Băn khoăn việc chủng ngừa COVID-19 cho trẻ từ ba tuổi

Dư luận trong nước rất quan tâm trước tin Bộ Y Tế đang cân nhắc việc chủng ngừa cho trẻ từ ba tuổi trở lên, trong lúc Sở Y Tế TPHCM kiến nghị bắt đầu chích vắc-xin chống corona virus cho trẻ từ 12 đến 17 bắt đầu ngày 22/10 tới đây. Chuyên gia dịch tễ cho rằng cha mẹ nên lắng nghe ý kiến từ giới y bác sĩ chứ đừng vì những lời bàn thiếu căn cứ khoa học  mà trở thành hoang mang một cách vô ích.

0:00 / 0:00

Sở Y Tế TP.HCM hôm 16/10 trình dự thảo lên Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 về kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trong thành phố.

Theo tờ trình này, Sở Y tế TP đề xuất bắt đầu tiêm ngừa COVID-19 cho tất cả trẻ từ 12 đến 17 tuổi đang đi học trên địa bàn thành phố. Số này khoảng 780.000 học sinh trong phạm vi 22 quận, huyện Sài Gòn và Thủ Đức.

Tin nói thuốc chủng ngừa sẽ là loại vắc-xin đã được Bộ Y Tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi 12-17 với hai liều cùng loại cho mỗi đối tượng được tiêm.

Trước đó, từ ngày 12/10, truyền thông Nhà nước loan tin cho biết đã có Công Văn của Bộ Y Tế gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó nêu mục đích ‘xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin cho trẻ từ ba tuổi trở lên’, yêu cầu ‘rà soát, thống kê số lượng trẻ em các nhóm tuổi từ ba đến 11, 12 đến 15,16 và 17 tuổi’

Một ông bố giấu tên vì lý do an toàn ở Hà Nội cho biết những tin tức như vậy gây sự quan tâm cũng có mà sự lo lắng cũng nhiều:

"Thực ra Hà Nội này đã làm những phiếu khảo sát, tức là chính quyền đã làm những phiếu khảo sát xuống các hộ dân có con từ hai tuổi đến 18 tuổi.

“Theo mình tìm hiểu, lượng thuốc tiêm cho người trưởng thành, ví dụ Pfizer chẳng hạn, là 30 mg. Người trên 18 tuổi theo mình tìm hiểu thì phải tiêm liều 30 mg, còn trẻ từ 12 đến 18 hay từ 2 đến 18 thì người ta chỉ tiêm 1/3 lượng đấy, tức là 10 mg”

“Bản thân mình có ba đứa từ ba, năm đến tám tuổi, mình không có vấn đề gì, mình đồng ý cho tiêm hết. Có một số nước trên thế giới người ta đã tiêm cho trẻ em rồi”

Một trong những vấn đề gây tranh cãi, theo vị phụ huynh này là nếu Việt Nam có một triệu liều Pfizer chẳng hạn, thì có nên mang một triệu liều ấy chia ra rồi tiêm cho ba triệu người dưới 18 tuổi hay không.

2021-10-07T191754Z_350755907_RC225Q9JQ2JG_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-USA-PFIZER.JPG
Hình minh hoạ: Một em nhỏ 7 tuổi ở Mỹ tham gia thử nghiệm tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer BioNtech ở liều thấp hôm 28/9/2021. Reuters

Một bà mẹ giấu tên ở TPHCM nói rằng bà chắc chắn không mang con nhỏ và cả em trai đi chích ngừa:

“Con em hơn ba tuổi rồi, nếu Nhà nước cho những bé ba tuổi trở lên được chích ngừa thì em cũng không cho con em đi chích vì không biết cái vắc-xin này đã đủ tiêu chuẩn của WHO chưa, chích thì những tác dụng phụ sẽ ra sao?”

“Hiện tại em trai của em đang 16 tuổi, em và gia đình rất băn khoăn là có nên cho em trai chích không. Lứa tuổi đấy chưa lập gia đình với cả chưa đủ trưởng thành, không hiểu sau này khi lập gia đình thì có ảnh hưởng các thứ gì không”.

Một ông bố giấu tên khác, cũng ở TPHCM, nói ông đồng ý với đề xuất chích ngừa cho trẻ mà Sở Y Tế thành phố đưa ra, vấn đề là phải cân nhắc loại vắc-xin nào và tính an toàn như thế nào:

“Hiện nay thì mọi người đều nói lượng vắc-xin tiêm cho trẻ sẽ thấp hơn so với liều lượng của người lớn. Đâu dó dưới 10 xuống đến hai tuổi chỉ bằng 1/3 của người trưởng thành. Nếu phải lựa chọn cho con đi chích thì tôi cũng sẽ cho đi. Nghe nói là Pfizer thì tôi nghĩ không có gì quá lo ngại. Thứ nhất, Pfizer là một công ty tên tuổi trên thế giới, được FDA (Mỹ) phê chuẩn tức đã có những minh chứng về mặt khoa học, ra là một ông bố bà mẹ có con ba tuổi thì tôi đồng ý cho đi tiêm”.

Việt Nam đã cân nhắc rất kỹ việc tiêm vắc-xin chống COVID từ độ tuổi trên 18 xuống 17 rồi tới 12 và thấp hơn nữa là 12 xuống ba tuổi. Đây là khẳng định của bác sĩ chuyên khoa Nhi Bùi Ngọc An Pha, Giám đốc y khoa thuộc Trung tâm Dinh dưỡng Y học Vận động Nutrihome ở TPHCM:

“Nếu bắt đầu thì thận trọng dần dần chứ chưa thể bắt đầu ngay từ hai tuổi đến 16-17 tuổi. Định hướng chung của Việt Nam là vậy”

“Theo như thống kê của các anh chị làm lâm sàng, thường trẻ một tuổi nguy cơ nặng mới nhiều, phải cân nhắc nhiều hơn. Tức là vẫn ưu tiên chích ngừa cho trẻ lớn rồi dần dần tiến tới việc chích cho trẻ nhỏ tuổi chứ không đồng loạt một cái là chích liền. Chắc chắn khi chích vắc-xin cho trẻ nhỏ người ta chỉ sử dụng 1/3 so với liều của người lớn”.

Châu Âu, Châu Mỹ, Israel, thậm chí cả Cuba… đã phát động chích ngừa Corona vi-rút chủng mới cho trẻ dưới độ tuổi 18 xuống 12 và cả tuổi lên 2, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha nhấn mạnh, vậy không có lý do gì mà TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung chểnh mảng việc này được.

Ý thức, sự hiểu biết, ông nói, là những điều phụ huynh cần được trang bị nhằm đủ sức ứng phó tình huống trước và sau khi cho con em chích ngừa:

“Quan niệm cá nhân thì mình ưu tiên chích cho những trẻ béo phì, trẻ có bệnh lý nền, còn trẻ khỏe mạnh phát triển bình thường là thứ tự thứ hai. Trẻ em bình thường nó nhiễm tương đối là nhẹ cho nên nó cũng tùy trường hợp cự thể thôi”

“Quan trọng nhất là chính sách Nhà nước, về nguồn vắc-xin là cái thứ hai. Cái thứ ba là cơ địa của từng trẻ. Thí dụ một cháu béo phì hoặc có bệnh nền mà bố mẹ tuyệt đối không chịu tiêm thì mình phải thuyết phục bằng mọi giá. Còn đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh thì việc tiêm hay không tiêm mình có thể để phụ huynh quyết định. Ở góc độ bác sĩ thì mình bảo vệ tối đa những trẻ có bệnh lý nền, bệnh tật bẩm sinh, béo phì… bằng cách khuyến khích bố mẹ cho tiêm vắc-xin”.

000_9JB2QC.jpg
Hình minh hoạ: Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở Hà Nội hôm 2/8/2021. AFP

Về mặt truyền thông liên quan, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha cho rằng vào khi Sở Y Tế TPHCM liên tục cập nhật, tuyên truyền, hướng dẫn việc phòng chống COVID-19, nhưng khá nhiều báo chí đưa tin chưa được hợp lý cho lắm :

"Tùy vào góc nhìn, tùy vào tư duy của nhà báo mà có bài thì thông tin rõ ràng, có bài người đọc không thích lắm. Rõ ràng báo chí là nguồn, là phương tiện nằm giữa phát ngôn của Bộ Y Tế và người dân, thì nó phụ thuộc hoàn toàn vào tư duy chứ không đơn giản như là văn bản của ngành Y Tế chuyển (forwarded) thẳng xuống cho dân thì nó khác. Báo chí ở giữa cho nên có báo viết theo hướng này, có báo viết theo hướng kia. Nó hơi nghiêng ngả một chút mà mình không biết làm sao góp ý với họ".

Theo bác sĩ Trần Tuấn, chuyên gia y tế dự phòng, Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, vi-rút corona, đặc biệt biến chủng Delta, tấn công cả già lẫn trẻ không chừa một ai, vì thế đề xuất của Sơ Y Tế TPHCM tiêm chủng cho trẻ là đúng đắn:

“Đứng về nguyên tắc phòng chống dịch thì phải bảo vệ tất cả. Nếu TPHCM có đủ kinh phí, có đủ nhân lực và đã đảm bảo tiêm chủng bảo vệ cho nhóm có nguy cơ cao, nhóm từ 18 trở lên tốt rồi thì lúc này cho nhóm 18 trở xuống cũng là điều phù hợp”

"Tuy nhiên việc triển khai tiếp theo cho toàn trẻ em tùy thuộc vào bài toán kinh tế, chưa kể nếu mở cửa trở lại thì chắc chắn có thêm hàng triệu người lao động từ các tỉnh tràn về, và phải có nguồn vắc-xin dành cho hàng triệu người lao động đó"

“Thế thì chỉ khi nào TPHCM, theo chúng tôi, là làm xong việc bảo vệ tốt cho nhóm 18 tuổi trở lên, lúc đấy sẽ nghĩ đến việc bảo vệ cho nhóm dưới 18 tuổi. Trong nhóm dưới 18 tuổi thì cần ưu tiên những nhóm có bệnh nền, bệnh béo phì, và suy giảm miễn dịch”

Liệu kế hoạch của TPHCM có được Trung Ương phê duyệt không, là câu trả lời tiếp của bác sĩ Trần Tuấn:

"Hiện tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn thấp, nhiều tỉnh chỉ dưới 25%. Trong điều kiện vắc-xin Việt Nam hoàn toàn nhập vì chưa sản xuất được thì tôi cho rằng phía Trung ương sẽ phải cân nhắc

“Tôi cũng chưa rõ tại sao TPHCM phải lấy ngưỡng 22/20. Giả sử hôm nay là 19/10, có gởi đến Trung ương thì tôi cho rằng từ 19 đến 20 là có thể có quyết định liên quan đến có hay không thể thực hiện vào ngày 22 này”.

Được biết theo chỉ thị, Sở GD-ĐT TP.HCM có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Những đối tượng được tuyên truyền là cán bộ, giáo viên, sẽ vận động phụ huynh cho con em tham gia tiêm vắc-xin. Trường học cũng được chỉ đạo lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh hoặc người giám hộ. Danh sách những cha mẹ đồng ý cho con em tiêm chủng được báo cáo về UBND quận, huyện và TP Thủ Đức.