Thông báo của Luật sư Ngô Ngọc Trai vào ngày 18/1 trên trang Facebook cá nhân cho biết, sau khi nhận lời tư vấn đề nghị trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, trong khoảng thời gian 5 tháng qua, công ty của ông đã gửi tổng cộng 12 đơn thư tới văn phòng chủ tịch nước mà đến nay vẫn không nhận được phản hồi chỉ nhận được hồi đáp của Viện kiểm sát tối cao, văn phòng chính phủ và Bộ Công an.
Do đó, luật sự đã gửi đơn khởi kiện Văn phòng Chủ Tịch nước vì đã không hồi đáp giải quyết 12 lá thư về đề nghị đặc xá tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 52 tuổi người đang thụ án 16 năm về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, anh bị chính quyền Hà Nội kết án từ tháng 5/2009 và hiện đang bị giam tại trại giam số 6 tỉnh Nghệ An.
Theo luật sư Ngô Ngọc Trai, sau khi tòa án thành phố Hà Nội trả lại đơn kiện của công ty mà không đưa ra được lý do xác đáng, công ty luật đã gửi đơn khiếu nại lên tòa án cấp cao Hà Nội theo đúng quy định của Luật tố tụng hành chính. Tuy nhiên, vào ngày 10/1 tòa án cấp cao Hà Nội cũng đã có văn bản trả lời không chấp nhận đơn kiện này.
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng văn phòng chủ tịch nước là chủ thể có thể bị khởi kiện nhưng tòa án cấp cao đã bác bỏ điều này. Luật sư viết trên thông báo của mình rằng:
<i>Thức muốn nhấn mạnh vấn đề là nhà nước mình phải thượng tôn pháp luật. Ảnh muốn sự tự do của ảnh phải đúng luật và phải trở thành một án lệ cho tất cả những người tù nhân khác cũng được hưởng chính sách như vậy.</i>
“Mặc dù Luật tố tụng hành chính đã quy định rõ Văn phòng chủ tịch nước là chủ thể có thể bị khởi kiện hành chính và tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết, nhưng trong văn bản trả lời cho chúng tôi Tòa án cấp cao lại cho rằng "Văn phòng chủ tịch nước không phải là cơ quan hành chính nhà nước nên không thuộc đối tượng để khởi kiện vụ án hành chính .Nhưng thôi, tôi thấy cũng không cần phải tranh cãi nữa, chúng tôi sẽ chấp nhận nội dung trả lời và không khiếu nại đi đâu, vì theo Luật tố tụng hành chính thì quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan tòa án cấp trên trực tiếp cũng là quyết định giải quyết cuối cùng.”
Đài Á Châu Tự Do có liên lạc với chị Diệu Liên, người chị thứ 5 trong gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức để tìm hiểu thêm thông tin và được chị xác nhận, đến nay vẫn chưa có động thái gì từ phía chính quyền:
“Luật sư thì anh Ngọc Trai trước đó cũng có gửi đơn đi nhưng cuối cùng cũng không có được sự trả lời của chủ tịch nước và đến hôm nay họ vẫn không trả lời. Thậm chí cái lá đơn mà anh Thức gửi lên tòa án vào ngày 18/7/2018 thì cũng không được trả lời. Trong lá đơn đó ảnh có đưa ra cái điều mà luật mới 2015 đã sửa đổi và dựa vào điều 109 khoảng 3 và đúng ra anh Thức đã được tự do, có nghĩa là miễn hình phạt còn lại nhưng đến nay họ vẫn chưa trả lời cái đơn đó. Tình hình là cho dù có đưa đơn hay làm bất cứ điều gì thì cũng không có động thái gì từ phía chính quyền Việt Nam hết.”
Theo Bộ Luật hình sự 2015 đã sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” cho rằng mức hình phạt cho việc “chuẩn bị phạm tội” từ 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bản án của ông Thức được đưa ra là 16 năm vào năm 2009 và nó đã quá thời hạn rất nhiều so với Bộ luật hình sự sửa đổi nên gia đình gửi đơn đề nghị chính quyền trả tự do cho ông nhưng câu trả lời từ phía nhà nước cho rằng “không có căn cứ để xem xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức”
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu tuyệt thực từ tháng 8/2018 kéo dài 33 ngày và kết thúc tuyệt thực vào ngày 16/9 để yêu cầu chính quyền phải “thượng tôn pháp luật” theo Bộ Luật hình sự mới 2015 sửa đổi.
Theo thông tin từ gia đình ông Thức cho biết, từ khi kết thúc tuyệt thực cho đến nay tình trạng sức khỏe của ông Thức cũng dần ổn định. Tuy nhiên, từ đó đến nay ông chỉ ăn mì gói để cầm cự qua ngày.
Chị Liên cho biết về tình trạng của ông Thức hiện nay "Lần gia đình đi thăm gần đây nhất là vào khoảng 6/1, chị được biết là anh Thức vẫn còn đang ăn mì gói, ảnh ăn từ ngày 25/11 cho đến ngày hôm nay vẫn ăn mì gói và gia đình có hỏi thăm nhưng ảnh vẫn nói là chỉ ăn mì gói thôi. Sức khỏe của anh Thức theo chị thấy thì nhìn ảnh cũng bình thường như vậy không có biểu hiện ra điều gì nhưng gia đình cũng có quan tâm là nói ảnh đừng ăn mì gói nữa nhưng ảnh không nói gì cả chỉ nói em vẫn ăn."
Ngoài ra, chị Liên còn cho biết gia đình rất nhiều lần gửi đơn yêu cầu phía trại giam thông báo tình hình sức khỏe của ông Thức nhưng không bao giờ có câu trả lời phản hồi. Thậm chí, trong tất cả những lẫn thăm gặp theo định kỳ của gia đình với ông Thức, lực lượng an ninh luôn theo sát cùng gia đình trong mọi cuộc trao đổi.
“Họ hoàn toàn không có em, những lần gia đình đi thăm họ cũng canh giữ rất nhiều và khi những cuộc nói chuyện giữa gia đình và anh Thức thì cũng có nhiều nhân viên an ninh đứng đó, nghe, theo dõi và ghi chép rất là cẩn thận.”
Chị Liên cho chúng tôi biết mong muốn lớn nhất của ông Thức về việc trả tự do cho ông theo đúng quy định của luật pháp như sau:
“Cái mong muốn nhất của anh Thức về vấn đề đó là không chỉ cho riêng cá nhân ảnh nếu mà cách trả tự do theo mình mong muốn là đặc xá, đi tị nạn hoặc là trục xuất thì rõ ràng đó cũng chỉ là sự tự do tạm bợ thôi và anh Thức muốn nhấn mạnh vấn đề là nhà nước mình phải thượng tôn pháp luật. Ảnh muốn sự tự do của ảnh phải đúng luật và phải trở thành một án lệ cho tất cả những người tù nhân khác cũng được hưởng chính sách như vậy.”
Nhiều tổ chức dân sự trong và ngoài nước Việt Nam vào ngày 18/1 đã gửi thư đến Quốc hội Châu Âu đề nghị hoãn việc bỏ phiếu thông qua Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam và sử dụng các hoạt động sắp tới bao gồm cuộc họp Bộ trưởng EU – ASEAN và Kiểm điểm định kỳ ở UN, cũng như đối thoại nhân quyền giữa EU – Việt Nam để đòi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho những nhà hoạt động, bloggers đang bị cầm tù. Trong thư gửi EU, con số được ước tính là hơn 100 người và trong đó có ông Trần Huỳnh Duy Thức.