Ngày 17 tháng 8, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tổ chức cuộc hội đàm về vấn đề già hoá dân số ở Việt Nam do tiến sĩ Giang Thanh Long từ đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội trình bày.
Hiện số lượng người trên 60 tuổi ở Việt Nam là hơn 11 triệu trong tổng số 97 triệu dân, và đang trên đà gia tăng, theo dự kiến thì đến năm 2036 Việt Nam sẽ chạm đến ngưỡng dân số già.
Việc dân số già hoá, theo tiến sĩ Giang Thanh Long, là vì hai lý cho chính bao gồm tỉ lệ sinh giảm và gia tăng tuổi thọ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ sinh ở Việt Nam đã giảm gần một nửa trong khoảng 30 năm qua, từ việc trung bình mỗi phụ nữ sinh gần bốn con ở thời điểm năm 1989 xuống còn chỉ hai con vào năm 2019. Về mặt tuổi thọ, dân số Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 74 tuổi, cao hơn mức tuổi thọ trung bình của thế giới là 72 tuổi.
Theo tiến sĩ Giang Thanh Long thì với tình hình dân số già hoá như hiện tại, sẽ nảy sinh nhiều thách thức cho nền kinh tế và xã hội.
“Ở thời điểm năm 2018, tính theo chỉ số Sức mua tương đương thì Việt Nam thuộc nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng người trên 65 tuổi đã chiếm hơn bảy phần trăm. Vậy nên, nếu tiếp tục đà này thì chúng ta sẽ già trước khi giàu.”
Già hoá dân số đe doạ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam ở nhiều khía cạnh, trong đó có việc thiếu hụt lực lượng lao động, sụt giảm năng suất, giá thành lao động gia tăng, giới hạn khả năng mở rộng của nền kinh tế, và khiến cho năng lực cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế bị giảm thiểu.
Cũng theo tiếng sĩ Long thì Việt Nam chỉ còn 15 năm trước khi đạt đến ngưỡng dân số già để tận dụng lực lượng lao động dồi dào nhằm phát triển kinh tế, và đề ra các chính sách đối phó với hệ quả của việc dân số bị già hoá. Và 15 năm, theo ông Giang Thanh Long, là rất ngắn.
Tăng năng suất lao động, tăng tỉ lệ sinh, và kéo dài tuổi lao động là những biện pháp mà Nhà nước Việt Nam đang phải thực hiện.
Năng suất lao động, theo tiến sĩ Long, có vai trò là “động lực chính” để chuyển hoá sự thay đổi của cơ cấu dân số thành sự tăng trưởng về mặt kinh tế. Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng đà tăng năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay vẫn còn quá chậm so với đòi hỏi của thực tế.
Chính phủ Việt Nam gần đây cũng đã có những biện pháp nhằm thúc đẩy tỷ suất sinh. Tháng Tư năm 2020, thủ tướng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 588, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 thì tỉ lệ sinh ở các địa phương hiện còn đang ở mức thấp sẽ tăng 10 phần trăm. Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những địa phương có tỉ lệ sinh thấp, với mức 1.4 con trên mỗi phụ nữ, khiến cho ông Bí thư Đảng uỷ Nguyễn Thiện Nhân phải cảm thán rằng phụ nữ ở đây “lười đẻ”.
Việt Nam cũng đã thông qua lộ trình kéo dài độ tuổi lao động thông qua việc nâng mức tuổi nghỉ hưu, cụ thể đến năm 2027, độ tuổi nghỉ hưu dành cho nam giới là 62 tuổi so với 60 tuổi như hiện nay. Đối với phụ nữ, hiện tuổi nghỉ hưu đang là 55, nhưng đến năm 2028 thì sẽ tăng lên thành 57 tuổi.
Già hoá dân số, theo tiếng sĩ Giang Thanh Long, cũng tạo ra gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội, trong đó có lương hưu và hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho người già. Ông cho biết:
“Chỉ có khoảng 10 phần trăm số người già cho rằng họ có sức khoẻ tốt, nhưng có tới 52 phần trăm tự cho rằng tình trạng sức khoẻ của họ là không tốt hoặc rất tệ.
Nếu tình hình này tiếp tục tiếp diễn ở trong tương lai, và khi chúng ta có nhiều người già hơn thì lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho người già sẽ phải đối mặt với nhiều gánh nặng. Điều đó có nghĩa, chúng ta cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để giảm thiểu gánh nặng cho tương lai.
Nếu chúng ta không làm gì cả, hoặc không nỗ lực đủ, chúng ta sẽ đối diện với những thách thức lớn về mặt ngân sách Nhà nước. Theo dự tính, tỉ lệ người già ở Việt Nam mắc bệnh không truyền nhiễm là rất cao, và nếu chúng ta không thay đổi gì về mặt chính sách thì trong tương lai chúng ta sẽ phải trả cái giá rất đắt.”
Việc chăm sóc người già ở Việt Nam hiện nay, theo tiến sĩ Long, phần lớn được thực hiện bởi người thân trong gia đình, và vấn đề lớn nhất là sự thiếu chuyên môn trong việc chăm sóc người già bị bệnh. Để giải quyết vấn đề này, ông Long đề bạt là cần phải thúc đẩy hệ thống bác sĩ gia đình hoặc đẩy mạnh đầu tư vào các trung tâm chăm sóc sức khoẻ cho người già.
Dịch bệnh do COVID-19 gây ra, theo tiến sĩ Giang Thanh Long, đã khiến nhiều lao động tuy còn trẻ nhưng đã rơi vào cảnh không còn khả năng tài chính để chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản. Ông Long cho rằng đây là lời cảnh tỉnh cho những người khác về nguy cơ của việc không có sự đảm bảo về tài chính. Do vậy người trẻ cần phải tham gia các chương trình bảo hiểm hoặc quỹ hưu trí ngay bây giờ để khi về già hoặc khi gặp biến động về việc làm, thì sẽ có sự bảo đảm.