Mô hình Hải đội có gì mới?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cho biết, Việt Nam đã có lực lượng dân quân-tự vệ biển từ nhiều năm nay.
Ông Phương nói thêm, dân quân biển (DQB) của Việt Nam thường được tuyển dụng từ ngư dân, trước đây lực lượng này làm nhiệm vụ phòng thủ trên đất liền là chính hoặc trong một số trường hợp đi kèm theo tàu cá để bảo vệ ngư dân trên biển nhưng số lượng không đáng kể (mỗi tàu cá có khoảng một đến hai DQB).
Đặc biệt, lực lượng này không được đầu tư, huấn luyện một cách bài bản, trong khi đó, mô hình hải đội đang được xây dựng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang hoàn toàn khác về vấn đề đầu tư trang thiết bị. Ngoài ra, trước khi chính thức thành lập, các chiến sĩ thuộc hải đội đã được đưa đi đào tạo bài bản tại Học viện Hải quân và Trường Cao đẳng Kỹ thuật hải quân từ 2-4 tháng hoặc lâu hơn tùy chương trình huấn luyện.
Do dó hải đội mang tính chuyên nghiệp hơn, có năng lực tốt hơn trong việc bảo vệ ngư dân, ngư trường và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Khái niệm “thường trực” theo ông Phương cũng có nghĩa là khi cơ cấu hải đội mới có thể làm các nhiệm vụ bám biển dài ngày hơn và được trợ cấp tốt hơn.
"Trước đây chưa bao giờ dân quân biển Việt Nam được tổ chức thành một hải đội lớn như thế này" – ông Phương khẳng định.
Ông Phương cũng cho biết việc cải thiện năng lực lực lượng chấp pháp trên biển mà DQB là một bộ phận (cùng với cảnh sát biển và kiểm ngư) là một yêu cầu đặt ra từ nhiều năm nay nhưng do nhiều lý do khách quan, chính sách thành lập hải đội DQB của Việt Nam mới chỉ được đưa ra vào năm 2018. Ba năm qua là thời gian Việt Nam chuẩn bị về nhân lực, tổ chức và quan trọng nhất là việc xây dựng đội tàu DQB.
" Việc đầu tư cho DQB là một bước đi hợp lý. Chính sách này là một trong những điểm Việt Nam đang đẩy mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông đặc biệt khi Trung Quốc đang tiến hành hàng loạt các biện pháp mà các nhà phân tích hay gọi là vùng xám" – ông Phương nhấn mạnh.
Ông cho biết trong những năm gần đây, khi sử dụng chiến thuật vùng xám, Trung Quốc (TQ) không dùng quân sự mà thường huy động hàng trăm tàu cá của dân quân biển, có sự yểm trợ của lực lượng cảnh sát biển, để bao vây khu vực biển đảo mà họ muốn lấn chiếm.
TQ không đánh bắt cá nhưng cứ neo đậu ở đó trong một thời gian dài để “tạo quyền kiểm soát trên thực tế” đồng thời xua đuổi tàu thuyền các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Đơn cử như vụ việc hơn 200 tàu cá neo đậu tại khu vực Đá Ba Đầu mà Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền diễn ra trong tháng 3 vừa qua.
"Khi họ dùng dân sự thì Việt Nam phải x ài dân sự. Khi so sánh lực lượng, không thể nào lấy quân sự của mình đối đầu với dân sự của họ được vì như thế sẽ làm căng thẳng gia tăng" – ông Phương giải thích.
Ông Phương cũng cho rằng: Khi có xung đột xảy ra, cảnh sát biển và kiểm ngư thường là lực lượng đối đầu tại thực địa. DQB Việt Nam chỉ là lực lượng hỗ trợ ngư dân, giám sát, theo dõi vụ việc đồng thời câu giờ để những lực lượng khác đến tiếp ứng.
Để đối phó với chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, Việt Nam phải làm được ở hai mặt trận. Một là phải đưa vấn đề này ra công luận quốc tế để tạo lập dư luận và tận dụng sức ép của công luận, đặc biệt từ chính phủ các nước cũng như truyền thông của quốc tế. Hai là, trên thực địa, mình cũng cần có lực lượng để giằng co. Tuy lực lượng của mình mỏng hơn, ít hơn nhưng phải kiên quyết để duy trì sự hiện diện của mình ở đó – TS Vũ Hồng Lâm, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Hoa Kỳ (APCSS) trong một cuộc trao đổi với RFA tháng 4/2021.
Tương quan lực lượng giữa VN và TQ ra sao ?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cho rằng để Việt Nam có được lực lượng chấp pháp trên biển tương đương với lực lượng của Trung Quốc "là điều không thể".
Những nỗ lực mà Việt Nam đang tiến hành chỉ giúp rút ngắn khoảng cách về mặt lực lượng trên thực địa với Trung Quốc và không có quốc gia nào trong khu vực ASEAN có thể có tương quan lực lượng với Trung Quốc, ông Phương cho biết.
Ông Phương đưa ra dẫn chứng, đối với lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam bao gồm lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và DQB. Tuy nhiên, riêng lực lượng DQB, số lượng tàu và nhân lực thuộc lực lượng này của TQ tại Biển Đông ước tính đã lớn gấp hai đến ba lần lực lượng của VN.
Về nhân lực, thành viên của các hải đội DQB TQ thường là nhân viên ngư nghiệp của các doanh nghiệp (DN) Nhà nước lớn trong lĩnh vực bắt hải sản và khai thác tài nguyên hoặc là binh lính chuyển ngành. Họ được huấn luyện chuyên nghiệp và hưởng lương. Trong khi đó, trừ các thành viên của hai hải đội DQB mới được thành lập, DQB của Việt Nam phần lớn là ngư dân bản địa, hàng ngày vẫn đi đánh cá, ít được huấn luyện, chỉ được hưởng phụ cấp, không có lương. Còn về đội tàu, ông Phương cho biết, hầu hết tàu cá của Việt Nam chỉ là tàu vỏ gỗ, chủ yếu đánh bắt gần bờ trong khi tàu DQB TQ đều là tàu vỏ thép, được trang bị thiết bị vệ tinh, có thể đi xa bờ dài ngày và có khả năng chịu va chạm tốt.
"Có thể khẳng định có sự chênh lệch rất lớn cả về số lượng và chất lượng [giữa lực lượng DQB của hai nước]. Điề u đó không thể tranh cãi được" – ông Phương kết luận.
Trả lời câu hỏi của RFA về việc liệu lực lượng DQB của Việt Nam có thể “đe doạ” lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của TQ như chỉ trích của một số tờ báo nước này hồi tháng 4 vừa qua, ông Phương cho biết Việt Nam có khả năng cản trở TQ trong quá trình Bắc Kinh áp đặt kiểm soát của mình ở các khu vực tranh chấp và là nước có tranh chấp duy nhất ở Đông Nam Á có đủ nguồn lực để làm điều này, song để đe dọa được Trung Quốc thì “rõ ràng là chưa thể”.
"Ở đây phải nói ngược lại, Trung Quốc mới chính là bên đe dọa lợi ích về chủ quyền của Việt Nam và các nước khác ở Biển Đông" – ông Phương khẳng định.
Hiện chưa có số liệu công khai chính xác về lực lượng dân quân biển của Việt Nam. Theo tôi, ước tính tổng số lực lượng dân quân và dân quân tự vệ của Việt Nam hiện vào khoảng tối đa là 100.000 người. Trên thực tế, con số này có thể nhỏ hơn. – Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương.
Phản ứng của Trung Quốc & cộng đồng quốc tế
Dù vậy, ông Phương nhận định, Trung Quốc sẽ có những chỉ trích mạnh mẽ về việc thành lập những hải đội DQB chuyên nghiệp của Việt Nam.
"Phản ứng Trung Quốc chắc chắn sẽ là tiêu cực vì họ sẽ thấy việc kiểm soát trên biển của họ sẽ gặp nhiều trở ngại hơn khi lực lượng DQB của Việt Nam bắt đầu được chuyên nghiệp hóa và nhân lên về số lượng" – ông Phương nói.
Ông cho rằng về phía Đảng và Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ phản đối qua đường ngoại giao nhưng các học giả, viện nghiên cứu và báo chí Trung Quốc, đặc biệt là tờ Global Times thì chắc chắn sẽ lên tiếng chỉ trích Việt Nam.
"Một trong những cách thức Trung Quốc bảo vệ chủ quyền của họ là họ coi bản thân mình như một người bị hại và những bên còn lại là gây hại cho họ. Đó là tư duy điển hình của Trung Quốc từ trước đến giờ" – ông Phương cho biết.
Ông giải thích thêm rằng bản thân TQ đã cho rằng biển Đông là của mình nên các nước khác làm gì là họ sẽ lên tiếng cả về phía ngoại giao và truyền thông.
Tuy vậy, theo ông Phương, ngược với Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước phương Tây sẽ có phản ứng tích cực trước việc thành lập các hải đội DQB của Việt Nam, ông nói:
"Đối với Mỹ và phương Tây, đặc biệt là học giả Mỹ, họ chỉ coi việc Việt Nam cải thiện lực lượng DQB là biện pháp mang tính phòng thủ và đối phó lại với sự hung hăng của Trung Quốc".
Ông Phương cũng đoán rằng các nước trong khu vực nhiều khả năng cũng có cùng cách nhìn nhận rằng Việt Nam cải thiện năng lực an ninh hàng hải không phải chống nước nào mà chỉ để tự vệ.
Mặc dù xây dựng các hải đội DQB là bước đi hợp lý của Việt Nam nhưng còn quá sớm để lạc quan về kết quả. Cần phải chờ xem Nhà nước có nghiêm túc theo đuổi giải pháp dài hạn hay không. Bây giờ mới có 2 hải đội ở Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu còn ở Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh phía Bắc thì sao? Cần phải theo dõi thêm quá trình thành lập các hải đội tiếp theo, đầu tư ra sao, hỗ trợ ngư dân bám biển như thế nào? – Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương.