Chính phủ Hà Nội muốn gỡ bỏ ‘thẻ vàng’ đánh bắt cá trái phép

0:00 / 0:00

Theo kế hoạch, vào cuối tháng 10/2019 một đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình việc thực hiện biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp của Việt Nam hay gọi tắt là chống khai thác IUU nhằm tìm cách tháo gỡ “thẻ vàng” cảnh cáo mà EC đã áp dụng cho Việt Nam từ 23/10/2017.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp diễn ra hôm 21/6 phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp cùng các bộ ngành và lãnh đạo 28 tỉnh thành phố ven biển triển khai biện pháp hoạt động nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” nếu phát hiện vi phạm Bộ Công an tiến hành điều tra xử lý và thậm chí khởi tố hình sự để răn đe.

Cũng tại cuộc họp ông Nguyễn Ngọc Oai Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Việt Nam cho rằng, một trong những điều kiện tiên quyết để tháo gỡ “thẻ vàng” hoặc có thể dẫn đến “thẻ đỏ” trong đợt kiểm tra sắp tới là kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Do đó, cần triển khai hệ thống theo dõi giám sát tàu cá hoạt động trên biển có chiều dài 15m trở lên là nội dung quan trọng để tháo gỡ thẻ.

Học giả Đinh Kim Phúc một nhà nghiên cứu Biển Đông trao đổi với chúng tôi rằng, để quản lý được đội tàu 15m trở lên đánh bắt xa bờ là điều rất khó khăn.

“Một điều khó khăn của ngư dân là vùng biển Việt Nam hiện nay bị Trung Quốc khống chế rồi đe dọa ngư trường truyền thống gần khu vực Trường Sa và Hoàng Sa, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt thì buộc ngư dân họ phải đi tìm những nơi khác duy trì cuộc sống của họ nên vi phạm lãnh hải của nước ngoài, rồi bắt bớt, đánh chìm, bỏ tù …. Để giải quyết thẻ vàng tránh thẻ đỏ của EU thì một mình VN làm rất là khó khăn nhưng nay đã có sự thống nhất trong nội bộ các nước thành viên ASEAN để tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất.”

Ngoài ra, vị học giả còn cho hay mặc dù chính phủ Việt Nam cũng đã rất tích cực đề ra các biện pháp quản lý, giáo dục ngư dân nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra, điều này cho thấy nó vượt tầm kiềm soát của nhà nước.

Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia về Biển Đông, nhận định chính phủ Việt Nam rất rất muốn tháo gỡ “thẻ vàng” trong đợt kiểm tra sắp tới nhưng đạt được hay không là điều không dám chắc.

“Bởi vì Việt Nam cũng ý thức được xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU quan trọng như thế nào, trong suốt một thời gian hải sản Việt Nam cũng có vấn đề, chất lượng của nó cũng còn nhiều việc phải bàn chính vì vậy Việt Nam muốn tăng trưởng đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm này thì Việt Nam cần thay đổi và làm tốt hơn nữa, mà trong thời gian qua bộc lộ việc quản lý của Việt Nam không được tốt về vấn đề này nên Việt Nam rất là muốn gỡ nhưng chắc chắn nó sẽ không được nhanh đâu nhưng EU đã có những bước đi tiến bộ hơn thì đó thành công của Việt Nam rồi chứ không phải trong đợt này là xóa bỏ ngay thẻ vàng đâu.”

Theo truyền thông trong nước, năm 2018 số vụ tàu vi phạm của Việt Nam tiếp tục tăng với 85 vụ, tăng 28 vụ so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019 có 41 vi phạm. Các tỉnh có nhiều tàu vi phạm gồm Kiên Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Bình Thuận…

Tàu cá Việt Nam bị tàu nước ngoài xua đuổi. (Ảnh minh họa)
Tàu cá Việt Nam bị tàu nước ngoài xua đuổi. (Ảnh minh họa) (AFP)

Ông Đặng Huy Hậu phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại cuộc họp cho rằng để giải quyết được tận gốc vấn đề tàu cá khai thác thủy sản trái phép cần xác định ranh giới đánh bắt, chủ tàu có thiết bị giám sát, việc chế tài phải mạnh tay như cắt bỏ cơ chế hỗ trợ xăng dầu và thậm chí tịch thu tàu nếu vi phạm lần thứ ba về đánh bắt hủy diệt.

Một ngư dân tại Bà Rịa- Vũng Tàu không muốn nêu tên cho biết trong các loại đánh bắt mà chính phủ đang muốn nghiên cấm là ngành dã cào vì họ cào từ nhỏ đến lớn khiến tất cả hải sản đều bị hủy diệt. Do vậy để có thể đi đánh bắt xa qua đến vùng biển nước khác thì chỉ có tàu dã cào mới làm được. Anh giải thích thêm.

"Còn tui em là dùng đá sọt để sán xuống vị trí mà lâu nay cha mẹ đã từng làm, nhiều điểm có rạn rồi tối dụ cá ra khỏi rạn đó và nhất quyết không đánh lưới ngay rạn, kéo đàn cá ra khỏi rạn rồi vây lưới lại bắt thì nhóm cá đó là cá lớn nên chính vì vậy thủ tướng ra quy định đó để chống lại những người ngành dã cào chuyên qua vùng nước bạn để đánh bắt. Còn với nhóm lưới vây, lưới câu hay lưới mực thì họ hoàn toàn không sợ việc đó."

Ngoài ra, ngư dân còn cho hay hiện nay nhiều tàu cá đã có thiết bị định vị giám sát hành trình và được chính quyền chấp thuận do đó đi đâu là cơ quan chức năng biết được chính xác vị trí cụ thể.

“Khi mình mở điện thoại lên thì biết được vùng biển ngư dân Việt Nam được quyền đánh bắt. Bộ Nông nghiệp Việt Nam phân luồng dựa theo hiệp định đã ký với Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Dựa theo 6 điểm mà móc thẳng thôi. Nếu trong vùng biển Việt Nam thì nó sẽ hiện lên màu xanh dương và để là vùng biển ngư dân tự do đánh bắt còn phía đường ranh bên kia là màu vàng. Khi tàu có giám sát hành trình mà tàu của mình qua khỏi làn ranh đó là nó kêu như báo động vậy đó thì mình biết là đang xâm phạm lãnh hải của nước khác.”

Anh ngư dân còn cho biết thêm, khoảng 2 năm trở lại đây nhiều tàu dã cào hay các loại tàu lưới khác không dám mon men tới khu vực ranh giới nhưng tình trạng tàu hải giám của các nước khác như phía Indonesia vào vùng biển Việt Nam xua đuổi và lôi tàu cá mình ra ngoài rồi bắt lại.

Theo học giả Đinh Kim Phúc, ngư dân không dại gì đi xâm phạm lãnh hải nước khác để bị bắt, đốt tàu thậm chí tù đày và dù có bị khởi tố hình sự đi nữa mà chính phủ không giải quyết được công ăn việc làm, ngư trường thuận lợi cho ngư dân có nguồn sinh sống thì tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra. Đồng thời, vị học giả này khẳng định việc EC tháo gỡ “thẻ vàng” của Thái Lan có thể là bài học kinh nghiệm để Việt Nam học tập.

________________

Đính chính: Do lỗi biên tập, RFA xin sửa chữ Asia trong đoạn phỏng vấn chuyên gia Đinh Kim Phúc thành ASEAN. Xin lỗi quý vị về sai sót này