Đảng nhìn nhận những nguy cơ về an ninh nguồn nước của Việt Nam

0:00 / 0:00

Kết luận của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây đã nhìn nhận việc bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân theo Bộ Chính trị là do nhận thức của một số cán bộ và người dân về bảo đảm an ninh nguồn nước không đầy đủ. Dẫn đến việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước – Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại Học Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 6/7, cho biết tình hình thực tế:

“Hằng năm Cục Phòng chống Thiên tai và Cục Quản lý Đê điều đều yêu cầu kiểm tra các đập thủy điện, hư hỏng ở đâu phải sửa chữa ngay để kịp thời ứng phó, phòng ngừa bão lũ… Nhưng cũng tùy mỗi địa phương áp dụng thế nào, nguồn kinh phí ra sao và tùy công trình hư hỏng nhiều hay ít. Phần lớn các công trình đó chịu mưa bão khá tốt, chỉ có một số trường hợp bị sạt lở, nhưng chưa phải là nghiêm trọng. Chỉ có khu vực miền núi thì thủy điện bị tàn phá nhiều, gây nguy hiểm cho người dân.”

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì chúng tôi có khuyến cáo những hộ dân ở vùng sâu phải kế hoạch trữ nước để khi khan hiếm nước trong thời gian ngắn do hạn hán thì có nước sử dụng.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Kết luận của Bộ Chính trị cũng cho rằng pháp luật Việt Nam liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn thiếu, chưa đồng bộ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, mất an toàn đập…

Hợp tác quốc tế về nguồn nước theo Bộ Chính trị đã được mở rộng với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam trong khai thác, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới. Tuy nhiên theo cơ quan này việc bảo đảm an ninh nguồn nước từ nước ngoài có hiệu quả chưa cao...

Thạc sĩ Hồ Long Phi – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM, khi trả lời RFA hôm 6/7 cho rằng:

“Hiện nay việc phụ thuộc nguồn nước từ nước ngoài chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng cũng có nhưng tỷ lệ không nhiều. Như vậy lượng nước chủ yếu dùng để sản xuất lúa nên khá là cao,nếu trong tương lai nguồn nước không đảm bảo thì bắt buộc phải bỏ cây lúa, thay thế bằng cây khác. Nhưng cái lệ thuộc (nước ngoài) lớn nhất ở đây là lệ thuộc chế độ thuỷ văn, khi mực nước biến động lên xuống thì chúng ta không chủ động được. Nên người dân ở ĐBSCL thiếu chủ động trong sự tính toán, có khi mùa khô nước lại tăng lên trong khi mùa lũ thì không có nước, mọi tính toán có thể bị đảo lộn.”

4907ecfa-06b3-422e-b547-97c6005165d1.jpeg
Ảnh minh họa chụp tại ĐBSCL trước đây. AFP PHOTO.

Trong một phát biểu về vấn đề an ninh nguồn nước, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - Nguyễn Xuân Cường cho biết nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, chiếm đến 63%. Đây là một thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia. Theo ông Cường, Việt Nam có tổng cộng hơn 200 con sông. Tuy nhiên, có đến trên 50% con sông từ nước ngoài chảy vào, với khoảng 520 tỷ m3, tương ứng 63% tổng lượng nước mặt sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ.

Dù bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập của Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng Bộ Chính trị vẫn đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất…. Đến năm 2030 sẽ có100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng mục tiêu của Bộ Chính trị cũng không phải là quá khó. Vì hiện nay hầu hết ở cấp xã đều đã có hệ thống cấp nước, tuy nhiên theo ông Tuấn cũng có thời điểm trong năm nguồn nước bị khan hiếm, nhiễm mặn hoặc ô nhiễm… dẫn đến việc cấp nước không liên tục. Ông nói tiếp:

“Ở vùng khác thì chúng tôi không nắm rõ, nhưng khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì chúng tôi có khuyến cáo những hộ dân ở vùng sâu phải kế hoạch trữ nước để khi khan hiếm nước trong thời gian ngắn do hạn hán thì có nước sử dụng. Tôi nghĩ việc cấp nước sinh hoạt thì không phải khó khăn, chỉ có cấp nước cho sản xuất là vấn đề phải nghiên cứu giải quyết.”

Nhiều địa phương làm nhà máy nước sạch, nhưng người dân không đấu nối vào hệ thống, vì họ khoan giếng rẻ hơn. Nên nhiều nhà máy nước không hoạt động hết công suất. Tình trạng này khá phổ biến.
-Thạc sĩ Hồ Long Phi

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Hồ Long Phi cũng cho rằng mục tiêu về tỷ lệ hộ dân có nước sạch sử dụng của Bộ Chính trị không là gì cần phải phấn đấu ghê gớm. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Nhưng nhiều địa phương làm nhà máy nước sạch, nhưng người dân không đấu nối vào hệ thống, vì họ khoan giếng rẻ hơn. Nên nhiều nhà máy nước không hoạt động hết công suất. Tình trạng này khá phổ biến. Thứ hai là đô thị hóa của Việt Nam còn thấp mới chỉ đạt 30 - 40 %, đầu tư nước sạch tập trung rất tốn kém nên đường ống chạy ngang một con đường thì phải có nhiều nhà mới hòa vốn. Chứ nếu chạy một cây số chỉ có một hai căn nhà thì chắc chắn lỗ. Nếu hiểu rộng ra thì nước sạch ở đây không phải là nước sạch tập trung, mà nước sạch bằng những giải pháp kết hợp để giải quyết cho nông thôn, miễn là đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Thì tôi nghĩ có thể làm được.”

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chỉ thị của Trung ương dù có tốt đến đâu… nhưng việc thực hiện của địa phương không phải lúc nào cũng tốt. Có rất nhiều tham vọng của Trung ương nằm trong các Nghị quyết, Nghị định… nhưng việc thực hiện của địa phương lại không đạt, do trình độ cán bộ hay do không đủ kinh phí.

Ngoài việc có đến 63% lượng nước tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng, và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn... thì theo Bộ NN&PTNT việc gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng là các yếu tố đã và đang tác động đến chất lượng nước của các sông, hồ. Hiện, các hồ và kênh mương ở những khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới-World Bank vào năm 2020, lượng nước bình quân đầu người Việt Nam hiện thấp hơn của Hội Tài nguyên Nước Quốc tế, chỉ đạt hơn 3.800m3 so với 4.000m3/người/năm.