm môi trường sự thật cũng có lý, nhưng vấn đề quan trọng là nguy hiểm về sức khỏe và nguy hiểm về rác thải phóng xạ hàng chục thế kỹ không giải quyết được - GS. Nguyễn Khắc Nhẫn
Vẫn theo giáo sư Nguyễn Khác Nhẫn, vào khi đề nghị tái khởi động chương trình điện hạt nhân được nói tới ở Việt Nam nhưng ở Pháp thì ngược lại:
"Tỷ lệ điện hạt nhân của Pháp là 75% nay còn 70% . Từ mấy năm nay Pháp đã quyết tâm dần dần sẽ xuống còn 50%. Pháp sẽ tăng nguồn năng lượng tái tạo lên 50% để bù đắp, thay thế điện hạt nhân trong 10, 15 năm nữa. Trong tháng qua người ta vừa đóng cửa nhà máy Fessenheim ở gần Strasbourg, còn 14 lò từ đây đến 2025 dần dần sẽ đóng".
“Từ lâu tôi đã đề nghị chính phủ Việt Nam nên đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo. Việt Nam có thể đạt 100% năng lượng tái tạo, tệ lắm vào năm 2050, nếu chuẩn bị chu đáo ngay từ bây giờ. Hiện bên nhà cũng đã có một tỷ lệ khá quan trọng về năng lượng gió và năng lượng mặt trời nhưng theo tôi không đủ giải quyết nhu cầu điện lực. Năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm, giá thành càng ngày càng rẻ thì tại sao, lý do nào mà đi vào con đường điện hạt nhân có thể xem như đã lỗi thời, không có triển vọng trên thế giới như người ta tưởng”.
Tóm lại, theo đề nghị của tiến sĩ Nguyễn Khắc Nhẫn, chuyên gia ngành năng lượng quốc gia tại đại học Pháp, trong bối cảnh điện hạt nhân đang được xét lại và được nhiều nước tìm cách giảm thiểu, Việt Nam phải hết sức thận trong đối với đề nghị tái khởi động chương trình này, cùng lúc phải quyết tâm đầu tư nâng cao sản lượng điện gió và điện mặt trời vốn là hai nguồn tái tạo tương đối sạch sẽ và an toàn nhất cho năng lượng quốc gia.