Vay hàng trăm ngàn tỉ để bù chi tiêu: Vỡ nợ, ai gánh?

0:00 / 0:00

Vay nợ mới để trả nợ cũ?

Theo báo cáo về nợ công năm 2020 của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra ở Hà Nội, chính phủ dự kiến sẽ dành 217.800 tỷ Đồng tiền vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương; khoảng 217 tỷ Đồng dành trả nợ gốc của ngân sách trung ương và 9.100 tỷ Đồng để nhận nợ Bảo hiểm Xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng và tài chính trong nước, nói rằng trả nợ công là chuyện một quốc gia phải bàn đến hàng năm, những con số tính toán và dự kiến vay thêm lần này có thể được hiểu như:

Có hai từ ngữ có thể dùng, đảo nợ hoặc tái cấu trúc nợ, để diễn tả trường hợp này. Đảo nợ là vay món nợ mới để trả cho nợ cũ, hoặc tái cấu trúc nợ tức là dùng nợ mới của cùng một người cho vay để trả cho nợ cũ của cùng một người cho vay. Trong trường hợp đó thì nợ gốc (principal) không thay đổi.

Có nhiều lý do của việc đảo nợ hoặc tái cấu trúc nợ, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích tiếp:

Một trong những lý do là thời hạn trả nợ có thể kéo dài ra với nợ mới để mỗi năm mỗi tháng trả ít đi thay vì nợ cũ mà thời gian trả nó ngắn hơn, nó dồn lại.

Chính vì thế việc đảo nợ có thể lợi cho một quốc gia, mỗi tháng, mỗi năm hoặc mỗi quí số tiền trả nợ có thể giảm đi. Điều thứ hai là có thể lãi suất của nợ mới nó nhẹ hơn lãi suất của nợ cũ. Tuy nhiên người ta đảo nợ là vì không trả được nợ hiện tại, họ phải dùng một nợ mới, có thể đi vay ở một chỗ khác, người cho vay khác, hoặc cùng người cho vay, để tái cấu trúc nợ nhằm tránh trường hợp loan default bị nợ xấu tức nợ quá hạn.

Việt Nam dự báo tính đến cuối 2021 thì nợ công sẽ chiếm khoảng 54,3% GDP, nợ chính phủ chiếm khoảng 48,5% GDP, còn nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP là khoảng 45,5%.

<i>"Tuy nhiên người ta đảo nợ là vì không trả được nợ hiện tại, họ phải dùng một nợ mới, có thể đi vay ở một chỗ khác, người cho vay khác, hoặc cùng người cho vay, để tái cấu trúc nợ nhằm tránh trường hợp loan default bị nợ xấu tức nợ quá hạn", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu </i>

Theo truyền thông trong nước, những tỷ lệ vừa nêu vẫn nằm trong giới hạn an toàn, tuy nhiên, việc gia tăng vay nợ mới, trả nợ cũ và bù đắp chi tiêu đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Dù thế nào mà nghe đến việc phải đi vay thêm để trả nợ công, bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ tiền vay thì điều đầu tiên phải nghĩ đến là một nền tài chính có vấn đề, là nhận định của ông Lê Văn Triết, nguyên bộ trưởng Bộ Thương Mại:

Tất nhiên các quốc gia có nước bội thu thì đỡ còn bội chi thì khó khăn. Việt Nam mình cứ bội chi liên tục, thu không đủ chi mặc dù Nhà Nước đã tìm mọi cách tăng cường thu, gọi là tận thu. Theo tôi những người có trách nhiệm, những người lãnh đạo chưa nhận thức đủ mức là đang có cái nghiêm trọng trong vấn đề thiếu hụt ngân sách.

Nếu cho rằng đi vay để bù đắp thâm hụt là việc chẳng đặng đừng, ông Lê Văn Triết phân tích tiếp, thì lối suy nghĩ đó là Việt Nam bị ngập nợ, bị lún lầy:

Đi vay đó là giật gấu vá vai và càng ngày càng lún lầy thôi. Theo tôi phải có biện pháp chủ động hơn. Cái mà bội chi về chi phí trước đây cũng đã nhiều lần bàn tới rồi, là phải giảm bớt biên chế, lớp thì biên chế bên đảng lớp thì biên chế bên Nhà Nước và lớp thì biên chế bên hệ thống các tổ chức dân sư, đoàn thể. Về biên chế phải giảm bớt chi phí tiền lương đó đi, làm cho bộ máy tinh gọn hơn.

Không thực hiện cái đó thì làm sao tránh được chuyện tiếp tục bội chi. Nếu tiếp tục bội chi mà lại đi vay thêm đặng mà trang trải thì như thế làm sao có thể đưa bộ máy của mình hoạt động có hiệu quả được, cứ như thế này thì không ổn.

Khả năng vỡ nợ là điều không thể tránh

Được biết theo báo cáo của chính phủ, được báo chí đang tải lại, tính đến cuối 2019 nợ công ở mức 56,1% GDP và nợ chính phủ ở mức 49,2% GDP.

Báo cáo cũng thừa nhận nợ công tiếp tục giảm so với các năm trước, một phần do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn nước ngoài, rất chậm.

Vấn đề nợ công tiếp tục giảm so với các năm trước được chuyên gia ngân hàng và tài chính Nguyễn Trí Hiếu lý giải bằng những con số thu thập được:

Nợ công 58,4% là nợ công trên GDP cuối 2018 đã giảm xuống 56,1% tại thời điểm tháng Chín năm nay. Nếu con số này chính xác thì đó là điều tốt. Theo một số những tính toán cho đến cuối 2018 GDP lên đến khoảng độ 300 tỷ Đô La, là con số lớn nhất từ trước đến nay.

Vì GDP tăng lên mà nợ công không giảm thì tỷ lệ phần trăm giảm đi. Thành ra việc giảm nợ công từ 58,4% xuống 56,1% gần đây có thể cũng một phần là do GDP của mình tăng lên.

Nghĩa vụ trả nợ sẽ gây áp lực lên ngân sách
Nghĩa vụ trả nợ sẽ gây áp lực lên ngân sách (Courtesy of Vietnamnet)

Vẫn lời tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cần nghiên cứu xem nợ công có thực sự giảm hay tăng. Nhắc đến báo cáo chính phủ gởi Quốc Hội hôm 22 tháng này, qua đó cho thấy Việt Nam sẽ vay thêm khoảng 22 tỷ Đô La nợ công mới tức khoảng 500.000 tỷ nợ mới, chuyên gia cho rằng đây là điều đáng quan ngại:

Theo thông tin thì 22 tỷ Đô La, khoảng 500.000 tỷ Đồng chỉ là khoản tái cơ cấu thôi, đảo nợ thôi, chứ không phải nợ mới. Nếu chỉ là đảo nợ thôi thì con số nợ công không thay đổi, đưa đến vấn đề giảm nợ công từ 58,4% xuống còn 56,1% .

Còn có 56,1% là dấu hiệu tốt nhưng sẽ không ai hài lòng nếu dư nợ tức outstanding loan tiếp tục tăng mãi:

Dư nợ, outstanding loan, là gánh nặng cho tất cả người dân Việt Nam. Mặc dù chính phủ là người đứng ra mắc nợ nhưng cả nền kinh tế và tất cả dân đều phải gánh cái nợ đó. Không trả lúc này thì lúc sau phải trả, thế hệ này không trả thì thế hệ sau phải trả.

Rủi ro tiềm ẩn của việc vay thêm tiền để có thể trả nợ công vốn đã kích trần của Việt Nam, là nếu dư nợ cứ tăng thì khả năng vỡ nợ là điều không thế tránh:

Một quốc gia với đồng nội tệ thì không thể nào vỡ nợ được, chẳng hạn như Việt Nam cùng lắm thì in tiền ra. Trong nội địa thì bao nhiêu trái phiếu chính phủ, nợ chính phủ cũng có thể trả được.

Với tiền nước ngoài thì nếu mà chính phủ không đủ ngoại tệ và không đủ khả năng trả nợ bằng ngoại tệ thì có thể đi đến tình trạng vỡ nợ như trường hợp của Hy Lạp, của Venezuela và của Mozambic trong những năm trước đây. Vấn đề của Việt Nam, cái mức 65% mà Quốc Hội đưa ra được xem là tương đối an toàn. Nếu không vượt mức đó thì nợ công của Việt Nam vẫn ở trong tình trạng an toán, chính phủ vẫn có thể trả nợ được. Phải làm sao mà dư nợ cũng phải giảm mới có thể gọi là nợ công của Việt Nam được kiểm soát một cách tốt đẹp.

Để tự tháo gỡ trước viễn cảnh hay khả năng vỡ nợ hoặc phá sản, Việt Nam phải lo cứu mình trước. Theo nguyên bộ trưởng Bộ Thương Mại Lê Văn Triết, phải quyết liệt tinh gọn bộ máy hành chính để giảm chi phí, phải tìm kiếm chọn lựa đúng người đúng việc để gánh vác những vấn đề kinh tế, tài chính, nói chung phải cải cách và thay đổi rất nhiều từ chính trị cho đến an sinh xã hội:

<i>"Nhiều gánh nặng quá nhưng ai là người có trách nhiệm, có đầu óc tỉnh táo, sáng suốt đứng ra trong thời đại của mình chứ đừng gây nợ rồi bắt đời sau con cháu mình phải trả", nguyên Bộ trưởng Lê Văn Triết. </i>

Mình đã có nhiều lần bàn bạc về vấn đề này nhưng mà đụng vào đó thì không có ai chịu hy sinh cái biên chế, không có ai dám xóc trở ra để rồi sắp xếp lại bộ máy đạng mà giải quyết được tình trạng lương bổng trong lúc người về hưu càng ngày càng đông, tiền đó cũng lớn. Nhiều gánh nặng quá nhưng ai là người có trách nhiệm, có đầu óc tỉnh táo, sáng suốt đứng ra trong thời đại của mình chứ đừng gây nợ rồi bắt đời sau con cháu mình phải trả.

Nguồn tin chính phủ cho biết các nhà tài trợ cho Việt Nam đang điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Hà Nội theo hướng chuyển dần từ cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn sẽ tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đây.

Điều này có nghĩa trong 5 năm tới các khoản vay ODA sẽ giảm dần và tiến đến kết thúc, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi trong đầu tư của Việt Nam.