Cách chính quyền Việt Nam vận dụng khái niệm an ninh quốc gia

0:00 / 0:00

Việc dùng lý do ‘an ninh quốc gia’ để cáo buộc nhiều blogger, cũng như giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam về những bài viết của họ không là điều mới tại Việt Nam.

Vừa qua thêm một blogger tại Việt Nam bị cáo buộc xâm phạm tới an ninh quốc gia, khi cơ quan anh ninh thẩm vấn việc viết bài về một tập đoàn kinh tế tại Việt Nam có nghi vấn đã mua đất công giá rẻ một cách khuất tất.

Vậy an ninh quốc gia được hiểu và dùng như thế nào tại Việt Nam?

Chỉ trích sai phạm về kinh tế là xâm phạm an ninh quốc gia?

Blogger Nguyễn Anh Tuấn nói với đài RFA rằng ông bị thẩm vấn liên tục 15 tiếng đồng hồ trong đêm rạng sáng ngày 25/5/2018. Các nhân viên thẩm vấn tự xưng là người của A67, Cục chống phản động khủng bố của Bộ Công An.

Họ cần có một lý do nghe nó có vẻ chính đáng, thì an ninh quốc gia là một khái niệm đủ mơ hồ để cho họ có thể viện dẫn cho những mục tiêu, những hành động đấy của họ.<br/>-Blogger Nguyễn Anh Tuấn.

Chúng tôi không liên lạc được với Bộ Công an để xác nhận thông tin này. Trang thông tin điện tử của bộ này không cho phép gửi thư.

Ông Nguyễn Anh Tuấn kể lại với đài RFA:

"Họ có đưa ra các yêu cầu là phải xóa những bài viết gần đây, mà trong đó có những bài viết về Vingroup. Tôi tranh luận lại với họ, yêu cầu họ đưa ra những căn cứ pháp lý. Họ nói không, họ chẳng đưa ra căn cứ pháp lý gì hết mà chỉ muốn tôi thể hiện thiện chí với họ thôi. Tôi cũng có hỏi họ cụ thể bài tôi viết về VinGroup thì yếu tố an ninh quốc gia là nằm ở chổ nào, thì họ không trả lời."

Blogger Nguyễn Anh Tuấn viết bài mang tựa đề Đất công phải được đấu giá, vào ngày 14/5/2018 trên trang Facebook của mình. Bài này dựa trên các tin tức từ báo chí chính thống của Việt Nam, so sánh hai trường hợp mua rẻ đất công không qua đấu thầu của Tập đoàn Kinh Đô tại Sài Gòn, và Tập đoàn VinGroup tại Hà Nội. Việc mua bán của Kinh Đô đã bị đình lại và điều tra, trong khi Tập đoàn VinGroup thì không. Tác giả đặt câu hỏi tại sao lại có sự khác biệt như vậy.

Theo các thông tin hiện có một cách chính thức, thì Tập đoàn VinGroup là sở hữu của một tỉ phú đô la người Việt Nam, có nguồn gốc làm ăn tại Ukraine vào thời kỳ Liên Xô sụp đổ. Sau khi tập đoàn này về làm ăn tại Việt Nam, họ đã sở hữu nhiều bất động sản cũng như cơ sở thương mại, giáo dục tại Việt Nam.

Vào tháng 10 năm 2017, tại một trường học tư thục của tập đoàn này, sau khi các phụ huynh học sinh phản đối việc tăng học phí, cơ quan công an cũng đã gửi giấy mời những phụ huynh phản đối lên làm việc. Việc này làm dấy lên những đồn đoán rằng cơ quan công an đã đứng về phía VinGroup. Sau đó một vị đại tá chỉ huy cơ quan công an tại Hà Nội lên tiếng nói rằng công an chỉ mời những người nói xấu cá nhân các lãnh đạo của VinGroup.

Vào đầu năm 2018, nhà báo Phạm Chí Dũng, hiện sống ở Sài Gòn, nói với chúng tôi về chuyện an ninh quốc gia tại Việt Nam:

“Ở ngoài thì an ninh quốc gia chính là an ninh quốc gia, còn ở đây thì nó mở rộng, rất nhiều những trường hợp cấm xuất cảnh ra nước ngoài, bị thu hộ chiếu, thì an ninh ghi vào biên bản một câu chung chung là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Việt Nam, nhưng mà hỏi an ninh quốc gia là gì thì họ không giải thích. Thành ra khái niệm an ninh quốc gia ở Việt Nam nó cũng trừu tượng như cái điều 88 về tuyên truyền chống nhà nước, hay là điều 79 âm mưu lật đổ chính quyền, hay là điều 258 lợi dụng các quyền tự do dân chủ, v.v… nó cũng rất mơ hồ trừu tượng mà quốc tế cũng đã chỉ trích Việt Nam rất nhiều về vấn đề này.”

Trong trường hợp ông Nguyễn Anh Tuấn, ông là một blogger và là một nhà hoạt động xã hội, thường xuyên đưa ra những phê bình về chính sách, cũng như tham gia vào những hoạt động bảo vệ môi trường. Ông đã từng thường xuyên đối mặt với những cuộc thẩm vấn của cơ quan an ninh Việt Nam, liên quan đến cái gọi là an ninh quốc gia. Khi được hỏi tại sao cơ quan công an lại hay dùng chuyện an ninh quốc gia trong việc đối xử với những chỉ trích của những người đối lập tại Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn trình bày:

"Lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia, thực ra cũng không phải chỉ Việt Nam mà nhiều nước phi dân chủ thì họ cũng hay sử dụng những cụm từ đấy. Thực chất là họ chỉ muốn dập tắt những tiếng nói và những quan điểm trái chiều, khác biệt, và để làm được điều đấy, và tăng thêm phần thuyết phục thì họ cần có một lý do nghe nó có vẻ chính đáng, thì an ninh quốc gia là một khái niệm đủ mơ hồ để cho họ có thể viện dẫn cho những mục tiêu, những hành động đấy của họ."

Dù vậy, ông cũng không hiểu tại sao khi nêu những nghi vấn về Tập đoàn VinGroup, một tập đoàn làm ăn kinh tế, thì lại liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.

Làm lộ lọt tài liệu bí mật nhà nước xử ra sao?

Một vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia được nhiều người đồng tình, kể cả những người bất đồng chính kiến, là liên lạc với nhân viên tình báo nước ngoài và cung cấp tài liệu về kinh tế chính trị của Việt Nam cho họ.

Lộ lọt bí mật nhà nước là rất nhiều, có đến 800 vụ. Nhưng dư luận đặt câu hỏi là tại sao có 800 vụ như vậy mà không có vụ nào được công khai?<br/>-Nhà báo Phạm Chí Dũng.

Một vụ như vậy đã xảy ra vào năm 2015, trong đó một nhà báo tên là Hà Huy Hoàng của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã bị buộc tội cung cấp tài liệu cho một nhân viên tình báo Trung Quốc giả danh nhà báo tại Việt Nam. Ông Hà Huy Hoàng bị công khai xử tại tòa án Hà Nội với bản án 6 năm tù giam.

Tuy nhiên sau đó tin tức về việc này trên báo chí nhà nước Việt Nam bị xóa bỏ. Và hiện nay không thể tìm thấy việc này trên báo chí trong nước nữa.

Vào năm 2016, một cán bộ công an Việt Nam là Nguyễn Hoàng Dương bị cho là đã đem tài liệu tuyệt mật sang Kampuchia bán lấy tiền để đánh bạc. Sau đó ông này bị tuyên án 8 năm tù giam, thay vì có thể bị truy tố án tử hình theo khung hình phạt của luật pháp Việt Nam. Tòa án đã giải thích rằng do gia đình ông Dương có truyền thống trong ngành công an.

Ngoài ra cơ quan công an Việt Nam cũng đã từng đưa ra những cáo buộc về việc làm lọt, lộ bí mật nhà nước, tuy nhiên theo nhà báo Phạm Chí Dũng thì việc này rất khó hiểu:

"Trong suốt hai năm vừa qua 2016, 2017, Bộ Công an đều tuần tự báo cáo không phải một lần, mà ba bốn lần về cái chuyện là tình hình lộ lọt bí mật nhà nước là rất nhiều, có đến 800 vụ. Nhưng dư luận đặt câu hỏi là tại sao có 800 vụ như vậy mà không có vụ nào được công khai? Không thấy công an xử vụ nào cả? Có rất nhiều tài liệu tuyệt mật, bảo mật, bí mật, không biết thật giả thế nào được tung lên mạng xã hội, từ trước Đại hội 12 cho tới nay. Cho tới nay chỉ mới thấy một vụ là khởi tố Vũ nhôm, về cái tội danh là làm lộ lọt bí mật nhà nước, chưa thấy ai khác."

Ông Vũ nhôm tên thật là Phan Văn Anh Vũ, là một doanh nhân tại Đà Nẵng, nhưng cũng là một sĩ quan mang cấp bậc thượng tá của công an Việt Nam, ông bị bắt vào tháng 1/2018, và trong số các tội danh được báo chí Việt Nam loan tải có tội danh là đã làm lộ bí mật nhà nước.

Đối với cả ba vụ, ông Hà Huy Hoàng, Nguyễn Hoàng Dương, và Phan Văn Anh Vũ, trong những thông báo của giới chức trách Việt Nam, hoặc các bản án đều không có đề cập đến an ninh quốc gia.

Trở lại trường hợp cuộc thẩm vấn của cơ quan an ninh đối với ông Nguyễn Anh Tuấn, khi được hỏi rằng liệu sắp tới đây việc sử dụng khái niệm an ninh quốc gia để buộc tội, hoặc gây trở ngại cho những nhà hoạt động bất đồng chính kiến sẽ giảm đi hay không? Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng trong tình hình nhiều bất ổn về xã hội hiện nay việc lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia sẽ tăng chứ không giảm.