Dự báo của khí tượng thủy văn Trung ương cho biết nhiệt độ cao kỷ lục ở Việt Nam trong tháng 4 năm nay đạt ở mức hơn 43’C tại một số đia phương như huyên Hương Khê, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Nghệ An trong khi đó nhiệt độ thông thường tại các khu vực này chỉ dao động khoảng từ 27-32’C trong tháng 4.
Đà Nẵng đạt mức 37,7’C và vượt ngưỡng 40,5’C tại Huế. Tại khu vực miền Nam Việt Nam trong những ngày qua nhiệt độ lên tới 32 – 37’C
Tờ Washington Post của Hoa Kỳ vào ngày 23/4 mô tả mức nhiệt độ hơn 43’C đủ để làm mềm sáp màu, làm tan chảy thanh socola và khiến nhiệt độ bên trong xe hơi đậu ngoài trời có thể lên tới hơn 60’C.
Một người dân sống tại Sài Gòn không muốn nêu tên cho chúng tôi biết thời tiết nắng nóng tại Việt Nam là chuyện bình thường nhưng năm nay nó bất thường hơn mọi năm rất nhiều.
“Thật ra mọi năm thời tiết xét về nhiệt độ không bằng năm nay nhưng có những năm mình có cảm giác nó cũng nóng như thế này nhưng không khó chịu như năm nay, nó rất là gây gắt trong khoảng thời gian mà mình đi ra đường từ 9g sáng đến 3g chiều thì nó cực kì khó chịu.”
<i>Thật ra năm nào trong thời điểm này đều nắng nóng hết nhưng năm nay đặc biệt có vẻ nắng nóng cao hơn mọi năm, chúng tôi có đo một số nhiệt độ không khí, đường phố thì có những nơi lên tới 42 – 43'C lận.</i>
<i>- TS. Lê Anh Tuấn</i>
Chuyên gia thời tiết bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng dự báo đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ trả lời với báo Zing.vn hôm 24/4 rằng, nhiệt độ tại một số khu vực đã vượt mức chuỗi số liệu nhiều năm nay, nhiệt độ đỉnh điểm tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn có khi lên tới 40’C nhưng vẫn chưa vượt mức lịch sử so với năm 1998. Dù vậy, người dân ra đường luôn có cảm giác khó chịu do nắng nóng kéo dài liên tục nhiều ngày.
Đồng ý với điều này, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc trường đại học Cần Thơ nói với chúng tôi rằng, năm nào thời tiết cũng nắng nóng nhưng đặc biệt năm nay có diễn biến bất thường so với cùng kỳ năm trước, nhiều trường hợp đã phải nhập viện vì nhiệt độ lên quá cao, đặc biệt là trẻ em.
“Đúng là năm nay thời tiết rất là bất thường, nhiệt độ mà chúng tôi đang quan sát tại khu vực phía nam này cao hơn trung bình nhiều năm so với cùng thời điểm này. Khắp nơi rất là oi bức và người dân rất là hạn chế đi ra ngoài đường bởi vì thời tiết nó rất là gây gắt và số người bệnh và đặt biệt là trẻ con tăng lên rất nhiều. Thật ra năm nào trong thời điểm này đều nắng nóng hết nhưng năm nay đặc biệt có vẻ nắng nóng cao hơn mọi năm, chúng tôi có đo một số nhiệt độ không khí, đường phố thì có những nơi lên tới 42 – 43’C lận. Khi tôi theo dõi biến đổi khí hậu toàn cầu thì bây giờ trong khu vực bên này thì El Nino đã quay trở lại và do một số tác động do biến đổi khí hậu nữa và nó gay gắt hơn những thời điểm trước.”
Báo zing.vn vào đầu tháng 4/2019 loan tin dẫn thống kê của riêng bệnh viện Nhi Đồng 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình từ 5000 – 6000 trẻ em khám bệnh và hơn 200 em phải nhập viện điều trị mỗi ngày và số ca nhập viện do hô hấp trong những ngày nắng nóng tăng đáng kể.
Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn còn cho biết một nguyên nhân khác là do biến đổi khí hậu toàn cầu khiến cho hoàn lưu khí quyển thay đổi nên xuất hiện nắng nóng cực đoan như vậy.
Ông Nguyễn Đạt Ân, chuyên viên nghiên cứu biến đổi khí hậu toàn cầu thuộc nhóm nghiên cứu Planet Titanic giải thích với chúng tôi sự nóng bất thường từ giữa tháng 4/2019 này do hai nguyên nhân:
“Chu kỳ khí hậu El Nino đã bắt đầu quay trở lại trên Thái Bình Dương, đẩy toàn bộ dòng biển ấm và khối khí nóng ẩm sang khu vực phía Đông Thái Bình Dương (Châu Mỹ Latin, Nam Mỹ), khiến khu vực phía Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng chủ yếu bởi khối khí nóng, khô từ lục địa Châu Á đi xuống. Năm 2016-2017, vùng Đông Nam Á đã từng bị ảnh hưởng bởi nền nhiệt cao đột biến như vậy. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gia tăng về cường độ và biên độ, với xu hướng Dòng Tia Bắc Cực (Jet Stream) bị xoắn và dao động, đẩy khối khí lạnh tràn xuống Bắc Mỹ trong thời gian vừa qua, gây bão tuyết cực đoan, bomb cyclone và mưa to, lụt lội, và cũng đồng thời để cho khối khí nóng tại khu vực Bắc Thái Bình Dương tràn vào eo biển Bering, vùng Siberia và Alaska.”
Ông Nguyễn Đạt Ân cho biết, Châu Á đang có xu hướng không bị ảnh hưởng bởi khối khí lạnh từ Đông Bắc thường xuất hiện trong mùa này, nên sẽ chắc chắn nóng hơn rất nhiều.
Theo dự đoán của bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng Thủy văn Trung ương trả lời với báo zing.vn hôm 24/4 rằng, do đợt nắng nóng kéo dài này trong những tháng tới sẽ có hiện tượng hạn hán, xâm ngập mặn và có thể cháy rừng tại khu vực Bắc Trung Bộ, trong khi đó khu vực Nam Bộ chuẩn bị vào mùa mưa nên hạn hán không bị tác động nhiều.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn xác nhận với chúng tôi rằng, hiện nay các số liệu thu thập được chưa ghi nhận hiện tượng cháy rừng nhiều nhưng các vùng ven biển thì khô nóng và độ ẩm rất thấp, nước bốc hơi cao và xâm ngập mặn sâu vào đất liền. Tiến sĩ giải thích thêm:
“Thật ra thì dự báo này rất khó nhưng mà căn cứ vào những dự liệu mà chúng tôi có được thì mùa khô năm nay có thể gây gắt hơn và mùa mưa có thể tới trễ hơn, cũng như đầu mùa mưa cũng có thể có những đợt hạn vào đầu mùa, tuy nhiên vào cuối mùa có thể có những trận mưa lớn bất thường nhưng điều đó cũng không chắc chắn lắm, chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi từ các số liệu của cơ quan khí tượng để đưa ra những cảnh báo sắp tới.”
Ngoài ra, tiến sĩ Lê Anh Tuấn còn cho biết thêm để đưa ra biện pháp hạn chế cho đợt nắng nóng này, các chuyên gia khí tượng khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với ánh nắng bên ngoài vì thời điểm này các tia bức xạ từ mặt trời rất cao sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, da và mắt.
Đồng thời, tiến sĩ Lê Anh Tuấn còn khuyến cáo người nông dân không nên gieo trồng lúa thời điểm này vì nước là loại tiêu thụ nước nhiều và tình trạng nắng nóng cực đoan này sẽ còn lập lại nhiều lần trong vài năm tới. Do đó cách tốt nhất hiện này là người dân cần lập những khu dự trữ nước mưa hay nước lũ và các vùng trũng trong khu vực, trồng nhiều cây xung quanh nhà, đường phố, trường học hay các cơ quan để tạo bóng mát cũng như giảm bớt tác động nắng nóng này.