Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tiếp tục có công điện khẩn đến các cơ quan bộ ngành, các tỉnh/thành phố trên cả nước thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch tả heo Châu Phi sau khi có 4 địa phương xác nhận dịch bệnh này xuất hiện ở địa phương của những tỉnh đó.
Đài RFA ghi nhận thình hình đối phó thực tiễn ra sao?
Dịch bệnh lan tràn
Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại một số tỉnh ở khu vực miền Bắc Việt Nam, bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa. Truyền thông trong nước, vào ngày 25 tháng 2 dẫn nguồn từ Cục Thú Y xác nhận đã tiêu hủy hàng trăm con heo bị mắc phải dịch bệnh này trong những ngày hạ tuần tháng 2 năm 2019.
Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) là virus gây sốt huyết với tỉ lệ tử vong 100% đối với lợn bị nhiễm bệnh. Dấu hiệu lợn mắc bệnh dịch tả Châu Phi có biểu hiện có thể nhận thấy được như không ăn, lười vận động, nằm ủ rũ, di chuyển bất thường, sốt không ổn định, có triệu chứng về hô hấp, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, hoặc da phần dưới vùng ngực và bụng, vành tai, đuôi, cẳng chân có thể có màu sẫm xanh tím hay da bị hoại tử, viêm loét mãn tính.
Dịch ASF lần đầu tiên xuất hiện tại quốc gia Kenya, ở Châu Phi vào năm 1921. Tuy nhiên cho đến nay bệnh dịch này vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh.
Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) ghi nhận đã có 20 quốc gia trên thế giới báo cáo có lợn bị mắc phải bệnh dịch tả Châu Phi, tính từ thời điểm năm 2017 đến trung tuần tháng 2 năm 2019 và đã có hơn 1 triệu con lợn mắc bệnh dịch này bị tiêu hủy.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi này thì đã phát hiện bệnh ở ngoài miền Bắc rồi, nhưng nhà nước không ngăn cản heo từ miền Bắc được đưa vô miền Nam, vì giá ngoài đó đang rẻ hơn trong Nam cho nên các thương lái sẽ đưa từ ngoài Bắc vô đây. Do vậy mà không kiểm soát được nên trước sau gì thì ở miền Nam cũng sẽ bị thôi<br/>-Ông Nguyễn Tấn Hậu
Riêng tại Trung Quốc, trong khoảng một năm qua được ghi nhận có tổng cộng 105 ổ dịch ASF, trong đó nhiều ổ dịch xuất hiện tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam.
Vào ngày 19 tháng 2, Bộ NN-PTNT chính thức công bố dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Và đến ngày 25 tháng 2 lần lượt có thêm các ổ dịch được phát hiện ở Hải Phòng và Thanh Hóa.
Mức độ nguy hiểm của dịch bệnh
Theo nghiên cứu của OIE, virus gây bệnh ASF có khả năng kháng khuẩn và khử trùng, tồn tại trong thời gian từ 2 đến 4 tháng tại một cơ sở bị nhiễm bệnh và từ 5 đến 6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Do lợn có khả năng mang virus này trong thời gian dài và khi mang bệnh thì sẽ rất khó loại trừ được mầm bệnh. Không những vậy, virus này còn có thể sống sót trong thịt lợn được bảo quản hoặc thịt muối, thức ăn chăn nuôi.
OIE cảnh báo bệnh dịch tả lợn Châu Phi có đặc điểm lây lan nhanh trên lợn và có diễn biến phức tạp ở những quốc gia bị dịch bệnh này hoành hành, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi và ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ cùng việc xuất khẩu mặt hàng thịt lợn ra nước ngoài.
Trong công điện khẩn của Bộ NN-PTNT ban hành vào ngày 25 tháng 2, các địa phương được yêu cầu tăng cường lấy mẫu xét nghiệm ở những cơ sở chăn nuôi, giết mổ thịt lợn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn và thịt lợn. Và, các cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch phải có sự đồng ý của cơ quan thú y thì mới được vận chuyển lợn ra ngoài, sau khi được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn Châu Phi.
Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu chính quyền địa phương các tỉnh biên giới giám sát chặt chẽ các cửa khẩu, cảng biển…để ngăn chặn vận chuyển lợn và thịt lợn trái phép vào Việt Nam. Việc cấp bách mà các địa phương phải làm là thường xuyên tổ chức phun thuốc, khử trùng, vệ sinh tiêu độc môi trường ở những cơ sở chăn nuôi và giết mổ lợn.
Truyền thông quốc nội, vào ngày 25 tháng 2 cũng đưa tin miền Nam tăng cường chống dịch tả lợn Châu Phi mặc dù chưa phát hiện ổ dịch nào ở phía Nam. Báo mạng Công Thương dẫn lời của Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Quang cho biết sau khi dịch tả lợn Châu Phi được công bố dịch ở các tỉnh phía Bắc, tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng họp bàn để cung cấp thông tin cho người chăn nuôi về dịch và giải pháp phòng chống dịch, giám sát dịch tể nhằm bảo vệ 2,4 triệu con lợn đang được chăn nuôi trong phạm vi tỉnh này.
Đài RFA liên lạc với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Chăn nuôi Tám Do, ở Đồng Nai và được Giám đốc Nguyễn Tấn Hậu cho biết các cơ sở chăn nuôi được cơ quan chức năng hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh ASF như thế nào:
“Do dịch tả Châu Phi không có vắc-xin cho nên chỉ có cách bảo vệ bằng an toàn sinh học thôi. Nhà nước cũng khuyến cáo cần sát trùng, cách ly người ra vào trại. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời vậy thôi, chứ hiệu quả không chắc được. Chỉ cần xe chạy ngang vùng chăn nuôi ở khu vực nào đó mà lại mang virus mầm bệnh thì nó sẽ phát tán. Không thể nào nói là không bị được.”
Ông Nguyễn Tấn Hậu cho biết thêm các cơ sở chăn nuôi heo trong tỉnh Đồng Nai nói riêng và các địa phương ở miền Nam nói chung đang rất lo lắng rằng dịch bệnh sẽ lây lan từ miền Bắc vào rất nhanh chóng vì:
“Bệnh dịch tả lợn Châu Phi này thì đã phát hiện bệnh ở ngoài miền Bắc rồi, nhưng nhà nước không ngăn cản heo từ miền Bắc được đưa vô miền Nam, vì giá ngoài đó đang rẻ hơn trong Nam cho nên các thương lái sẽ đưa từ ngoài Bắc vô đây. Do vậy mà không kiểm soát được nên trước sau gì thì ở miền Nam cũng sẽ bị thôi.”
Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn, ở Đồng Nai, ông Phạm Mạnh Hùng nói với báo giới trung bình mỗi ngày có khỏang 1500 con lợn được đưa từ Bắc vào Nam tiêu thụ.
Thực tiễn ra sao?
Mặc dù công điện khẩn của Bộ NN-PTNT ban hành nhấn mạnh phải giám sát khâu phòng dịch và kiểm soát khâu vận chuyển một cách chặt chẽ, tuy nhiên các hộ chăn nuôi cho biết họ như đang ngồi trên lửa vì công tác phòng, chống dịch được đánh giá vẫn còn bị thờ ơ tại nhiều địa phương, qua tuyên bố của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn các tỉnh phía Bắc, diễn ra ở Hà Nội hồi trung tuần tháng 2. Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Tám Do viện dẫn:
Tại vì mua thịt trong siêu thị thì bị mắc hơn do giá cả cao hơn hay người ta không có điều kiện để mua trong siêu thị. Có nhiều công nhân sau khi tan ca, người ta túa ra ngoài mua thôi. Họ vẫn mua vì giá rẻ và hợp túi tiền. Mặc dù biết về thông tin bệnh dịch, nhưng buộc phải mua vì mức sống của họ chỉ tới đó<br/>-Người tiêu dùng ở Sài Gòn
“Việc đó đúng là lơ là. Bây giờ dịch bệnh lở mồm long móng (FMD) kỳ rồi thì hầu như nhà nước không có công bố cho nên không có biện pháp ngăn chặn, cứ để heo xuất tràn lan hết. Do đó, không kiểm soát được và cứ bị lây lan. Hầu như vừa rồi, tất cả các hộ chăn nuôi heo ở miền Nam và miền Bắc đều bị, nặng nhẹ gì vẫn bị hết. Tại vì con virus FMD mới này thì loại vắc-xin chích từ trước tới giờ không có bảo hộ. Tất cả các trại đều có chích vắc-xin nhưng vì không có bảo hộ nên vẫn phải bị.”
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, trong Hội nghị vừa nêu còn cảnh báo hiện Việt Nam đang trong tình trạng bị nguy cơ mầm bệnh gia súc gia cầm H5N1, H7N9, bệnh dịch heo lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi…lây nhiễm rất cao. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa ký thông qua một chương trình quốc gia về phòng chống cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 nhằm giảm tác hại đối với xã hội và nền kinh tế.
Đài Á Châu Tự Do tìm hiểu về phía người tiêu dùng tại Việt Nam nhận thức như thế nào đối với các dịch bệnh ở gia súc, gia cầm hiện nay. Một số người dân mà Đài RFA tiếp xúc cho biết nhiều thông tin liên quan các dịch bệnh gia súc gia cầm được truyền thông phổ biến rất nhiều và cảnh báo dân chúng cần mua thịt gà, thịt heo ở nơi uy tín. Thế nhưng, trên thực tế người dân không quan tâm cho lắm. Một bà nội trợ ở Sài Gòn nói với RFA:
“Tại vì mua thịt trong siêu thị thì bị mắc hơn do giá cả cao hơn hay người ta không có điều kiện để mua trong siêu thị. Có nhiều công nhân sau khi tan ca, người ta túa ra ngoài mua thôi. Họ vẫn mua vì giá rẻ và hợp túi tiền. Mặc dù biết về thông tin bệnh dịch, nhưng buộc phải mua vì mức sống của họ chỉ tới đó.”
Trước thông tin về bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở Việt Nam, mặc dù OIE cho biết virus ASF không lây nhiễm sang người; tuy nhiên Phó Giáo sư Nguyễn Bá Hiên, thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam lên tiếng cảnh báo với truyền thông rằng virus ASF có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, gà, vịt, mèo, chó… và lợn mắc dịch tả Châu Phi có thể mắc thêm bệnh dịch khác như tai xanh, cúm, thương hàn…và đều có thể gây nguy hại cho sức khỏe của con người.