Tuyển mộ nhiều nhân viên có trình độ chuyên môn đang là nhu cầu của những công ty kinh doanh sản xuất các loại ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng kiếm được người đáp ứng yêu cầu là cả một vấn đề dù như đang có hàng trăm ngàn người mất việc vì dịch bệnh COVID-19 bảy, tám tháng nay.
Điều này được mô tả qua bài viết Anh ngữ trên tờ The Star hôm 14/9, dẫn lời giám đốc Phan Minh Thông của công ty Phúc Sinh rằng cơ sở kinh doanh do ông làm chủ đang cần một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và thành thạo vào các vị trí hành chính, tiếp thị, kế toán…
Quá trình xét tuyển cho thấy không có bao nhiêu người hội đủ điều kiện, ông nói, trong lúc nhiều người thất nghiệp đang rất cần việc làm trong giai đoạn khó khăn này.
Đã vậy, vẫn theo lời ông, có người đáp ứng được yêu cầu thì lại tỏ ra chi li, đòi hỏi công việc ổn định và mức lương phải cao hơn so với công việc họ bị mất trước đó.
Thị trường lao động có tay nghề cao và có trình độ ở Việt Nam hiện đang mất cân bằng cung cầu, là nhận định của chuyên gia nghiên cứu giá cả thị trường, tiến sĩ Vũ Đình Ánh:
“Chắc chắn là như vậy, bởi vì khi người ta có tay nghề cao và có trình độ thì người ta đòi hỏi công việc phù hợp, theo đó thu nhập phải tương xứng với trình độ của người ta. Cái đòi hỏi là chuyện chính đáng.Các doanh nghiệp thì cũng rất quan tâm đến vấn đề thu hút hoặc giữ chân được những người có tay nghề như vậy”.
"Thế còn ngược lại ở phân khúc lao động giản đơn thì ngược lại cung lớn hơn cầu rất nhiều, nên việc gọi là người lao động lựa chọn cũng không phải là dễ dàng".
Điều tiến sĩ Vũ Đình Ánh vừa nói cũng được bài báo nêu ra, tức chẳng cứ người có trình độ mà ngay cả những công nhân làm việc lâu năm trong các công ty may mặc hoặc da giày xuất khẩu chẳng hạn, rồi chẳng may bị mất việc vì dịch, nay lại có xu hướng kén chọn hơn, muốn làm việc cho công ty kinh doanh nào giống những cơ sở sản xuất họ đã làm từ trước.
Trường hợp tiêu biểu một nữ công nhân 22 tuổi, vì công ty đóng giày Huê Phong cắt giảm công nhân do không có hợp đồng, cho báo chí biết đã có một vài cơ sở may mặc cần người có tay nghề nhưng cô đã từ chối vì đồng lương ít mà công việc lại nhiều.
Theo một cán bộ trong Trung Tâm Dịch Vũ Việc Làm, Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Kiều Phương, lúc này kết hợp người cần việc làm với chủ thuê mướn công nhân không còn dể như trước nữa.

Một trong những lý do, bà giải thích tiếp, nhiều người thất nghiệp được Nhà Nước hỗ trợ tài chánh nên không sốt sắng đi kiếm việc mới mà cứ nhẩn nha chờ cho COVID-19 qua đi.
Tình trạng mất cân bằng cung cầu trong lĩnh vực tuyển mộ nhân viên có trình độ chuyên môn và tay nghề cao là có, thế nhưng vấn đề còn lại mà bài báo dẫn ra không phản ảnh hoàn toàn và chính xác thực tế của thị trường lao động Việt Nam, là nhận xét của tiến sĩ Vũ Đình Ánh:
"Tình trạng chung thì câu chuyện về tiền lương, điều kiện đãi ngộ hay điều kiện lao động rồi tính bền vững là một chủ đề khá là lớn và xuyên suốt. Còn bây giờ quay lại việc các công ty khó tuyển, đặc biệt trong mùa dịch bệnh này, thì chế độ bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam không phải là cao để bảo rằng người ta hưởng thất nghiệp nên không muốn đi làm. Lý do này tôi cho là không thuyết phục".
“Cái thứ hai, ngoài việc hàng trăm ngàn người lao động hiện nay, mà theo báo cáo đã mất việc làm do tác động của dịch bệnh, thì còn một bộ phận không nhỏ bị giảm giờ làm. Trước họ làm 8 tiếng thì bây giờ chỉ làm khoảng 4 tiếng/ngày. Giãn việc làm kèm theo đó là giảm thu nhập”.
Đây là nhóm mà ông Vũ Đình Ánh cho là gây nhiều lo nghĩ nhất vì thu nhập giảm mặc dù vẫn có việc làm:
“Tóm lại vấn đề là thiếu việc làm và giảm thu nhập chứ thú thật tôi chưa nghe thấy nổi lên vấn đề không tuyển dụng được bất kể vì lý do gì”.
Lao động có chuyên môn cao thực sự cũng là bài toán nan giải. Có những doanh nghiệp sẵn sàng trả lương rất cao nhưng để tìm được vị trí phù hợp thì cũng khó, nhất là còn tùy vào ngành nghề như kỹ thuật, kinh tế, thương mại, đối ngoại.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, cô Kim Ngân, trưởng phòng nhân sự một công ty xuất nhập khẩu tư nhân, mà vì lý do tế nhị không thể nêu tên, cho biết nhiều công ty hiện nay đang có chương trình tái cơ cấu nhân sự bên cạnh việc tuyển dụng nhân viên vào các vị trí chuyên môn trong hãng xưởng:
"Lao động có chuyên môn cao thực sự cũng là bài toán nan giải. Có những doanh nghiệp sẵn sàng trả lương rất cao nhưng để tìm được vị trí phù hợp thì cũng khó, nhất là còn tùy vào ngành nghề như kỹ thuật, kinh tế, thương mại, đối ngoại. Thực ra trong từng trường hợp cụ thể đều có sự khó khăn nhưng cũng không phải là quá khó khăn đâu".
“Đối với công ty tư nhân thì đa số đều bắt đầu từ vị trí thấp, sau đó công ty có chính sách ưu đãi và đề bạt lên vị trí cao hơn. Quá trình đào tạo từ 2 đến 3 năm nên là mình đã tận dụng được cái nguồn nhân lực từ nội bộ. Nếu mà tuyển mới thì khó khăn là vị trí lãnh đạo, top management, vì họ đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm cao hơn. Khi đã tìm được nhân sự phù hợp với vị trí và cá nhân người lao động đó chứng minh được năng lực thì doanh nghiệp cũng offer nhiều ưu đãi để có thể giữ chân người lao động đó”.
Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng vấn đề nằm ở nghịch lý nguồn và chất lượng trên thị trường lao động trong giai đoạn này, là khẳng định của nguyên viện phó Viện Quản Lý Thị Trường, tiến sĩ Ngô Trí Long:
“Chưa đủ người có đủ trình độ đáp ứng từng lãnh vực yêu cầu của xã hội. Thừa lao động không có chất lượng, thiếu lao động có chất lượng có trình độ là cái nghịch lý mà Việt Nam đã nhìn nhận. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 người có trình độ có am hiểu thì mới có thể tồn tại được với nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn mới. Người ta cần trình độ mà anh cứ ôm thợ mộc, thợ nề thì làm sao đáp ứng ngành nghề có trình độ cao. Đặc biệt cái trình độ đào tạo của Việt Nam rất hạn chế, cần thay đổi nhiều, nói thẳng là như vậy”.
"Một là không gian đào tạo mặc dù tỏ ra hết sức chặc chẽ nhưng thực chất qui trình đó lại không đáp ứng được yêu cầu. Thứ hai là người ta lợi dụng qui trình đó để đào tạo những nguồn lực không phù hợp và chạy vì lợi nhuận. Thế thì quan trọng nhất là đào tạo, cần cái gì thì đào tạo cái đó".
Theo số liệu từ Trung Tâm Dịch Vụ Việc Làm Giới Trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, hơn 300 đơn vị thương mại và tập đoàn kinh doanh trong thành phố đã đề nghị trên 2000 công việc toàn thời gian cho sinh viên tốt nghiệp, bên cạnh một số công việc bán thời gian và được khởi sự ngay với mức lương từ 22.000 đến 50.000 VND /giờ.
Những công việc toàn thời gian, đòi hỏi kỹ năng và cũng được thu dụng ngay là nhân viên lễ tân, thảo chương viên, kế toán viên và kỹ thuật viên, mức lương từ 4 đến 6 triệu VND/tháng, tương đương 175 đến 260 USD.
Vấn đề ở đây, theo tiến sĩ Ngô Trí Long, chính là thực chất đào tạo:
"Bằng cấp chỉ là một phần thôi, mặc dầu trình độ đại học coi như được Bộ Giáo Dục đào tạo, còn đào tạo nghề là bên Bộ Lao Động, nhưng mà nói chung phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội cũng như nhu cầu nghề nghiệp trong thời đại 4.0 cũng như trong thực tế hiện nay. Tóm lại cái này bàn và nói nhiều mà có làm được đâu !".
Đối với chuyên gia Vũ Đình Ánh, 4 đến 6 triệu Đồng /tháng là mức lương thấp trong điều kiện sinh hoạt và chi phí ở Việt Nam hiện giờ:
“Vấn đề then chốt là Việt Nam phải đào tạo và nâng cao trình độ để giảm bớt số lượng người lao động giản đơn. Cái này vừa đáp ứng vừa giải quyết được việc thừa lao động giản đơn, đồng thời giải quyết được cái thiếu cung lao động có tay nghề hiện nay”.
“Nâng cao trình độ và tay nghề như thế thì lượng người lao động chuyên nghiệp sẽ tăng lên, vừa hợp lý vừa giải quyết được cả về mặt vĩ mô lẫn mặt vi mô. Đấy là điểm Việt Nam cần quan tâm và đấy là cái mà Việt Nam cần phải làm”.
Theo truyền thông trong nước, khoảng 4.000 công ty đang hoạt động trong thành phố dự định cho 120.000 công nhân nghỉ việc tháng này vì không kiếm được hợp đồng mới hoặc do thiếu nguyên liệu để sản xuất.