Yêu cầu Netflix chấm dứt hiển thị chuyển ngữ tiếng Việt là vô lý!

0:00 / 0:00

Hôm 28 tháng 8 năm 2020, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã có văn bản số 1665/PTTH&TTĐT, yêu cầu Công ty Netflix tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam.

Tại văn bản lần này, cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Netflix phải ngay lập tức rà soát, loại bỏ những bộ phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam và chấm dứt hiển thị chuyển ngữ tiếng Việt trong các bộ phim, chương trình truyền hình trên kho nội dung của Công ty Netflix cung cấp đến người sử dụng tại Việt Nam.

Văn bản nêu rõ, nếu Công ty Netflix không tuân thủ những yêu cầu trong văn bản thì cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam sẽ xem xét các biện pháp phù hợp để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đây là lần thứ hai Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ra văn bản tương tự gửi Công ty Netflix.

Trong văn bản số 1330/PTTH&TTĐT ban hành ngày 20 tháng 7 năm 2020, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã yêu cầu công ty này chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên những phim chiếu ở Việt Nam.

Giảng viên đại học Chế Quốc Long từ Sài Gòn nêu ý kiến của mình với RFA qua ứng dụng facebook messenger:

“Điều này hết sức với vô lý vì nếu có chuyển ngữ tiếng Việt mới giúp đa số người Việt theo dõi được nội dung phim. Đó cũng là cách phổ biến văn hoá, phổ biến kiến thức qua phim ảnh, cũng như là một tiện ích giải trí. Các kênh HBO, StarMovie, Cinemax... cũng đều có hiển thị chuyển ngữ tiếng Việt để phù hợp với thị trường Việt Nam. Nếu tôi nhớ không lầm thì vào những năm 90, khi tôi qua Thái Lan, tôi đã thấy Thái Lan yêu cầu các kênh truyền hình nước ngoài đều phải có phụ đề tiếng Thái. Mặc dù người Thái giỏi tiếng Anh hơn dân Việt nhiều.”

Tôi cho rằng việc can thiệp vào nội dung và cách phát hành của Netflix là hết sức vô lý, bởi đây là quan hệ mang tính chất riêng tư. - Luật sư Đặng Đình Mạnh

Với hai văn bản liên tiếp được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử gửi đến Công ty Netflix trong hai tháng với những yêu cầu cụ thể nêu trên, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho đây là việc làm vô lý và coi thường công chúng. Ông giải thích:

“Tôi cho rằng việc can thiệp vào nội dung và cách phát hành của Netflix là hết sức vô lý, bởi đây là quan hệ mang tính chất riêng tư. Hơn nữa, những yêu cầu của cơ quan nhà nước như vậy cho thấy nó không bao hàm ý nghĩa gì về luật pháp hoặc bảo vệ quyền lợi gì cho người tiêu dùng cả. Thậm chí nó còn đi ngược lại quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp này nữa.

Theo tôi, tư duy của những người đưa ra những ý kiến quản lý theo cách này thì hết sức là cũ kỹ. Thật sự nó không có hiệu quả, bởi thứ nhất, không phải chỉ có Netflix mới là nguồn mang lại phim ảnh cho người xem ở Việt Nam mà có rất là nhiều nguồn. Thứ hai, ý kiến của cơ quan chức năng cho thấy họ hết sức coi thường sự hiểu biết của công chúng Việt Nam. Công chúng Việt Nam đủ sức đánh giá một ấn phẩm khi xem có bảo đảm về thuần phong mỹ tục hay đường lối chính trị… Tự họ sẽ có sự lựa chọn chứ không cần thiết nhà nước phải lựa chọn cho họ.”

Theo vị luật sư này, kiểu tư duy như vậy có thể hiểu được vào những năm đầu thống nhất đất nước. Bây giờ gần nửa thế kỷ trôi qua mà vẫn giữ tư duy như thế thì hết sức là lạc hậu.

Hôm 25 tháng 6 năm 2020, cơ quan chủ quản của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử là Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ra công văn số 2348/BTTTT-PTTH&TTĐT gửi các cơ quan báo chí, cảnh báo về các nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới cung cấp vào Việt Nam, trong đó có Netflix. Bộ này cũng đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm thông tin, quảng bá cho các dịch vụ phát thanh, truyền hình của các doanh nghiệp trong nước.

Cùng lúc, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho rằng Công ty Netflix đang vi phạm các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam như: Luật Trẻ em, Luật Báo chí, Luật Điện ảnh…khi cung cấp dịch vụ ở Việt Nam.

Trở lại câu chuyện Netflix bị yêu cầu chấm dứt hiển thị chuyển ngữ tiếng Việt, cũng như ngưng chiếu những phim bị coi là “vi phạm pháp luật” Việt Nam, Blogger Tuấn Khanh gọi việc làm của cơ quan chức năng là “ngớ ngẩn”. Ông có phần chia sẻ trên facebook cá nhân và RFA đã xin phép được sử dụng một đoạn:

“Một quốc gia muốn phát triển thì phải lấy luật pháp là nền tảng, cho dù đó là một bộ luật yếu ớt và tầm thường như thế nào cũng vậy. Một bộ phim bị xem là "vi phạm pháp luật" thì nó phải có văn bản cấm cụ thể, với việc phân tích nội dung từ cơ quan có thẩm quyền. Một cơ quan nhà nước thì không thể ra một quyết định đơn phương mơ hồ và duy ý chí như vậy. Với thế giới văn minh, người ta gọi đó là man di.

Còn quyết định buộc Netflix phải ngừng chuyển ngữ hay làm phụ đề cho những phim nước ngoài phục vụ người Việt, hoàn toàn ngớ ngẩn và thấp kém. Có lẽ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cần phải đối diện với nhân dân và trả lời câu hỏi vì sao lại có một quyết định áp đặt như vậy.”

Một cơ quan nhà nước thì không thể ra một quyết định đơn phương mơ hồ và duy ý chí như vậy. Với thế giới văn minh, người ta gọi đó là man di. - Blogger Tuấn Khanh

Tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã gửi công văn kêu cứu gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhà nước xem xét và ngăn chặn các hành vi mà họ gọi là vi phạm pháp luật Việt Nam của các nhà cung cấp phim ảnh có trả phí trên nền tảng internet xuyên biên giới, trong đó có Netflix, Amazon TV, WeTV…

Theo VNPayTV, dù khó khăn nhưng hàng chục năm qua, các đài phát thanh, truyền hình chủ lực như VTV, HTV, cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước như SCTV, Viettel, FPT, VNPT… đã sản xuất, truyền dẫn trên 90% nội dung chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến nhân dân.

Netflix Inc. là công ty dịch vụ truyền hình được thành lập vào năm 1997, có trụ sở tại Los Gatos, California. Năm 2010, Netflix bắt đầu hoạt động tại thị trường quốc tế và có mặt tại Việt vào tháng 1 năm 2016. Cuối năm 2019, Netflix công bố ra mắt giao diện tiếng Việt và đẩy mạnh thu mua bản quyền phim Việt bổ sung kho phim của mình.

Công ty Netflix hiện cung cấp hàng nghìn nội dung gồm cả phim tài liệu lịch sử, các chương trình trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, phóng sự điều tra... được chuyển ngữ tiếng Việt, hướng tới người dùng là người Việt Nam và có thu tiền thuê bao định kỳ hàng tháng. Hợp đồng giao dịch giữa Công ty Netflix và người dùng Việt Nam là giao dịch dân sự.