Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu, vào ngày 15/11/2018,, nói với tờ The Times of India của nước này rằng: Việt Nam phản đối bất cứ liên minh quân sự nào mà không dẫn tới duy trì an ninh ở khu vực.
Ông nói như vậy để trả lời tờ báo Ấn Độ câu hỏi về quan điểm của Việt Nam về bộ tứ liên minh quân sự Mỹ- Úc- Ấn- Nhật (viết tắt là Bộ Tứ), trong ý tưởng gọi là Liên minh Ấn Độ- Thái Bình Dương rộng mở và tự do.
Tờ The Times of India bình luận rằng phát biểu của ông Phạm Sanh Châu đáng được lưu ý vì đưa ra trong lúc Bộ Tứ đang gặp nhau ở Singapore, và Tổng thống Ấn Độ đang trên đường đến thăm Việt Nam.
Bộ Tứ được nói đến nhiều trong hai năm nay, được xem là tiếp tục ý tưởng của người Nhật Bản đưa ra cách đây khá lâu về một tứ giác bốn quốc gia Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và Úc. Tuy không nói ra nhưng những nhà quan sát cho rằng Bộ tứ này dùng để bao vây Trung Quốc, đối lại với kế hoạch đầy tham vọng Vành đai- Con đường của Bắc Kinh. Bộ Tứ này càng trở nên quan trọng trong mắt nhiều người khi liên minh kinh tế xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là TPP, không bao gồm Trung Quốc, bị Mỹ, quốc gia đề xướng, rút lui. TPP cũng được xem là để đối đầu với Trung Quốc, vì đây là một hiệp định kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương, nhưng không bao gồm Bắc Kinh, cường quốc kinh tế số hai trong khu vực.
Vào tháng 5/2018, trong chuyến thăm Nhật Bản của cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, hai bên đã đưa ra một thông báo chung có đề cập đến sáng kiến Bộ Tứ, nguyên văn là:
Thủ tướng Shinzo Abe đã giải thích về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của một trật tự tự do và rộng mở trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, bảo đảm thượng tôn pháp luật, hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những đóng góp và sáng kiến vì mục tiêu đó.
Phát biểu của ông Phạm Sanh Châu phù hợp với chính sách quốc phòng Ba Không của Việt Nam.<br/>-Thạc sĩ Hoàng Việt.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, lúc đó nói với đài RFA rằng đây là điều quan trọng thể hiện thái độ của Việt Nam với Bộ Tứ, mặc dù được đặt ở gần chót, điểm thứ 38 trên 42 điểm của tuyên bố chung.
Vậy phát biểu của ông Phạm Sanh Châu vừa qua có đi ngược lại với thái độ của Ông Trần Đại Quang bày tỏ với Nhật Bản chỉ vài tháng trước đó không?
Ông Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn cho rằng phát biểu của ông Phạm Sanh Châu không có gì mâu thuẫn với thái độ của Việt Nam từ trước đến nay.
"Một mặt Việt Nam chào đón một khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở và tự do, nhưng phát biểu của ông Phạm Sanh Châu phù hợp với chính sách quốc phòng Ba Không của Việt Nam đã được ghi thành luật. Phát biểu của ông được đưa ra ngay sau khi Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại thượng đỉnh APEC rằng Hoa Kỳ cám ơn Việt Nam về thái độ đối với Bộ Tứ. Cho nên có thể là Việt Nam lo ngại việc đó làm Trung Quốc lo ngại và phát biểu của ông Phạm Sanh Châu được đưa ra để trấn an Trung Quốc."
Chính sách Ngoại giao Ba Không của Việt Nam là: Không liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự nước ngoài ở Việt Nam, không theo nước này chống nước khác.
Tuy nhiên phát biểu của ông Phạm Sanh Châu không được nhà nghiên cứ độc lập Hà Hoàng Hợp ở Singapore đánh giá cao. Ông Hợp cho rằng
Nói như vậy không sai về ngoại giao quốc phòng, nhưng sai về ngoại giao quốc gia - bởi vì ngoại giao quốc phòng luôn nằm ở bên dưới ngoại giao quốc gia, kể cả lúc có chiến tranh.
Dân quân sự, thì phải theo '3 không, 1 có". Phạm Sanh Châu tự thu hẹp ngoại giao quốc gia xuống thành ngoại giao quốc phòng.
Ông Hà Hoàng Hợp giải thích rằng 1 có tức là đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với tất cả các nước nhằm đảm bảo hòa bình và xây dựng năng lực quốc phòng Việt Nam.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Maine, Hoa Kỳ đồng ý với đánh giá này của ông Hà Hoàng Hợp.
Phạm Sanh Châu tự thu hẹp ngoại giao quốc gia xuống thành ngoại giao quốc phòng.<br/>-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
Từ Paris, một nhà quan sát khác là ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu viên chức cao cấp Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, tuy đồng ý rằng phát biểu của ông Phạm Sanh Châu không có gì ngược lại với quan điểm của Việt Nam, nhưng bên cạnh đó ông đưa ra một góc nhìn khác:
"Việt Nam nằm ở thế trên đe dưới búa, một mặt muốn gần với Hoa Kỳ hơn để có nhiều quyền lợi, mặt khác vẫn e ngại Trung Quốc, thành ra nếu có ủng hộ đi nữa cũng phải nói rằng quyết định về Bộ tứ không quan trọng, đằng nào đối với Việt Nam cũng không quan trọng."
Ông Nguyễn Gia Kiểng nhắc lại rằng Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence đã nói đến những hai lần về thái độ cương quyết của Hoa Kỳ đối với những tham vọng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Kiểng phân tích rằng Việt Nam là quốc gia sẽ có nhiều mất mát về Trung Quốc nếu có xung đột trên Biển Đông, nên chắc chắn Việt Nam ủng hộ sự hiện diện tích cực về quân sự của Hoa Kỳ tại đây.
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, khái niệm Bộ Tứ sẽ chỉ là một phần trong cái nhìn rộng lớn hơn về Ấn Độ- Thái Bình Dương rộng mở, bao gồm cả những vấn đề kinh tế, chính trị thương mại, tuy hiện nay vẫn chưa có gì rõ ràng.
Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Thế Phương, từ Sài Gòn cho rằng khi đưa ra sáng kiến Ấn Độ- Thái Bình Dương rộng mở, Hoa Kỳ phải khôn khéo hơn để làm gia tăng sự hấp dẫn của liên minh này.
Trước sự sơ khai của tầm nhìn Ấn Độ- Thái Bình Dương rộng mở, nhiều nhà quan sát, trong đó có Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, lo ngại rằng đại dự án Vành đai- Con đường của Bắc Kinh đã được định hình với những dự án cụ thể, và điều đó sẽ tạo thế cho Bắc Kinh khống chế khu vực.
Tuy nhiên ông Nguyễn Gia Kiểng lại không lo ngại rằng sáng kiến Vành đai- Con đường có thể đem lại điều gì lớn lao so với sáng kiến Ấn Độ- Thái Bình Dương rộng mở, vì về đường dài, những liên minh cùng có chung với nhau những giá trị dân chủ như bốn nền dân chủ Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc sẽ bền vững hơn.