Việt Nam đang thụt lùi về chỉ số nguồn nhân lực, là tựa bài trên tờ Saigon Kinh Tế Thời Báo hôm 19/7 vừa qua.
Bài báo của tác giả Hiệu Minh, dựa trên báo cáo kết quả khảo sát của Liên Hiệp Quốc năm 2020 về Chỉ Số Phát Triển Chính Phủ Điện Tử IGDI của các nước trên thế giới cho biết như vừa nêu.
Báo cáo được thực hiện 2 năm 1 lần, cho thấy năm 2020 này Chỉ Số Phát Triển Chính Phủ Điện Tử của Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2018, trong lúc Chỉ Số Nguồn Nhân Lực lại đi xuống sau 17 năm ổn định.
Chỉ Số Nguồn Nhân Lực, tức HCI Human Capacity Index, là một trong 3 yếu tố cấu thành EGDI - Chỉ Số Phát Triển Chính Phủ Điện Tử do Liên Hiệp Quốc đề ra. Giáo sư Hà Tôn Vinh, Tổng giám độc Tổ Hợp Đào Tạo & Phát Triển Nhân Lực Stella Management ở thành phố Hồ Chí Minh, giải thích:
"Từ khi có công nghệ thông tin, có mạng Internet, có máy tính rồi có điện thoại thông minh, có băng thông rộng … thì để giản tiện, mau lẹ và đỡ tốn kém chính phủ các nước đã đưa tất cả các dịch vụ phục vụ công lên mạng, tức là đưa lên số hóa để mọi công dân có thể sử dụng được, làm được và đóng góp tất cả những dịch vụ như đi học, trả thuế, đăng ký kinh doanh…".
"Tất cả những cái đó gọi là dịch vụ công điện tử, và Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một chỉ số viết tắt là EGDI, E- Government Development Index, tức Chỉ Số Phát Triển Chính Phủ Điện Tử. EIGDI đánh giá 193 nước và vùng lãnh thổ, xem chính phủ các nước đó sẵn sàng chưa, công dân các nước đó có tham dự nhiều chưa, cơ sở hạ tầng về điện thoại, viễn thông, Internet …có chưa".
Như vậy, theo giáo sư Hà Tôn Vinh, EGDI là chỉ số tổng hợp của 3 chỉ số khác. Thứ nhất là TII tức chỉ số về hạ tầng viễn thông, Internet, băng thông rộng, máy tính, điện thoại thông minh được người dân sử dụng thế nào.
Chỉ số thứ hai là HCI tức là Chỉ Số Nguồn Nhân Lực hay Chỉ Số Khả Năng Nhân Lực Human Capacity Index. Chỉ số này đánh giá con người cũng như trình độ dân trong một nước.
Thứ ba là OSI Online Services Index - Chỉ Số Dịch Vụ Công Trực Tuyến.
Như vừa rồi dịch COVID -19 thì người dân Việt Nam đã thấy chính phủ điện từ là như thế nào, thấy thủ tướng, các bộ trưởng, các chủ tịch ủy ban nhân dân địa phương, các cơ quan và các doanh nghiệp cùng thảo luận vấn đề chung của quốc gia trên mạng. - GS. Hà Tôn Vinh
Ở Việt Nam, ông Vinh nói, chính phủ đã thúc đẩy các cơ quan trung ương và địa phương sử dụng công nghệ thông tin, đưa tất cả những hoạt động về dịch vụ công lên mạng trực tuyến để mọi người có thể sử dụng.
Chính vì vậy, giáo sư Hà Tôn Vinh khẳng định, không có gì đáng ngạc nhiên khi Chỉ Số Phát Triển Chính Phủ Điện Tử của Việt Nam năm 2020 tăng 2 bậc so với năm 2018:
"Như vừa rồi dịch COVID -19 thì các ban ngành, các bộ từ trung ương đến địa phương đều dùng công nghệ thông tin để gặp gỡ, thảo luận công việc với nhau. Người dân Việt Nam qua trận dịch COVID này đã thấy chính phủ điện từ là như thế nào, thấy thủ tướng, các bộ trưởng, các chủ tịch ủy ban nhân dân địa phương, các cơ quan và các doanh nghiệp cùng thảo luận vấn đề chung của quốc gia trên mạng. Đó là dấu hiệu tiến dần đến chính phủ điện tử đã bắt đầu và đã hình thành trên mạng".
Bên cạnh Chỉ Số Phát Triển Chính Phủ Điện Tử tăng lên 2 bậc năm 2020, Chỉ Số Nguồn Nhân Lực, 1 trong 3 yếu tố cấu thành EGDI, đang thụt lùi, có thể tạo suy nghĩ tiêu cực hoặc tạo sự hiểu lầm đối với bài dịch của tác giả, là ý kiến của tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia Đông Nam Á, đại học Singapore:
"Thứ nhất là tựa bài "Việt Nam đang thụt lùi về Chỉ Số Nguồn Nhân" Lực" thì trong bài không có chỗ nào nói đến Chỉ Số Nguồn Nhân Lực cả. Ba cái biểu đồ trong bài được chép thẳng từ nguồn của Liên Hiệp Quốc, chép ra đấy rồi đưa tiếng Việt vào ở phần trên thôi. Biểu đồ cho thấy khả năng phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam chứ không nói gì đến việc đang thụt lùi về chỉ số nguồn nhân lực".
"EGDI được thể hiện ở hai chỗ, HDI tức Human Capacity Index, và một cái nữa là OSI Chỉ Số Về Dịch Vụ Công. Thế thì không thể nói ứng dụng từ việc phát triển chính phủ điện tử lại liên quan đến chuyện nguồn nhân lực bị thụt lùi được. Thứ nhất dịch vụ mở đấy được sử dụng với hiệu quả như thế nào, với lượng người sử dụng ra làm sao. Còn HDI nói lên việc người ta huấn luyện con người sử dụng cái tương tác của hệ thống cung cấp dịch vụ điện từ của chính phủ như thế nào thôi chứ không phải cái gì để nói lên Chỉ Số Nguồn Nhân Lực cả".
Từ luận cứ này, chuyên gia Đông Nam Á Hà Hoàng Hợp cho rằng Chỉ Số Nguồn Nhân Lực của Việt Nam đang ở mức độ chất lượng thấp chứ không phải thụt lùi hay đi xuống:
"Chỉ Số Nguồn Nhân Lực của Việt Nam, theo đúng Kinh Tế Học về lao động, là cái tỷ lệ giữa năng lực được huấn luyện của người lao động và năng lực để tạo ra sản phẩm".
"Thế thì Chỉ Số Nguồn Nhân Lực thực sự của Việt Nam theo Kinh Tế Học về lao động nằm ở chỗ Việt Nam có số lượng người đủ tuổi lao động chiếm trên 60%, số lao động dưới 25 tuổi trên 65%, về mặt con số là rất đông. Thế nhưng có 2 vấn đề, một là khá lớn người không tìm được việc làm, và số người có việc làm thì việc huấn luyện cho người ta có tay nghề chất lượng cao hầu như là không có. Trên cơ sở đó thì mới có thể nhận xét được rằng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay đang ở mức độ chất lượng rất thấp chứ không phải thụt lùi, đi xuống gì cả".
Giáo sư Hà Tôn Vinh của Trường Đào Tạo & Phát Triển Nhân Lực Stella Management bổ sung :
"Tại sao gọi Việt Nam thụt lùi? Vì trình độ con người có thể không theo kịp tất cả những dịch vụ công được chính phủ đưa ra. Nếu nhìn ở góc độ đó thì nguồn nhân lực có thể đi thụt lùi. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam là một nước thích ứng rất mau, giống như trong dịch COVID vừa rồi đó, người dân mấy tháng trời tuân thủ những qui định của chính phủ. Đó cũng là yếu tố rất quan trọng trong vấn đề nhân lực vì nếu chính sách tốt, chính phủ tốt mà người dân không tham gia, không chấp hành thì cũng không đi đến đâu".
"Còn cơ sở hạ tầng thì chỉ cần đưa thêm mang Internet, đưa thêm băng thông rộng thì Việt Nam sẽ đạt tiêu chuẩn có thể là hơn các nước khác".
Theo biểu đồ xếp hạng EGDI năm 2020 thì Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, được Liên Hiệp Quốc đánh giá có chỉ số chính phủ điện tử (E-Gov) cao, tăng hai bậc so với năm 2018, tức vẫn ở nhóm có thứ hạng trên trung bình nhưng chưa thực sự lên rất cao.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 2 chỉ số OSI( Online Services Index) Chỉ Số Dịch Vụ Công Trực Tuyến và TII (Telecommunication Infrastructure Index) Chỉ Số Hạ Tầng Viễn Thông của Việt Nam đều cao hơn trung bình so với thế giới và khu vực, còn Chỉ Số Nguồn Nhân Lực HCI (Human Capacity Index thì lại thấp hơn.
Nói một cách khác, tính từ 2003, dù có một số tiến bộ đáng kể nhưng Chỉ Số Nguồn Nhân Lực của Việt Nam không tăng lên như mong đợi. Đây cũng là nhận định của kinh tế gia, nhà nghiên cứu độc lập Lê Đăng Doanh:
"Theo biểu đồ thì các chỉ số khác của Việt Nam có cải thiện nhưng chỉ số về nhân lực thì tôi có nói không phải nó thụt lùi mà nó giảm xuống một cách tương đối theo nghĩa là nó kém đi. Có thể là tiến bộ so với bản thân Việt Nam, nhưng nó còn chậm so với khoa học công nghệ, còn chậm so với yêu cầu của phát triển. Đấy là ý kiến của tôi, còn ý kiến khác nhau là chuyện bình thường".
Vẫn theo lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, vào khi EGDI Chỉ Số Phát Triển Chính Phủ Điện Tử của Philippines giảm 44 bậc, Indonesia giảm 18 bậc, Thái Lan giảm 1 bậc và Malaysia tăng 4 bậc, thì Việt Nam được coi là tăng về EGID
Tóm lại, bài báo kết luận, Việt Nam muốn thăng tiến thứ hạng E-Gov Chính Phủ Điện Tử đối với toàn cầu và trong khu vực thì nhất thiết phải bảo đảm dịch vụ công trực tuyến ổn định và đang lên như hiện nay, bên cạnh hạ tầng viễn thông được cải tiến tương xứng và chỉ số nguồn nhân lực phải vượt lên cao so với 2003.