Hệ thống ngân hàng Việt Nam: Còn điểm khác với thế giới!

Hôm 17/7/2019, trên tạp chí International Banker có bài viết về hiện trạng hệ thống ngân hàng Việt Nam của tác giả Nicholas Larsen.

Mở đầu bài viết, tác giả dẫn lại sự kiện vào tháng 8 năm ngoái, Chính phủ Việt Nam phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy Việt Nam hội nhập nhiều với quốc tế, nhưng trong lĩnh vực ngân hàng còn có điểm khác biệt.

Mục tiêu đề ra

Chiến lược nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam.

Nhà nước thông qua vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường. Nhà nước can thiệp chủ yếu bằng công cụ thị trường, hoặc thông qua nguồn lực tài chính nhà nước.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam lâu nay bị vướng vào một loạt các vấn đề mang tính hệ thống, bao gồm cả tham nhũng khiến nhiều nhân viên cũng như cán bộ cấp cao phải đi tù.

Để giải quyết những vấn đề này, ngay từ năm 2010, NHNN đã bắt tay thực hiện kế hoạch 5 năm để tìm cách cải tổ, xóa bỏ những ngân hàng làm ăn thua lỗ, yếu kém.

Cũng theo tác giả Nicholas Larsen thì những năm sau này, NHNN tăng cường giám sát, kiểm tra việc hoạt động của các ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng. Đến cuối năm 2020 sẽ nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Làm sao để đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện là cố vấn cấp cao tại National Citizen Bank trụ sở tại Hà Nội, diễn giải sơ lược về hệ thống ngân hàng ở Việt Nam hiện nay với RFA:

“Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam có hai loại ngân hàng: Ngân hàng có vốn 100% của Nhà nước, tức là Nhà nước đầu tư vào ngân hàng, và ngân hàng tư nhân, 100% vốn của tư nhân, gọi là ngân hàng cổ phần.

Trong nhóm hơn 30 ngân hàng tư nhân thì có 3 ngân hàng là ngân hàng con của Nhà nước, do nhà nước sở hữu, gồm Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Xây Dựng. Do ba ngân hàng này làm ăn quá thua lỗ trong những năm qua nên NHNN phải tiếp quản và mua lại toàn bộ cổ phần của ba ngân hàng này với giá 0 đồng.”

Đầu tháng 5/2019, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Thương mại Châu Á (ACB), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Cổ phần Thương mại Phương Đông (OCB), Ngân hàng Cổ phần Thương mại Quân đội (MBBank), Ngân hàng Tiền Phong (TPBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank). NHNN cũng đang giúp ngành ngân hàng tuân thủ Basel II bằng cách khuyến khích các ngân hàng quốc doanh thoái vốn khỏi các ngân hàng thương mại.

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước về vốn Basel II được trình bày như một tập hợp các quy định được đề xuất mà có thể sẽ mang đến một loạt các thách thức về tuân thủ cho các ngân hàng trên thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định hệ thống ngân hàng Việt Nam có một bước tiến dài trong 30 năm qua:

“Có thể nói trong vòng 30 năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đi qua một chặng đường rất dài. Năm 1991, khi tôi về Việt Nam thì chỉ có một số ngân hàng mà lại là ngân hàng của nhà nước với chức năng chỉ như một sở giao dịch phát tiền cho cán bộ nhân viên nhà nước chứ không phải là một ngân hàng có huy động vốn, có cho vay như bây giờ.”

Ông Nguyễn Trí Hiếu nói thêm rằng hiện tại ở Việt Nam có hơn 100 ngân hàng, trong đó có hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần (bao gồm ba ngân hàng con của Ngân hàng Nhà nước), khoảng 70 ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có có vài ngân hàng có 100% vốn nước ngoài. Những ngân hàng 100% vốn nước ngoài không phát triển được ở Việt Nam mà chỉ hoạt động cầm chừng vì nhiều lý do, trong đó có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là ngân hàng Việt Nam có những giao dịch như ngân hàng nước ngoài; Thứ hai là các ngân hàng nước ngoài rất cẩn trọng, rất đắn đo và cân nhắc về độ rủi ro trước khi cho vay, nói chung là họ “kén khách” nên người Việt Nam không tìm đến.

Năm 2017, một số ngân hàng nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam. Trước động thái đó, Chuyên viên kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng các ngân hàng này muốn cấu trúc lại vốn. Ông nói với RFA:

“Trước đây, Standard Charter, ANZ, HSBC có góp vốn tại một số ngân hàng Việt Nam. Sau một thời gian, họ cảm thấy việc góp vốn không hiệu quả hoặc do một số yếu tố về tài chính nội bộ, họ yêu cầu chi nhánh đó phải thoái vốn, nghĩa là bán trở lại các cổ phiếu họ đã mua trước đây của các ngân hàng Việt Nam.”

Ngân hàng Trung ương hay Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Trung ương là cơ quan quản lý tối cao hệ thống ngân hàng trong ngành ngân hàng với nhiệm vụ bảo vệ ngành ngân hàng; duy trì sự tồn tại của ngành ngân hàng và giúp ngành ngân hàng phát triển; đặc trách quản lý hệ thống tiền tệ của quốc gia và chịu trách nhiệm thi hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên ở Việt Nam thì Ngân hàng Trung ương được gọi là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích điều này:

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể dưới một định nghĩa nào đó là Ngân hàng Trung ương, nhưng thật sự họ không phải như vậy theo nghĩa truyền thống trên thế giới – tức là độc lập với Bộ Tài Chính của một quốc gia.

Ở Việt Nam thì ngân hàng này lại là một bộ phận của chính phủ Việt Nam. Chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tương đương với Bộ trưởng Tài chính. Vì không có tính độc lập nên Việt Nam không có tên gọi Ngân hàng Trung ương.”

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thì cùng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong 30 năm qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã học hỏi được rất nhiều, tích tụ được nhiều kinh nghiệm khi thường xuyên mời những chuyên gia ở nước ngoài, trong đó có những chuyên gia của World Bank, những chuyên gia của Federal Reserve Bank về Việt Nam tư vấn. Đặc biệt hàng năm, khi IMF tổ chức những cuộc họp với Thống đốc các ngân hàng trung ương trên thế giới tại Thủ đô Washington, DC thì thống đốc ngân hàng Việt Nam cũng tham dự cùng với một số phó thống đốc.

Vào ngày 17 tháng 7, tại thành phố lớn nhất Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh, diễn ra hội thảo xây dựng thành phố này thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Ước vọng đó khi nào thành hiện thực nếu không bắt kịp ngành ngân hàng hoạt động hiệu quả của những nước trong khu vực như Singapore, rồi các nước khác trên thế giới?