Trong kỳ Đại hội Toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam 13 vừa qua, ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ không lọt vào danh sách 200 Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW) khoá tới, dù vẫn còn trong độ tuổi được tái cử.
Nhiều người quan sát tình hình chính trị Việt Nam đánh giá điều này đồng nghĩa với việc khả năng cao là ông Nhạ sẽ thôi giữ chức Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam.
Trong một bài viết trên Đài Á châu Tự do hồi tháng 2, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ đánh giá “Việc vị bộ trưởng đương nhiệm khoá 12 đã không trúng cử vào BCHTW tại Đại hội 13 đồng nghĩa với sự nghiệp chính trị đang bị khép lại”.
Khả năng này lại càng được củng cố khi báo chí nhà nước gần đây có nhiều bài viết ca ngợi những “thành tựu” của nền giáo dục Việt Nam trong năm năm nhiệm kỳ của ông Nhạ. Ví dụ VTC có bài “Dấu ấn năm năm ngồi ghế nóng của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ”, hay “Bộ trưởng Giáo dục luôn phải đối diện với nhiều áp lực, sóng gió” của báo Giáo dục.
Thông thường, báo chí Nhà nước Việt Nam chỉ đăng các bài tổng hợp thông tin hay tiểu sử của của một quan chức nào đó khi người này sắp phải rời chức vụ.
Một chuỗi dài những thất bại
Theo VTC, dấu ấn ông Phùng Xuân Nhạ để lại là những chỉ đạo, quyết sách lớn giúp giáo dục Việt Nam thăng hạng, đổi mới chương trình bắt kịp quốc tế. Trong đó có các vấn đề được cho là “thành tựu” như: đã phổ cập giáo dục cho 99% trẻ em vào lớp một; đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường; lần đầu tiên Việt Nam có bốn đại học vào top 1000 trường tốt nhất thế giới, 11 trường nằm trong danh sách 500 đại học hàng đầu châu Á; gộp hai chung kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng vào thành một gọi là kỳ thi THPT quốc gia; hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được thăng hạng, xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới…
Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Dũng giảng dạy tại Đại học Sư phạm nói với RFA rằng ông Phùng Xuân Nhạ là người bộ trưởng có năng lực yếu kém, có quá nhiều tai tiếng, mà chính đảng của ông ấy cũng nhận ra điều đó và loại ông ra khỏi Trung ương đảng:
"Điểm lại những gì ông Nhạ làm được thì cũng bình thường, có nghĩa là nó đã được lập trình như thế rồi. Mọi chuyện là như vậy thì ai cũng sẽ làm được như thế thôi.
Còn chuyện “làm được” ở đây tôi hình dung là phải làm được những chuyện có ý nghĩa nổi trội, sao cho giáo dục sẽ không còn như xưa nữa. Cái đó thì ông đã hoàn toàn thất bại.”
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đánh giá nhiệm kỳ năm năm qua của ông Nhạ là một chuỗi dài của nhiều thất bại nối tiếp nhau:
"Tôi nhìn nhận rằng ông Phùng Xuân Nhạ đã hoàn toàn thất bại trong vấn đề quản lý điều hành nền giáo dục ở Việt Nam.
Ông đã nhận cái chức vụ này trong thời điểm mà nền giáo dục Việt Nam đang bị đặt trước những thách thức lớn, trước những hậu quả không hay, và nhất là yêu cầu đổi mới, cải tiến, thay đổi. Nhưng mà ông Phùng Xuân Nhạ đã không thực hiện được một điều gì đáng kể, mà có thể nói rằng ông đã liên tục lúng túng trong hành xử của mình.
Có nghĩa rằng trong khoảng thời gian ông làm là một chuỗi dài thất bại liên tục. Ông ấy đã gây cho giáo dục Việt Nam nhiều sự khó khăn và phải nói rằng ông Phùng Xuân Nhạ đã không xứng đáng với chức vụ này.”
Các vụ “bê bối” trong nhiệm kỳ ông Nhạ
Trong năm năm dưới sự lãnh đạo của ông Phùng Xuân Nhạ, nền giáo dục Việt Nam đã xảy ra hàng loạt các vụ “bê bối” từ lớn đến nhỏ, xuất phát từ giáo viên cho đến học sinh, từ cấp mầm non lên đến bậc đại học…
Theo giáo sư Nguyễn Đăng Hưng và tiến sỹ Hoàng Dũng, ngành giáo dục Việt Nam thời ông Nhạ có quá nhiều vụ việc tai tiếng “kể không biết đến khi nào mới hết”. Mới đây là vụ sách giáo khoá Tiếng Việt lớp Một bị chỉ trích dữ dội vì có nội dung không phù hợp với trẻ em, dạy trẻ thói hư, lười biếng, lừa lọc, khôn lỏi:
"Có rất nhiều thứ, nhưng có thể nói cái gần đây nhất là về vấn đề sách giáo khoa cấp bậc tiểu học. Sách giáo khoa được Bộ Giáo dục Đào tạo đề ra đã bị phản ứng rất dữ dội của người dân.
Đặc biệt là những người ý thức được tầm quan trọng của giáo dục tiểu học. Những sơ sót trên phản ảnh thiếu nghiêm túc trong công việc xây dựng giáo dục cấp bậc tiểu học, có thể nói là tệ." - GS. Nguyễn Đăng Hưng
"Tôi nhớ nhất là lời nói ông Nhạ phát biểu khi các cô giáo bị quan chức địa phương điều đi tiếp khách. Trong vụ việc đó, người ta chờ đợi người lãnh đạo cao nhất ngành giáo dục, nếu mà mạnh mẽ, thì phải tỏ ý phẫn nộ vì lãnh đạo địa phương đã không làm những chuyện đúng đắn." - TS. Hoàng Dũng
Vụ việc nhiều nữ giáo viên trẻ bị lãnh đạo xã điều đi tiếp khách ở Liên hoan Dân ca mà tiến sỹ Hoàng Dũng vừa đề cập, xảy ra ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh hồi năm 2016. Trong lúc đi ăn uống, hát hò, các giáo viên còn bị ôm vai, bá cổ. Sau khi báo chí đưa tin, trưởng phòng Giáo dục thị xã nói đó là “nhiệm vụ cần phải thực hiện”.
Một số vụ bê bối khác trong ngành giáo dục Việt Nam trong năm năm gây rúng động công luận.
Vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018: có gần 400 bài thi được nâng khống điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình. Trong các bài thi được nâng điểm, có 44 thí sinh là con em cán bộ tỉnh, bảy thí học đậu học viện An ninh Nhân dân, 16 thí sinh thi học viện Cảnh sát Nhân dân.
Tháng 8/2019, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an xác định Đại học Đông Đô đã cấp văn bằng 2 Cử nhân ngôn ngữ Anh cấp tốc cho khoảng 600-700 người, với giá từ 28-35 triệu đồng, trong đó có nhiều người là cán bộ, công chức nhà nước.
Ngoài ra, còn có một loạt các vụ bạo lực học đường như: Cô giáo bắt học sinh lớp Ba uống nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng; Cô giáo yêu cầu cả lớp tát một nam sinh lớp Sáu tổng cộng 231 cái, khiến em này nhập viện; Nữ sinh lớp 10 tự tử vì uất ức với hình thức kỷ luật “bêu” tên trước toàn trường…
Ông Nhạ đã từng đứng ra nhận trách nhiệm về những yếu kém trong ngành giáo dục. Một lần trước Quốc Hội vào tháng 5/2019 liên quan đến vụ gian lận thi cử. Tháng 10/2020, ông Nhạ một lần nữa nói ông sẽ chịu trách nhiệm về nội dung sách giáo khoá Tiếng Việt lớp Một.
Tuy nhiên, sau những lần “chịu trách nhiệm” như vậy, người ta vẫn thấy ông nghiễm nhiên tại vị mà không bị bất kỳ hình thức kỷ luật nào.
Phải thay đổi tư căn bản
Nếu ông Phùng Xuân Nhạ rời chức vụ trong thời gian tới, liệu người mới lên thay có làm cho nền giáo dục Việt Nam “cất cánh” được như lời của ông Nhạ đã từng phát biểu hay không.
Câu trả lời của tiến sỹ Hoàng Dũng là không. Theo ông, muốn có những thay đổi mang tính chất quyết định, một mình Bộ trưởng không đủ năng lực, quyền hạn để thực hiện. Vì nó liên quan đến vấn đề thể chế chính trị:
"Với một thể chế như thế này thì chỉ có thể làm việc tốt hơn một chút, chứ còn để nó trở thành một bước ngoặc để thay đổi nền giáo dục rõ ràng thì cái đó là chuyện khó lắm. Đó là việc cả một đảng phải lo mà làm, chứ không phải việc của riêng ông Giáo dục.
Một mặt họ tuyên bố rằng phải dạy sao cho học trò mài sắc được tư duy phản biện, nhưng một mặt thì lại đưa Chủ nghĩa xã hội vào như là một cái bắt buộc phải giảng dạy, bắt buộc phải thấm nhuần. Những cái đó mâu thuẫn nhau mà muốn gỡ thì Bộ trưởng không gỡ được.”
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng khẳng định chừng nào nhà trường còn được dùng làm nơi quảng bá, tuyên tuyên, phục vụ cho một nhóm lợi ích thì chừng đó giáo dục vẫn chưa phát triển được:
“Nền giáo dục Việt Nam cần phải phải có một sự sửa đổi căn bản, chứ không phải là những sự sửa đổi bề ngoài.
Vấn đề căn bản đó là phải đặt lại vấn đề về triết lý giáo dục cho con người Việt Nam, có phải là giáo dục cho con người hay là giáo dục vì quyền lợi của một nhóm lợi ích?
Cho nên giáo dục muốn cho nhân văn thì phải có cách cởi mở, đa chiều và phải loại trừ tất cả những yêu cầu, những quan điểm mà lấy học đường để làm một cơ sở tuyên truyền cho những ý thức cục bộ của một nhóm lợi ích.”