Quốc hội Việt Nam bàn về “trà đá vỉa hè”

0:00 / 0:00

“Trà đá vỉa hè”

Phóng viên Đài RFA ghé vào hàng nước chè (trà) của một cụ ông tại một góc đường trên vỉa hè trong ngày thu Hà Nội. Quán cóc của ông hôm ấy rộn ràng với các vị khách ngồi kín vài chiếc bàn nhỏ vừa chơi cờ tướng vừa thưởng thức cốc trà nóng vàng tươi.

Một vài vị khách chia sẻ với RFA rằng họ thỉnh thoảng ghé vào hàng nước chè của ông cụ vì:

“Thứ nhất là giá cả rẻ. Thứ hai là ngồi nói chuyện cũng vui, thoải mái, đông người. 2000-3000/cốc chè (tách trà) thôi. Cà phê thì đắt hơn.”

“Các quán cà phê nói chung thì kín đáo, lịch sự. Cơ bản thì trong các quán cà phê thì chỉ ngồi với bạn bè và đi làm thôi. Còn những lúc rảnh rỗi thì ngồi ở các quán trà đá. Thứ nhất là tiện, gần nhà. Thứ hai là đánh cờ với các cụ cho vui, giải trí. Quan trọng là mình tìm được chỗ nào mình ngồi vui, cảm thấy thoải mái nhất.”

“Thường thì ngồi giết thời gian thôi, chứ không thích ăn cái gì cả.”

Những vị khách thường xuyên của hàng nước ông cụ thường là giới chạy xe ôm. Với họ, trà đá vỉa hè hợp với túi tiền và tiện lợi:

<i>Tôi mới bán được khoảng 1 tháng thôi. Một tháng rồi thì thu nhập khỏang được 100 ngàn đổ lại một ngày. Mục đích thì cảnh già cho vui vẻ và thứ hai nữa thì cũng tăng thêm thu nhập. Kiếm thêm ít đồng mua quà bánh cho các cháu thôi<br/>-Cụ ông bán hàng nước vỉa hè</i>

“Thứ nhất là rẻ. Thứ hai là thoải mái và hợp lý so với nghề xe ôm bình dân của chúng tôi.”

“Tại vì điều kiện kinh tế của bọn tôi cũng khó khăn, không đủ điều kiện để vào các quán cà phê mà ngồi. Và thực ra nó cũng phù hợp với chỗ mình nghỉ ngơi, để mình uống một cốc nước cho đỡ mệt mỏi.”

“Mình chạy xe ôm thì một ngày ngồi 2,3 lần. Quán bình dân và ở vỉa hè nên thoải mái. Bỏ ra số tiền 3000-5000 ngàn, ngồi uống nước nghỉ ngơi rồi đi làm tiếp. Thuận tiện hơn.”

Ông cụ chủ hàng nước chè cho biết là ông đã mở quán được tầm 1 tháng. Vốn liếng cũng không bao nhiêu. Ông không phải trả tiền thuê chỗ cũng như không phải đóng tiền thuế, phí nào. Mỗi ngày, trung bình ông cụ bán được 2 lạng chè, thu về khoảng 100 ngàn đồng. Ông cụ chủ quán chè tâm tình với Đài Á Châu Tự Do:

“Tôi mới bán được khoảng 1 tháng thôi. Một tháng rồi thì thu nhập khỏang được 100 ngàn đổ lại một ngày. Mục đích thì cảnh già cho vui vẻ và thứ hai nữa thì cũng tăng thêm thu nhập. Kiếm thêm ít đồng mua quà bánh cho các cháu thôi.”

Cũng giống như hàng nước chè của cụ ông vừa trò chuyện với chúng tôi, quán trà đá-thuốc lá vỉa hè của chị Thanh - cũng nằm trên một góc đường trong thành phố Hà Nội trưng bày với vài chiếc bàn con, vài ly mì gói, đôi chiếc bánh ú, mấy gói thuốc lá và vài bình trà.

Chị Thanh cho biết với số vốn ít ỏi, chị bán trà đá-thuốc lá vỉa hè được hai năm và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, trung bình khỏang 4-5 triệu/tháng. Chị Thanh cho biết thêm rằng chị không phải đóng bất cứ khoản thuế, phí nào; ngoại trừ những khi bị phạt:

“Thỉnh thoảng người ta bắt phạt thì đóng phạt thôi. Đóng phạt 100 ngàn hay 150 ngàn thì phải đóng.”

Một quán nước vỉa hè ở Hà Nội.
Một quán nước vỉa hè ở Hà Nội. (RFA)

Thảo luận tại Quốc hội

Trà đá vỉa hè lâu nay được mặc nhiên xem như là một nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội. Các hàng nước chè có mặt ở khắp mọi góc đường, thậm chí trong từng ngõ sâu của thủ đô.

Báo giới Việt Nam trong những năm qua cũng đăng tải nhiều thông tin về việc kinh doanh trà đá-vỉa hè, đặc biệt ở Hà Nội là một hình thức kinh doanh có lãi lên đến 2.000%, thu về tiền triệu mà chỉ cần làm việc trong 4-5 giờ/ngày.

Hồi hạ tuần tháng 5 năm 2018, trong buổi thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến lên tiếng rằng những người bán trà đá vỉa hè ở Việt Nam dù đạt siêu lợi nhuận, nhưng lại không đóng góp đồng nào cho ngân sách nhà nước. Vị Đại biểu Quốc hội đến từ tỉnh Tây Ninh còn nhấn mạnh mức siêu lợi nhuận này là cao nhất thế giới, từ 5000-7000%.

Mới đây nhất, Tại phiên thảo luận báo cáo kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2019, kế hoạch năm 2020 của Quốc hội, diễn ra vào cuối tháng 10, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, thuộc tỉnh Thái Bình đưa ra số liệu hiện Việt Nam có 3,3 triệu hộ kinh doanh không đóng bất kỳ khoản thuế, phí nào. Ông Nguyễn Văn Thân còn trưng dẫn một hộ bán hàng nước, thuốc lá vỉa hè trung bình đóng vào ngân sách 1 triệu/tháng thì mỗi năm có thể thu về được 39.600 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân còn đề nghị Chính phủ và Quốc hội nên nghiên cứu có cơ chế để đưa các hộ kinh doanh cá thể như thế tham gia cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa càng sớm càng tốt và đưa ra lộ trình giảm thuế cho khối doanh nghiệp này.

<i>Sẵn sàng nhưng tôi bán ít thì nộp ít, còn người ta bán nhiều thì nộp nhiều. Kinh doanh siêu nhỏ, thì bảo nộp 200-300 ngàn thì nộp được. Còn nộp nhiều hơn thì không kham được<br/>-Chị Thanh bán hàng nước vỉa hè</i>

ĐBQH Nguyễn Văn Thân cho rằng việc giảm thuế sẽ không phải lấy ở ngân sách mà dựa trên cơ sở thu được nhiều thì giảm nhiều, hoặc thu được ít thì gỉam ít; tuy nhiên sẽ rất khuyến khích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để đầu tư phát triển đồng thời cũng là bước thực hiện kế hoạch đạt được 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2020.

Đài RFA nêu vấn đề mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân nói tại nghị trường với một số những người bán trà đá vỉa hè ở Hà Nội và được họ cho biết vì cuộc sống mưu sinh thì họ phải tuân theo những gì nhà nước bắt buộc, như việc nộp thuế. Chị Thanh, chủ hàng nước chè nói:

“Sẵn sàng nhưng tôi bán ít thì nộp ít, còn người ta bán nhiều thì nộp nhiều. Kinh doanh siêu nhỏ, thì bảo nộp 200-300 ngàn thì nộp được. Còn nộp nhiều hơn thì không kham được.”

Đài RFA ghi nhận, trong khi đó có không ít ý kiến phản biện trên mạng xã hội cho rằng việc thu thuế những người bán trà đá vỉa hè là việc làm tận thu của Nhà nước Việt Nam đối với những hoàn cảnh nghèo đang cố gắng tự bươn chải, kiếm cơm mỗi ngày để không phải là gánh nặng cho xã hội.

Mặc khác, Đài RFA cũng ghi nhận qua truyền thông chính thống, cũng có những ý kiến kêu gọi Nhà nước Việt Nam cần phải loại bỏ văn hóa “trà đá vỉa hè”, mà gọi chung là loại hình đồ uống lưu động trên đường phố vì chính những hộ kinh doanh trà đá vỉa hè này làm cho không gian phố thị bị nhếch nhác, mất trật tự...