Lợi ích gì từ Hiệp Định Thương Mại Tự Do giữa Việt Nam với EU?

0:00 / 0:00

Việt Nam và EU sẽ ký kết Hiệp Định Tự Do Thương Mại EVFTA ngày 30 tháng Sáu này tại Hà Nội.

Tin được Bộ Công Thương Việt Nam loan đi hôm 25, cho hay thủ tục rà soát pháp lý EVFTA đã kết thúc cùng ngày tại Bỉ, và Hội Đồng Châu Âu chính thức chấp thuận hai Hiệp Định giữa EU và Việt Nam về Thương Mại Tụ Do EVFTA và về Bảo Hộ Đầu Tư EVIPA.

Truyền thông trong nước nhanh chóng loan tin này, dẫn lời bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh rằng với EVFTA và EVIPA thì Việt Nam một lần nữa khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, giúp đất nước tiến đến sự phồn vinh và tiến bộ xã hội.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, trình bày mối tương quan tế nhị và không thể không có giữa Việt Nam với EU qua Hiệp Định Thương Mại Tự Do EVFTA sắp thành hình sau một thời gian đàm phán khá là dài:

Đối với Việt Nam có thể nói Hiệp Định, một phần liên quan tới thương mại tự do và một phần tới bảo hộ đầu tư, thí nó nằm trong mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế mà chính phủ Việt Nam đưa ra. Cho tới nay Việt Nam đã ký hơn 10 hiệp định tự do song phương nhưng mà có thể nói Hiệp Định của EU rất quan trọng vì EU là một thị trường rất lớn của Việt Nam bên cạnh các thị trường như Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra EU cũng là đối tác mà Việt N am coi trọng trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại là đa dạng hóa, đa phương hóa.

Cho tới nay Việt Nam đã ký hơn 10 hiệp định tự do song phương nhưng mà có thể nói Hiệp Định của EU rất quan trọng vì EU là một thị trường rất lớn của Việt Nam bên cạnh các thị trường như Mỹ và Nhật Bản. -Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Mặt khác, EU trong vai trò một khối thống nhất, cũng là một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế. Bên trong EU, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích tiếp, gồm các quốc gia lớn và chủ chốt như Pháp và Đức, cũng là hai đối tác vô cùng quan trọng đối với Việt Nam:

Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam- EU không chỉ mang lại cho Việt Nam các cơ hội kinh tế để tăng trưởng xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư với EU mà còn giúp củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam với toàn bộ khối EU, cũng như giữa Việt Nam với từng quốc gia thành viên EU nói riêng.

Theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thông tin này được đón nhận một cách tích cực vì đó là kỳ vọng kinh tế và những cải cách liên quan đến kinh tế. Đây cũng là đường hướng thay đổi mà Việt Nam phải nhắm tới một khi bước vào EVFTA:

Cũng do các qui định của Hiệp Định này thì Việt Nam sẽ phải tiến hành một số cải cách trong nước, đặc biệt vấn đề quyền của người lao động chẳng hạn. Ngoài ra còn có những cải cách liên quan tới mua sắm công, cải cách doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn cải cách này cũng được kỳ vọng là sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nền kinh tế và giúp bộ máy chính trị Việt Nam vận hành hiệu quả, minh bạch hơn.

Dưới mắt tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, đặc điểm của EVFTA sắp được ký giữa Việt Nam và EU trong vài ngày nữa là:

Là một trong những hiệp định đầu tiên thuộc dạng các Hiệp Định Thương Mại Tự Do thế hệ mới, chất lượng cao. Tức là nó không chỉ bao gồm các vấn đề thương mại mà nó còn liên quan tới các vấn đề về đầu tư, về quản trị, về các vấn đề gọi là bên trong biên giới của một quốc gia, liên quan tới bảo vệ quyền lợi người lao động, bảo vệ môi trường vân vân…

Trong khi Hiệp Định chưa có hiệu lực thì chúng ta cũng cần phải quan sát thêm, xem thử là trong thời gian tới cái triển khai thực tế của Việt Nam như thế nào. Tuy nhiên bước đầu tôi nhận thấy Việt Nam dường như có thiện chí và sẽ cố gắng thực hiện các cam kết mà mình đã đề ra.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ nhì của EU trong toàn khối ASEAN, chỉ sau Singapore, với kim ngạch hàng hóa 49,3 tỷ Euro và kim ngạch dịch vụ trong khoảng 3 tỷ Euro.

Và dù như càng ngày càng có thêm nhiều công ty Châu Âu nhìn vào Việt Nam như một trung tâm đầu tư kinh doanh hứa hẹn của khu vực Mekong thì mặt khác tổng mức đầu tư từ EU vào Việt Nam còn khá là khiêm tốn với khoảng 6 tỷ Euro năm 2017.

Những mặt hàng nhập khẩu chính từ Việt Nam vào EU lâu nay là viễn thông, giày dép, hàng dệt may, hàng nội thất và nông sản. Ngược lại, hàng xuất khẩu chủ yếu từ EU qua Việt Nam là máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất, thực phẩm, thức uống.

Cao ủy Thương mại của EU, bà Cecilia Malmström, người sẽ đến Hà Nội ký kết EVFTA với Việt Nam vào ngày 30/6/2019.
Cao ủy Thương mại của EU, bà Cecilia Malmström, người sẽ đến Hà Nội ký kết EVFTA với Việt Nam vào ngày 30/6/2019. (AFP)

Người dân được hưởng những gì từ những FTA tức những hiệp định thương mại song phương mà Việt Nam đã ký? Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp:

Từ các hiệp định thương mại tự do trong đó có Hiệp Định Việt Nam và EU thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới. Khi kinh tế phát triển chung như vậy thì lợi ích sẽ chạy xuống các tầng lớp dân cư một cách đồng đều. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng ở Việt Nam tình trạng phân hóa giàu nghèo vẫn đang tồn tại mà còn có xu hướng ngày càng mở rộng trong thời gian tới.

Nên là mặc dù mỗi người sẽ có miếng bánh lớn hơn nhưng mà sự gia tăng hay mức độ lớn hơn từng miếng bánh của mỗi người sẽ có sự khác nhau. Đấy là điều tôi nghĩ khó tránh khỏi, nó diễn ra ở bất cứ nền kinh tế nào khi cái hiệu ứng thương mại tự do không được phân chia đồng đều.

Nhưng nếu Việt Nam thực hiện một cách minh bạch và nghiêm túc những điều khoản ràng buộc của EVFTA thì hy vọng phúc lợi của mỗi người dân sẽ tăng lên trong dài hạn, là kết luận của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Theo bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-EU là cơ hội cho giới đầu tư Châu Âu hưởng mọi điều kiện thuận lợi, ưu đãi trong hoạt động kinh doanh mua bán với các khu vực tự do thương mại khác mà Việt Nam tham gia.

Nó chỉ có sự tích cực duy nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Châu Âu. Nói chung là giới doanh nghiệp, vì khi được Hiệp Định này thì sẽ được miễn thuế và sẽ giảm thuế rất lớn, một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu sẽ được hưởng lợi thí dụ như da giày. -Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Có nhiều lý do khiến Việt Nam đặc biệt cần tới Hiệp Định Thương Mại Tự Do với EU, nhất là nhìn từ góc độ bất cập của xuất siêu và nhập siêu từ Việt Nam sang Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, là nhận định của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng:

Cho tới nay mặc dù ký rất nhiều hiệp định thương mại song phương FTA với các nước nhưng tình hình xuất siêu của Việt Nam, tức là thu ngoại tệ của Việt Nam, rất yếu ớt. Lấy thí dụ như thế này: xuất siêu của hàng Việt Nam vào Mỹ theo FTA giữa Việt Nam và Mỹ là khoảng 30 tới 35 tỷ Đô La một năm. Năm 2019 có thể tăng hơn, có thể là 36 thậm chí 40 USD. Vào Châu Âu thì Việt Nam xuất siêu khoảng 20 đến 25 tỷ USD một năm.

Nhưng bù lại Việt Nam phải nhập siêu khủng, khổng lồ từ Trung Quốc, một năm ít nhất là 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và khoảng 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch. Có nghĩa một năm mình mất tới khoảng 50 tỷ đô la nhập siêu từ Trung Quốc. Việt Nam cũng phải nhập siêu rất lớn từ Hàn Quốc với 25 tỷ USD một năm. Còn mối quan hệ đối tác thân thiện với Nhật Bản thì coi như xuất siêu và nhập siêu bằng không.

Đó là lý do Việt Nam phải nắm được Hiệp Định để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Châu Âu, còn Hiệp Định này có mang lại tương lai tươi sáng cho người lao động hay không cũng là chuyện quan trọng không kém:

Nó chỉ có sự tích cực duy nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Châu Âu. Nói chung là giới doanh nghiệp, vì khi được Hiệp Định này thì sẽ được miễn thuế và sẽ giảm thuế rất lớn, một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu sẽ được hưởng lợi thí dụ như da giày.

Nhưng điều đó cần xác định lại là chỉ cho giới doanh nghiệp, còn người lao động thì từ trước tới nay vẫn bị hai tầng bóc lột. Một là giới doanh nghiệp và hai là công đoàn nhà nước, các sắc thuế của chính quyền Việt Nam. Cho nên họ không hưởng lợi gì mà chỉ được cái là duy trì công ăn việc làm trong khoảng thời gian nào đó mà thôi, nhưng về mức lương và đời sống vẫn không được cải thiện.

Trên nguyên tắc những điều khoản mà Việt Nam phải thực hiện khi ký EVFTA đều có tính ràng buộc. Theo giải thích của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, Hiệp Định được hai bên ký vào cuối tháng 6 này còn phải trình cho Nghị Viện Châu Âu cũng như Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn.

Vì thế EVFTA chắc chắn có sự ràng buộc thực hiện, và nếu một bên nào không tuân thủ thì sẽ có các biện pháp chế tài để buộc họ phải thực hiện những cam kết của mình.