Quân đội Việt Nam dưới cái nhìn của một chuyên viên công nghiệp quốc phòng Pháp

0:00 / 0:00

Giữa tháng Tư năm 2018, quân đội Trung Quốc thực hiện một cuộc tập trận lớn chưa từng có của nước này trên Biển Đông với sự tham gia của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đến thị sát cuộc phô diễn sức mạnh của Hải Quân Trung Quốc hôm 12 tháng tư tại Biển Đông.

Nhân dịp này Kính Hòa đài RFA có trao đổi với kỹ sư Đỗ Thành, từng làm việc nhiều năm trong kỹ nghệ quốc phòng Pháp về trang bị vũ khí của Việt Nam trong bối cảnh giả thiết có sự đối đầu với Trung Quốc.

Kỹ sư Đỗ Thành : Từ khi Ấn Độ không mua vũ khí của Nga nữa thì Việt Nam trở thành khách hàng thứ hai của Nga, sau Trung Quốc. Có thể gọi đó là những vũ khí truyền thống của Việt Nam, nhưng khả năng tài chính lại không bằng người Trung Quốc được, cho nên những gì mà Việt Nam mua thì người Trung Quốc cũng có với những thiết bị cao cấp hơn, số lượng nhiều hơn, tối tân hơn. Việt Nam có 6 chiếc àu ngầm Kilo, thì theo chỗ tôi biết người Trung Quốc có 56 chiếc với những thiết bị đặc biệt hơn.

Hệ thống phòng không S400 của Nga thì quả là không có hiệu quả đối với những chiếc máy bay tàng hình thế hệ thứ năm như những chiếc J-20 của Trung Quốc. Cho nên nếu có một cuộc xung đột trên Biển Đông thì Việt Nam chắc chắn lép vế hơn. - Kỹ sư Đỗ Thành

Hệ thống phòng không S400 của Nga thì quả là không có hiệu quả đối với những chiếc máy bay tàng hình thế hệ thứ năm như những chiếc J-20 của Trung Quốc. Cho nên nếu có một cuộc xung đột trên Biển Đông thì Việt Nam chắc chắn lép vế hơn.

Kính Hòa: Ông đánh giá thế nào về hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bramos do Ấn Độ và Nga sản xuất, đối với các chiến hạm Trung Quốc ngoài Biển Đông?

Kỹ sư Đỗ Thành: Chuyện này tôi theo dõi rất kỹ nhưng thấy rằng người ta nói nhều đến loại hỏa tiễn này, nhưng cho đến giờ không thấy chở cái nào về Việt Nam. Việt Nam tỏ ý muốn mua nhiều lần, lần cuối là trong chuyến đi thăm Ấn Độ của ông Trần Đại Quang. Người Ấn có vẻ cũng muốn bán nhưng tới giờ này vẫn chưa thấy. Đó đúng là loại vũ khí mà quân đội Việt Nam đang cần.

Kính Hòa: Còn loại tàu chiến Gepard?

Kỹ sư Đỗ Thành : Tất cả các tàu chiến của Việt Nam có thì Trung Quốc cũng có và tốt hơn. Mình có thể tạo nên một giai đoạn đầu có lợi thế nhỏ thôi, rồi sau đó sẽ bị trả đũa rất mạnh, bởi vì từ các sân bay của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa, chỉ cần 20 phút là họ có thể bay tới Việt Nam.

Hiện tại Việt Nam đang cần nhất loại tàu dò ngầm và chống ngầm, như chiếc khu trục hạm Auvergne của Pháp đi ngang qua Hoàng Sa và Trường Sa cách đây mấy tháng. Còn máy bay săn ngầm tối tân nhất hiên nay là máy bay của Mỹ. Nếu Việt Nam đã mua máy bay Mỹ, mà nếu có thêm chiếc Auvergne nữa thì giống như hổ thêm cánh.

Kính Hòa: Với bờ biển dài, nhiều sân bay dọc duyên hải, ông có nghĩ rằng với một lực lượng không quân mạnh, Việt Nam có thể chống lại hạm đội Trung Quốc?

Kỹ sư Đỗ Thành: Việt Nam có tới 3.300 cây số bờ biển. Không quân Việt Nam phải phát triển hơn nữa mới có thể bảo vệ một vùng trời và biển lớn như vậy. Nhưng hiện thời không quân Việt Nam rất yếu, với chiếc Su 30 mới nhất, ngoài ra là những chiếc Mig lỗi thời mà người Nga đang gạ gẫm bán cho Việt Nam với giá hời, những chiếc Mig 29 đã hết thời, mà Việt Nam lại có vẻ xiêu lòng. Điều đó gây quan ngại đến nhiều người quan tâm đến Việt Nam.

Kính Hòa : Nếu có một lời khuyên cho Bộ Quốc phòng Việt Nam chống lại hạm đội Trung Quốc với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, thì ông sẽ nói như thế nào?

Kỹ sư Đỗ Thành: Chưa bao giờ Trung Quốc tập trận lớn như vậy với 48 chiếc hạm lớn nhỏ trong đó có chiếc Liêu Ninh. Có lẽ là lúc này Việt Nam không nên có sự đối chọi với Trung Quốc vì lực lượng quá yếu không thể đương đầu lâu dài. Việt Nam cần cố gắng hội nhập càng nhiều càng tốt với thế giới, tạo dựng niềm tin, với Châu Âu, với Mỹ để làm một cán cân mà người Trung Quốc e ngại, để có thể có những vũ khí mình có thể sử dụng trong lúc cần thiết.

Kính Hòa: Xin cám ơn ông.