Chính sách ngoại giao pháo hạm mới của Việt Nam

0:00 / 0:00

Tàu chiến Mỹ liên tục thăm Việt Nam

Tháng Ba năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hoa Kỳ sẽ cặp cảng Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ cặp cảng Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Chuyến viếng thăm này đã được nói đến khi các vị lãnh đạo Việt Nam thăm Hoa Kỳ vào năm 2017, và được xác nhận một cách chắc chắn trong chuyến thăm Việt Nam của ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis vào đầu năm 2018.

Bình luận về sự kiện này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Singapore nhắc lại rằng các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng thăm một tàu sân bay Mỹ trước đây là chiếc USS George Washington khi đậu ngoài khơi Việt Nam vào năm 2010, ông nói tiếp:

Chuyến thăm của con tàu là một biểu tượng, nó cặp cảng, là một sự xích lại gần nhau về mặt khoảng cách, hai bên có sự tin cậy chiến lược ngày càng nhiều hơn, đưa hợp tác quân sự thực chất thành một điều bình thường giữa hai nước.<br/>-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

“Chuyến thăm của con tàu là một biểu tượng, nó cặp cảng, là một sự xích lại gần nhau về mặt khoảng cách, hai bên có sự tin cậy chiến lược ngày càng nhiều hơn, đưa hợp tác quân sự thực chất thành một điều bình thường giữa hai nước, nó không phải là một điều gì quá nhạy cảm, mà hai phía, đặc biệt là phía Việt Nam phải lo lắng. Lâu nay Việt Nam vẫn vừa làm, vừa thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ, vừa ngó lại xem thử phản ứng của Trung Quốc là gì. Hai nước trong cuộc và bản thân Trung Quốc sẽ phải xem diễn biến đó là một điều bình thường.”

Ngay sau khi chuyến thăm Đà Nẵng vào tháng Ba của tàu USS Carl Vinson được chính thức công bố, Bộ ngoại giao Bắc Kinh lên tiếng nói rằng Trung Quốc không thấy gì trở ngại miễn là những quan hệ như vậy có lợi cho hòa bình trong khu vực.

Chuyến thăm Đà Nẵng, một cảng biển Việt Nam có vị trí vô cùng trọng yếu ở Biển Đông của tàu USS Carl Vinson là sự kiện lớn nhất trong rất nhiều lần tàu chiến Mỹ thăm cảng Việt Nam từ khi hai nước lập lại bang giao vào năm 1995 đến nay.

Vào năm 2003, tàu chiến USS Vandergrift thăm cảng Sài Gòn, đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến Mỹ ghé Việt Nam từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.

Liên tục trong những năm sau đó, hầu như năm nào cũng có tàu chiến Mỹ ghé thăm Việt Nam. Theo thống kê của báo chí Việt Nam thì đến năm 2014 đã có đến 11 lần tàu chiến Mỹ ghé các cảng Việt Nam, gồm đủ các loại tàu hiện đại, từ tàu có trang bị tên lửa dẫn đường cho đến các tàu bệnh viện. Các cảng được chọn lựa không chỉ những cảng thương mại lớn như Sài Gòn mà còn là những cảng quân sự quan trọng là Đà Nẵng và Cam Ranh. Đặc biệt là cảng Cam Ranh, từ khi cảng này chính thức được sử dụng phục vụ nhu cầu hậu cần của các tàu quốc tế từ năm 2016. Chỉ trong năm 2017 đã có đến 4 lần các tàu chiến hiện đại của Mỹ ghé thăm cảng Cam Ranh.

Chiến hạm của các cường quốc hải quân vào Việt Nam

Ngoài các tàu chiến Mỹ, trong vài năm gần đây tàu chiến của nhiều cường quốc hải quân cũng tấp nập thăm Việt Nam.

Tháng Tư năm 2016, 2 tàu chiến hiện đại của Nhật Bản thăm cảng Cam Ranh là Ariaki và Setogiri. Sang tháng Tư và tháng Năm 2017, các tàu chiến của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản lại thăm Việt Nam.

Tháng Năm, năm 2013 tàu chiến Ấn Độ cặp cảng Đà Nẵng. Sang 2016, tàu chiến của New Delhi cặp cảng Cam Ranh. Tháng Chín 2017, tàu chiến hiện đại có khả năng tàng hình của Ấn Độ có mặt tại cảng Hải Phòng.

Nước Úc, một cường quốc hải quân nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng cho tàu chiến hiện đại của mình thăm các cảng của Việt Nam liên tục trong hai năm 2016, 2017. Tàu chiến Mistral và tàu hộ vệ Courbet của Pháp thăm cảng Sài Gòn vào tháng Tư năm 2017. Tàu chiến Hàn Quốc ghé Đà Nẵng tháng Chín, 2017.

Ngoài ra đồng minh cũ của Việt Nam là nước Nga, quốc gia từng đóng quân tại cảng Cam Ranh trong thời chiến tranh lạnh cũng đều đặn cho tàu chiến thăm viếng các cảng của Việt Nam trong những năm 2005, 2011, 2012, 2016, 2017.

Một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông ở Sài Gòn là Thạc sĩ Hoàng Việt nói với chúng tôi rằng chuyện tàu chiến của các cường quốc hải quân thăm viếng Việt Nam trong thời gian qua là một chủ trương của chính phủ Việt Nam, nằm trong chính sách ngoại giao đa phương của Hà Nội, mà trong đó có một phần quan trọng là để chống lại sức ép từ phương Bắc:

“Thứ nhất Việt Nam cần có các cường quốc hải quân như Ấn Độ, như là Hoa Kỳ,… để Việt Nam có lý do để giải thích với Trung Quốc rằng Việt Nam không chỉ cho các tàu Hoa Kỳ vào cảng Việt Nam, và việc này là việc bình thường. Vấn đề thứ hai là tàu của các cường quốc vào Việt Nam thì ít ra nó gây ra một sự e ngại nào đó từ phía Trung Quốc.”

Chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đang có điều kiện thuận lợi là nước Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia quan trọng trong khu vực:

“Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm, săn đón của các cường quốc khác như là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga,… Tất cả những yếu tố này tạo ra điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện chính sách cân bằng giữa những cường quốc này.”

Ông cũng nói thêm là trong chuyến thăm châu Á đầu năm nay của ông James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nước Mỹ đã chọn hai quốc gia quan trọng nhất tại Đông Nam Á, về sức mạnh cũng như là về vị trí địa chiến lược là Việt Nam và Indonesia.

Tàu của các cường quốc vào Việt Nam thì ít ra nó gây ra một sự e ngại nào đó từ phía Trung Quốc.<br/>-Thạc sĩ Hoàng Việt.

Trong chính sách ngoại giao đa phương đó của Việt Nam, nếu giới hạn trong việc quan hệ với hai cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, các nhà bình luận thời sự thường hay nói rằng Việt Nam đang “đu dây” giữa hai quốc gia đó. Ông Lê Hồng Hiệp nói tiếp:

"Lựa chọn này tôi nghĩ là một lựa chọn khôn ngoan và khả thi trong bối cảnh hiện nay, vì Việt Nam cần có biện pháp để hóa giải sức ép từ phía Trung Quốc, và không có cách nào khác là vừa tăng cường nỗ lực, vừa phát triển quan hệ chiến lược với các cường quốc khác để mà có vị thế đàm phán tốt hơn với Trung Quốc, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông."

Ông cho rằng chính sách “đu dây” đó của Việt Nam là thành công cho đến lúc này, 2018.

Một cựu viên chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, từng làm Tổng trưởng kế hoạch của Miền Nam Việt Nam, hiện sống tại Virginia, Hoa Kỳ nói với chúng tôi rằng chính phủ Hà Nội đã từng có kinh ngiệm “đu dây” như thế vào năm 1969, giữa hai đồng minh cung cấp vũ khí chính cho mình là Liên Xô và Trung Quốc, khi quan hệ giữa hai nước này bị rạn nứt, thậm chí đã có một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu.

Kết thúc cuộc nói chuyện ngắn với đài RFA, Tiến sĩ Hưng cũng đồng ý với ông Lê Hồng Hiệp rằng thực ra Việt Nam không có chọn lựa nào khác, và ông cho rằng hiện tượng các tàu chiến của các cường quốc hải quân liên tục đến Việt Nam trong thời gian qua là một hiện tượng rất thú vị.

Vào những thế kỷ 18, 19 các cường quốc phương Tây kéo chiến hạm đi uy hiếp các quốc gia Đông Á bế quan tỏa cảng, tạo nên cái được gọi chính sách ngoại giao pháo hạm vào thời kỳ đó. Những pháo hạm của người Pháp đã xuất hiện như thế vào mùa thu năm 1858 tại Đà Nẵng, mở đầu cho thời kỳ thuộc địa của Việt Nam, chấm dứt vào năm 1954.

Hơn 150 năm sau sự kiện Đà Nẵng thất thủ, dường như là Việt Nam có một chính sách ngoại giao pháo hạm kiểu mới, là sử dụng sức mạnh hải quân của các cường quốc thế giới để ít nhất là tạo tính biểu tượng, răn đe, chống lại sức bành trướng từ phương Bắc của Trung Quốc.